Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam: Thúc đẩy quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc lên tầm cao mới

12/04/2025 09:48 GMT+7 | Tin tức 24h

Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Lương Cường, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam vào ngày 14 và 15/4/2025. 

Đây là chuyến thăm cấp Nhà nước lần thứ 4 của đồng chí Tập Cận Bình đến Việt Nam trên cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc; càng đặc biệt hơn khi đây là chuyến thăm lần thứ hai của nhà lãnh đạo Trung Quốc tới Việt Nam trong cùng một nhiệm kỳ.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh năm 2025 là năm đặc biệt, kỷ niệm 75 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (18/1/1950 - 18/1/2025). Chuyến thăm lần này góp phần thúc đẩy và làm sâu sắc hơn khuôn khổ quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc, Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, đưa quan hệ hai nước phát triển lên một tầm cao mới.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam: Thúc đẩy quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc lên tầm cao mới - Ảnh 1.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Trí Dũng –TTXVN

75 năm quan hệ Việt Nam-Trung Quốc phát triển tích cực, đạt nhiều thành tựu quan trọng

Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng gần gũi. Hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 18/1/1950. Trong 75 năm qua kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, dòng chảy chính trong quan hệ Việt Nam-Trung Quốc là hữu nghị hợp tác. Quan hệ hữu nghị vừa là đồng chí, vừa là anh em do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông đích thân gây dựng và được nhiều thế hệ lãnh đạo hai nước dày công vun đắp đã trở thành tài sản quý báu của cả hai dân tộc.

Theo dòng chảy thời gian, nhân dân hai nước đã kề vai sát cánh, dành cho nhau sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn và quý báu, góp phần vào thành công của sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và công cuộc xây dựng, phát triển đất nước của mỗi nước. Hai bên đã xác định phát triển quan hệ hai nước theo phương châm “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” (năm 1999) và tinh thần “Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” (năm 2005). Năm 2008, hai bên nhất trí thiết lập khuôn khổ quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc, khung hợp tác cao nhất, nội hàm sâu rộng nhất trong quan hệ của Việt Nam với các nước trên thế giới. Trung Quốc cũng là quốc gia đầu tiên cùng Việt Nam xây dựng khuôn khổ hợp tác này.

Thời gian qua, tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động phức tạp, khó lường, tác động nhiều chiều tới tình hình chính trị, kinh tế toàn cầu, nhưng với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, cùng với nỗ lực chung của các cấp, các ngành và nhân dân hai nước, quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc về tổng thể phát triển tốt đẹp, đạt nhiều kết quả quan trọng, thực chất.

Sau chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (tháng 12/2023), hai Đảng, hai nước đã xác lập định vị mới cho quan hệ song phương, tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng “Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược”, tiếp thêm động lực mạnh mẽ để hai Đảng, hai nước không ngừng củng cố và tăng cường quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện. Hai nước đã đề ra phương hướng “6 hơn” bao gồm: Tin cậy chính trị cao hơn; hợp tác quốc phòng-an ninh thực chất hơn; hợp tác thực chất sâu sắc hơn; nền tảng xã hội vững chắc hơn; phối hợp đa phương chặt chẽ hơn; bất đồng được kiểm soát, giải quyết tốt hơn.

Trên cở sở đó, quan hệ hai nước tiếp tục duy trì xu thế phát triển tích cực, lan tỏa mạnh mẽ đến các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân, hình thành không khí hợp tác sôi động, hiệu quả, thiết thực. Hai bên đánh giá quan hệ hai nước đang ở mức độ sâu sắc, toàn diện và thực chất nhất từ trước tới nay.

Từ đầu năm 2024 đến nay, các hoạt động trao đổi, tiếp xúc cấp cao và các cấp tiếp tục diễn ra một cách sôi động, theo hình thức linh hoạt, cả trên kênh Đảng, Nhà nước và giao lưu nhân dân. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội (Nhân đại) và Mặt trận Tổ quốc (Chính hiệp) hai nước thông qua các hình thức linh hoạt, thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi mật thiết, góp phần tăng cường tin cậy chính trị, củng cố vững chắc cho nền tảng chính trị của quan hệ hai Đảng, hai nước.

Đặc biệt, chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm vào tháng 8/2024 là một hoạt động đối ngoại đặc biệt quan trọng giữa hai nước trong năm 2024. Đây là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của đồng chí Tô Lâm, được thực hiện ngay sau khi đồng chí được bầu giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Điều này khẳng định cả hai nước coi trọng và mong muốn làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc trong giai đoạn mới.  Chuyến thăm thành công tốt đẹp trên mọi phương diện, góp phần thúc đẩy quan trọng đối với việc xây dựng “Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược”, đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới. Điểm nhấn quan trọng của chuyến thăm là hai bên đã ra Tuyên bố chung về việc tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc, thúc đẩy xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, nỗ lực vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại. Chuyến thăm đã tiếp thêm động lực duy trì đà phát triển tích cực của quan hệ song phương, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ đến các cấp, các ngành hai bên, hình thành không khí hợp tác sôi động, thiết thực và thúc đẩy đạt nhiều thành quả thực chất trên các lĩnh vực.

Tiếp nối sau chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm hồi tháng 8/2024, lãnh đạo cấp cao hai nước liên tục có các cuộc tiếp xúc, gặp gỡ song phương khác như: Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường thăm chính thức Việt Nam (tháng 10/2024); Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhân dịp tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng tại Kazan (Liên bang Nga) (ngày 23/10/2024); Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị thượng đỉnh GMS lần thứ 8, Hội nghị ACMECS lần thứ 10, Hội nghị CLMV lần thứ 11 và thăm làm việc tại Trung Quốc (tháng 11/2024); Chủ tịch nước Lương Cường gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhân dịp tham dự Tuần lễ cấp cao APEC 2024 tại Lima (Peru) (ngày 15/11/2024); Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhân dịp tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Brazil (ngày 18/11/2024); Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình (ngày 15/1/2025); Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Quốc vụ viện Trung Quốc Đinh Tiết Tường nhân dịp tham dự Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) lần thứ 55 tại Davos (Thụy Sĩ) (ngày 21/1/2025)… Các hoạt động trao đổi, tiếp xúc cấp cao diễn ra liên tục, thường xuyên đã góp phần tăng cường tin cậy chính trị, củng cố vững chắc cho nền tảng chính trị của quan hệ hai Đảng, hai nước.

Gần đây, nhân kỷ niệm 75 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (18/1/1950-18/1/2025), Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 15/1/2025. Sự kiện này là khởi đầu quan trọng và rất tốt đẹp của Năm giao lưu nhân văn Việt Nam-Trung Quốc 2025, thể hiện sự coi trọng cao độ và ưu tiên hàng đầu của mỗi bên đối với quan hệ hai Đảng, hai nước, định hướng cho các hoạt động hợp tác hiệu quả giữa hai Đảng, hai nước trong năm 2025 và những năm tiếp theo. Tại cuộc điện đàm, Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã cùng tuyên bố khởi động Năm giao lưu nhân văn Việt Nam-Trung Quốc 2025; nhất trí phối hợp tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và Năm giao lưu nhân văn Việt Nam-Trung Quốc 2025; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục trong các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hai nước về quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp Việt-Trung…

Có thể thấy rõ, từ sau khi hai nước nhất trí nâng tầm quan hệ lên Cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược, quan hệ Việt Nam-Trung Quốc phát triển theo quỹ đạo thuận lợi hơn, có những bước chuyển rõ nét, khá toàn diện theo định hướng “6 hơn”, được hai bên đánh giá là tốt nhất từ sau khi bình thường hóa quan hệ đến nay. Vị thế của Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc được nâng cao. Trung Quốc tỏ rõ sự ưu tiên, coi trọng quan hệ với Việt Nam; cá nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã dành sự quan tâm cao đối với sự phát triển quan hệ Việt Nam-Trung Quốc. Ông là lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc thăm Việt Nam nhiều nhất trong lịch sử; tin cậy chính trị giữa hai đồng chí Tổng Bí thư ngày càng được củng cố, nhất là từ sau chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Tô Lâm (tháng 8/2024) và cuộc điện đàm giữa lãnh đạo cao nhất hai Đảng (tháng 1/2025).

Trên các diễn đàn đa phương, hai nước tăng cường điều phối, phối hợp trong các cơ chế đa phương quốc tế như Liên hợp quốc, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), cũng như của khu vực như khuôn khổ hợp tác kinh tế tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS)...

Hợp tác mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực

Quan hệ chính trị-ngoại giao phát triển tốt đẹp đã trở thành điểm tựa cho việc mở rộng hợp tác giữa hai nước Việt-Trung. Trong thời gian qua, với sự nỗ lực chung của hai bên, hợp tác giữa Việt Nam-Trung Quốc trên các lĩnh vực ngày càng sâu sắc, toàn diện và thực chất. Hai nước không ngừng thúc đẩy hợp tác thiết thực trên tất cả các lĩnh vực, nhất là về kinh tế-thương mại, đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, văn hóa, giáo dục, du lịch, giao lưu nhân dân…

Đặc biệt, hợp tác kinh tế-thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc duy trì đà phát triển mạnh mẽ, giữ tăng trưởng ổn định, bền vững, ngày càng đi vào chiều sâu. Việt Nam duy trì trong nhiều năm là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và năm 2024 đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc trên thế giới. Trong khi đó, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam.

Kim ngạch thương mại song phương đạt 171,9 tỷ USD năm 2023; 205,23 tỷ USD năm 2024; 3 tháng đầu năm 2025 đạt 51,2 tỷ USD.  Trong đó, Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất, mang lại lợi ích thiết thực cho hàng triệu nông dân của Việt Nam.

Theo Chủ tịch Ủy ban Hợp tác công nghiệp trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh Trung Quốc - Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Hứa Ninh Ninh, là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc có thị trường rộng lớn và nguồn lực dồi dào. Trong khi đó, với tư cách là một nền kinh tế thị trường mới nổi, Việt Nam có nguồn lao động dồi dào, ngành sản xuất phát triển nhanh chóng, hai nước có sự bổ sung mạnh mẽ trong chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng.

Ông Hứa Ninh Ninh cho biết, hai nước luôn duy trì trao đổi mật thiết về thương mại nông sản và có tính bổ trợ lẫn nhau rất mạnh. Thị trường tiêu dùng khổng lồ của Trung Quốc cung cấp không gian tiêu thụ rộng rãi cho các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao như trái cây, cà phê, thủy sản của Việt Nam, trong khi kinh nghiệm và công nghệ tiên tiến của Trung Quốc trong công nghệ nông nghiệp, thiết bị máy móc nông nghiệp, nghiên cứu phát triển trồng trọt, đất nông nghiệp, thủy lợi… cũng có thể giúp Việt Nam nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp và chất lượng nông sản, thực hiện hiện đại hóa ngành nông nghiệp.

Về đầu tư, tính lũy kế đến hết tháng 1/2025, tổng vốn FDI đăng ký của Trung Quốc tại Việt Nam là 31,26 tỷ USD với 5.195 dự án còn hiệu lực, đứng thứ 6/149 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Riêng trong năm 2024, Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam 4,73 tỷ USD với hơn 955 dự án cấp mới, tăng 3,1% so với cùng kỳ. Theo Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, kết nối cơ sở hạ tầng giữa hai nước, nhất là đường sắt đạt nhiều tiến triển quan trọng. Hai bên đã hợp tác chặt chẽ trong việc lập Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Việt Nam phấn đấu xây dựng tuyến đường sắt này trong năm 2025 cũng như hoàn thành lập Quy hoạch hai tuyến đường sắt Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng, Đồng Đăng - Hà Nội trong năm 2026; qua đó góp phần tạo thuận lợi cho người dân hai nước qua lại cũng như thúc đẩy giao thương hàng hóa. Tiến độ xây dựng thí điểm cửa khẩu thông minh giữa hai nước cũng đạt tiến triển tích cực.

Về du lịch, từ sau đại dịch COVID-19, Trung Quốc tiếp tục ở vị trí hàng đầu trong số các thị trường gửi khách đến Việt Nam. Năm 2024 lượng khách du lịch Trung Quốc tới Việt Nam trong năm 2024 đạt 3,74 triệu lượt tăng 114,4% so với cùng kỳ. Hiện có 400 chuyến bay qua lại mỗi tuần giữa hai nước.

Hợp tác văn hóa, giáo dục, giao lưu nhân dân, đặc biệt là giao lưu giữa thế hệ trẻ hai nước Việt Nam-Trung Quốc giúp tăng cường tình hữu nghị giữa hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước. Đến nay, đã có gần 60 tỉnh/thành phố của Việt Nam thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với các địa phương Trung Quốc. Các đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội, địa phương hai bên đã thiết lập và tổ chức định kỳ nhiều cơ chế, chương trình hợp tác.

Hợp tác về giáo dục giữa hai nước tăng mạnh, hiện Việt Nam có 23.000 du học sinh đang học tập tại Trung Quốc. Hai bên cũng tổ chức nhiều hoạt động giao lưu khác như Liên hoan nhân dân biên giới Việt-Trung, Diễn đàn nhân dân Việt-Trung, Giao lưu hữu nghị giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc, hợp tác giữa các địa phương, nhất là các tỉnh, khu biên giới được tăng cường với nhiều hình thức đa dạng... Các hoạt động này đã góp phần củng cố nền tảng hữu nghị vững chắc cho quan hệ Việt Nam-Trung Quốc tiếp tục phát triển lành mạnh, ổn định.

Đặc biệt, năm 2025 được hai bên xác định là Năm giao lưu nhân văn Việt Nam-Trung Quốc để kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước (18/1/1950 - 18/1/2025). Từ đầu năm 2025 đến nay, hai bên đã phối hợp chặt chẽ, triển khai sâu rộng các hoạt động giao lưu nhân văn. Cuối tháng 3/2025 vừa qua, chương trình Gặp gỡ lưu học sinh, sinh viên Việt Nam-Trung Quốc các thời kỳ đã được tổ chức tại Cung Hữu nghị Việt-Trung (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự và có phát biểu chỉ đạo quan trọng, khẳng định nền móng vững chắc của quan hệ song phương được các thế hệ lãnh đạo hai nước dày công vun đắp, gửi thông điệp mạnh mẽ đến thế hệ trẻ hai nước với vai trò là “sứ giả văn hóa trẻ” kế thừa truyền thống hữu nghị, tiếp tục đóng vai trò nòng cốt đưa quan hệ Việt-Trung phát triển tốt đẹp, hiệu quả và bền vững, tiếp thêm sức sống mạnh mẽ và tương lai tốt đẹp cho quan hệ song phương, được dư luận hai nước, dư luận quốc tế và khu vực đánh giá cao.

Ngoài ra, các tổ chức đoàn thể, địa phương hai nước, đặc biệt là các địa phương biên giới liên tục triển khai nhiều hoạt động giao lưu hữu nghị, hội thảo khoa học, văn hóa-nghệ thuật, hợp tác du lịch để chào mừng Năm giao lưu nhân văn Việt Nam-Trung Quốc, không những thể hiện sự gần gũi về địa lý, tương đồng về văn hóa, càng cho thấy sự gắn bó mật thiết trong tình cảm giữa người dân hai nước. Bên cạnh đó, hai bên cũng đang tích cực nghiên cứu tổ chức hoạt động thanh niên hai nước thăm các “địa chỉ đỏ” mang dấu ấn cách mạng, nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ hai nước về quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp Việt Nam-Trung Quốc…

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam: Thúc đẩy quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc lên tầm cao mới - Ảnh 3.

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Tiếp tục phát triển vững chắc, ổn định, bền vững quan hệ Việt Nam-Trung Quốc

Trên cơ sở quan hệ hai nước phát triển tốt đẹp, chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình mang ý nghĩa và tính biểu tượng quan trọng đối với quan hệ hai nước. Theo Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Thanh Bình, là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong năm 2025, chuyến thăm Việt Nam thứ 4 của đồng chí Tập Cận Bình trên cương vị lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc và là lần thứ hai trong cùng một nhiệm kỳ này thể hiện sự coi trọng cao độ của Đảng, Nhà nước Trung Quốc và cá nhân đồng chí Tập Cận Bình đối với việc phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt Nam-Trung Quốc.

Chuyến thăm diễn ra vào thời điểm then chốt đối với mỗi Đảng, mỗi nước và quan hệ Việt-Trung. Theo Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Thanh Bình, Việt Nam đang nỗ lực thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra, triển khai nhiều đột phá về thể chế, cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển đất nước, hướng tới Đại hội XIV của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong khi đó, Trung Quốc bước vào năm cuối cùng đẩy nhanh hoàn thành các mục tiêu trong Quy hoạch 5 năm lần thứ 14, xây dựng Quy hoạch 5 năm lần thứ 15 và giai đoạn then chốt triển khai Nghị quyết Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc, đi sâu cải cách toàn diện theo tinh thần Hội nghị Trung ương 3 khóa XX.

Dự kiến trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có các cuộc hội đàm, hội kiến quan trọng với Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; đi sâu trao đổi về việc tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ song phương, bao gồm phát huy truyền thống giao lưu trao đổi cấp cao thường xuyên, củng cố hơn nữa tin cậy chính trị, thúc đẩy triển khai hiệu quả nhận thức chung cấp cao và các thỏa thuận đã ký kết, mở rộng và nâng cao hiệu quả, chất lượng các lĩnh vực hợp tác theo định hướng “6 hơn”, đưa hợp tác thực chất đi vào chiều sâu, đạt nhiều thành quả thiết thực và điểm sáng mới.

Theo Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Thanh Bình, chuyến thăm được kỳ vọng sẽ tiếp thêm động lực mạnh mẽ và tạo nền tảng thuận lợi cho sự phát triển của quan hệ hai Đảng, hai nước trong giai đoạn mới; tiếp tục đưa ra những bố trí chiến lược, những định hướng quan trọng, đưa quan hệ Việt Nam-Trung Quốc tiếp tục phát triển vững chắc, bền chặt, gặt hái nhiều thành tựu mang tính đột phá vì lợi ích phát triển của mỗi nước. Theo đó, hai nước sẽ tiếp tục củng cố tin cậy chính trị, hiểu biết lẫn nhau, đẩy nhanh việc triển khai các thỏa thuận và dự án hợp tác giữa hai nước đạt tiến triển thực chất, bổ sung thêm những nội dung, nội hàm, biện pháp, phương hướng, cơ chế mới để quan hệ hai nước phát triển ngày càng toàn diện và thiết thực, đáp ứng nguyện vọng chung của nhân dân hai nước, đóng góp tích cực vào sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại.

Còn theo Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, chuyến thăm sẽ góp phần nâng tầm hợp tác thực chất giữa hai nước theo hướng ngày càng chất lượng, hiệu quả, bền vững; thúc đẩy tạo “điểm sáng” về hợp tác trình độ cao, nhất là trong các lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu, Trung Quốc có thế mạnh như đường sắt khổ tiêu chuẩn, thương mại nông sản, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, kinh tế số, kinh tế xanh... đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của nhân dân hai nước. Dự kiến trong chuyến thăm, các bộ, ngành, cơ quan, địa phương hai bên sẽ ký kết khoảng 40 văn kiện hợp tác trên hàng loạt lĩnh vực, tạo cơ sở quan trọng để triển khai hợp tác hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.

Phước Sang/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link