23/02/2022 22:01 GMT+7 | Tin tức 24h
(Thethaovanhoa.vn) - Khi số ca F0 trên địa bàn Hà Nội liên tục tăng cao, tại cuộc họp trực tuyến với các quận, huyện, thị xã để triển khai quyết liệt hơn các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19 chiều 23/2, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, thành phố đã chuẩn bị 8.500 giường bệnh (thêm 1.655 giường cho nhi khoa và trẻ em) nhưng hiện vẫn còn 40% số giường chưa sử dụng.
Bên cạnh đó, các bệnh viện Trung ương cũng còn nhiều giường bệnh cho bệnh nhân COVID-19. Ngoài ra, thành phố có thể kích hoạt bệnh viện chuyên điều trị ngoại vi khi cần thiết.
Theo số liệu của Sở Y tế Hà Nội, số ca F0 ghi nhận từ 18 giờ ngày 22/2/2022 đến 18 giờ ngày 23/2/2022 trên địa bàn Hà Nội là 7.419 ca, trong đó có 2.492 ca tại cộng đồng; 4.927 ca đã cách ly. Bệnh nhân phân bố tại 521 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã.
Các quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Đông Anh có 468 ca, Hoàng Mai có 423 ca, Sóc Sơn có 386 ca, Bắc Từ Liêm có 324 ca, Nam Từ Liêm có 316 ca, Long Biên có 312 ca, Hoài Đức có 309 ca. Cộng dồn số mắc COVID-19 tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021 đến nay) là 221.274 ca.
Theo báo cáo của Sở Y tế, tuần qua, số ca mắc COVID-19 ở Hà Nội tăng cao và dự báo tiếp tục tăng trong các tuần tiếp theo.
Đáng lưu ý, trước số ca F0 tăng nhanh ở nhiều địa bàn, đặc biệt là những phường đông dân cư như phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) với dân số trên 90 nghìn người thì việc người dân tập trung đông người ở các điểm xét nghiệm COVID-19 của Trạm y tế phường tiềm ẩn nguy cơ lây chéo COVID-19.
Trong ngày 23/2, người đến xét nghiệm COVID-19 tại Trạm Y tế phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai ở nhiều khung giờ rất đông, đứng kín cả trong nhà lẫn ngoài sân, cả người đã âm tính và F0 đứng lẫn lộn xếp hàng dài ra tận ngoài cổng. Trong sân Trạm y tế kê hai bàn lấy mẫu xét nghiệm nhưng người dân đứng kín cả trong nhà lẫn ngoài sân, phải bám cả vào các bậu cửa rào để kê khai vì không có chỗ, có người chờ vài tiếng mới đến lượt được vào xét nghiệm.
Chị Đỗ Thái Hà cho biết, điện nhiều lần ra Trạm Y tế để khai báo y tế không có người nghe máy, chị phải ngày thứ 2 ra Trạm Y tế phường mới xin được xác nhận âm tính để đi làm vì lúc nào người chờ cũng quá đông. “Nhìn cảnh F0 với người đã âm tính đứng lẫn lộn tôi rất lo ngại. Cần phải quy định khu vực riêng xét nghiệm cho người đã âm tính để tránh lây chéo”, chị Thái Hà đề nghị.
Được biết, việc quá tải trong xét nghiệm COVID-19 tại địa bàn phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai những ngày gần đây là do nhiều người mắc COVID đã âm tính đến xin giấy xác nhận nhiễm COVID-19 để được hưởng trợ cấp ốm đau khi mắc COVID-19 điều trị tại nhà từ công ty và Bảo hiểm xã hội.
Trước tình trạng quá tải tại Trạm Y tế phường Hoàng Liệt như nêu ở trên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng yêu cầu các đơn vị phải chủ động có phương án tăng cường lực lượng cho các địa bàn "nóng".
Trong bối cảnh các ca mắc COVID-19 mới tiếp tục gia tăng, Hà Nội khẳng định sẵn sàng, chủ động ứng phó và yêu cầu tập trung nguồn lực, tiết giảm tối đa tỷ lệ chuyển tầng và tử vong, bỏ ngay tâm lý "ai rồi cũng là F0"...
Theo Sở Y tế Hà Nội, đến nay, dịch bệnh vẫn được kiểm soát nhờ tập trung vào tiêm chủng, quản lý và điều trị bệnh nhân; ứng dụng nền tảng công nghệ vào quản lý, theo dõi, chăm sóc điều trị bệnh nhân COVID-19 từ sớm, từ cơ sở…
Bên cạnh đó, thành phố tăng cường cho công tác điều trị, thực hiện trực 4 cấp với thời gian 24/24 giờ tại các bệnh viện, cơ sở thu dung để sẵn sàng thu nhận người bệnh khi chuyển tầng; tăng cường kết nối thông tin hỗ trợ và cấp phát thuốc kịp thời cho người dân. Việc tiêm vét vaccine cho người dân theo chỉ đạo của Thủ tướng được thực hiện hiệu quả, cơ bản hoàn thành… Kết quả đã khống chế tỷ lệ chuyển tầng ở mức 0,36%, tỷ lệ tử vong là 0,19%.
Nhận định tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, số ca mắc mới tăng nhanh (trung bình những ngày gần đây là 5.128 ca/ngày), đặc biệt đã có 4 trường hợp ở Bệnh viện Bạch Mai nhiễm chủng Omicron, cùng với đó là việc cho phép mở cửa các dịch vụ, du lịch, hàng không, thời tiết lạnh cũng mang lại nhiều thách thức, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng yêu cầu các đơn vị phải có thái độ bình tĩnh và tư tưởng thích ứng an toàn nhưng không chủ quan; vẫn kiên trì với quan điểm phân cấp đến các quận, huyện, thị xã và “4 tại chỗ”; tiếp tục tập trung nâng cao năng lực cho tuyến y tế cơ sở (tập trung quản lý F0 tại nhà; không để tình trạng F0 không có thông tin; đảm bảo các túi thuốc A, B, C; tăng cường tập huấn, hướng dẫn chủ động và nhuần nhuyễn; điều phối các lực lượng hiệu quả cao nhất... Hạn chế tối đa bệnh nhân chuyển tầng nặng, tử vong.
Tuyết Mai/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất