Xét xử vụ buôn bán thuốc giả: Nguyên Thứ trưởng Trương Quốc Cường thừa nhận sai phạm khi ban hành văn bản

16/05/2022 20:22 GMT+7 | Tin tức 24h

Ngày 16/5, phiên tòa xét xử nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường và các đồng phạm trong vụ án buôn bán thuốc giả tiếp tục với phần tranh luận. Các luật sư bào chữa, các bị cáo đã đưa ra nhiều luận điểm, luận cứ, phân tích các góc độ hành vi trong vụ án nhằm giảm nhẹ mức độ hành vi vi phạm cho các bị cáo.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường bị đề nghị từ 7-8 năm tù

Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường bị đề nghị từ 7-8 năm tù

Chiều 14/5, tại phiên tòa xét xử nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường và đồng phạm buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, đại diện Viện Kiểm sát đã trình bày bản luận tội và đề nghị mức án đối với từng bị cáo.

Tự bào chữa trước Tòa, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường thừa nhận đã sai phạm khi ký ban hành Công văn số 5249/QLD-ĐK ngày 25/5/2009 về việc Hướng dẫn một số yêu cầu về hồ sơ pháp lý trong hồ sơ đăng ký thuốc nước ngoài. Việc các cán bộ Cục Quản lý Dược thực hiện theo Công văn số 5249 đã dẫn đến việc 7 loại thuốc xin cấp số đăng ký (do Công ty Codupha và Công ty Vimedimex (con) đứng tên đăng ký) không được hợp pháp hóa lãnh sự, trái với quy định tại Điều 26 Pháp lệnh về Lãnh sự ngày 13/11/1990 và Điều 3 Thông tư số 01/1999/TT-NG ngày 3/6/1999 của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao quy định thể lệ hợp pháp hóa giấy tờ, tài liệu. Bị cáo Cường thừa nhận, đây là nguyên nhân sau cùng dẫn đến những sai phạm trong vụ án này.

Chú thích ảnh
Bị cáo Trương Quốc Cường trả lời câu hỏi của Hội đồng xét xử. Ảnh: An Đăng - TTXVN

Cáo trạng xác định, bị cáo Trương Quốc Cường là người ký ban hành Công văn 5249. Tuy nhiên, bị cáo Cường đã không phát hiện được những sai phạm trong biên bản thẩm định khi được Chủ tịch Hội đồng ủy quyền chủ trì xét duyệt 5 thuốc: Extrafovir; Kaderox-250; Kafotax-1000; MGP Axinex-1000 và MGP Mosinase-625; hoặc tham gia với tư cách là Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng xét duyệt 2 thuốc H2K Ciprofloxacin và H2K Levofloxacin; không kiểm tra, kiểm soát kỹ danh mục thuốc đã được xét duyệt trước khi trình lãnh đạo Bộ xem xét và trước khi ký quyết định cấp số đăng ký nên không phát hiện ra hồ sơ các thuốc mang nhãn mác Health 2000 Canada không đủ điều kiện cấp số đăng ký. Hậu quả xảy ra là 7 hồ sơ thuốc giả nhãn mác Health 2000 Canada được xét duyệt, cấp số đăng ký để 6/7 loại thuốc trên nhập khẩu vào Việt Nam điều trị cho người bệnh.

Trình bày tại Tòa, các luật sư bào chữa cho bị cáo Trương Quốc Cường cho rằng quá trình điều tra và tại tòa, bị cáo Cường luôn hợp tác, tác thành khẩn khai báo, bày tỏ sự đau lòng khi xảy ra vụ việc. Bị cáo Cường rất áy náy nên đã tự nguyện nộp số tiền khắc phục hậu quả hơn 1,8 tỷ đồng. Các luật sư đề nghị Hội đồng xét xử xem xét cho bị Cường được hưởng khoan hồng của pháp luật.

Bào chữa cho bị cáo Phạm Hồng Châu (nguyên Trưởng phòng Đăng ký thuốc, Cục Quản lý Dược Bộ Y tế), luật sư Trần Hồng Phúc cho rằng, bị cáo Châu không chỉ đạo các nhân viên dưới quyền thẩm định sớm hồ sơ xin cấp số đăng ký cho 2 thuốc H2K Levofloxacin và H2K Ciprofloxacin mang nhãn mác Health 2000 Canada do Công ty Vimedimex (con) đứng tên đăng ký.

Chú thích ảnh
Đại diện Viện kiểm sát công bố cáo trạng tại phiên tòa. Ảnh: An Đăng - TTXVN

Theo luật sư Phúc, bị cáo Châu có bút phê vào công văn Công văn số 12 xin thẩm định sớm hồ sơ xin cấp số đăng ký của Công ty Vimedimex (con) trong đó có ghi: “Kính chuyển anh Ngọc Anh phối hợp chị Dương nghiên cứu giải quyết theo chủ trương chung". Tại Cơ quan điều tra, cũng như tại phiên tòa, ông Nguyễn Ngọc Anh và bà Vũ Bạch Dương (chuyên viên thuộc Phòng Đăng ký thuốc, Cục Quản lý Dược) đều khai: Việc đưa hồ sơ 2 thuốc trên ra thẩm định sớm là thực hiện ý kiến chỉ đạo của bị cáo Phạm Hồng Châu. Nội dung bút phê của bị cáo Châu tại Công văn số 12 được hiểu là ông Ngọc Anh và bà Dương phải đưa hồ sơ 2 thuốc nói trên ra thẩm định sớm theo đề nghị của Công ty Vimedimex (nội dung “thực hiện theo chủ trương” có nghĩa là đưa hồ sơ ra thẩm định sớm đã được bị cáo Châu đã trao đổi, giải thích từ trước).

Luật sư Phúc cho rằng, việc thẩm định sớm là do 2 chuyên viên Ngọc Anh và Dương tự hiểu, chứ bị cáo Châu không chỉ đạo thẩm định sớm. Chủ trương chung mà bị cáo Châu nhắc đến trong bút phê là rất nhiều chủ trương chung của Cục Quản lý Dược liên quan đến việc xử lý thuốc để đưa ra thị trường. Hơn nữa, Cục Quản lý Dược cũng có chủ trương cho thẩm định sớm. Hậu quả việc cấp số đăng ký thuốc không đến từ việc thẩm định sớm hay muộn.

Theo cáo trạng, qua kiểm tra đã xác định: Bộ Y tế và Cục Quản lý Dược không có chủ trương hay quy định nào cho phép bộ phận thường trực đăng ký thuốc, Phòng Đăng ký thuốc được ưu tiên đưa hồ sơ đăng ký thuốc của doanh nghiệp ra thẩm định sớm, trừ trường hợp có dịch bệnh sẽ có quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Trong vụ án này, bị cáo Trương Quốc Cường bị đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt mức án từ 7 - 8 năm tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và bị cáo Phạm Hồng Châu bị đề nghị mức án từ 7 – 8 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Sáng 17/5, phiên tòa tiếp tục với phần đối đáp của đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại Tòa.

Kim Anh/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link