04/02/2025 09:52 GMT+7 | Thể thao
Thế là Thanh Thúy lại một lần nữa phải kết thúc sớm hợp đồng với một CLB nước ngoài. Từ Thổ Nhĩ Kỳ đến... Indonesia rồi từ Indonesia... về lại Việt Nam. 4T nuôi khát vọng vươn mình nhưng gặp thử thách khắc nghiệt.
Sau trải nghiệm rất thành công ở PFU Blue Cats (thường xuyên đánh chính, chơi đa năng và thể hiện được vai trò quan trọng đến mức khó thay thế ở CLB Nhật Bản), Thanh Thúy vươn mình ra Châu Âu với hợp đồng được kỳ vọng nhiều với Kuzeyboru của Thổ Nhĩ Kỳ.
Trên giấy tờ, từ một CLB tầm trung ở nền bóng chuyền hạng 7 thế giới gia nhập một CLB tầm trung khác nhưng ở nền bóng chuyền hạng 4 thế giới là bước tiến rõ ràng trong sự nghiệp của Thanh Thúy.
Nhưng thực tế không đơn giản như vậy. Thanh Thúy không đáp ứng được những đòi hỏi khắt khe về thể lực và chuyên môn ở Kuzeyboru, một phần do ảnh hưởng của chấn thương đầu gối dai dẳng cô dính phải từ khi còn khoác áo PFU Blue Cats.
CLB Thổ Nhĩ Kỳ quyết định chấm dứt hợp đồng với Thanh Thúy trước thời hạn. Ở Kuzeyboru, Thanh Thúy chỉ được HLV cho ra sân thi đấu 4 trận với tổng thời lượng xuất hiện trên sân vô cùng ít ỏi.
Sau khi phải chia tay sớm với CLB Kuzeyboru, Thanh Thúy có thêm thời gian hồi phục và cân nhắc về các lựa chọn mới. Cô quyết định ký hợp đồng thi đấu 1 mùa giải với CLB Gresik Petrokimia của Indonesia trong lúc lãnh đạo VTV Bình Điền Long An xác nhận Thanh Thúy đã hồi phục hoàn toàn chấn thương đầu gối.
Thanh Thúy chắc chắn đã cân nhắc rất kỹ khi lựa chọn thi đấu ở giải VĐQG Indonesia, một giải đấu rõ ràng là có trình độ chuyên môn thấp hơn nhiều so với không chỉ giải Thổ Nhĩ Kỳ, mà cả giải VĐQG Nhật Bản, hay giải VĐQG Hàn Quốc.
Chọn thi đấu ở giải VĐQG Indonesia, Thanh Thúy hẳn đã kỳ vọng Gresik Petrokimia sẽ trở thành bàn đạp để cô một lần nữa tiến những bước xa hơn trong sự nghiệp.
Nhưng một lần nữa mọi chuyện lại không diễn ra như mong đợi của 4T. Cô được ra sân đánh chính gần như trong mọi trận đấu và nếu so với các đồng đội ở Gresik Petrokimia thì rõ ràng là cô thường xuyên thuộc diện chơi tốt nhất nhì CLB này.
Vấn đề ở chỗ, chơi tốt không có nghĩa là đã đủ. CLB Indonesia nhắm tới mục tiêu vào top 4 và họ kỳ vọng Thanh Thúy phải trở thành một ngôi sao "gánh team", một cầu thủ phải ghi đều đều đâu đó không ít hơn 30-40 điểm/trận đấu.
Nhưng đó là điều Thanh Thúy không làm được. Cô khởi đầu đầy khó khăn do vẫn chưa đạt 100% thể lực và do phải lo bao bước 1 và phòng ngự. Thanh Thúy sau đó cải thiện được hiệu quả tấn công nhưng ở những trận chơi được coi là hay nhất thì cô cũng chỉ ghi được gần 20 điểm/trận. Đó là số điểm không ít nhưng dĩ nhiên là không đủ để "gánh team" trong khi 4T lại chơi chủ công.
Kết cục không mong muốn một lần nữa xảy ra. CLB Indonesia quyết định chấm dứt hợp đồng trước thời hạn với Thanh Thúy và chiêu mộ tay đập mới người Mỹ để thay thế cô.
Từ Nhật Bản, Thanh Thúy vươn mình tới Thổ Nhĩ Kỳ với giấc mơ chinh phục ở Kuzeyboru nhưng bất thành. Trải nghiệm khó khăn ở Kuzeyboru khiến Thanh Thúy chấp nhận "lùi" hẳn về giải VĐQG Indonesia để tạo bước đà mới cho sự nghiệp nhưng vẫn bất thành.
Không lẽ đã hơn 1 năm kể từ thời điểm dính chấn thương ở Nhật Bản mà cô vẫn chưa lấy lại 100% thể lực hay sao? Hay vì từ Kuzeyboru tới Gresik Petrokimia, Thanh Thúy đều không được tạo điều kiện tốt nhất để phát huy hết phẩm chất của mình?
Sự thật là từ thể lực tới chuyên môn, Thanh Thúy đều có những hạn chế nhất định, khiến hai chuyến xuất ngoại gần nhất của cô đều diễn ra không như mong đợi.
4T có thể hình rất tốt, kể cả để chơi ở những nền bóng chuyền hàng đầu thế giới. Nhưng thể hình tốt không đồng nghĩa với thể lực tốt ở mức tương đương.
Sức bền thể lực (Thanh Thúy khi sung sức nhất cũng chỉ có thể chơi 3 set ở những trận đấu khó, với đối thủ mạnh), sức mạnh (lực đập mạnh nhưng không quá mạnh, tốc độ bóng không quá cao) và tốc độ vào đà (còn khá chậm so với "chuẩn" Châu Âu) của Thanh Thúy thực sự không đủ tốt để chơi ở những nền bóng chuyền hàng đầu Châu Âu và thế giới, và cả ở những nền bóng chuyền có chất lượng thấp hơn nhiều nhưng lại đòi hỏi lớn về thể lực để đóng vai trò của "máy ghi điểm" hàng loạt.
Ở Gresik Petrokimia, Thanh Thúy không có quá nhiều bóng để tấn công ghi điểm nhưng với thể lực chỉ ở mức "tạm tạm" của cô thì dù có được dồn bóng nhiều như kiểu chuyên "thồn" cho ngoại binh ở giải VĐQG Hàn Quốc thì Thanh Thúy cũng khó có thể đảm bảo thể lực để "gánh team".
Chuyện này không liên quan tới chấn thương đầu gối mà cô dính phải từ hơn 1 năm trước mà giờ này khó có thể lấy làm lí do để viện dẫn.
Nên nhớ, khi khoác áo tuyển Việt Nam lúc chưa chấn thương ở Nhật Bản, Thanh Thúy từng được Lâm Oanh chuyền bóng rất nhiều nhưng cô thường chỉ ghi dưới 30 điểm mỗi trận và nếu đánh chính liên tiếp là cô dễ "đuối" thể lực".
Màn trình diễn trước tuyển Indonesia ở chung kết AVC Challenge Cup 2023 (Thanh Thúy ghi 23 điểm và bộc lộ dấu hiệu mệt mỏi thấy rõ) là ví dụ.
Một ví dụ khác là trận chung kết tranh HCV bóng chuyền nữ ở SEA Games 32 gặp tuyển Thái Lan và chúng ta thua 1-3. Thanh Thúy, trong trạng thái thể lực sung mãn nhất của mình, đã bùng nổ hết cỡ nhưng cũng chỉ ghi 28 điểm và chơi tốt trong 3 set đầu tiên nhưng đuối sức sau đó.
Tóm lại, Thanh Thúy có kỹ năng chuyên môn khá tốt và khá toàn diện (bước 1, phòng ngự, đập bóng, bỏ nhỏ…), chơi kinh nghiệm, linh hoạt và thông minh. Cô khỏe nhưng không khỏe đến mức có thể dễ dàng và thường xuyên ghi cỡ trên dưới 40 điểm/trận (số điểm có thể cho phép "gánh team").
Trải nghiệm không như ý ở giải VĐQG Indonesia sẽ khiến Thanh Thúy phải cân nhắc nhiều hơn nếu cô vẫn nuôi ý định xuất ngoại một lần nữa. Mọi chuyện không đơn giản ngay cả khi tưởng như đơn giản.
Nếu ở giải VĐQG Indonesia mà Thanh Thúy không thể trụ lại thì cô có thể thành công ở môi trường nước ngoài nào?
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất