Đánh chết bé gái vì tội…"để" chú cưỡng hiếp

31/05/2011 15:59 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Mặc dù Bangladesh có hệ thống luật hình sự nhưng tại các ngôi làng xa xôi hẻo lánh ở nước này, vẫn có một thứ "lệ" đứng cao hơn luật nước gọi là fatwa. Dựa vào fatwa, nhiều nạn nhân đã lãnh những đòn trừng phạt tàn khốc, trong khi kẻ gây tội với họ lại nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.

Khi Hena Akhter, một thiếu nữ đang ở tuổi vị thành niên ở Bangladesh, bị người chú họ cưỡng hiếp, hội đồng làng đã ra một quyết định xử phạt gọi là fatwa, theo đó cả hai sẽ bị đánh đòn vì có hành vi vô đạo đức.

Bị làng đánh chết

Hội đồng phán quyết rằng Hena sẽ lãnh 101 gậy và kẻ phạm tội là 201 gậy. Nhưng cô bé đáng thương mới 14 tuổi đã ngã gục ở đòn đánh thứ 70 và chết sau đó 6 ngày tại nhà riêng ở làng Chamta, một khu vực hẻo lánh thuộc quận Shariatpur, miền Trung Bangladesh.

Mẹ đẻ Hena Akhter, nước mắt lăn dài trên má
khi kể về cái chết bi thảm của con gái


"Hội đồng đã dùng một miếng vải ướt buộc chặt một đầu để đánh con bé. Tôi không có cách nào để ngăn cản họ" - mẹ của Hena, chị Aklema Begum vừa khóc vừa kể cho phóng viên hãng tin AFP biết về kết cục bi thảm của cô con gái hồi tháng 1 năm nay - "Anh rể của tôi đã chứng kiến cuộc trừng phạt. Khi Hena gục ngã lần đầu lúc mới lãnh 30 roi, họ đã bắt nó đứng dậy và tiếp tục đánh. Trận đòn trừng phạt khiến nó không thể nói hoặc ăn uống gì sau đó. Máu thì cứ trào qua mũi, miệng và tai con tôi".

Điều đáng nói là sau khi Hena qua đời, giới chức chính quyền địa phương đã có hành vi che giấu hoạt động phạm tội do quyết định sai trái của hội đồng làng đưa ra. Một cuộc kiểm tra ban đầu do các bác sĩ địa phương tiến hành đã ra kết luận rằng "không có vết thương nào có thể phát hiện bằng mắt thường" trên thi thể Hena. Báo cáo ban đầu của cảnh sát cũng không nhắc gì tới cái chết của cô bé giống một vụ giết người. Thay vì thế, nó cáo buộc Hena đã ngoại tình với người chú Mahbub Khan, 45 tuổi.

"Đây là một dạng đồng cảm với bạo lực chống lại bé gái nạn nhân. Tại sao hồ sơ cảnh sát không ghi đúng trường hợp này. Tại sao bệnh viện không chữa trị cho cô bé kịp thời. Ai trả tiền để tất cả những chuyện này được che đậy đi?" luật sư Salma Ali, người đang bảo vệ gia đình Hena trước tòa án tuyên bố.

Một cuộc khám nghiệm tử thi thứ 2 đã cho kết luận chính xác rằng Hena chết vì chảy máu trong. Các bác sĩ và giới chức cảnh sát địa phương hiện đang bị đình chỉ công tác để điều tra vì âm mưu che giấu hành vi phạm tội. Còn Khan cùng hội đồng làng gồm 7 nhân vật đã ban hành fatwa gây chết người kể trên, đã bị bắt và đang chờ ngày ra tòa.

80% tranh chấp qua tay xử lý của hội đồng làng

Cái chết của Hena đã khiến dư luận Bangladesh bị sốc và một lần nữa cho thế giới thấy về cuộc vật lộn của nước này trong cuộc chiến chống lại các fatwa, những sắc lệnh mang tính tôn giáo thường do những giáo sĩ Hồi giáo ban hành.

Bangladesh hiện có quy mô dân số khoảng 158 triệu người, với 90% dân số là người Hồi giáo. Nước này có hệ thống luật hình sự khá đầy đủ. Nhưng pháp luật chỉ có sự hiện diện rất hạn chế ở các khu vực ngoài thủ đô Dhaka. Falzl Huq, một thành viên Hiệp hội hỗ trợ pháp lý Madaripur nói rằng có tới 80% các cuộc tranh chấp ở Bangladesh đều qua bàn tay giải quyết của hội đồng làng, còn được gọi là shalish.

Phụ nữ Bangladesh biểu tình chống quyết định
của tòa án Tối cao cho phép fatwa tiếp tục tồn tại


"Các thủ tục pháp lý thường rất tốn kém, mất thời giờ và đầy rẫy tham nhũng" - Huq nói và cho biết hiện có 2 triệu trường hợp kiện cáo đang chờ tòa án nước này xét xử. Đó là cơ sở để người dân thường nhờ shalish và những fatwa do họ ban hành để xử lý tranh chấp.

Nhưng fatwa, do dựa nhiều vào các quy định tín ngưỡng của người Hồi giáo, đã chứa đựng rất nhiều khiếm khuyết. Hồi năm 2000, báo chí Bangladesh loan tin cho biết chị Sahida, người là vợ cũ của anh Saiful thuộc làng Atitha ở vùng Kirtipur, đã phải tổ chức đám cưới với em họ của Saiful, chỉ để  được tái giá với chồng cũ. Chuyện bắt đầu từ một lần Sahida và Saiful có tranh cãi với nhau. Trong lúc nóng giận, Saiful đã tuyên bố từ "ly hôn" 3 lần trước mặt vợ và theo luật Hồi giáo, 2 người coi như đã chia tay nhau. Khi bình tĩnh trở lại, đôi bên có mong muốn tiếp tục sống với nhau. Nhưng hội đồng làng Atitha đã ra fatwa, yêu cầu Sahida phải tổ chức cái gọi là đám cưới Hilla. Đây là một quy định, trong đó nếu người đàn ông đã ly hôn, rồi lại muốn tái hôn với vợ cũ, người đàn bà của anh ta phải kết hôn với một người chồng thứ 3 rồi ly hôn trước khi họ có thể tái hợp trở lại.

Hồi năm 2001, tòa án Phúc thẩm Bangladesh đã quyết định cấm fatwa, sau hàng loạt vụ phụ nữ Hồi giáo bị trừng phạt bằng đòn roi. Nhưng đầu tháng này, Tòa án Tối cao Bangladesh ở Dhaka đã phán quyết rằng fatwa có thể được sử dụng trong các vấn đề mang tính cá nhân hoặc tín ngưỡng, nếu chúng không áp dụng những biện pháp trừng trị về mặt thể xác. "Fatwa ban hành trên các vấn đề tín ngưỡng chỉ có thể được phép đưa ra bởi những người đã qua giáo dục đầy đủ" - Công tố viên trưởng Bangladesh Mahbubey Alam nói với hãng tin AFP - "Không một hình phạt nào, bao gồm bạo lực thể xác hay tra tấn tinh thần ở bất kỳ dạng nào, có thể được áp dụng thông qua fatwa".

Khó chống fatwa

Tuy nhiên phán quyết của tòa Tối cao không nói rõ ai là đối tượng được coi là "đã qua đào tạo đầy đủ" để có thẩm quyền ban hành fatwa. Được biết trong thành phần hội đồng làng đã ban lệnh trừng phạt Hena còn có cả vợ của kẻ đã cưỡng hiếp cô bé cùng chị dâu của nhân vật này và họ đều chưa qua trường lớp đào tạo nào về luật Hồi giáo.

Giới phân tích chỉ ra rằng tình trạng thiếu nhận thức xã hội là rào cản lớn nhất để ngăn chặn các vụ phạm tội dựa hơi fatwa. Tại nhiều vùng ở Bangladesh, nhiều người dân thậm chí còn không biết rằng fatwa không phải luật pháp. Ngay như trong trường hợp của Hena, cha mẹ cô bé không hề biết điều này để ra tay bảo vệ con.

Các luật sư nói rằng việc tòa án Tối cao Bangladesh không cấm hẳn fatwa cũng để lại một khoảng trống lớn, có thể dễ dàng tạo điều kiện để các hội đồng làng "lách luật". "Những người ban hành fatwa có thể sẽ bào chữa thế này 'Chúng tôi không ra lệnh đánh đòn ai cả" - luật sư Sara Hossain, một người phản đối quyết định của tòa án tối cao nói - "Người dân sẽ làm bất kỳ thứ gì họ thấy cần phải làm. Còn chúng tôi chỉ thể hiện quan điểm cá nhân mà thôi".

Gia Bảo

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link