Phạm Tuân và Gorbatko – những tương đồng thú vị

23/07/2010 10:58 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Nhân kỷ niệm lần thứ 30 chuyến bay vũ trụ Việt Xô (23/7/1980 - 23/7/2010) phóng viên TTXVN đã chọn ra những điểm tương đồng thú vị giữa Anh hùng Phạm Tuân và Anh hùng Viktor Gorbatko dựa trên thông tin mà báo chí Nga công bố.


Anh hùng Viktor Gorbatko
Trước tiên, cả hai vị anh hùng đều sinh ra và lớn lên tại những vùng quê hẻo lánh, lớn lên bên những cánh đồng xanh tươi và dưới bầu trời thoáng đãng.


Phạm Tuân sinh ngày 14/2/1947 tại xã Quốc Tuấn, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Còn Gorbatko lớn hơn 13 tuổi, quê ở làng Ventsy-Zarya, huyện Gulkevich, khu Krasnodar. Tuổi thơ nghèo khó ở nông thôn không ngăn trở họ ấp ủ ước mơ trong tương lai được lái máy bay chiến đấu.

Cả hai người đều trở thành phi công quân sự rồi mới tình cờ được chọn lựa làm phi hành gia vũ trụ.

Phạm Tuân đi bộ đội, được tuyển vào binh chủng Không quân Nhân dân Việt Nam năm 1965. Ông tốt nghiệp Trường Phi công quân sự ở Liên Xô năm 1967 và trở thành sĩ quan lái máy bay chiến đấu của Trung đoàn Không quân Sao Đỏ, tham gia chiến đấu bảo vệ vùng trời miền Bắc Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ. Đêm 27/12/1972 ông bắn rơi một máy bay B-52 của Mỹ, trở thành người đầu tiên hạ được loại máy bay này từ trên không và trở về an toàn. Phi công Vũ Xuân Thiều trước đó đã tiêu diệt một máy bay B-52 nhưng không thể trở về vì anh đâm thẳng máy bay của mình vào kẻ thù. Năm 1978 Phạm Tuân được cử đi học tại Học viện Không quân Gagarin (Liên Xô), năm sau chuyển loại sang bay vũ trụ. Phạm Tuân được chọn vào đội bay quốc tế thứ sáu trong chương trình Intercosmos của Liên Xô ngày 1 tháng 4 năm 1979.

Gorbatko tốt nghiệp khóa đào tạo phi công sơ cấp ở Trường Không quân Pavlograd năm 1953 và năm 1956 tốt nghiệp Trường Không quân Batai. Đầu tháng 3/1960 ông được chọn vào đội phi công vũ trụ đầu tiên của Liên Xô gồm 20 người cùng với Yuri Gagarin, German Titov, Grigori Nelyubov, Vladimir Komarov, Alexei Leonov... Sau đó, qua một cuộc sàng lọc nghiệt ngã nữa chỉ còn 12 người, trong đó có Gorbatko. Nhưng ông không có tên trong nhóm 6 phi công được chuẩn bị cho chuyến bay đầu tiên lên quỹ đạo. 3 phi hành gia lọt vào giai đoạn cuối cùng gồm Gagarin, người chính thức sẽ thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 12/4/1961, Titov sẵn sàng thay thế Gagarin nếu cần, còn Nelyubov là phi công dự bị.

Số phận của Phạm Tuân và Gorbatko gắn liền với nhau từ chuyến bay trên tàu vũ trụ Soyuz-37 vào ngày 23/7 (theo giờ Việt Nam thì đã sang ngày 24/7) kéo dài đến ngày 31/7. Gorbatko là trưởng đoàn, còn Phạm Tuân là thành viên. Họ cùng ở trên quỹ đạo 7 ngày, 20 giờ và 42 phút, thực hiện tổng cộng 142 vòng quỹ đạo quanh trái đất.


Trung tướng Phạm Tuân
Cả hai người là những “siêu nhân” với nhiều danh hiệu anh hùng. Mỗi người đều được phong anh hùng 2 lần ở nước mình và 1 lần ở nước đối tác.

Phạm Tuân được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Việt Nam ngày 3/9/1973, khi ông đang là Thượng úy Biên đội trưởng thuộc Đại đội 5, Trung đoàn 921, Sư đoàn Không quân 371. Năm 1980, sau chuyến bay lên vũ trụ, Phạm Tuân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động Việt Nam cùng Huân chương Hồ Chí Minh ở tuổi 33 với cấp bậc Trung tá. Cùng năm đó, ông vinh dự trở thành một trong những người nước ngoài đầu tiên được trao danh hiệu Anh hùng Liên Xô cùng Huân chương Lênin. Như vậy ông là người Việt Nam duy nhất 3 lần trở thành anh hùng (Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, Anh hùng Lao động của Việt Nam và Anh hùng Liên Xô).

Gorbatko vượt trội với bốn danh hiệu anh hùng. Ông được 2 lần phong danh hiệu Anh hùng Liên Xô cùng với Huân chương Lênin, Huân chương Sao đỏ, một lần được phong Anh hùng Lao động Việt Nam kèm Huân chương Hồ Chí Minh. Sau chuyến bay cùng nhà du hành vũ trụ Mông Cổ Zhugderdemidiyn Gurragcha năm 1981 theo chương trình Intercosmos, ông còn được phong Anh hùng Mông Cổ và được tặng Huân chương Sukhe Bator.


Phạm Tuân (phải) và Gorbatko trên con tàu Soyuz - 37
Phạm Tuân được lịch sử ngành hàng không vũ trụ ghi nhận là người châu Á đầu tiên lên quỹ đạo. Ông còn là công dân đầu tiên thuộc một nước đang phát triển bay vào vũ trụ cùng với các phi hành gia Liên Xô. Ông cũng là một trong số ít người nước ngoài được phong danh hiệu Anh hùng Liên Xô. Trong bảng vàng của thành phố Ngôi Sao, đại bản doanh của các phi công vũ trụ Nga, nổi rõ bốn sự kiện đáng ghi nhớ:

1. Phi công vũ trụ đầu tiên trong lịch sử - Yuri Gagarin, Liên Xô (bay ngày 12/4/1961).

2. Phi công vũ trụ đầu tiên của Mỹ - Alan Shepard (bay ngày 5/5/1961).

3. Phi công vũ trụ nữ đầu tiên - Valentina Tereshkova, Liên Xô (bay ngày 16/6/1963).

4. Phi công vũ trụ đầu tiên của châu Á - Phạm Tuân, Việt Nam (bay ngày 23/7/1980).

Còn Gorbatko được ghi nhận là một trong 12 thành viên của đội phi hành gia lẫy lừng cùng thời với Gagarin. Ông thực hiện chuyến bay đầu tiên lên vũ trụ vào ngày 12/10/1969 trên tàu Soyuz -7 với thời gian trên quỹ đạo là 4 ngày 23 giờ. Sau đó ông bay thêm nhiều lần lên quỹ đạo cho đến năm 1982.

Cả Phạm Tuân và Gorbatko cùng về hưu với quân hàm cấp tướng. Phạm Tuân là Trung tướng, còn Gorbatko là Thiếu tướng.

Hai người đều là công dân danh dự của thành phố Baikonur (Kazakhstan), nơi phóng các con tàu vũ trụ lên quỹ đạo. Gorbatko xếp thứ 9 (năm 1976), còn Phạm Tuân xếp thứ 60 (năm 1980) trong danh sách gồm 131 người tính đến thời điểm hiện nay.

Còn một điểm chung nữa là 2 người coi đất nước của nhau là quê hương. Anh hùng Phạm Tuân gọi Nga là nơi anh được sinh ra lần nữa và ngược lại, Anh hùng Viktor Gorbatko coi Việt Nam là Tổ quốc thứ hai của mình.

Trần Quang Vinh

Giao lưu với Gorbatko và Phạm Tuân

Sáng nay 23/7/2010, Trung tướng Phạm Tuân và Thiếu tướng không quân Nga V.V Gorbatko - sẽ tham gia chương trình bàn tròn trực tuyến cùng độc giả với chủ đề “30 năm chuyến bay vũ trụ Việt - Nga” tại tòa soạn báo Đất Việt (Hà Nội).

30 năm trước, ngày 23/7/1980, chuyến bay lịch sử của Phạm Tuân và Gorbatko - hai nhà du hành Liên Xô và Việt Nam - đã ghi một dấu mốc quan trọng trong hành trình chinh phục vũ trụ của 2 nước nói riêng và thế giới nói chung. Hai nhà du hành Viktor Gorbatko và Phạm Tuân đã thực hiện thành công nhiệm vụ mà 2 dân tộc giao phó và cũng từ đó trở thànhnhững người đồng chí với tình bạn được coi là đại diện cho tình hữu nghị Việt - Nga cả trong thời chiến và thời bình.

Trước đó, sáng 22/7/2010, ông V.V Gorbatko và gia đình đã sang thăm Việt Nam, nhân dịp kỷ niệm 30 năm chuyến bay lịch sử, theo lời mời của Hội Hữu nghị Việt - Nga. Ngoài việc tham gia chương trình bàn tròn trực tuyến nói trên, dự kiến ông Gorbatko cũng sẽ tham gia một số buổi hoạt động hữu nghị Việt - Nga khác.

Minh Châu

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link