Tình trạng bạo lực trẻ em trong gia đình tại Việt Nam đang gia tăng

07/06/2020 11:36 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Bạo lực gia đình hiện không chỉ nhằm vào phụ nữ mà còn còn có cả trẻ em - những chủ nhân tương lai của đất nước. Các nghiên cứu và thực tế đã cho thấy, trẻ em chịu hoặc chứng kiến bạo lực gia đình sẽ không thể phát triển hài hòa cả về thể chất, tinh thần và nhân cách như những đứa trẻ bình thường khác...

Bảo vệ trẻ em vượt qua cuộc khủng hoảng COVID-19

Bảo vệ trẻ em vượt qua cuộc khủng hoảng COVID-19

“Trẻ em mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 có thể ít nghiêm trọng hơn so với người lớn, song virus SARS-CoV-2 đang ảnh hưởng tới chúng em theo cách này hay cách khác”. Đây là những suy nghĩ mà các em nhỏ đã chia sẻ trong một cuộc khảo sát về sự hiểu biết của trẻ em đối với đại dịch COVID-19.

* Gia tăng bạo lực với trẻ em, phụ nữ 

Trong những năm gần đây, tình trạng bạo lực trẻ em trong gia đình ngày một gia tăng cả về số lượng lẫn mức độ. Nguyên nhân trước hết phải kể đến nhận thức của gia đình, cộng đồng về vấn đề bảo vệ trẻ em chưa đầy đủ và phần nào bị xem nhẹ. Thói quen, phong tục, tập quán khiến nhiều người coi chuyện đánh con là “bình thường”. Sự dồn nén tâm lý của một người hoặc vì các chất kích thích, những khó khăn về kinh tế… đều có thể là nguyên nhân dẫn đến bạo hành trẻ em.

Thời gian phải giãn cách xã hội do dịch COVID-19 vừa qua là minh chứng rõ nhất cho thấy sự hạn chế di chuyển, cách ly xã hội và các biện pháp cách ly khác, kèm theo áp lực về xã hội, kinh tế hiện hữu, có phần gia tăng ở các gia đình đã làm tăng bạo lực gia đình, đặc biệt ở trẻ em và phụ nữ.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa (Internet)

Bà Dương Thị Ngọc Linh, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) cho biết, ngày 1/4, cả nước bắt đầu thực hiện cách ly xã hội, đến ngày 3/4, nhân viên của Trung tâm Phụ nữ và Phát triển đã phải hỗ trợ khẩn cấp, giải cứu 3 mẹ con bị bạo lực gia đình đến Ngôi nhà bình yên (nơi trợ giúp phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của bạo lực…).

Trong thời gian giãn cách xã hội, Tổng đài ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới - 1900969680 đã tiếp nhận 347 cuộc gọi của những người phụ nữ cần hỗ trợ, tăng 7 lần so với cùng kỳ năm 2019. Công tác phối hợp với các cơ quan, chính quyền địa phương để tham vấn, tư vấn và giải quyết khẩn cấp cho các trường hợp phụ nữ cần hỗ trợ về bạo lực cũng tăng lên 40% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 30 trường hợp giải cứu khẩn cấp. Phòng Tham vấn của Trung tâm Phụ nữ và Phát triển có 511 người đến tham vấn trực tiếp, tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, số phụ nữ đến các Ngôi nhà bình yên ở Hà Nội và Cần Thơ trong thời gian này là 72 người tăng 80% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, chỉ tính riêng trong tháng 4/2020 (thời gian thực hiện giãn cách xã hội), Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã tiếp nhận 750 cuộc gọi đề nghị trợ giúp, trong đó hơn 200 cuộc cần sự can thiệp về bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em và những vấn đề liên quan đến sang chấn tâm lý. 

Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc UNICEF, ở nhiều quốc gia trên thế giới, bạo lực gia đình cũng tăng từ 30% - 300%.

* Ảnh hưởng thể chất, nhân cách và trí tuệ của trẻ

Bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam cho rằng, bạo lực trong gia đình là sự vi phạm đến nhân quyền của con người. Bạo lực khiến phụ nữ cảm thấy tự ti, rụt rè, trốn tránh xã hội…, gây ảnh hưởng lâu dài đến tâm lý của họ. Trẻ em thường bị bạo lực hoặc chứng kiến bạo lực sẽ phát sinh những vấn đề về hành vi, cảm xúc; ảnh hưởng tiêu cực đến việc phát triển nhân cách; kỹ năng xã hội hạn chế khi trưởng thành; có xu hướng gặp phải lo âu, trầm cảm khi trưởng thành cao hơn những đứa trẻ bình thường khác.

Bà Rana Flowers  dẫn chứng, từ thiết bị Scan MRI (quét não bộ) đo chỉ số IQ - thông minh của trẻ em cho thấy, nếu trẻ em bị xâm hại, bạo lực hay là nhân chứng của những hành động này trong 3 năm đầu đời, hàm lượng chất xám bị giảm đi đáng kế. Đặc biệt, khi trẻ em là nhân chứng và lớn lên trong môi trường bạo lực sẽ bị ảnh hưởng đến ADN  và có xu hướng tiếp tục gây ảnh hưởng cho những thế hệ sau trong tương lai.

"Do đó, nếu ai biết một đứa trẻ bị lạm dụng, hoặc nghi ngờ có người đang lợi dụng trẻ em  cần phải tìm cách giúp đỡ ngay lập tức. Không thể để cho các em chịu và chứng kiến bạo lực mà cần đưa những vấn đề này ra ánh sáng, bà Rana Flowers nhấn mạnh.

Theo nhiều nghiên cứu trên thế giới và Việt Nam, bạo lực trẻ em trong gia đình ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình phát triển thể chất và trí tuệ đối với trẻ. Khi chứng kiến bạo lực gia đình, trẻ sẽ trong tình trạng luôn căng thẳng, sợ hại, tâm lý tiêu cực, thiếu tập trung. Nhiều trẻ không có khả năng chơi tích cực, lẩn tránh các mối quan hệ với các bạn, sống khép kín. Có những trẻ lại theo chiều hướng thích gây rối, bỏ học, phạm tội, uống rượu, hút thuốc lá và nghiện ma túy; thậm chí học theo hành vi của người lớn, tiến hành bạo lực với người khác. Trẻ bị bạo hành hoặc chứng kiến bạo lực gia đình thường có xu hướng thiếu tin tưởng vào người lớn; có em bỏ nhà ra đi; chán nản, có ý nghĩ tự tử thậm chí có em đã tự tử...

Một đứa trẻ bị lạm dụng sẽ sống trong nỗi sợ hãi và đau đớn liên tục trong thời gian rất dài. Vết thương trên thân xác có thể được chữa lành, nhưng vết thương tâm hồn sẽ dai dẳng, kéo dài suốt cuộc đời các em. Trẻ em là nhân chứng thường xuyên của bạo lực, sẽ có những ảnh hưởng sâu xa trong tiềm thức, điều này khiến đứa trẻ dễ học theo và trở thành một người bạo lực hoặc nạn nhân của bạo lực trong tương lai; vòng luẩn quẩn bạo lực từ đó cứ tiếp tục diễn ra và khó chấm dứt.

* Chung tay giảm thiểu bạo lực trẻ em

Bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam cho rằng, trong tương lai cần trao quyền cho phụ nữ và trẻ em lên tiếng và trình báo về bạo lực gia đình; khi nhận được trình báo các cơ quan, đơn vị phải cam kết hành động để chấm dứt bạo lực trong tương lai. Bên cạnh đó, cần tăng chế tài xử phạt đối với các hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em; nâng cao nhận thức về bạo lực giới cho nam giới; huy động sự phối hợp tổng lực của các bên liên quan (Chính phủ, các bộ ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị, tổ chức xã hội…), đặc biệt, chính quyền địa phương cần tăng cường trách nhiệm hơn nữa trong việc bảo vệ trẻ em;  cần có ngân sách và nguồn nhân lực bài bản để xây dựng hệ thống bảo vệ phụ nữ và trẻ em hiệu quả…

Xâm hại và bạo lực không chỉ ảnh hưởng tới thể chất đơn thuần mà còn ảnh hưởng tới tri thức, sự phát triển và nhận thức của trẻ làm ảnh hưởng tới nguồn vốn nhân lực trong tương lai, tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia… Do đó, xã hội phải ngăn chặn bạo lực trong gia đình, tại trường học, nơi công cộng và nơi làm việc trước khi xảy ra; thay đổi những định kiến về giới, để mỗi cá nhân trong cộng đồng, đặc biệt là nam giới và trẻ em trai trở thành những tác nhân thay đổi trong nhận thức về bình đẳng giới; thường xuyên đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Trẻ em, Luật Phòng chống bạo lực gia đình nhằm thay đổi nhận thức, hành động và trách nhiệm về thực hiện bình đẳng giới ở các cấp, các ngành và trong các tầng lớp nhân dân…

Bên cạnh đó, nâng cao tiếng nói của phụ nữ và trẻ em, đặc biệt lắng nghe ý kiến đóng góp của trẻ; coi trẻ như những người tham gia tích cực với đầy đủ quyền cũng là hoạt động có vai trò quan trọng trong việc tạo ra một thế giới mà trong đó trẻ em không bị bạo lực.

Bà Dương Thị Ngọc Linh, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển cho rằng nên có một trung tâm hỗ trợ liên ngành bao gồm tất cả các dịch vụ pháp lý, y tế, giáo dục, công an… để khi phụ nữ, trẻ em cần hỗ trợ đến đó sẽ có được sự hỗ trợ của tất cả các ngành. Hiện Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đang xây dựng đề án về một trung tâm như vậy để trình và thí điểm trong năm 2020.

Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Vũ Thị Kim Hoa cho biết, trong thời gian tới, Cục sẽ tiếp tục triển khai các chương trình, kế hoạch liên quan đến vấn đề phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em; phòng chống tai nạn thương tích; kế hoạch hành động quốc gia về phòng chống xâm hại trẻ em; phối hợp với các tổ chức đánh giá tác động của đại dịch COVID-19 để có những đề xuất chính sách đảm bảo an toàn cho trẻ em trong thời gian tới.

Minh Huệ - TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link