Tình cảnh phụ nữ Afghanistan: Phải tổ chức lớp học tại nhà, quy định trang phục hà khắc, công viên cũng không được 'bén mảng'

15/02/2023 15:18 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247

Không được đi học, trang phục khắt khe, bị cấm tới công viên... đó là những gì đang xảy ra với phụ nữ Afghanistan.

Vào một đêm muộn tháng 12/2022 ở Kabul (Afghanistan), Sabra nhận được một tin nhắn sẽ mãi mãi thay đổi cuộc đời cô. Đó là thông tin về việc Taliban cấm phụ nữ học đại học. Sabra đang ở trước ngưỡng cửa quyết định, khi cô sinh viên năm 4 ngành y khoa này chỉ còn 1 năm nữa là sẽ nhận được bằng tốt nghiệp.

Đồng tâm trạng với Sabra, nhiều nữ sinh khác khắp đất nước không khỏi bàng hoàng trước lệnh cấm này. Trước đó, vào ngày 20/12/2022, Bộ giáo dục đại học Afghanistan gửi một lá thư đến tất cả các trường đại học công lập cũng như tư thục, ra lệnh cấm phụ nữ được hưởng giáo dục bậc đại học vô thời hạn. Trước đó vào hồi tháng 9/2021, Taliban cũng đã cấm trẻ em gái theo học bậc trung học.

"Tưởng tượng một xã hội mà đối với phụ nữ, giáo dục là cửa sổ cơ hội cho phát triển, tự do, thịnh vượng mà cửa sổ đó lại bị đóng lại vào lúc này" - đó là nhận xét của Adela Raz, cựu Đại sứ Afghanistan tại Mỹ, hiện đang làm giám đốc Phòng thí nghiệm chính sách Afghanistan tại Đại học Princeton.

Tình cảnh phụ nữ Afghanistan: Phải tổ chức lớp học tại nhà, quy định trang phục hà khắc, công viên cũng không được 'bén mảng' - Ảnh 1.

Cựu Đại sứ Afghanistan tại Hoa Kỳ, bà Adela Raz.

Bà Adela hiện đang có liên hệ chặt chẽ với phụ nữ tại quê nhà. Hôm 10/2, Adela xuất hiện trên chương trình UpFront của Al Jazeera để thảo luận về cuộc sống hiện tại của phụ nữ Afghanistan.

Phái bộ hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Afghanistan (UNAMA) cho biết hơn một triệu phụ nữ tuổi vị thành niên đã bị ảnh hưởng bởi quyết định hạn chế giáo dục của Taliban từ năm 2021.

Markus Potzel, đại diện của UNAMA, cho biết trong một tuyên bố hồi tháng 9/2022: "Nó gây tổn hại sâu sắc cho một thế hệ trẻ em gái và tương lai của chính Afghanistan".

Nhưng hy vọng vẫn chưa tắt hết. Một phụ nữ Afghanistan đã thề sẽ tạo ra thay đổi trong cuộc sống của các bé gái và phụ nữ ở quê hương cô sau khi cô hoàn thành bằng tiến sĩ ở Thổ Nhĩ Kỳ. 

Năm 2017, Manizha Bahra, 27 tuổi, nhận bằng thạc sĩ khoa học xã hội tại một trường đại học Thổ Nhĩ Kỳ. Cô hiện đang theo đuổi bằng tiến sĩ.

"Sau khi học xong, tôi sẽ trở lại và dạy các cô gái ở trình độ học vấn cao. Nếu tôi ở lại Thổ Nhĩ Kỳ, tôi có thể có một cuộc sống đàng hoàng, nhưng tôi quyết tâm trở về đất nước của mình và cống hiến hết mình cho một nửa dân số Afghanistan", cô nói.

Bahra cho biết mọi cô gái Afghanistan đều có tài năng và năng lực, và nếu có cơ hội, tất cả các cô gái đều có thể theo học bậc cao hơn: "Mọi cô gái Afghanistan đều có thể trở thành một bác sĩ, kỹ sư, nhà kinh tế học, nhà nhân chủng học hay luật sư thành công, nhưng thật không may, họ đã không được trao cơ hội".

Một điều đặc biệt là hạn chế giáo dục lại khiến phái nữ còn chăm chỉ học tập hơn. Bahra cho biết, những thách thức hiện tại đã khiến họ càng quyết tâm cố gắng hơn nữa và xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho chính mình.

Những lớp học tại nhà

Bahra nói rằng tất cả phụ nữ Afghanistan có học thức nên hướng tới việc hỗ trợ các bé gái không được đến trường và tổ chức các lớp học tại nhà cho trẻ em gái trong khu phố của họ. Có như vậy, không ai sẽ bị bỏ lại phía sau.

Siddiqa Ghulami, một giáo viên ở thành phố Herat, cho biết cô đang dạy khoảng 50 nữ sinh tại một trung tâm tư nhân. "Những bé gái bị cấm đến trường có thể học các môn như ở trường, tin học và tiếng Anh tại trung tâm học tập. Các em rất năng động và rất chăm chỉ", cô nói.

Tình cảnh phụ nữ Afghanistan: Phải tổ chức lớp học tại nhà, quy định trang phục hà khắc, công viên cũng không được 'bén mảng' - Ảnh 2.

Manizha Bahra trong thư viện tại nhà.

"Chúng tôi kêu gọi các bậc cha mẹ biết chữ dạy con gái của họ và hỗ trợ các em. Trong tình hình hiện nay, các bé gái cần sự hỗ trợ của gia đình hơn bao giờ hết".

Ghulami cho biết, tất cả đàn ông và phụ nữ có học đều có nghĩa vụ trong tình hình hiện nay, đó là giáo dục và hỗ trợ trẻ em gái tại nhà, đồng thời giúp họ nâng cao kiến thức và khả năng của mình.

Tốt nghiệp khoa khoa học của Đại học Herat, Fawzia Ahmadi, dành thời gian chưa tìm được việc hỗ trợ hai em gái học hành. Cô cho biết các em gái của mình đang học lớp 8 và lớp 11, và các em được học đủ các môn bao gồm cả tiếng Anh.

Ahmadi cho biết từ khi cô bắt đầu dạy các em mình, hai em đã có thêm hy vọng vào tương lai.

Quy định hà khắc

Soraya, chủ sở hữu một doanh nghiệp nhỏ ở Kabul, chưa bao giờ tin rằng cô sẽ bị bắt phải mặc burqa, giống như loại mà Taliban đã yêu cầu phụ nữ mặc vào những năm 1990 khi lần đầu nắm chính quyền. 

Nhưng từ đầu tháng 5/2022, chưa đầy một năm sau khi Taliban trở lại nắm quyền, phụ nữ phải đeo mạng che mặt ở nơi công cộng lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ. Các quan chức Taliban mô tả sắc lệnh che mặt là "lời khuyên" nhưng đưa ra một loạt các biện pháp leo thang cụ thể cho bất kỳ ai không tuân thủ.

Và khi Soraya thực hiện chuyến đi như thường lệ đến các cửa hàng ở phía tây Kabul vào thời điểm đó, cô dễ dàng nhận ra những thay đổi. Đại diện của Taliban đã có mặt bên trong các cửa hàng quần áo phụ nữ để giám sát những trang phục đang được bán và xem liệu độ dài của trang phục may đo có được coi là phù hợp hay không.

"Tôi rất sợ", Soraya nói.

Taliban áp đặt một trong những hạn chế khắc nghiệt nhất kể từ khi họ nắm quyền, yêu cầu phụ nữ che kín hoàn toàn ở nơi công cộng, lý tưởng nhất là với burqa truyền thống.

Tình cảnh phụ nữ Afghanistan: Phải tổ chức lớp học tại nhà, quy định trang phục hà khắc, công viên cũng không được 'bén mảng' - Ảnh 3.

Một số phụ nữ ở Afghanistan nói sắc lệnh về việc sử dụng mạng che mặt là một cuộc tấn công mới nhất vào quyền con người của họ. Sana, người bị mất việc sau khi Taliban tiếp quản và đang gặp khó khăn về tài chính, nói: "Phụ nữ ở Afghanistan giống như là một tội ác vậy. Họ chọn trang phục gì cho tôi không quan trọng - dù sao thì tôi cũng sẽ không rời khỏi nhà, tình hình thật vô vọng".

Chưa kể, theo BBC, trang phục của phụ nữ còn bị giám sát bởi giám hộ nam, thường là một người họ hàng thân thiết là nam giới. Nếu không kiểm soát tốt trang phục của nữ giới trong gia đình, họ có thể bị triệu tập để gặp các quan chức của bộ, và thậm chí có khả năng bị đưa ra tòa hoặc bị tạm giam trong 3 ngày. Phụ nữ có việc làm có thể bị sa thải.

Giáo dục hay trang phục không phải thứ duy nhất phụ nữ Afghanistan bị hạn chế. Một phụ nữ Afghanistan tên Sheikba kể với BBC cô đã bị cấm lên máy bay để nhận học bổng du học ở Iran vì cô không có người giám hộ đi cùng là nam.

Vào tháng 3/2022, Taliban đã đưa ra các hạn chế để ngăn phụ nữ lên các chuyến bay nội địa hoặc quốc tế mà không có "mahram" (giám hộ nam). Họ cũng nói rằng phụ nữ muốn đi du lịch đường dài bằng đường bộ chỉ nên được cung cấp phương tiện đi lại nếu có người thân là nam giới đi cùng.

"Tôi đã cố giải thích với Taliban rằng tôi không thể mang theo bất kỳ ai tới Iran, nhưng họ không nghe".

Giống như Sheikba, Fereshtah lo lắng về tương lai của mình. Cha cô mất khi cô mới 1 tuổi và việc không có người giám hộ nam trong nhà giờ đây có thể hạn chế khả năng di chuyển của cô.

Các quy tắc hiện hành không cấm phụ nữ đi du lịch một mình gần nhà của họ, nhưng một số người cho rằng các quy tắc về quyền giám hộ đang được áp dụng trên phạm vi rộng hơn nhiều. Taliban cũng yêu cầu phụ nữ không được đi xa nhà quá 72km mà không có giám hộ nam.

Không chỉ hạn chế đi lại, phụ nữ cũng bị ngăn tiếp cận một số địa điểm công cộng. 

Tình cảnh phụ nữ Afghanistan: Phải tổ chức lớp học tại nhà, quy định trang phục hà khắc, công viên cũng không được 'bén mảng' - Ảnh 4.

Lính canh Taliban đứng canh bên cạnh một vòng đu quay trống tại Công viên Zazai ở ngoại ô Kabul hồi năm ngoái.

Hồi tháng 11/2022, Taliban đã cấm hoàn toàn phụ nữ Afghanistan vào các công viên và hội chợ công cộng của thủ đô Kabul, chỉ vài tháng sau khi ra sắc lệnh phân biệt giới tính với những địa điểm này.

Phụ nữ và cả nhà điều hành các công viên - những người đã đầu tư rất nhiều vào việc phát triển cơ sở vật chất - đối mặt tin tức này với sự thất vọng.

"Không có trường học, không có việc làm… ít nhất chúng tôi cũng phải có một nơi để vui chơi chứ", một phụ nữ tên là Wahida nói với AFP, khi cô nhìn các con mình chơi trong công viên qua cửa sổ của một nhà hàng liền kề. "Chúng tôi cảm thấy buồn bực và chán ngấy với việc ở nhà cả ngày, đầu óc mệt mỏi".

Ở bàn bên cạnh, Raihana, 21 tuổi, đang học luật Hồi giáo tại trường đại học, chia sẻ sự thất vọng của cô sau khi đến công viên để dành cả ngày với các chị gái. "Chúng tôi rất hào hứng… chúng tôi cảm thấy mệt mỏi khi phải ở nhà. Rõ ràng, trong đạo Hồi, người ta được phép ra ngoài và ghé thăm công viên. Khi bạn không có tự do ở đất nước của mình, thì sống ở đây có ý nghĩa gì?".

Cách đó vài dặm, vòng đu quay và hầu hết các trò chơi khác trong Công viên Zazai, nơi có tầm nhìn ngoạn mục ra thủ đô Kabul, đã phải dừng hoạt động đột ngột vì vắng khách.

Trước lệnh cấm vào công viên, nó có thể đón hàng trăm du khách vào những ngày phụ nữ mang con đến chơi. Vào các ngày thứ sáu và ngày lễ, vốn có rất nhiều người đổ xô đến công viên – một trong số ít những điểm thu hút trong thành phố.

Habib Jan Zazai, nhà đầu tư của khu phức hợp, lo ngại rằng ông có thể phải đóng cửa một doanh nghiệp mà ông đã rót 11 triệu USD vào và tuyển dụng hơn 250 nhân viên. "Không có phụ nữ, trẻ em sẽ không đến một mình", ông nói.

Ông lo sợ những sắc lệnh như vậy sẽ không khuyến khích đầu tư của người nước ngoài hoặc người Afghanistan sống ở nước ngoài, cũng như ảnh hưởng đến việc thu ngân sách. "Một chính phủ được điều hành bởi thuế. Nếu nhà đầu tư không nộp thuế thì làm sao họ vận hành được?".

Mohammad Tamim, 20 tuổi, vừa nhâm nhi tách trà trong công viên trong chuyến thăm từ Kandahar, nơi anh giảng dạy tại một madrassa (cơ sở giáo dục Hồi giáo), gọi lệnh cấm là "tin xấu".

Anh nói: "Về mặt tâm lý, mỗi con người đều cần được giải trí. Người Hồi giáo cần được giải trí – đặc biệt là sau 20 năm chiến tranh".

Tổng hợp

Thạch Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link