07/12/2013 07:06 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela từ lâu đã là nguồn cảm hứng lớn trong cộng đồng giải trí và ông đã được mô tả như một vị thánh, những hành động anh hùng, cử chỉ thanh nhã. Ông qua đời ngày 5/12 vừa qua, ở tuổi 95.
Trong hơn 1/4 thế kỷ Mandela bị cầm tù, việc giành lại quyền sự tự do của ông cũng đồng nghĩa với việc giành tự do cho đất nước. Nhiều nhà soạn ca khúc và nhà thơ đã đưa hình ảnh ông vào các sáng tác của mình nhằm kêu gọi chấm dứt chế độ apartheid ở Nam Phi.
“Đối với tôi, Nelson Mandela là một lãnh tụ chính trị đơn độc trên thế giới. Đơn độc ở khía cạnh ông là một lãnh tụ không giải quyết mọi vấn đề của mình bằng súng” – nhà văn từng đoạt giải Nobel Toni Morrison từng nói.
Từ những năm 1960, khi Mandela còn là một tù nhân chính trị và Nam Phi còn trong chế độ apartheid (nạn phân biệt chủng tộc), cho tới nay ông là một trong những nhân vật được ngưỡng mộ nhất thế giới. Mandela đã truyền cảm hứng cho nhiều chương trình hòa nhạc, ca khúc, thơ, tác phẩm văn học và phim. Hãy cùng TT&VH điểm qua dấu ấn của ông trong văn hóa đại chúng.
Cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela và nữ ca sĩ Beyonce tại chương trình hòa nhạc 46664 ở Nam phi hồi năm 2003 |
* Điện ảnh: Trong tháng này, bộ phim tiểu sử về ông, mang tựa đề Mandela: Long Walk To Freedom, do Idris Elba thủ vai chính, tiếp tục được phát hành ở nhiều nước trên thế giới. Được dàn dựng theo cuốn tự truyện cùng tên của Mandela, phim đã lập kỷ lục doanh thu của mọi thời đại ở Nam Phi.
Trước đó, chân dung ông đã được lột tả trong các loạt phim truyền hình như Mandela (1987), do Danny Glover thủ vai chính và Mandela And De Klerk (1997), do Sidney Portier đóng chính.
Một số ngôi sao Hollywood nổi tiếng nhất cũng từng hóa thân thành Mandela trên màn bạc. Nam diễn viên từng đoạt giải Oscar Morgan Freeman, đã lột tả chân dung Mandela trong phim Invictus (2009) của đạo diễn Clint Eastwood. Phim là câu chuyện kể về Mandela, trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của mình, đã tuyển một đội bóng bầu dục Nam Phi tham gia tranh giải Rugby World Cup 1995. Bản thân ông Mandela cũng từng tham gia 1 vai phụ trong bộ phim Malcolm X (1992) của đạo diễn Spike Lee.
* Hòa nhạc: Một trong những sự kiện cột mốc trong phong trào đòi quyền tự do cho Mandela là chương trình hòa nhạc năm 1988, được truyền hình trực tiếp từ Sân vận động Wembley ở London, nhân kỷ niệm 70 năm ngày sinh của ông. Chương trình có sự tham gia của các siêu sao như Stevie Wonder, Whitney Houston và Sting.
Thời điểm đó, Đại hội Dân tộc Phi - ANC (được thành lập vào năm 1912 tại Bloemfontein để đấu tranh cho quyền lợi của người da đen ở Nam Phi) của Mandela vẫn bị nhiều nước coi là một tổ chức khủng bố. ANC từng bị Thủ tướng Anh lúc đó là bà Margaret Thatcher lên án. .
Trong chương trình hòa nhạc được tổ chức năm 1990 nhân sự kiện Mandela được trả tự do sau 27 năm bị cầm tù, ông đã nhận được tràng pháo tay vang dội của khán giả. Chương trình này có sự tham gia của nhiều ca sĩ nổi tiếng, trong đó có Tracy Chapman, Neil Young.
Những thập kỷ sau này, nhiều nghệ sĩ vẫn thể hiện không ít màn trình diễn tôn vinh ông, trong đó có Will Smith, Bono của ban nhạc Ireland U2 và Annie Lennox.
* Ca khúc: Trong suốt những năm 1980 đến khi Mandela được trả tự do vào năm 1990, đã có nhiều ca khúc thể hiện tinh thần phản đối chế độ apartheid và ca ngợi Mandela, từ Gimme Hope Jo'Anna của Eddy Grant, tới Sun City của Steve Van Zandt.
Nhiều ca khúc trực tiếp ca ngợi Mandela như 46664của Joe Strummer, Free Nelson Mandela của Special A.K.A. và Mandela Day của Simple Minds. Trong khi đó nghệ sĩ khiếm thị Mỹ nổi tiếng Stevie Wonder đã phản đối chế độ apartheid tại ca khúc It’s Wrong (1985). Sau đó, Wonder đã bị bắt trong một cuộc mít-tinh ở Washington.
Khi đoạt giải Oscar Ca khúc độc đáo hay nhất năm 1984 với nhạc phẩm I Just Called To Say I Love You, Wonder nói ông dành tặng ca khúc này cho Mandela, thời gian đó vẫn bị cầm tù.
* Văn học: Trong tiểu thuyết A Sport Of Nature phát hành 1987, nhà văn Nadine Gordimer đã đoán trước về kết cục của chế độ apartheid và cả việc giải phóng nhà lãnh đạo Mandela dựa trên những sự kiện về ông.
Từ những năm 1970, đã có nhiều bài thơ viết về Mandela, như And I Watch It In Mandela của nhà thơ Nam Phi John Matshikiza. Trong bài thơ When Mandela Goes, phát hành năm 2004, Jekwu Ikeme đã viết về sự ra đi của Mandela và nhìn vào một tương lai không có ông.
Năm 2009, Elizabeth Alexander từng đọc một bài thơ tại lễ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống của ông Barack Obama. Song trước đó nhiều năm, ông đã sáng tác bài thơ A Poem For Nelson Mandela.
Đã đi vào cõi vĩnh hằng, song qua âm nhạc và điện ảnh, Mandela sẽ vẫn là một thần tượng văn hóa đại chúng, tiếp tục khơi gợi và tạo nguồn cảm hứng cho nhiều người.
VIỆT LÂM (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất