30/10/2014 05:36 GMT+7 | Thể thao
(Thethaovanhoa.vn) - Khá bận rộn công việc nhưng trước ngày diễn ra lễ tổng kết chương trình, “Chung sức cùng thể thao Việt Nam chinh phục ASIAN Games 17 và ASIAN Para Games 2014”, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Bảo hiểm Sài Gòn-Hà Nội (BSH), vẫn dành cho Thể thao & Văn hóa cuộc trao đổi thẳng thắn và chân tình về lĩnh vực thể thao nói chung.
* Trước hết, chúng ta hãy nói đôi chút về chương trình “Chung sức cùng thể thao Việt Nam chinh phục ASIAN Games 17 và ASIAN Para Games 2014”, ông có suy cảm gì?
- Dù bận nhưng tôi đã nói với cán bộ của BSH là tôi sẽ dành thời gian, lắp thêm TV để theo dõi sự phối hợp thực hiện chương trình của cán bộ BSH, báo Thể thao & Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) và Ủy ban Olympic Việt Nam ở mức độ nào.
Cảm ơn tập thể cán bộ-phóng viên báo Thể thao & Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam), Ủy ban Olympic Việt Nam, Tổng cục TDTT, Bộ VH, TT&DL đã hỗ trợ, giúp đỡ, phối hợp thực hiện chương trình với trách nhiệm cao nhất, tạo điều kiện để BSH thể hiện được tấm lòng với các VĐV.
Việc phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có mặt hầu hết các điểm thi đấu ở Incheon, có nơi cách trung tâm Seoul của Hàn Quốc tới 150km như cán bộ của tôi phản ánh, để trao bảng vị và động viên kịp thời các VĐV là rất trách nhiệm.
Đặc biệt, tôi xin bày tỏ lòng ngưỡng mộ đến các VĐV, họ luôn khiến tôi khâm phục, dù không phải ai cũng đạt thành tích như mong muốn. Vì muốn có thành tích thì phải được đầu tư từ rất lâu chứ không phải bây giờ, hoặc phải có tiền thưởng mới thành tích tốt. Tôi luôn tin tưởng năng lực của VĐV thể thao Việt Nam, nếu được đầu tư đúng mức, có chiều sâu thì chắc chắn nền thể thao nước nhà sẽ thay đổi tích cực ngay.
* Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, một doanh nghiệp như BSH bỏ ra hơn 1,3 tỷ đồng để tài trợ cho 2 đoàn thể thao Việt Nam, ông có gặp sức ép gì?
- Tôi chẳng gặp sức ép gì, bởi từ lâu tất cả các thành viên BSH đều nhận ra vấn đề là các VĐV chúng ta rất thiệt thòi, thậm chí rất đáng thương cảm..., nếu không thay đổi cách ứng xử cũng như cách đầu tư cho các em, và cả với các HLV, thì nền thể thao rất khó thoát ra được sự trì trệ.
Chúng tôi rất muốn làm gì đó để thay đổi nghịch lý trên, nhưng chưa có dịp. Cho nên, khi báo Thể thao & Văn hóa đưa ra ý tưởng chương trình, chúng tôi dường như nhất trí ngay. Số tiền trên là không nhỏ trong bối cảnh kinh tế như hiện nay, nhưng với cống hiến của các VĐV thì chưa đủ. Các em cần được nhận nhiều hơn nữa. Chúng tôi cũng rất yên tâm khi hợp tác với đối tác tin cậy như Thông tấn xã Việt Nam nói chung, và báo Thể thao & Văn hóa nói riêng.
* Từ chương trình này, ông muốn chuyển tải tâm sự gì, dưới góc độ một người yêu thể thao?
- Tôi mong lãnh đạo ngành thể thao hoạch định ra được một tầm nhìn, lộ trình, một chiến lược phát triển nền thể thao thật khoa học, có tính hiệu quả cao, đủ sức thuyết phục được xã hội, thì mới có thể nghĩ đến việc tập hợp các nguồn lực trong xã hội hỗ trợ cho ngành thể thao.
Tóm lại việc ưu tiên tìm ra hướng đi nào đúng cho thể thao Vệt Nam lúc này là cần ưu tiên. Ví dụ: 4 năm sau chúng ta có lộ trình phát triển nào để giành nhiều huy chương hơn, nhất là HCV, ở ASIAD 18?
Đấy là tâm lý chung, cá nhân tôi cũng vậy thôi. Nếu tôi tin là việc làm của mình sẽ góp phần nhỏ bé giúp nền thể thao phát triển, ngành thể thao đã cho thấy quyết tâm cách mạng nền thể thao nước nhà bằng một hướng đi tươi mới, tôi sẽ không tiếc công sức. Còn nếu bỏ tiền ra hỗ trợ mà vẫn không có hy vọng gì, vẫn cứ cách làm thể thao cũ, hướng đi cũ thì buồn lắm.
* Ông từng nói nền thể thao nói chung và bóng đá Việt Nam nói riêng cần phải có một “Hội nghị Diên Hồng”, chắc ông vẫn mơ một ngày sự kiện đó sẽ thành hiện thực?
- Tôi mơ chứ, nhưng có lẽ ngày đó còn rất xa bởi để đạt được sự đồng thuận trong lĩnh vực thể thao là vô cùng khó. Như thế đồng nghĩa nền thể thao nước nhà, nền bóng đá nước nhà sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm ra hướng đi phù hợp, tích cực.
Nhất là bóng đá, tôi thấy chúng ta đang sống trong một tình cảnh như bị một ánh hào quang ảo, những giá trị ảo che trước mắt trong một thời gian quá dài. Khi nào và ai sẽ giúp cho những người làm bóng đá nước nhà thoát ra khỏi những ánh hào quang ảo đó?!
Chúng ta vẫn đang phát triển bóng đá "từ nóc". Có nghĩa, chưa có một giải đấu chuyên nghiệp đúng mức, giải chuyên nghiệp sắp đá mùa bóng mới dường như không được để ý, đào tạo trẻ vẫn chỉ đơn lẻ, manh mún. Vậy thì làm sao nền bóng đá thay đổi được.
Nếu một tổ chức nào đủ năng lực tổ chức một cuộc hội thảo kiểu “hội nghị Diên Hồng thể thao” đúng nghĩa, tôi sẵn sàng ủng hộ, và vận động bạn bè có trách nhiệm với nền thể thao ủng hộ. Tôi không nghĩ xã hội hóa thể thao lại là vấn đề quá khó khăn.
* Xin chúc ông thành công trong thương trường và lĩnh vực thể thao. Cũng xin được mạo muội thay mặt những người yêu thể thao xin được bày tỏ sự cảm kích trước nghĩa cử nhân văn mà cá nhân ông và BSH đã dành cho 2 đoàn thể thao Việt Nam tại ASIAN Games 17 và ASIAN Para Games 2014.
“Là tờ báo có nhiều hoạt động chung sức cùng thể thao Việt Nam như Thanh Niên, tôi chia sẻ những nỗ lực của tập thể lãnh đạo, cán bộ, phóng viên báo Thể thao & Văn hóa. Các đồng nghiệp cùng BSH đã tổ chức một chương trình rất ý nghĩa, giàu giá trị nhân văn”, ông Trần Quang Tuyến, Trưởng ban Thể thao báo Thanh Niên, chia sẻ. |
Hữu Qúy (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất