22/08/2021 08:38 GMT+7 | Thể thao
(Thethaovanhoa.vn) - Là tờ báo chuyên ngành, ngay từ năm 2020 khi dịch Covid-19 xuất hiện rồi bùng phát khắp thế giới, cho tới Việt Nam, báo Thể thao và Văn hoá đã phải đối mặt với những khó khăn lớn nhất và cũng khó lường nhất trong lịch sử hơn 3 thập kỷ hình thành, phát triển của tòa soạn. Không đơn thuần chỉ là những khó khăn khách quan từ yếu tố dịch bệnh, mà dịch bệnh đã làm thay đổi gần như toàn bộ tư duy, lẫn cách làm, cách vận hành của tờ báo, của tòa soạn.
Khó khăn là hiện hữu và tiếp tục kéo dài khi dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực lên nhiều mặt của đời sống xã hội. Nhưng cũng chính trong cuộc chiến đầy gian khó ấy, những cơ hội mới lại mở ra với những người dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với thách thức. Đó cũng chính là Thể thao và Văn hóa ở tuổi 39!
Chia sẻ với Thể thao và Văn hóa từ đợt dịch đầu tiên hồi năm ngoái, BLV Vũ Quang Huy từng nhận định rằng những nhân vật chính của đời sống thể thao như HLV, VĐV, các CLB bị ảnh hưởng mạnh mẽ vì dịch Covid-19 bởi hàng loạt giải đấu lớn nhỏ đều bị hủy bỏ. Còn với các phóng viên, biên tập viên, bình luận viên dĩ nhiên ít bị tác động hơn. Dẫu vậy, thách thức đặt ra với người làm báo là không nhỏ…
Đòn mạnh với báo giấy, áp lực cho báo điện tử
Ngay từ cuối tháng Ba năm ngoái, 1 tờ báo đối ngoại đã dừng xuất bản trong hai tuần do có một phóng viên nhiễm virus SARS nCov-2. Tương tự là 1 tờ báo địa phương khác cũng dừng in 2 tuần để cách li xã hội theo Chỉ thị 16. Đó là những “nạn nhân” báo chí đầu tiên của đại dịch Covid-19.
Ở thời điểm, hiện tại, khi dịch bệnh còn lan rộng hơn, phức tạp hơn thì tác động đến báo chí, đặc biệt là báo giấy lại càng lớn. Trước đây, các quán café, tiệm cắt tóc, sân bay, các chuyến bay, bến xe... là nơi tiêu thụ nhiều báo giấy, nay đều đã bị dừng để thực hiện cách ly xã hội. Hoạt động phát hành chủ yếu phụ thuộc vào các đại lý, nhưng vì dịch bệnh, các đại lý cũng phải giảm số lượng thậm chí ngừng hẳn. Ngoài ra, doanh thu quảng cáo của hầu hết các tờ báo giấy cũng giảm bởi các khách hàng quảng cáo truyền thống cũng gặp khó khăn do đại dịch. Về mặt này, ngay cả các trang báo điện tử cũng gặp phải, chứ không riêng gì báo giấy vốn đang đà lao dốc trong thời công nghệ.
Nhưng, cuộc sống vẫn trôi đi, và người làm báo cũng phải tự thích nghi với hoàn cảnh. Thực tế, mô hình báo giấy chỉ có thể đi theo hướng chuyên sâu chứ không thể cập nhật tin tức nhanh như báo điện tử, mạng xã hội trong thời đại 4.0, việc triển khai tòa soạn điện tử là nhu cầu tất yếu. Và đó cũng là thách thức lớn cho các phóng viên, biên tập viên. Mảng online vốn bị cạnh tranh dữ dội và nếu không có cách làm khoa học, nếu không gồng mình lên thì sẽ rất khó đạt hiệu suất cao.
Đặc thù của báo điện tử, ngoài việc phải được trang bị những kiến thức về SEO (tối ưu hóa tìm kiếm), bao giờ cũng đòi hỏi sự chăm chỉ cần mẫn, bởi cuộc chạy đua về view diễn ra vô cùng quyết liệt, thậm chí là đến từng phút, từng giây. Trong thời gian diễn ra các sự kiện thể thao lớn hiếm hoi được tổ chức như EURO, Copa America, hay Olympic Tokyo, việc xác định đề tài không quá khó, nhưng khi các giải kết thúc, đó mới là một cuộc chiến thực sự, khi mỗi phóng viên, BTV phải liên tục đào sâu suy nghĩ.
“Work from home” không phải nhà báo salon
Chúng ta vẫn hay dị ứng với cụm từ “nhà báo salon” khi nói về những phóng viên ngại đi thực tế và hay “chém” dựa vào những thông tin không được xác thực, hay thậm chí là đánh cắp ý tưởng từ báo khác.
Nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 đang phức tạp như hiện nay, việc tác nghiệp hiện trường là cực kỳ khó. Và làm việc tại nhà (work from home) là tất yếu để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và cộng đồng. Với các phóng viên trong nước, rõ ràng đây là một nhiệm vụ khó khăn, đặc biệt là ở khâu kiểm chứng thông tin trong thời đại tin giả (fake news) tràn lan. Trái lại, các phóng viên quốc tế thì dễ dàng hơn, bởi đã quen với việc khai thác thông tin từ nguồn báo chí nước ngoài.
Thực tế, làm việc nhóm từ xa là mô hình thích hợp với môi trường số hóa. Nó không chỉ phù hợp trong điều kiện phòng, chống dịch bệnh như hiện nay mà còn là xu hướng ngày càng được nhiều tòa soạn áp dụng. Nhưng hiệu suất và kết quả của mô hình làm việc từ xa, làm việc tại nhà còn tùy thuộc vào trách nhiệm, tác phong chuyên nghiệp và cách làm việc của mỗi phóng viên, biên tập viên cũng như cách thức vận hành của cả một nhóm.
Các yếu tố về công nghệ, đường truyền kết nối internet, kết nối dữ liệu,... cũng tác động không nhỏ tới hiệu quả của quá trình “work from home”. Ngoài ra, mỗi phóng viên, biên tập viên sẽ phải xây dựng một thời khóa biểu phù hợp với bản thân, gia đình để đảm bảo tiến độ, năng suất làm việc.
Trong quá trình làm việc trực tuyến, vai trò của người điều hành nhóm vô cùng quan trọng, bởi cần phải nắm bắt rõ tiến độ, thói quen làm việc của các phóng viên, biên tập viên để điều phối công việc bằng những kế hoạch hợp lý. Thực tế công việc đã chứng minh, khi người biên tập càng làm kế hoạch rõ ràng thì hiệu quả công việc của các phóng viên, biên tập viên càng cao.
Covid-19 đã làm tác động lớn đến cách làm báo của các phóng viên, biên tập viên, nhưng đó cũng là một cơ hội để chúng ta tự thay đổi, thích nghi, và làm mới chính mình theo hướng tích cực hơn. Lửa thử vàng, gian nan thử sức! Thể thao và Văn hóa cũng chẳng là ngoại lệ.
* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.
Tuấn Cương
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất