TP HCM chuẩn bị 4 nội dung ứng phó với biến chủng Omicron

29/11/2021 21:50 GMT+7 | Tin tức 24h

(Thethaovanhoa.vn) - Ứng phó với biến chủng COVID-19 mới, tình hình phạm pháp hình sự, hỗ trợ người lao động,… là các nội dung nổi bật được đưa ra tại cuộc họp định kỳ về tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 29/11.

Thành phố Hồ Chí Minh bổ sung thêm 33 trạm y tế lưu động

Thành phố Hồ Chí Minh bổ sung thêm 33 trạm y tế lưu động

Ngày 9/11, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh vừa có văn bản khẩn gửi đến 4 quận, huyện có số ca mắc COVID-19 tăng cần khẩn trương bổ sung các trạm y tế lưu động chăm sóc F0 cách ly tại nhà.

Chưa có tài liệu chính thức về độ lây nhiễm của biến chủng

Theo ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh, số ca mắc, tử vong trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn cao. Trong đó, số ca nhập viện luôn cao hơn số ca xuất viện. Bên cạnh đó, biến chủng mới Omicron cũng gây tâm lý lo lắng.

Do đó, Thành phố đã chuẩn bị 4 nội dung để ứng phó với biến chủng Omicron. Thành phố đề nghị người dân không hoang mang nhưng không chủ quan, lơ là và phải thực hiện quy định của ngành y tế, đặc biệt là quy tắc 5K; cố gắng thay đổi nhiều nhất, nhanh nhất về những thói quen, sở thích của mình; đeo khẩu trang, khử khuẩn thường xuyên hơn, giảm thói quen tụ tập, la cà; hạn chế ngồi với khoảng cách gần bởi đây là những yếu tố dẫn đến nguy cơ ca mắc mới cao, khiến nguy cơ tử vong cao.

Chú thích ảnh
Lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc trong cộng đồng. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh đã giao Sở Y tế thường xuyên theo dõi việc thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế về biến chủng này. Đồng thời, Sở cần chuẩn bị các kịch bản cụ thể như chăm sóc F0, xây dựng trạm y tế lưu động, củng cố trạm y tế phường, xã; tăng cường vaccine phòng COVID-19. Cuối cùng, Thành phố tăng sự phối hợp chặt chẽ, bài bản hơn trên 3 khía cạnh: Y tế công và tư; Đông y và tây y; quân y và dân y.

Về biến chủng mới, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh dẫn lại thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cho rằng chưa rõ liệu Omicron có khả năng lây truyền cao hơn các biến chủng khác hay không. Hiện WHO cũng chưa có câu trả lời chính xác những người mắc chủng Omicron có tình trạng bệnh nặng hơn so với khi nhiễm chủng khác hay không, bao gồm cả Delta. Dữ liệu sơ bộ cho thấy tỉ lệ nhập viện ngày càng tăng ở Nam Phi, nhưng điều này có thể là do tổng số người bị nhiễm bệnh ngày càng tăng, không hẳn xuất phát từ biến chủng Omicron. Các trường hợp mắc Omicron được báo cáo ban đầu là sinh viên đại học. Họ là người trẻ nên xu hướng mắc bệnh có thể nhẹ hơn, song, việc biểu hiện mức độ nghiêm trọng của bệnh khi nhiễm Omicron có thể sẽ mất vài ngày đến vài tuần.

968 nhân viên y tế nghỉ việc trong 10 tháng của năm 2021

Về kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3 cho người dân, theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, đơn vị đã có công văn gửi Bộ Y tế về việc này. Theo đó, nhà nước rất quan tâm việc tiêm vaccine mũi 3 nhưng thời điểm hiện tại sẽ tập trung tiêm hết cho nhóm chưa được tiêm mũi 2, cụ thể là các em từ 12 đến 17 tuổi.

Theo chỉ đạo của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh, ngành y tế đi từng ngõ, gõ từng nhà để hỗ trợ, thuyết phục vận động người dân chưa tiêm vaccine đi tiêm nốt để đạt độ bao phủ tốt nhất.

Liên quan đến vấn đề bệnh viện thành phố hiện có đang quá tải hay không, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, số nhập viện ở tầng 2, 3 đang thấp hơn tổng số giường hiện có. Thành phố đang cố gắng để không để tình trạng quá tải xảy ra. Trong thời gian qua, Thành phố đã có nhiều biện pháp hỗ trợ, can thiệp để chăm sóc F0 tốt, giảm tỷ lệ tử vong.

Về tình hình nghỉ việc của nhân viên y tế, theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, trong năm 2020 có 597 nhân viên y tế xin nghỉ việc. Riêng 10 tháng của năm 2021, số người nghỉ việc là 968 trường hợp. Dựa trên đơn thư, các trường hợp nghỉ do hoàn cảnh gia đình hoặc yếu tố cá nhân. Số nhân viên nghỉ việc có sự tăng nhẹ ở khu vực điều dưỡng, bác sĩ và một số ở trạm y tế.

Chú thích ảnh
Các y, bác sỹ Bệnh viện hồi sức COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh chuẩn bị các liều lượng thuốc để điều trị tích cực bệnh nhân COVID-19 nặng. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN

Cần 33.000-42.000 lao động phổ thông

Về hỗ trợ người lao động, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tính đến nay, số lao động quay trở lại thành phố làm việc là 39.752 người, trong đó số người từ các tỉnh Tây Nam Bộ là hơn 16.500, Tây Nguyên là 478 và Đông Nam Bộ là hơn 22.700.

Thành phố Hồ Chí Minh có 127 trung tâm, doanh nghiệp giới thiệu việc làm. Hai đơn vị nòng cốt là Trung tâm dịch vụ việc làm Thành phố Hồ Chí Minh và Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên đã tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm để kết nối người lao động và người sử dụng lao động.

Từ ngày 1/10 tới nay, hai trung tâm này đã tư vấn cho hơn 63.000 lượt người và giới thiệu 26.543 người. Các lĩnh vực thu hút lao động là dịch vụ thương mại, sản xuất chế tạo (da dày, lắp ráp thiết bị điện tử…). Dự kiến, nhu cầu từ nay đến cuối năm gia tăng do các doanh nghiệp chuẩn bị để giao hàng cho đối tác vào cuối năm.

Theo ông Nguyễn Văn Lâm, nhu cầu Thành phố cần 33.000-42.000 lao động, chủ yếu là lao động phổ thông. Trong đó, 70% nhu cầu liên quan các ngành như may mặc, giày da, cơ điện điện tử, chế biến và các ngành thương mại, dịch vụ khác.

9 nhóm giải pháp khắc phục tình trạng phạm pháp hình sự

Về tình hình phạm pháp hình sự, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, theo thống kê của Công an Thành phố, từ ngày 1/10 đến ngày 28/11, trên địa bàn thành phố xảy ra 544 vụ phạm pháp hình sự. So với cùng kỳ giảm 283 vụ, tương ứng 34,05%; so với thời gian liền kề tăng 272 vụ tương ứng 98,55%. Riêng án trộm cắp tài sản xảy ra 233 vụ, trong đó, trộm cắp môtô, xe gắn máy là 156 vụ, chiếm 56,75%.

“Như vậy, cứ 3 vụ trộm cắp tài sản có 2 vụ trộm cắp xe gắn máy. Do đó, số vụ trộm cắp tài sản giảm so với cùng kỳ nhưng lại tăng so với khoảng thời gian liền kề trước đó”, ông Lê Mạnh Hà nói.

Do đó, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã đề ra 9 nhóm giải pháp để khắc phục tình trạng này, trong đó có kiện toàn, nâng cao toàn diện chất lượng hiệu quả hoạt động của công an xã, phường, thị trấn; Điều chỉnh bố trí lực lượng, phối hợp với lực lượng tuần tra, kiểm soát, mật phục và triển khai giải pháp hệ thống kỹ thuật như camera giám sát. Ngoài ra, Công an Thành phố còn phát động triển khai đợt cao điểm trấn áp tội phạm; tăng cường kiểm tra quản lý cơ sở kinh doanh có điều kiện, xử lý nghiêm đối tượng tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có; xử lý nghiêm băng nhóm trộm cắp tài sản.

Thu Hương/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link