Trần Trọng Dần: Điện ảnh Việt đang ở thời “phục sinh”

06/10/2011 07:15 GMT+7 | Phim

(TT&VH Cuối tuần) - Trần Trọng Dần được biết đến với vai trò Phó giám đốc LHP Việt Nam tại Mỹ từ năm 2009. Công ty Coco Paris của anh chính thức tham gia thị trường làm phim với 3 dự án nối đuôi nhau liên tiếp: Bẫy cấp 3 dự kiến ra mắt vào dịp Noel, Ngôi nhà trong hẻm vừa khởi quay giữa tháng 9 và một phim khác đang làm tiền kỳ để khởi quay vào đầu năm tới. Cả 3 dự án anh đều tham gia với vai trò giám đốc sản xuất kiêm nhà đầu tư.

Sinh ra tại Đà Lạt, từ nhỏ, Trần Trọng Dần theo gia đình sang Mỹ định cư và hiện sống ở quận Cam (bang California, Mỹ). Anh tốt nghiệp ở ngôi trường nổi tiếng với ngành điện ảnh, Đại học California ở L.A (UCLA) nhưng lại học ngành kỹ thuật và trở thành kỹ sư điện. Sau đó, Trần Trọng Dần tiếp tục học cao học công nghệ thông tin và làm việc cho các hãng điện tử, trong đó có Unisys, một công ty điện tử lớn. Vai trò Phó giám đốc LHP Việt Nam tại Mỹ đã đưa anh đến gần với điện ảnh, và giờ đây Trần Trọng Dần trở về Việt Nam theo đuổi những dự án phim của riêng mình.

Chỉ muốn làm phim cho khán giả VN

* Tại sao anh chuyển từ nghề kỹ sư máy tính ở những tập đoàn kinh tế với mức lương đảm bảo cho một cuộc sống an toàn để dấn thân vào nghệ thuật điện ảnh trong một thị trường mà doanh thu vẫn còn là chuyện “tính cua trong lỗ”?

- Tôi thích xem phim từ nhỏ. Có lẽ điện ảnh là bộ môn nghệ thuật duy nhất cho người ta cảm giác bình đẳng bởi người giàu hay người nghèo đều có thể xem cùng một bộ phim, phim ảnh có thể mang lại niềm vui cho tất cả mọi người và giấc mơ của tôi với điện ảnh được hình thành từ đó.

* Nhưng anh đã không chọn điện ảnh ngay từ khi khởi nghiệp?

- Hầu như người Việt ở Mỹ đều chọn học những ngành nghề dễ kiếm việc làm để có cuộc sống ổn định trước khi theo nghệ thuật như ý mình. Lúc trở thành kỹ sư rồi tôi cũng chưa bao giờ nghĩ đến việc sẽ làm phim. Đến khi tình cờ tham gia công việc thiện nguyện ở LHP Việt Nam tại Mỹ năm 2009, đảm trách việc kiếm tài trợ cho LHP, gặp nhiều người làm điện ảnh rồi được người ta nhờ kiếm tiền cho những dự án phim, tôi mới nảy ra ý định làm phim. Tuy tôi không biết gì về nghệ thuật làm phim nhưng tôi có khả năng quản lý.

* Vậy điều hành một đoàn phim có khác điều hành một công ty máy tính?

- Về vấn đề quản lý thì không khác nhiều. Cả hai việc đều cần có sự sáng tạo và sự phối hợp giữa các khâu từ đầu tư, sản xuất, marketing đến bán hàng. Cái khác là vấn đề quan trọng nhất trong đoàn phim: con người. Đoàn làm phim cần sự phối hợp của một nhóm người và thành công hay thất bại là do cả nhóm, nhưng dù có bất đồng, tranh cãi thế nào thì tất cả cũng đều phải vì một mục đích chính là sản xuất ra một bộ phim chứ không phải 5-6 bộ phim.

* Không sống và làm việc ở VN, anh có gặp khó khăn khi bắt đầu mọi thứ ở đây?

- Có nhiều cái không giống như tôi đã nghĩ trước khi về làm phim. Chẳng hạn tôi nghĩ việc xin giấy phép hoặc xin được quay ở các địa điểm chắc sẽ khó nhưng thực tế thì rất dễ dàng, khi quay, chúng tôi còn được công an giúp rất nhiều. Còn cái mình nghĩ không gặp khó khăn thì ngược lại. Thời tiết mưa nắng thất thường cản trở việc quay chẳng hạn. Rồi vấn đề nhân sự rất nhức đầu, mọi người trong đoàn phim cứ hay bận làm một lúc mấy phim. Những thứ đó khiến kinh phí sản xuất bị đội lên. Phải chấp nhận và cố gắng thôi bởi bây giờ ở VN có rất nhiều dự án phim trong khi mình không thể mang hết mọi người từ Mỹ về.

* Đã gắn với những hoạt động điện ảnh ở hải ngoại, tại sao anh trở về VN để liên tiếp thực hiện các dự án phim tại đây? Vị thế của người làm phim Việt kiều ở Hollywood quá hạn hẹp?

- Thị trường phim ảnh ở Mỹ nhìn thế nhưng rất giới hạn. Nếu muốn làm phim cho người Việt thì sẽ khó bởi số lượng người Việt ở Mỹ không nhiều và không phải ai cũng thích điện ảnh. Ngay tại quận Cam, nơi tập trung đông người Việt nhất ở Mỹ cũng không đủ lượng khán giả đảm bảo cho một bộ phim có chất lượng hòa vốn chứ chưa nói đến có lời. Với những người làm phim bên ấy là Việt kiều, vì điện ảnh là ngành nghề thu hút rất nhiều người nên họ cũng làm việc cho Hollywood với vai trò bình đẳng như bất cứ người nào, tham gia ở nhiều phim, làm đủ các khâu, để ra những bộ phim phục vụ khán giả cả thế giới chứ không dành riêng cho người Việt. Tôi thì chỉ muốn làm những bộ phim dành cho khán giả Việt nên tôi chọn cách trở về đây làm phim.

Điện ảnh VN đang ở thời “phục sinh”

* Là người kinh doanh, chắc anh cũng phải ngắm nghía chán chê thị trường điện ảnh trong nước thì mới quyết định làm một loạt dự án như vậy chứ?

- Trước đây tôi ít được xem phim VN, nếu có xem thì cũng là qua truyền hình. Sau năm 2009, tôi bắt đầu chú ý nhiều hơn vì làm công việc tổ chức LHP, tôi buộc phải xem rất nhiều phim do người Việt ở khắp nơi làm, trong đó nhiều phim từ VN qua. Tôi rất bất ngờ, tôi không nghĩ VN lại có nhiều phim như thế. Phim VN rất có chất lượng, kỹ thuật làm phim đã tiến bộ rất nhiều và có thể loại, chủ đề phong phú. Qua trò chuyện với các nhà sản xuất phim, tôi được biết thị trường điện ảnh đang rất rộng mở, phim Việt không còn phải co cụm vào dịp Tết nữa mà chiếu quanh năm. Những bộ phim do Việt kiều làm như Bẫy rồng, Để Mai tính hay Long ruồi mới đây có doanh thu rất khả quan.

* Con số về doanh thu cùng những phê bình của báo chí không đi cùng một con đường ở những bộ phim anh vừa nói. Khi tham gia thị trường này, anh có quan tâm đến điều đó?

- Phim ảnh có rất nhiều chuyện không thể nói rõ. Người chuyên nghiệp phê bình sẽ phân tích kỹ năng và tìm thấy điều này, điều nọ trong khi khán giả thì không quan tâm đến những chi tiết nhà phê bình nói. Khán giả chỉ cần thích thú khi xem. Có nhiều khán giả xem là nhà sản xuất và đạo diễn vui rồi. Ngay cả Hollywood, có nhiều bộ phim bị phê bình tan nát nhưng thu hút đông khán giả trong khi những phim được giới phê bình khen thì ngược lại. Niềm vui của người làm phim là có khán giả xem phim, chứ làm ra một phim có được 10 người xem, trong đó hết 6 người là trong gia đình mình thì buồn lắm. Tôi cho rằng khán giả VN cũng như khán giả thế giới, họ đều biết mình xem gì. Vả lại, với sự phát triển của các mạng xã hội, bây giờ ai cũng có thể làm nhà phê bình được, chỉ cần lên facebook viết vài câu thôi là thành nhà phê bình rồi. Phê bình chỉ là ý kiến, khán giả mới là yếu tố quyết định chuyện thắng thua của một phim.

* Với cái nhìn của một “người ngoài”, anh đánh giá thế nào về sự phát triển hiện tại của điện ảnh VN?

- Tôi thấy điện ảnh Việt như đang ở thời “phục sinh”. Tôi xin lỗi vì sử dụng từ này nhưng đúng là tinh thần phát triển của điện ảnh Việt hiện nay phải được ví như vậy. Giống như Hàn Quốc, điện ảnh được đầu tư nhiều để phát triển nhưng sau 10-15 năm thì phim dòng chính có chất lượng tốt vẫn là những phim có yếu tố ngoại quốc, vượt qua khó khăn, sau 5-6 năm kế tiếp, điện ảnh Hàn Quốc đã thành công trên toàn thế giới. VN từ 1990 - 2000 là giai đoạn đầu, từ 2000 đến nay là giai đoạn thứ hai, sau vài năm nữa chắc chắn chúng ta sẽ có phim chất lượng cao, có thể cạnh tranh với phim nước ngoài. Hiện giờ đã có Bi, đừng sợ! làm được điều này.

"Ngôi nhà trong hẻm" đang được quay tại TP.HCM với hai diễn viên
Ngô Thanh Vân và Trần Bảo Sơn

* Để nhận xét cụ thể về các sản phẩm của nhà làm phim trong nước, anh sẽ nói gì?

- Ngoài chuyện thấy được cuộc sống của VN qua các bộ phim, tôi còn thấy trình độ kỹ thuật làm phim trong nước đã khá cao. Phim Những nụ hôn rực rỡ làm tôi rất bất ngờ vì không nghĩ có ngày mình được ngồi trong rạp và xem phim ca nhạc của VN. Xem 15 phút đầu là tôi nhập vào phim và xem một cách thích thú. Thường thì phim ca nhạc khá ít khách bởi nó thường có câu chuyện, màu sắc khá riêng biệt, kén khán giả, thế nhưng phim này lại không như vậy. Nó làm tôi thấy rất tự hào. Bi, đừng sợ! thì có câu chuyện được xếp đặt kỹ lưỡng, nhiều chi tiết được bày ra nhưng những chi tiết đó là những câu chuyện nhỏ có liên hệ chặt chẽ với nhau qua một chi tiết, đó là nước. Chơi vơi cũng là một bộ phim thú vị.

* Có vẻ anh rất ấn tượng với các bộ phim tác giả, phim nghệ thuật, vậy tại sao trong các dự án của anh chưa có vị trí cho dòng phim này?

- Tôi thích phim nghệ thuật nhưng làm thì rất khó, không phải ai muốn cũng làm được. Hiện tại tôi chú tâm làm phim cho nhiều khán giả xem với những đề tài ăn khách. Khi đã có được điều đó thì tôi sẽ có cơ hội làm phim nghệ thuật. Nhưng ngay cả chú tâm làm phim đề tài ăn khách cũng không dễ dự đoán khán giả. Hollywood còn nói trong ngành điện ảnh không ai có thể nói gì trước. Chẳng hạn với thị trường phim Tết trong nước những năm vừa qua, có thể năm nay làm một phim rất ăn khách nhưng năm sau cũng công thức ấy thì chưa chắc.

Không phải cứ lộ liễu thì mới “nóng”

* Công thức “ăn khách” của phim Việt giai đoạn này là hành động, kinh dị, có cảnh nóng. Ngôi nhà trong hẻm được công bố là phim kinh dị, vậy nó có cùng công thức này không?

- Để tạo sự hấp dẫn cho phim thì có nhiều cách lắm. Phim kinh dị giết người hàng loạt thì cũng chỉ giết vài người thôi chứ giết tới 20 người trong một phim thì xem một lúc là chán. Cảnh nóng thì tôi không nghĩ cứ phải lộ liễu mới thu hút mà nhiều khi đường đi đến đó lại hấp dẫn hơn chính nó.

* Ấn tượng của anh về cảnh nóng trong những phim tạo dư luận thời gian vừa qua như thế nào?

- Cảnh nóng trong Chơi vơi giữa nhân vật Johnny Trí Nguyễn đóng với nhân vật của Hải Yến là một ví dụ, chẳng lộ liễu gì, nhưng hiệu quả thì rất cao. Nhưng ở Bi, đừng sợ! thì những cảnh nóng trực diện như vậy lại cần thiết vì nó hoàn toàn phù hợp với diễn biến tâm lý nhân vật và xuất hiện đúng thời điểm của câu chuyện. Còn ở Bẫy rồng, sự xuất hiện những cảnh nóng giữa Johnny Trí Nguyễn và Ngô Thanh Vân là không cần thiết vì bản thân sự thu hút của 2 người đó với nhau đã quá nhiều, họ chỉ cần nói chuyện với nhau là đã quá đủ. Cảnh nóng trong Khi yêu đừng quay đầu lại thì lại chưa tới, nó khiến khán giả muốn thêm chút nữa.

* Còn ấn tượng về sự trở về quê hương bằng điện ảnh?

- Tôi gặp nhiều chuyện mang tính cơ duyên. Với bộ phim đầu tiên, Bẫy cấp 3, đoàn phim đã chọn Đà Lạt - nơi tôi sinh ra và gắn bó suốt thời thơ ấu - để quay. Được quay phim trên chính quê hương mình là điều tôi chưa bao giờ nghĩ tới. Nhưng trở về Đà Lạt, tôi cũng tiếc nhiều thứ. Chẳng còn ngửi thấy mùi thông trong phố như ngày xưa nữa. Trước đây Đà Lạt có 3 rạp chiếu phim thì nay chỉ còn mỗi rạp Hòa Bình, 2 rạp kia cái thành khách sạn, cái thành siêu thị. Một thành phố với hơn 200.000 dân mà chỉ có 1 rạp chiếu phim nên mới luôn xảy ra tình trạng khán giả không có vé vào xem.

Một mối lương duyên khác là tôi gặp lại Nguyễn Võ Nghiêm Minh và mời được anh vào dự án thứ tư của mình, một bộ phim về lịch sử VN thời thuộc Pháp với sự hợp tác của một công ty ở Pháp và một công ty ở Mỹ, phim có bối cảnh ở Pháp và VN. Tôi với Minh là bạn đồng môn ở UCLA trước đây. Lúc trước xem Mùa len trâu tôi thích lắm, rất ít khi xem được một phim mà có thể rơi vào một thế giới riêng biệt như xem Star Wars hay Avatar, vậy mà Mùa len trâu làm được điều đó.

* Nhưng Nguyễn Võ Nghiêm Minh cũng gặp “phốt” với Khi yêu đừng quay đầu lại?

- Tôi cũng không hiểu vì sao anh Minh quyết định làm Khi yêu đừng quay đầu lại nhưng tôi nghĩ người làm nghệ thuật luôn muốn làm được mọi việc. Tôi không biết có vấn đề gì cụ thể với phim này nhưng chính anh Minh nói rằng làm vì đó hoàn toàn là một công việc chứ không phải để chứng tỏ tài năng. Dự án của tôi sẽ hợp với “tạng” của anh Minh.

* Anh thích những đạo diễn nào của Việt Nam?

- Tôi thích Bùi Thạc Chuyên với Chơi vơi, Đặng Nhật Minh với Mùa ổi, Phan Đăng Di với Bi, đừng sợ!, Nguyễn Quang Dũng với Những nụ hôn rực rỡ, Nguyễn Phan Quang Bình với Cánh đồng bất tận.

* Vậy tại sao anh chọn Lê Văn Kiệt cho cả 3 dự án đầu tiên?

- Các đạo diễn mà tôi thích đều có ê-kíp của họ rồi, tôi chọn Kiệt vì cách làm việc của Kiệt hợp với tôi, tôi cũng cần có ê-kíp riêng của mình và Kiệt là lựa chọn rất tốt. Kiệt viết kịch bản rất nhanh.

* Cảm ơn anh đã chia sẻ câu chuyện của mình.

Dương Vân Anh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link