23/03/2022 15:58 GMT+7 | Tin tức 24h
(Thethaovanhoa.vn) - “Omicron tàng hình” (BA.2), một dòng phụ của biến thể Omicron, đang tạo ra một làn sóng lây nhiễm mới trên thế giới. Với tốc độ lây lan mạnh, dòng virus SARS-CoV-2 mới này đang khiến giới chức các nước lo ngại.
* Giải mã “Omicron tàng hình”
Vào cuối năm 2021, sự xuất hiện của biến thể Omicron đã khiến nhiều nước ghi nhận số ca nhiễm mới tăng chóng mặt. Hiện Omicron đang là biến thể chủ đạo lây lan tại nhiều quốc gia trên thế giới. Đáng lo ngại là hiện nay, một dòng phụ của Omicron là BA.2 đang nổi lên nhiều nước châu Âu, gây lo ngại về làn sóng dịch do biến thể Omicron có thể kéo dài. BA.2 còn được gọi là Omicron “tàng hình” vì đột biến gen khó phân biệt với biến thể Delta, so với bản gốc của Omicron là dòng BA.1.
“Omicron tàng hình” lần đầu được phát hiện ở Anh hồi tháng 12/2021. Giới nghiên cứu cho rằng đây là dòng virus corona lây lan nhất từ trước đến nay. Trong khi một số ý kiến cho rằng dịch bệnh đang gia tăng trở lại là do chính phủ các nước nới lỏng các biện pháp hạn chế quá vội vàng, thì giới chuyên gia dịch tễ học chỉ ra rằng dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron (“Omicron tàng hình”) đang chiếm ưu thế tại nhiều quốc gia.
Nếu như đầu tháng 2/2022, BA.2 mới chỉ chiếm 19% số trường hợp nhiễm ở Anh, thì đến nay BA.2 đã chiếm tới hơn một nửa tổng số ca mới tại nước này, trong khi nó cũng đã xuất hiện ở Đức, Trung Quốc và Ấn Độ. Tại Đan Mạch, nó đã gây ra làn sóng lây nhiễm mạnh trong tháng 2 vừa qua.
Còn tại Mỹ, theo các kết quả xét nghiệm sàng lọc COVID-19 trong hai tuần qua, biến thể phụ BA.2 đang tiếp tục lây lan mạnh tại Mỹ. Ước tính số ca nhiễm BA.2 chiếm 50-70% tổng số ca nhiễm trên cả nước. Số ca nhiễm dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron gây bệnh COVID-19 tại Mỹ đã tăng gấp đôi sau mỗi tuần trong tháng 2 và tháng 3.
Làn sóng dịch tăng mạnh tại Trung Quốc đại lục, Hong Kong (Trung Quốc) và Hàn Quốc những ngày qua cũng được cho là do cả biến thể Omicron (BA.1) lẫn Omicron tàng hình (BA.2).
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), BA.2 hiện được ghi nhận tại hơn 80 quốc gia trên thế giới. Trong một nghiên cứu được công bố ngày 15/2 của WHO cho thấy, BA.2 có khả năng lây lan cao hơn khoảng 30% so biến thể Omicron gốc. Nhưng chỉ một tuần sau đó, tổ chức này đã đính chính lại rằng, khả năng lây nhiễm của dòng này có thể lên tới 63%. Điều này giải thích về khả năng lây truyền và tránh được vaccine của biến thể mới.
Sở dĩ BA.2 được gọi là “biến thể tàng hình” là vì nó không chứa đột biến đặc trưng của biến chủng Omicron gốc nên cần phải xem xét kỹ càng kết quả xét nghiệm người nhiễm biến chủng này bằng phương pháp RT-PCR.
Theo các nhà khoa học, tương tự Omicron gốc, BA.2 có khả năng phá vỡ các kháng thể trong máu của những người đã được tiêm vaccine kháng Covid-19. Nó cũng có khả năng chống lại các kháng thể của những người đã bị nhiễm Covid-19 ở các chủng Alpha và Delta. BA.2 gần như kháng hoàn toàn với một số phương pháp điều trị bằng kháng thể đơn dòng.
Tuy nhiên, BA.2 khác với biến thể Omicron gốc (BA.1) khi có sự thay đổi về axit amin trong protein gai và các protein khác, khiến BA.2 có lợi thế tăng trưởng hơn BA.1 và không gây triệu chứng nghiêm trọng hơn, song lây nhanh hơn.
Đồng thời, các nhà khoa học cũng ghi nhận một số ca tái nhiễm BA.2 sau khi nhiễm BA.1, tức là mắc Omicron hai lần. Bằng chứng là các nhà nghiên cứu đã xem xét hơn 140.000 bộ gien được giải trình tự khi Omicron là biến thể chủ đạo (từ tháng 11/2021 đến giữa tháng 2/2022) để tìm người có kết quả xét nghiệm dương tính lại trong khoảng từ 20-60 ngày sau khi đã bình phục.
Kết quả là có tổng cộng 263 ca tái nhiễm, trong đó có 190 ca nhiễm “Omicron tàng hình”; 140 ca nhiễm “Omicron tàng hình” sau khi nhiễm Delta; 47 ca nhiễm dòng này sau khi nhiễm Omicron gốc. Hầu hết ca tái nhiễm đều có triệu chứng nhẹ, 28 người không biểu hiện triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, 5 người có triệu chứng vừa, giống bị cúm. Không có người nào phải nhập viện hay tử vong.
Trước sự lây lan nhanh chóng của “Omicron tàng hình”, WHO đã đề nghị các cơ quan y tế công cộng theo dõi BA.2 như một biến thể Omicron riêng biệt. WHO và Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật (CDC) Mỹ đã phân loại BA.2 là “biến thể đáng lo ngại”.
* Lo ngại về biến thể phụ BA.2
Trong bối cảnh nhiều nước dỡ bỏ các biện pháp hạn chế được áp đặt để phòng dịch COVID-19, giới chức y tế thế giới hiện đang chú ý nhiều đến biến thể phụ BA.2 của Omicron.
Tiến sĩ Fred Davis-Phó Chủ tịch Y khoa khẩn cấp tại mạng lưới Northwell Health trên đảo Long Island, New York (Mỹ)-cho biết đến nay chưa phát hiện biến thể phụ BA.2 gây bệnh nặng hơn hay gia tăng nguy cơ nhập viện.
Các triệu chứng nhiễm BA.2 giống như nhiễm biến thể Omicron, nhẹ hơn so với chủng virus ban đầu của SARS-CoV-2, bao gồm sốt, đau đầu, đau cơ trong vài ngày. Tương tự, các đánh giá ban đầu cho thấy vaccine ngừa COVID-19 cũng như các liều vaccine tăng cường chứng tỏ hiệu quả tới 77% trong việc ngăn ngừa bệnh nặng cần nhập viện.
Còn theo Tiến Sĩ Aaron E.Glatt, người phát ngôn Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm Mỹ, BA.2 có khả năng lây lan mạnh hơn nhưng không gây bệnh nghiêm trọng hơn BA.1. Ông cảnh báo những khu vực chưa ghi nhận nhiều ca nhiễm BA.1 có nguy cơ chứng kiến nhiều ca nhiễm BA.2 và gần như không ai tái nhiễm BA.1 hoặc BA.2.
Hiệp hội Y khoa Mỹ cũng cho biết biến thể phụ BA.2 được gọi là "Omicron tàng hình" vì không có các đột biến đặc trưng của Omicron và khó phân biệt được với biến thể Delta khi sử dụng xét nghiệm PCR.
Trong một báo cáo gần đây, WHO tuyên bố dữ liệu ban đầu cho thấy BA.2 dường như dễ lây lan hơn BA.1. Báo cáo của WHO cũng nêu rõ dữ liệu nghiên cứu sơ bộ trong phòng thí nghiệm của Nhật Bản sử dụng mẫu thí nghiệm động vật không có miễn dịch với SARS-CoV-2 cho thấy BA.2 có thể gây bệnh nặng hơn cho chuột hamster so với BA.1.
Tuy nhiên, báo cáo cho biết số liệu thực tế được thu thập tại Nam Phi, Đan Mạch và Vương quốc Anh, những nước có mức miễn dịch cao do tiêm chủng hoặc do nhiễm virus, cho thấy BA.2 và BA.1 được báo cáo là gây ra mức độ bệnh như nhau.
Trong bối cảnh biến thể “Omicron tàng hình” đang lây lan nhanh, giới chức WHO nhấn mạnh đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc và các nước vẫn phải thận trọng. Để phòng ngừa biến thể mới nhất, WHO cho rằng vaccine và việc tiêm mũi tăng cường vẫn là "tấm khiên" bảo vệ thế giới khỏi kịch bản tồi tệ.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân đi tiêm vaccine cũng như tiêm liều tăng cường, giúp ngăn ngừa bệnh chuyển nặng cũng như giảm tỷ lệ nhập viện.
Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Weill Cornell Medicine ở Qatar, Laith Abu-Raddad, và các đồng nghiệp đã thực hiện một nghiên cứu quy mô lớn dựa trên hồ sơ tiêm chủng và kết quả xét nghiệm virus SARS-CoV-2 thu thập từ hệ thống dữ liệu y tế của Qatar. Các nhà khoa học đã phát hiện rằng những người đã tiêm 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 công nghệ mRNA của hãng Pfizer/BioNTech hoặc Moderna có khả năng miễn dịch hiệu quả trước các triệu chứng do biến thể BA.1 hoặc BA.2 gây ra trong nhiều tháng.
Tuy nhiên, khả năng bảo vệ giảm xuống chỉ còn khoảng 10% sau 4-6 tháng. Theo nghiên cứu, khả năng miễn dịch trước BA.2 dường như không giảm nhanh hơn so với BA.1, và việc tiêm mũi tăng cường sẽ giúp tăng khả năng miễn dịch chống lại cả hai biến thể này trở lại mức 30-60%.
Giám đốc Viện Nghiên cứu IRCSS Galeazzi tại thành phố Milan (Italy), ông Fabrizio Pregliasco, ngày 21/3 cũng khẳng định biến thể mới Omicron 2 tuy dễ lây hơn biến thể Omicron gốc, song những người đã tiêm mũi vaccine thứ ba sẽ ít nguy cơ bị nặng.
Vì vậy, các nhà khoa học vẫn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm mũi tăng cường để nâng cao hiệu quả bảo vệ trước virus SARS-CoV-2, trong bối cảnh phiên bản BA.2 của Omicron đang dần trở thành biến thể lây nhiễm chủ yếu ở nhiều quốc gia.
Trọng Đức (tổng hợp)/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất