Trần Ly Ly: Từng cô độc đến tự kỷ

01/05/2013 06:55 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Được làng múa biết đến từ gần 10 năm trước với những vở múa đương đại nhưng phải đến khi ngồi ghế giám khảo cuộc thi Bước nhảy hoàn vũ trên truyền hình mỗi tối thứ bảy hàng tuần, Trần Ly Ly mới trở nên quen mặt với đa số công chúng. Trong cuộc họp báo công bố chương trình biểu diễn do Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam tổ chức mới đây, Trần Ly Ly lại xuất hiện với vai trò phó hiệu trưởng trường Múa TP.HCM.


TT&VH Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với Trần Ly Ly.

Làm giám khảo để thử thách mình

* Sau một vài năm ồn ào với những vở múa đương đại, chị trở nên thầm lặng hơn, đã không có tác phẩm mới đủ sức gây chú ý như trước. Điều gì khiến chị quyết định lên ti-vi nhận xét những người nổi tiếng nhảy múa để lúc thì được “tung hoa” khi lại bị “ném đá”?

- Bước nhảy hoàn vũ là một sân chơi vui, có giá trị tích cực cho cả người chơi - nghệ sĩ lẫn khán giả. Bản thân nghệ sĩ khi tham gia cuộc thi họ phải vật vã tập luyện, tìm tòi để hoàn thiện mình, để đẹp lên trong mắt khán giả. Còn khán giả, lúc đầu xem họ thấy vui rồi dần dần thấy được cái hay, cái đẹp của nghệ sĩ. Giá trị xã hội là ở chỗ đó. Còn với cá nhân tôi, tôi nghĩ đây là một công việc mình cần phải trải qua, để thấy được bản lĩnh nghề nghiệp và chính con người mình, đó là những cái tôi cần biết về mình. Sau mỗi đêm, thấy mình hay, dở, có nhận được phản ứng trực tiếp từ 3 giám khảo còn lại… đó chính là thử trải nghiệm, thử thách rất tốt. Vả lại, việc tôi ngồi vào vị trí đó cũng giống như số phận đặt mình vào, đúng vậy đấy vì thiếu gì nghệ sĩ múa sao họ không mời mà lại mời mình.

* Và chị cũng nổi tiếng hơn…

- Điều đó là có và cũng cần thiết, dù tôi đã có vị trí của tôi, có công việc của tôi. Nhưng không phải tất cả. Làm giám khảo rất khó, đòi hỏi tôi phải học nhiều hơn, hoàn thiện cả kiến thức cho tôi, vì không phải mảng nào tôi cũng nắm rõ. Như tôi đã nói, với tôi sự thử thách là điều quan trọng hơn. Tôi phải biết mình nên nói gì, nói như thế nào, nói bao nhiêu là đủ, đối thoại với người khác ra sao… Tôi còn có tham vọng cho mọi người biết thêm về trình độ của mình qua những lời nhận xét, để chứng minh rằng nghệ sĩ múa cũng biết... nói, cũng có nghệ thuật sử dụng ngôn từ để thể hiện được trình độ, văn hóa của mình đồng thời giúp họ hiểu hơn về múa. Mặt khác, cảm xúc của tôi trước và sau mỗi buổi chấm thi cho tôi thấy cảm giác lại được lên sân khấu, hồi hộp, lúc thăng hoa, lúc bình thường, có hôm lại hơi thất vọng, đó là những cảm xúc giống như khi xưa tôi còn biểu diễn.

* Thường thì nghệ sĩ cho công chúng biết mình tồn tại qua tác phẩm, nhưng bây giờ khán giả Việt lại biết đến các nghệ sĩ chủ yếu qua… game show. Chị cũng không ngoại lệ. Chị thấy điều này có phải là bi kịch mới của làng nghệ không?

- Nghệ sĩ chân chính là phải luôn lao động nghệ thuật, sáng tác. Họ chỉ có giá trị khi sáng tác, biểu diễn. Đó là chân lý người ta nói từ lâu. Nếu công việc của mình nói lên giá trị của chính mình thì sự hào nhoáng khi ngồi ở vị trí giám khảo trong các game show là con dao hai lưỡi. Nhưng tôi không thấy bi kịch gì cả, lại thấy hay. Vì đó là thông qua một con đường khác để người ta biết đến mình, một con đường ngắn. Chỉ bi kịch khi một người có tài mà không ai biết đến họ. Nếu làm giám khảo để mọi người biết đến mình và thông qua đó biết đến tác phẩm của mình thì quá hay.

Trần Ly Ly (ngoài cùng bên phải) trên ghế giám khảo Bước nhảy hoàn vũ

Được mọi người yêu quý và… tránh xa

* Nhưng đã quá lâu chị không có tác phẩm, sau Một ngày và Living In The Box được làm từ khi chị mới về nước sau khi học tại Pháp, Australia. Chị làm gì suốt thời gian qua vậy?

- Tôi giảng dạy và mới đây thì cũng sáng tác những vở ngắn cho các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp.

* Điều gì khiến chị không sáng tác cho riêng mình?

- Ngay sau khi làm 2 vở diễn mà chị vừa nhắc, tôi rơi vào trạng thái sốc và cô đơn, đến nỗi tới nay tôi vẫn không thể sáng tác những tác phẩm dài trở lại.

* Tại sao vậy?

- Lúc tôi đưa ra 2 vở diễn đó, múa đương đại còn xa lạ ở Việt Nam. Không ai nói gì về những vở diễn này cả. Một tác phẩm khi đưa ra mà bị chửi cũng là thành công vì chứng tỏ người ta có xem và có phản ứng về nó. Nhưng mọi người đã không nói về tác phẩm của tôi, không hiểu vì họ không đánh giá được hay không muốn nói. Điều đó làm tôi hoang mang không biết con đường của mình như thế nào. Tôi đã chọn xã hội này, đất nước này để tồn tại, trong khi nhiều bạn bè đi học như tôi nếu không ở lại nước ngoài làm việc thì khi trở về, bị rơi vào hoàn cảnh giống tôi, họ cũng lại ra đi. Còn tôi, tôi không chịu nổi sự cô đơn khi sống ở nước ngoài nên tôi phải trở về.

* Lúc đó ở Hà Nội cũng có những người như Lê Vũ Long rồi, trước đó chị cũng được người trong nghề đánh giá cao…

- Thời gian đó tôi thấy mình như đang sống như một kẻ ngoài xã hội. Từ xưa mọi người yêu quý tôi vì tôi là người sinh viên tử tế khi học trong trường múa. Nhưng tôi lại sáng tác ra những thứ mà theo họ là không thể chấp nhận được. Tôi cảm thấy mọi người yêu quý và… tránh xa tôi, họ nói về tôi rằng “nó làm rất chán nhưng nó khác”! Tôi cứ tự hỏi mình phải sống như thế nào? Một biên đạo múa giỏi có thể sáng tác hay đến tận 80 tuổi, chẳng lẽ tôi dừng lại. Rồi tôi tự nhủ thôi mình sử dụng vài năm để tĩnh lặng, rơi vào cái vực của chính mình để làm được cái gì đó.



* Chẳng lẽ trạng thái đó kéo dài đến tận bây giờ?

- Đúng lúc rơi vào trạng thái đó, tôi lao vào giảng dạy, thì rất thành công. Thế là quên mất là mình phải sáng tác.

* Điều gì đưa chị đến với chức Phó hiệu trưởng Trường Múa TP.HCM?

- Giảng dạy ở Hà Nội trong một thời gian dài, tôi thấy mình lại như đứng bên một bờ vực. Tôi thấy ở Hà Nội mọi thứ với mình đã trở nên cũ kỹ, tôi cần một không gian mới, cần một luồng gió mới để không cạn kiệt cảm xúc. Vậy là tôi vào Sài Gòn và được mời vào vị trí đó.

* Chị không thể rời bỏ Hà Nội và đã quay về sau khi học xong nhưng lại nhanh chóng quyết định vào TP.HCM sống. Chị đã vượt qua được nỗi cô đơn cố hữu?

- Lúc mới vào, tôi cũng thấy mình lạc lõng lắm. Đồ ăn thì quá ngọt còn khí hậu thì quá nóng, quá thiếu mùa Đông, thiếu những ngày được co ro với bạn bè. Nhưng cô đơn đến mức tự kỷ như hồi tôi sống ở nước ngoài thì không. Hồi đó, đi học, đi làm, khả năng của mình được nhìn nhận, trình độ của mình hòa nhập được nhưng tôi luôn thấy những đất nước đó không thuộc về mình, tôi không thể hòa nhập được với xã hội đó. Tôi cô độc đến mức tự kỷ suốt 6 năm đi học. Có lúc tôi cứ ngồi trên tàu điện, để mặc nó muốn đưa mình đến đâu thì đến. Một mình giữa những toa tàu cứ lao vun vút như vô định. Vì thế mà học xong tôi quyết định về, nhất định phải về, phải sống và làm việc ở quê hương của mình. Ở đây rồi tôi cũng bị cuốn vào công việc, lúc đi làm cho đoàn Đắk Lắk, lúc Đà Lạt, rồi cũng về Hà Nội thường xuyên… May mà được đi lại như thế.

* Còn với đời sống của múa ở thành phố này, chị đã hòa vào nó chưa?

- Thật ra thì 3 năm ở đây, tôi thấy mình chưa thuộc về đời sống của múa ở đây. Có thể vì tôi chưa lao vào đời sống đó.


Thiền - vở múa của Trần Ly Ly biên đạo từng giành Huy chương Vàng năm 2012

Không rõ tôi thay đổi hay công chúng thay đổi

* Năm 2012, chị có tới 5 tác phẩm dựng cho các đoàn nghệ thuật đi dự các hội diễn chuyên nghiệp giành được huy chương. Như vậy là chị cũng hòa nhập rồi đấy chứ?

- Những giải thưởng đó khiến tôi thấy mình được thừa nhận.

* Chị thay đổi để được thừa nhận?

- Có thể. Nhưng dù tôi được thừa nhận với những gì là của riêng tôi hay tôi đang đi theo cách của người ta thì cả hai đều tốt. Vì tôi biết tác phẩm của mình không tồi, một vài sản phẩm tốt đặc biệt và cái nào cũng có màu sắc, tạo được tiếng vang với các diễn viên và biên đạo trẻ.

* Tôi nghĩ công chúng của múa bây giờ đã khác. Những cuộc thi như So You Think You Can Dance, hay Bước nhảy hoàn vũ đã phần nào cho công chúng hiểu thêm về nghệ thuật nhảy múa. Và không chỉ công chúng, ngay cả người làm nghề thuộc những thế hệ trước cũng qua những cuộc thi này mà biết thêm những xu hướng mới.

- Đúng là công chúng bây giờ đã rất khác. Nhưng phần lớn họ đang xem những tác phẩm ngắn, những tác phẩm dễ cảm nhận được. Và chúng ta chưa thực sự có tầng lớp công chúng “hi-class” (đẳng cấp), số này rất hiếm.

* Phải có nghệ sĩ “hi-class” thì mới có công chúng “hi-class” chứ nhỉ. Chị có định làm gì để góp phần xây dựng lớp công chúng mới không?

- Tôi đang làm công tác giảng dạy với nỗ lực đẩy những tài năng nghệ thuật để từ đó giáo dục tư duy kiểu khác với một bộ phận công chúng. Nhưng sự lan tỏa của việc làm đó đến đâu thì còn phải chờ thời gian. Tôi cũng đang ước ao sẽ làm được một tác phẩm lớn vì đã thấy có đủ nhân lực, vật lực để làm.

* Chờ xem tác phẩm lớn của chị, chúc chị thành công.

Dương Vân Anh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link