14/09/2013 06:27 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Hồ sơ "ứng thí" của khu danh thắng Tràng An (Ninh Bình) đã gửi tới UNESCO từ cuối năm 2012 và cũng phải chờ thêm một năm nữa (2014) để có kết quả cuối cùng. Thế nhưng, vừa qua, câu chuyện về hồ sơ này bỗng nhiên được xới lại, trong đó có cả những ý kiến lo lắng và bi quan.
Sự trái chiều ấy xuất phát từ những rắc rối xảy ra với 2 nhà máy xi măng nằm trong diện tích gần 10.000 ha được quy hoạch lập hồ sơ của danh thắng này. Đáng nói hơn, việc xây dựng 2 nhà máy đã được thông qua và bắt đầu triển khai từ trước thời điểm Ninh Bình có những bước đi cụ thể để hi vọng đưa Tràng An thành di sản thế giới. Tôn trọng thực tế ấy, hơn 1 tháng trước, Chính phủ đã có quyết định đồng ý cho 2 nhà máy xi măng được hoạt động bình thường theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, hồ sơ của danh thắng Tràng An được yêu cầu điều chỉnh lại để có thể thuyết phục được UNESCO.
Khu vực có nhà máy xi măng (cộng thêm phần núi đá được khoanh vùng để làm nguyên liệu sản xuất) chỉ nằm trong vùng đệm (chứ không phải phần "lõi") của danh thắng Tràng An. Có nghĩa, lựa chọn duy nhất để chỉnh sửa hồ sơ bây giờ là... cắt bớt vùng đệm, để 2 nhà máy xi măng không còn liên quan gì tới diện tích của danh thắng này. Nhưng, câu hỏi đang được đặt ra: Dù hồ sơ sửa đổi tuân thủ và đúng các tiêu chí của UNESCO, việc Tràng An nằm gần những nhà máy xi măng như vậy liệu có đủ sức thuyết phục?
Tràng An trở thành điểm đến thu hút du khách
Lo lắng ấy là có cơ sở nếu nhìn sang trường hợp của Vịnh Hạ Long - khi những dự án san đất lấn biển, nuôi trồng thủy sản... đã khiến di sản thế giới này trong 3 năm qua đều có tên tại danh sách khuyến nghị của UNESCO và vẫn đang ở tình trạng bị yêu cầu giải trình. Thậm chí, trong trường hợp trở thành di sản thế giới, việc phát triển du lịch tại Tràng An cũng vẫn phải tính đến "bài toán" xi măng - khi mà Ninh Bình là tỉnh dẫn đầu miền Bắc về ngành công nghiệp này, với 5 nhà máy và công suất mỗi năm hơn 13 triệu tấn.
Như so sánh vui của các chuyên gia, thì Ninh Bình đang rơi vào cảnh "ông công nghiệp lắm khói... đấm ông công nghiệp không khói". Xi măng là ngành sản xuất chủ lực tồn tại ở đây từ vài chục năm - trong khi đối với ngành du lịch đầy tiềm năng với những chùa Bái Đính, cố đô Hoa Lư, danh thắng Tràng An... loại hình công nghiệp dễ gây ô nhiễm và phá hoại cảnh quan này lại là kẻ thù số một.
Ai cũng hiểu, làm công nghiệp thì hiệu quả nhìn thấy trước mắt bằng doanh thu, còn làm du lịch thì hiệu quả lại tiềm ẩn dưới nhiều giá trị khác, thậm chí nằm ở tương lai, nhưng có tính bền vững và lâu dài. Thế nhưng, để làm tốt và phát huy được tiềm năng của loại "tài nguyên không khói" này, thì câu chuyện lại rất dài, dài hơn nhiều so với việc xây dựng hồ sơ để nhận một danh hiệu di sản từ UNESCO.
Cúc Đường
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất