(Thethaovanhoa.vn) - Nghe có vẻ nghịch nhĩ, bởi con người ai cũng phải chết. Nhưng thực tế là rất ít người thực sự sống với tinh thần “phải chết”, hoặc là bị cái chết ám ảnh và đe dọa, hoặc là sống một cách nửa vời, hời hợt, cho những điều nhạt nhẽo và vô nghĩa. Ít ai dám sống như Tito Vilanova, dù số phận đã bắt ông ra đi quá sớm, thì ông vẫn thật hạnh phúc, vì đã dám sống hết mình, với tinh thần “phải chết”.
Chúng ta có thể đã quên mất ông, nếu Tito… giành chiến thắng một cách thần kỳ trong cuộc đối đầu với Thần Chết. Thế giới này rất vô thường và tạm thời: Bây giờ, mặt báo là của Pep Guardiola, của Bayern đang trên đường trở thành tập thể vĩ đại bậc nhất trong lịch sử, của Barcelona với những bê bối chuyển nhượng và cuộc cải tổ sau một chu kỳ thành công. Ngay cả họ và những con người vĩ đại nhất cũng chỉ có một thời của mình, và đều có thể dễ dàng bị quên lãng.
Một người không hề vĩ đại
Tito Vilanova chưa bao giờ là một nhân vật xuất chúng, hẳn là vậy. Là cầu thủ, ông thậm chí còn chưa chơi cho đội một Barcelona. Là HLV, ông là trợ lý HLV ở đội B cho Pep Guardiola một mùa, rồi lại làm trợ lý cho Pep ở đội một Barca 4 năm. Ông chỉ thực sự ngồi lên ghế HLV trưởng vào tháng 4/2012, nhưng dù đã cùng đội bóng xứ Catalunya giành chức vô địch TBN lần thứ 22 trong lịch sử, thì Tito chỉ trụ lại đó đến tháng 7/2013, và phải rời ghế, khi thực sự không thể gắng gượng nổi nữa. Một sự nghiệp trầm lặng, và khép lại nhanh chóng khi mới chớm nở. Một sự nghiệp sẽ dễ dàng bị lãng quên trong nhiều năm nữa.
Tito Vilanova (phải) chưa bao giờ là một nhân vật xuất chúng như Pep Guardiola
Nhưng trong cái trầm lặng ấy, là một ý chí dữ dội. Tito thực tế đã biết mình bị ung thư từ hơn một năm trước khi trở thành HLV trưởng Barca, nhưng phải đến một năm sau, ngày 20/12, ông mới quyết định phẫu thuật và tạm nghỉ 6 tuần để điều trị bằng hóa trị. Ông trở lại ngay sau đó, chứng kiến Barca hủy diệt Mallorca với tỉ số 5-0. Trên khán đài, các culé như phát điên. Chỉ riêng Tito đón lấy niềm vui một cách lặng lẽ: Khuôn mặt ông cực kỳ mệt mỏi, với đôi mắt trũng sâu và những cử chỉ yếu ớt.
Phải xem lại những bức ảnh và băng hình của giai đoạn ấy mới thấy đôi khi chúng ta thật vô tâm, vì đã không tự hỏi ngay vào thời điểm ấy: Không hiểu được là vì cái gì, con người ấy, thay vì nằm trong bệnh viện, giữa những người thân hiểu ông hơn ai hết và cùng họ cố giữ lấy mạng sống, lại đứng đó, hứng chịu những áp lực khủng khiếp, với một cơ thể mà dường như đứng còn không vững. Chúng ta hay nói về tình yêu bóng đá, nhưng yêu trong hạnh phúc thì quá nhiều, mà cảm nhận được tình yêu ấy trong sự thống khổ và nỗi đau còn quá ít.
Ngay cả khi căn bệnh ung thư đã bào mòn đáng kể sức lực, thì Vilanova vẫn không lùi bước
Nhớ lại Vilanova thời điểm ấy, bóng đá bỗng trở nên thật kỳ diệu: Nó không chỉ là một môn thể thao nữa, mà còn là một đức tin, là cuộc sống. Cuộc sống cháy bừng ngay cả trong cái chết: Vilanova hẳn là đau đớn lắm, khi thấy Barcelona thảm bại đến 0-7 sau hai lượt trận bán kết với Bayern Munich, khi đọc những bài báo sau trận, và nghe những lời chỉ trích cay nghiệt. Số phận của Barcelona thời điểm ấy được quan tâm nhiều hơn là mạng sống của Vilanova.
Và một ý chí vĩ đại
Nhưng ông chẳng quan tâm, và không lùi bước. Lần cuối cùng xuất hiện tại Camp Nou trong trận gặp Getafe vào tháng Một, Vilanova đã phải đội mũ len trùm đầu, vì tóc rụng do xạ trị, gày đi nhiều, và khuôn mặt trông chẳng còn sức sống. Khi nằm trong viện, ông vẫn dõi theo Barca, và theo lời các bác sĩ kể lại, ông đã nằng nặc đòi lấy điện thoại nhắn tin chúc mừng đội bóng xứ Catalunya, vào thời điểm biết tin họ tạm thoát án cấm chuyển nhượng. Nếu hét lên được, có lẽ Vilanova đã làm rồi, nếu cuống họng ông không bị khối u đã sưng cả hai bên mang tai chèn lấy. Cho đến phút chót, Barca vẫn là mối quan tâm của Tito. Cơ thể ông đã đi đến giới hạn, nhưng ý chí thì chưa.
Thế giới bóng đá sẽ rất nhớ nụ cười này, hạnh phúc nảy mầm ngay cả khi cận kề cái chết
Barca và bóng đá trở nên có giá trị, không hẳn vì tự thân Barca và bóng đá, mà là vì những người như Vilanova, những người mà cho đến những phút cuối của cuộc đời, vẫn sống một cách mãnh liệt như thế vì Barca, vì bóng đá. Những người đã làm hết sức mình mà không cần phải nhìn về một mục tiêu cao cả nào, chỉ là gắng hết sức mình. Những con người không phải và có thể không bao giờ được coi là xuất chúng, nhưng họ đã làm được điều ít thấy ở cuộc đời này, một điều đơn giản: Sống, như là biết chắc rằng cái chết có thể đến bất kỳ lúc nào. Sống như một câu của Charles Bukowski, nhà văn và nhà thơ người Đức: “Hãy sống cuộc đời của chúng ta thật tốt, và Thần Chết sẽ phải run rẩy khi mang chúng ta đi”.
Tito Vilanova, sinh năm 1968, được chỉ định là huấn luyện viên trưởng của CLB Barcelona từ mùa giải 2012-2013 sau khi Pep Guardiola ra đi. Ông gia nhập La Masia năm 1984. Năm 1988, ông cùng Pep Guardiola tốt nghiệp tại La Masia nhưng không lọt vào đội hình chính, sau đó chơi bóng 2 năm cho đội Barca B. Năm 1990, ông gia nhập Figueres ở giải hạng 2. Năm 1992, ông chuyển tới Celta Vigo, nhưng thất bại trong việc giữ một suất chính thức. Năm 1995, Tito rời Celta và sau đó chơi cho 5 câu lạc bộ khác nhau. Năm 2002, ông giải nghệ, chuyển sang làm Giám đốc thể thao tại Terrassa. Năm 2007, Tito Vilanova trở thành trợ lý của Pep Guardiola ở đội Barca B và giúp đội thăng hạng mùa giải đó. Vào tháng 6 năm 2008, Pep Guardiola lên làm huấn luyện viên trưởng Barcelona và bổ nhiệm Tito Vilanova vào cương vị trợ lý. Barca có cú ăn 3 trong mùa đầu tiên họ làm việc. Tiếp theo đó là 2 chức vô địch La Liga, 1 chức vô địch Champions League và 2 cúp vô địch Thế giới các CLB trong 2 năm tiếp theo. Vào ngày 27/4/2012, Tito được bổ nhiệm làm huấn luyện viên thay thế Guardiola sau khi Pep Guardiola tuyên bố sẽ không gia hạn hợp đồng. Ngày 25/4/2014, Tito đã trút hơi thở cuối cùng bên người thân ở tuổi 45 sau một thời gian dài chống chọi với căn bệnh ung thư hiểm nghèo. |