Tính cách Hà Nội

15/07/2012 15:36 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Từ rất lâu, người Tràng An – Hà Nội được coi là một tính cách đặc trưng cho sự thanh lịch và cẩn trọng. Tính cách ấy có lẽ cũng từ lâu là quá khứ, bởi con người Hà Nội ngày nay hoàn toàn khác, cũng như không còn mấy người Hà Nội gốc.

1. Hà Nội không phải là một thành phố ổn định, mà là một thành phố liên tục thay đổi, nếu nói hay ho là phát triển và còn thay đổi trong hàng chục năm tới. Nó là sự cộng sinh của các tính cách địa phương.

Khái niệm thành phố ở phương Tây gắn bó với các ý nghĩa văn minh và công dân, bắt đầu từ các thành bang Hy Lạp và các thành phố La Mã từ vài trăm năm trước Công nguyên. Thành phố ở VN hay ở phương Đông nói chung không mang những ý nghĩa như thế.


Một gia đình khá giả Hà Nội thưởng lãm cây cảnh. Ảnh đầu TK 20.

Ở VN văn minh nằm trong các làng xã, còn con người công dân cho đến tận bây giờ cũng rất yếu. Thành phố được gọi là thành thị thì đúng hơn, tức là một cái thành trì phong kiến nằm bên một cái chợ. Cái chợ này mang tính toàn quốc, là tập trung của hình ảnh cái chợ từ chợ làng, chợ tổng, chợ huyện và chợ tỉnh, mà lại rất yếu về kinh tế thị trường trong quá khứ.

Cái chợ Hà Nội là tổng thể của các làng nghề tách ra từ các tỉnh địa phương lên thành phố vừa sản xuất vừa buôn bán cố định, hình thành các phường thợ, một hình thức liên kết kinh doanh lỏng lẻo.

Tính cách người Kẻ Chợ hình thành từ đó, thoạt tiên lấy chữ Tín làm căn bản, nghĩa là vay, mượn và cho vay, chất lượng hàng được đảm bảo bởi uy tín của gia chủ, không lấy việc làm giầu làm mục đích. Thị dân Kẻ Chợ tích lũy vốn bằng làm ăn chăm chỉ, không có bóc lột công nhân, không trở thành các tư bản nhà nước.

Kề theo đó là tính cách cẩn thận trong tay nghề để tạo ra các sản phẩm chất lượng hàng trăm năm không thay đổi. Cẩn thận và giữ chữ Tín là hai tính cách căn bản hình thành trong khoảng 500 năm của dân Kẻ Chợ từ sau cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, năm 1427, khi Hà Nội được coi là Đông Đô – kinh đô của nhà Lê sơ.

Trải qua những cuộc biến động như sự di dân Hoa kiều vào VN sau năm 1644, cuộc tạo phản của nhà Mạc và trung hưng nhà Lê thế kỷ 16, Trịnh – Nguyễn phân tranh trong thế kỷ 17, Kiêu binh biến loạn thế kỷ và cuộc tấn công của Tây Sơn, cũng như cuộc chiến đánh quân Thanh thế kỷ 18..., tính cách Kẻ Chợ dường như không thay đổi và nó càng được củng cố thêm trong thời Nguyễn khi chỉ là Bắc thành mà mất vai trò Kinh kỳ. Từ hai tính cách đó, nhiều tính cách khác nảy sinh, đó là sự khó tính trong sinh hoạt, sự lễ nghĩa trong ứng xử, sự khinh mạn bên trong khi tiếp xúc với người nhà quê... và rồi pha trộn đôi chút tính phù phiếm, tính giảo hoạt và tính kênh kiệu, khách sáo, dần trở thành chút đạo đức giả.



Cánh cổng ngăn cách giữa hai phường trong khu phố Kẻ Chợ, Hà Nội. Tranh khắc kim loại Pháp đầu TK 20. Nguồn: NXB Thế giới.

2. Chúng ta nên nhớ rằng trước khi Pháp chiếm Hà Nội, các phường thợ Kẻ Chợ đa phần vẫn dựng bằng tre nứa gỗ lá. Con người sống trong căn nhà lá thường là nghèo và chất phác, dù tham gia kinh doanh.

Chuyển từ nhà lá lên nhà gạch xây một tầng rưỡi kiểu mái thu hồi, như trong tranh của Bùi Xuân Phái, người Kẻ Chợ chính thức trở thành người Thăng Long đô thị. Đình đền chùa của phường thợ cũng khang trang hơn, đồ đạc nội thất cũng được làm cầu kỳ hơn bằng gỗ tốt, kim loại, đá quý, thậm chí còn đặt mua đồ từ Paris, các bà các cô ăn mặc cũng tân thời và đúng mốt hơn.

Năm 1930, khi chiếc áo dài tân thời được họa sĩ Cát Tường và Lê Phổ thiết kế từ chiếc áo tứ thân truyền thống, người Hà Nội chính thức trở thành thị dân tiểu tư sản. Và họ bắt đầu có những tính cách của trí thức và thị dân phương Tây đương đại. Cả nam lẫn nữ đều được đi học trường Tây, nói tiếng Pháp và cả tiếng Anh, đọc tiểu thuyết, mua tranh của danh họa, nghe ca kịch và giao hưởng, buôn bán được mở rộng đến tận Sài Gòn, Phnompenh, Viên Chăn, hàng hóa đem sang chợ đấu xảo ở Paris... thậm chí còn cạnh tranh với các nhà buôn phương Tây ở VN.

Song về bản chất thị dân Hà Nội là những người thích yên trí với cửa hiệu nhỏ số vốn ít của mình, không thích thay đổi, không thích mở rộng, không thích nhà quá to, không thích phát minh sáng tạo, sợ đầu tư vào thị trường lớn và mong muốn con cái trở thành trí thức, thoát khỏi làng nghề. Đặc tính này làm cho thị dân Hà Nội hoàn toàn bị đè bẹp qua những cuộc cải cách công thương nghiệp, bị lụi tàn trong nền kinh tế bao cấp, và cuối cùng trong nền kinh tế thị trường họ hoàn toàn rút lui trước những người địa phương ào vào chiếm thị trường Hà Nội.

Về bản chất thị dân Hà Nội là những người thích yên trí với cửa hiệu nhỏ số vốn ít của mình, sợ đầu tư vào thị trường lớn và mong muốn con cái trở thành trí thức, thoát khỏi làng nghề.


            (Xem tiếp kỳ 2 trên TT&VH số Chủ Nhật tuần tới)

Phan Cẩm Thượng



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link