01/02/2012 10:33 GMT+7 | Bóng đá Việt
Thật khó có thể tưởng tượng một nền bóng đá tiên tiến nào mà chất lượng của sự trung thực trong trận đấu lại được đo lường bằng chỉ số bạo lực trên sân. Bóng đá càng tiên tiến, sau một pha phạm lỗi, người ta bị trừng phạt, phải công khai xin lỗi và cũng lâu lâu mới có tái phạm. Trong khi tại Việt Nam, có đội bóng mà “chém đinh, chặt sắt” lại là … “thương hiệu”!
Xin gọi cho đúng từ: đó là ung nhọt của một nền bóng đá. Có cần phải nhắc nhở những nhà quản lý rằng từ năm 2008 đến nay, sân Vinh trở thành “địa ngục” như thế nào đối với các đội khách. Có cần phải nhắc đến những rắc rối ở các trận đấu có những đội Hải Phòng, Thanh Hóa… hay không. Không có sân bóng nào là luôn an toàn nhưng lại có những đội bóng thường xuyên gây rắc rối. Chừng ấy cũng đủ hiểu, đã có nơi dung dưỡng cho những thể loại bạo lực sân cỏ ấy.
Các ông bầu sáng lập ra Công ty VPF đã từng đăng đàn chỉ trích mạnh mẽ các BTC cũ về việc bạo lực tràn lan trên sân cỏ nội địa. Rất tiếc, ngay những ngày đầu tiên của “kỷ nguyên VPF”, bạo lực bùng phát ghê gớm và thể loại nào cũng có: Từ tấn công trọng tài, triệt hạ nhau trên sân, kích động khán giả, pháo sáng rồi đến việc bao vây các đội bóng ngoài sân. Chưa đầy một tháng thi đấu mà những điều phản cảm ấy lại phơi bày ở cường độ dữ dội nhất. Trách VPF đã bị mất kiểm soát là một chuyện, quan trọng nhất là cần phải nhìn thẳng vào sự thật: bạo lực là thứ ung nhọt đang tàn phá bóng đá Việt Nam.
o0o
Như chúng tôi nhiều lần đề cập: Đừng vội vàng tuyên truyền bóng đá Việt bằng cách phủ cho đầy sóng trên truyền hình. Những hình ảnh đó chỉ có tác dụng ngược. Đừng hão huyền về chuyện sẽ bán được bản quyền khi người ta đang ngán ngẩm cái điệp khúc bạo lực trên các phương tiện truyền thông. Khán giả chân chính đang ngày càng vắng bóng trên khán đài, số còn lại, biết đâu là “thành quả” của một quá trình bạo lực suốt thời gian dài.
Chúng tôi còn nhớ, một qui định “bất thành văn” của truyền hình là phải cắt sóng hoặc chuyển khung hình nếu xảy ra đánh nhau trên sân. Như vậy, bóng đá càng “xấu xí” thì truyền hình cho lắm để làm gì? Ba vòng đấu đầu mùa của Super League đố ai tìm ra trận nào hay nhất? Bốn trận tứ kết Cúp Quốc gia thì 2 trận ngang tài dính toàn bạo lực, 2 trận còn lại thì chênh lệch trình độ. Tóm lại, chẳng có gì hay để xem cả.
Đến tận bây giờ, chẳng ai đang quản lý bóng đá chịu khó làm một bảng tham dò ý kiến người hâm mộ xem thử họ đang đến sân vì cái gì? Người ta hô hào phát triển bóng đá chuyên nghiệp, la rất to về chuyện kiếm tiền từ bóng đá, “chém gió” về việc sẽ lấy bóng đá nuôi bóng đá mà lại chẳng biết, người “mua” đang nghĩ gì về sản phẩm mình bán ra. Thay vào đó, các nhà kinh doanh hàng đầu lại lao vào việc tranh chấp bản quyền truyền hình, điều vô vị nhất ở thời điểm hiện tại.
Yêu cầu VPF phải làm cái gì đó thật sự “cách mạng” ở thời điểm này thì hơi vô lý, nhưng chí ít người ta phải biết đâu mới là điểm VPF đột phá. Những ông bầu đã “kể tội” VFF nào là tiêu cực, chất lượng trọng tài, bạo lực… nhưng chính họ, lại khởi đầu “kỷ nguyên” của mình bằng một chuyện không liên quan gì cả. Hóa ra, tập trung bao nhiêu tư duy lớn lao ấy cũng chỉ để giải quyết điều mà một ông luật sư cỡ vừa làm cũng được hay sao?
Khi bạo lực là ung nhọt thì việc duy nhất phải làm là cắt bỏ nó ngay.
Theo SGGP
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất