Tranh cãi dạy thêm và lớp học VNEN: Hãy đặt học trò vào trung tâm!

30/08/2016 14:04 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Ngành giáo dục mấy hôm nay nóng lên 2 chuyện, mà nói “xuôi” cũng đúng, nói “ngược” cũng chẳng sai. Đó là chuyện cấm hay không cấm dạy thêm, học thêm và chuyện nên hay không nên theo chương trình trường mới VNEN.

Trước tiên, nói về việc cấm dạy thêm, học thêm. Tinh thần của ngành giáo dục mấy năm nay là coi dạy thêm, học thêm là một vấn nạn, nên ban hành các quy định cấm dạy thêm, học thêm ở các mức độ khác nhau, trong đó TP.HCM là tỉnh thành hăng hái đi đầu cấm tuyệt đối dạy thêm ở trong trường.

Quy định “xuôi” như vậy là rất đúng. Nhưng những ý kiến phản biện “ngược lại” cũng không sai. Theo tôi, đúng hay sai, cãi nhau mãi cũng không thể giải quyết được vấn đề, nếu không nhìn các vấn đề giáo dục từ phía các em học sinh. Phải đặt các em vào vị trí trung tâm của câu chuyện…

Trong khi chúng ta phấn đấu xây dựng một “xã hội học tập” và chưa bao giờ quên khẩu hiệu “Học, học nữa, học mãi”, thì việc cấm học thêm có vẻ như không có cơ sở.

Nếu coi tri thức là một hàng hóa thì việc bán nó hay mua nó (dạy thêm và học thêm) đâu có gì sai trái? Một hiệu trưởng ở TP.HCM đã nghẹn ngào khi nói rằng, quy định cấm dạy thêm học thêm đã làm tổn thương các thầy cô giáo, và rằng với đồng lương của ngành giáo hiện nay, nếu không dạy thêm thì không thể sống được với nghề. Ngay cả các phụ huynh cũng muốn cho con em mình vào các lớp học thêm, vì cần có người trông giữ chúng khi không kịp đón chúng sau tan trường…

Từ góc độ quản lý xã hội, cũng nhiều ý kiến cho rằng, cấm dạy thêm trong trường thì sẽ sinh ra hiện tượng dạy thêm ở ngoài nhà trường, càng khó quản lý hơn…


Lớp học VNEN

Trong khi chuyện dạy và học thêm còn rối như canh hẹ, thì cao trào phản đối chương trình trường học mới VNEN cũng bùng nổ ở Nghệ An, Hà Tĩnh và nhiều nơi. Nhiều phụ huynh còn kéo đến tận trường để phản đối. Lý do thì nhiều: ở các lớp VNEN, học sinh ngồi học không đúng tư thế, bị ảnh hưởng vẹo cột sống, giảm thị lực, hạn chế khả năng tiếp thu, đặc biệt là với những em có năng lực kém... Họ cho rằng chương trình học này chỉ phù hợp với một số em khá giỏi.

Không chỉ phụ huynh, nếu theo dõi trong dư luận, thì cũng có rất nhiều ý kiến từ phía các giáo viên, chuyên gia, nhà quản lý cho rằng mô hình này không phù hợp với hoàn cảnh thực tế ở nhiều địa phương của Việt Nam.

Trong khi đó, những người ủng hộ lại cho rằng, đây là chương trình giáo dục tiên tiến, từng được thực hiện ở nhiều nơi và rất thành công. Mô hình này có ưu điểm là lấy học sinh làm trung tâm trong khi giáo viên chỉ là người hướng dẫn; nội dung học liên quan mật thiết đến đời sống hàng ngày; học sinh được phân thành nhóm có nhịp độ phát triển tương đồng mà không đánh đồng theo lứa tuổi; học sinh và giáo viên cùng tham gia tạo nên những sản phẩm phục vụ cộng đồng….

***

Từ hai chuyện nói xuôi, nói ngược đều đúng, tôi có vài suy nghĩ:

Thứ nhất, khi dư luận ồn ào về VNEN, tôi phải hỏi lại con mình vì nó cũng đang được học theo mô hình đó. Điều đầu tiên tôi hỏi lại con là có thích VNEN không, cụ thể là có thích ngồi học theo nhóm, được “trao đổi” thoải mái với các bạn cùng nhóm mà không bị ghi vào sổ đầu bài hay không? Có thích gọi bạn lớp trưởng là Chủ tịch hay không… ? Có thấy thoải mái với cách dạy của cô giáo trên lớp?

Một đứa trẻ thích thì không thể đại diện cho những đứa trẻ khác. Nhưng một nền giáo dục tiên tiến thì luôn bắt đầu từ việc lắng nghe mỗi đứa trẻ, như triết lý của VNEN là lấy học sinh làm trung tâm (còn cô giáo thì chỉ là người hướng dẫn).

VNEN đang thí điểm trên cơ sở tự nguyện của các trường. Sẽ đến lúc phải tổng kết chương trình này, và tôi hy vọng rằng khi tổng kết thì phần hỏi ý kiến học sinh phải là phần quan trọng nhất.

Giáo dục là hàng hóa hay phúc lợi?

Giáo dục là hàng hóa hay phúc lợi?

Năm học mới đến ngay trước mặt. Và, chuyện dạy thêm, học thêm vẫn đang nóng nhất, giữa nỗi lo lắng bất tận của một nền giáo dục thiếu triết lý hiện nay.

Cũng tương tự như việc dạy và học thêm. Các thầy cô giáo, các nhà quản lý giáo dục, các đại biểu HĐND, các bậc phụ huynh… đều có cái lý của mình (và đều vì quyền lợi của mình cả, thậm chí cả quyền được dạy thêm để đảm bảo thu nhập, quyền được đến đón con muộn). Nhưng tôi thấy hầu như chúng ta chưa hỏi chính các em học sinh: Các em có muốn học thêm hay không? Đó là mong muốn của các em hay là nghĩa vụ mà người lớn muốn đặt lên vai chúng?

Hãy lấy học sinh làm trung tâm trong việc giải đáp câu hỏi: nên hay không nên cấm dạy thêm, và cả câu hỏi có nên duy trì các lớp VNEN?

Nói chung, học sinh cần là trung tâm trong mọi quyết sách, chương trình, mô hình giáo dục. Học sinh cần được tôn trọng như là chủ thể của nền giáo dục, và sự lắng nghe, thỏa mãn nhu cầu tri thức của chúng phải coi là mục đích chính yếu.

Đông Kinh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link