01/08/2016 21:03 GMT+7 | Thể thao
(Thethaovanhoa.vn) - Giữa những kịch tính và cao trào về việc trừng phạt thể thao Nga liên quan tới các cáo buộc doping, có một điều chắc chắn: Thế vận hội sẽ kém hấp dẫn hơn nhiều nếu thiếu những người Nga.
Có vẻ như Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) đã thừa nhận điều đó với quyết định sẽ không cấm toàn bộ các VĐV Nga tranh tài ở Rio 2016, trong một phán quyết mà Chủ tịch IOC Thomas Bach, một người Đức, nói là “khó khăn nhất trong lịch sử tổ chức”. Sẽ còn nhiều tranh cãi về sự thật, tính hợp pháp và động cơ đằng sau phán quyết của Liên đoàn Điền kinh Quốc tế (IAAF) cấm các VĐV điền kinh Nga tham dự Olympic, nhưng quyết định của riêng IOC về đoàn thể thao Nga có lẽ là đã “trung dung” hết mức có thể.
Trong khi rõ ràng ai cũng muốn có một kỳ Thế vận hội mà mọi VĐV đều được xác nhận là trong sạch, các công nghệ mới trong thể thao, tiến bộ y học, và cả những động cơ chính trị, khiến một kỳ giải quốc tế “thuần khuyết” là khó thể khả thi. Cấm hoàn toàn đoàn Nga tham dự Olympic có nguy cơ biến sự kiện thể thao được mong đợi trên toàn thế giới này thành một chiến thắng độc tôn cho người Mỹ, vốn trước giờ đã áp đảo ở Olympic rồi. Còn nhớ, tại Olympic Los Angeles 1984, kỳ Thế vận hội bị Liên Xô tẩy chay, Mỹ đã thống trị hoàn toàn với 174 huy chương các loại, một con số lố bịch.
Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) quyết định sẽ không cấm toàn bộ các VĐV Nga tranh tài ở Rio 2016
Cũng cần nhắc rằng khi đó, các vụ tẩy chay sự kiện thể thao mang đậm màu sắc chính trị. Liên Xô không tới Los Angeles để trả đũa việc Mỹ tẩy chay Thế vận hội Moskva 1980, sau khi Liên Xô đưa quân vào Afghanistan. Báo Pháp L’Equipe và báo Mỹ The Wall Street Journal đều cảnh báo rằng “Olympic Rio sẽ không còn hấp dẫn” nếu thiếu đoàn thể thao Nga. Ngoài các nội dung điền kinh, Nga có nhiều ứng viên huy chương ở hàng loạt các nội dung vật, thể dục dụng cụ, cử tạ, đấu kiếm, bơi lội và quyền anh, theo L’Equipe.
Trong một bài phỏng vấn với hãng tin Nga Sputnik, Mostafa Shoughi, trưởng ban thể thao của báo Iran, Hamshari, thì cho rằng vụ bê bối hiện giờ chỉ là bởi quan hệ đang ở mức tồi tệ nhất từ sau Chiến tranh Lạnh giữa Nga và phương Tây. “Rất lâu rồi, Mỹ, Canada và châu Âu khởi phát cuộc Chiến tranh Lạnh mới trong thể thao chống lại nước Nga”, Shoughi bình luận. “… Tổng thống (Nga Vladimir) Putin đã nói những vụ tẩy chay (Olympic 1980 và 1984) là những sai lầm lẽ ra không nên lặp lại, nhưng cuộc chiến đơn phương của phương tây vẫn tiếp diễn”.
Một nhà bình luận khác, VĐV bóng rổ người Serbia Zoran Slavnic, thì không đồng ý với phán quyết của Tòa án Trọng tài Thể thao (CAS) giữ nguyên lệnh cấm của IAAF với điền kinh Nga. “Đây là một quyết định chính trị, không có gì phải nghi ngờ. Tôi vẫn hy vọng CAS sẽ rút lại quyết định này”, Slavnic nói.
Tuy nhiên, lúc này đây thật khó tìm ra một tiếng nói “trung lập” và “khách quan” để xác định ai đúng, ai sai. Trong khi phương tây chỉ trích Nga (và cả IOC) dữ dội, thì truyền thông Nga cũng chỉ dẫn được các nhân vật người Iran và Serbia, vốn trước hết là những đồng minh chính trị, chứ chẳng liên hệ mấy về thể thao, với Moskva.
Sắc màu Chiến tranh Lạnh
Cuộc chiến thông tin hiện giờ không tới mức tuyên truyền sỉ vả lẫn nhau như thời Bức màn Sắt còn tồn tại, nhưng cũng rất khó tìm ra được một tiếng nói thực sự độc lập. Những bê bối doping của thể thao Nga đã bị đặt nghi vấn từ khá lâu. Nhưng vụ việc chỉ chính thức bùng phát, dẫn tới 2 cuộc điều tra độc lập liên tiếp của IAAF và Cơ quan Phòng chống Doping Thế giới (WADA), sau phóng sự của đài Mỹ CBS ngày 8/5/2016 trên chương trình 60 Minutes (60 phút). Trong cuộc phỏng vấn với một cựu nhân viên Cơ quan Phòng chống Doping Nga (RUSADA), Vitaly Stepanov, và cựu giám đốc phòng thí nghiệm doping Nga ở Moskva, Grigory Rodchenkov, chương trình này được cho là đã “bóc trần sự thật” về việc gian lận kết quả xét nghiệm doping một cách có hệ thống, được nhà nước bảo trợ, ở Nga.
Vài ngày sau đó, tới lượt nhật báo danh giá The New York Times đăng một bài phỏng vấn dài với Rodchenkov, trong đó chỉ đích danh những trò gian lận ở Olympic mùa Đông Sochi 2015. Tuy nhiên, ít người biết rằng Stepanov là chồng của VĐV chạy cự ly trung bình 29 tuổi Yulia Stepanova, người từng bị RUSADA cấm thi đấu vì liên quan tới doping và đã xin tị nạn chính trị tại Canada vào năm 2015. Stepanova là người cung cấp tin tức chính về chương trình doping của Nga, đầu tiên là cho đài truyền hình Đức ARD, để họ quay và công bố một cuốn phim tài liệu về sự gian dối của thể thao Nga tháng 12/2014. Stepanov, trong khi đó, sống và học tập ở Mỹ từ năm 15 tuổi trước khi quay về Nga làm cho RUSADA từ năm 2008, cho tới năm 2011.
Cựu giám đốc phòng thí nghiệm doping Nga ở Moskva, Grigory Rodchenkov
Trong khi đó Rodchenko, người đã tiết lộ việc các VĐV Nga sử dụng doping bằng cách “xúc miệng với hỗn hợp chất cấm pha rượu Chivas để rút ngắn thời gian bị phát hiện dương tính xuống còn chỉ 3-5 ngày sau khi sử dụng”, cũng là một nhân vật “ly khai” của thể thao Nga. Người Moskva gốc, Rodchenko, 57 tuổi, có bằng tiến sĩ hóa học Đại học Moskva, bắt đầu làm việc ở phòng thí nghiệm chống doping từ năm 1985, rồi sau khi Liên Xô sụp đổ, làm ở Canada cho một công ty hóa dầu Nga, trước khi trở thành giám đốc phòng thí nghiệm chống doping quốc gia năm 2005. Năm 2013, Marina Rodchenko, em gái Gregory, từng bị phạt tù vì tội bán chất cấm cho các VĐV. Bản thân Rodchenko bị điều tra với tội danh tương tự, là lý do khiến ông này “phản thùng” và quay sang cung cấp thông tin cho phương Tây.
Ai dám nói đây là cuộc chiến về doping thuần túy?
Đoàn Nga chỉ có 40 VĐV? Mặc dù IOC không cấm toàn bộ đoàn Nga, nhưng lại trao quyền cho các Liên đoàn của từng môn thể thao, nên nhiều VĐV ở các môn của Nga đã và đang đứng trước nguy cơ bị cấm tới Rio. 10 VĐV của Bơi và Đua thuyền đã chắc chắn bị cấm. Các Liên đoàn Xe đạp, Boxing, Kiếm, Võ thuật… khẳng định họ sẽ tuân thủ chặt chẽ quy trình và xem khi kiểm duyệt danh sách các VĐV Nga. Tính tới đầu tuần này, mới chỉ có Tennis, Ba môn phối hợp khẳng định các VĐV Nga trong sạch. Vì thế, đoàn nga có thể chỉ gồm 40 VĐV. Phương Tây thất vọng, Nga biết ơn IOC WADA tuyên bố họ “hết sức thất vọng” với phán quyết của IOC và “bảo lưu ý kiến” về việc phải cấm toàn bộ đoàn Nga tham dự Olympic Rio. Trong khi WADA, IOC hay IAAF đều được coi là những cơ quan quốc tế, trung dung và phi chính trị, thật đáng nhắc rằng người đứng đầu WADA (Craig Reedie) và IAAF (Lord Coe) có quốc tịch Anh, trong khi chủ tịch IOC (Thomas Bach) là một người Đức. Cả chính giới lẫn truyền thông Anh đều cho thấy thái độ ít ra là thù địch với Nga, trong khi Đức trên phương diện chính trị là quốc gia muốn “dàn hòa” nhất cho quan hệ căng thẳng Nga-phương Tây hiện giờ. Hiệp hội Phòng chống Doping Mỹ (USADA), thật dễ hiểu, nói phán quyết của IOC là “một đòn giáng mạnh vào quyền lợi của những VĐV trong sạch”. Người đứng đầu USADA Travis Tygart nói trong một tuyên bố: “Nhiều VĐV và những người dám lên tiếng đã đầy can đảm khi đối mặt với nền văn hóa doping và băng hoại của thể thao Nga. Thật đáng thất vọng là trong thời khắc quan trọng nhất để bảo toàn sự chính trực của Olympic, IOC lại không cho thấy khả năng lãnh đạo”. Tuy nhiên, Bộ trưởng Thể thao Nga Vitaly Mutko nói: “Chúng tôi biết ơn IOC vì đã phân biệt rạch ròi trách nhiệm tập thể và cá nhân. IOC đã quyết định rằng những VĐV mà danh tiếng chưa bị bôi nhọ, còn trong sạch, chưa sử dụng doping, thì được quyền tham dự Olympic”. |
Trần Trọng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất