Đại dịch Ebola: Nỗi sợ lây lan mạnh hơn virus

11/08/2014 07:18 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Việc hàng trăm người chết vì trận bùng dịch Ebola tồi tệ nhất trong lịch sử Tây Phi đã khiến dư luận thế giới xôn xao, lo lắng. Tuy nhiên nỗi sợ chủ yếu là bởi người ta chưa hiểu rõ về căn bệnh.

Dưới đây là những thông tin quan trọng xung quanh căn bệnh được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá thuộc hàng “nguy hiểm nhất” này.

Tại sao Ebola lại gieo rắc nỗi sợ lớn đến thế?

Tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) gọi Ebola là “một trong những  căn bệnh chết chóc nhất của thế giới”. Theo MSF, đây là một “virus với khả năng lây nhiễm cao, có thể giết tới 90% số người mắc bệnh, khiến các cộng đồng bị bệnh hoành hành hoảng sợ”.

Trong 5 loại virus Ebola, biến thể Zaire (biến thể đầu tiên được nhận dạng) là loại nguy hiểm nhất. WHO nói rằng các xét nghiệm ban đầu trên virus Ebola phát hiện ở Guinea  hồi tháng 3 đã cho thấy việc bùng dịch là do biến thể này gây ra. Một điều nữa khiến người ta sợ hãi là chưa có vắc-xin chống Ebola.


Nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ kín người khi chăm sóc các nạn nhân nhiễm Ebola ở Sierra Leone

Ebola gây ra tác động gì?

Virus Ebola khiến người nhiễm bệnh trông giống như bị sốt xuất huyết. Thực tế, theo Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa bệnh dịch Mỹ (CDC), virus Ebola nguy hiểm hơn nhiều khi tác động tới hàng loạt hệ thống nội tạng trong cơ thể bệnh nhân và gây xuất huyết.

Virus được đặt tên theo sông Ebola ở Cộng hòa Dân chủ Congo (tên cũ là Zaire), nơi vụ bùng dịch đầu tiên diễn ra vào năm 1976.  WHO cho biết có 5 biến thể của virus, được đặt tên theo các khu vực mà người ta phát hiện ra chúng.

Các triệu chứng của bệnh Ebola là gì?

Các triệu chứng ban đầu gồm đột ngột sốt cao, mệt mỏi, đau cơ, đau đầu, họng, có thể kéo dài từ 2-21 ngày sau khi nhiễm virus. Theo WHO, người nhiễm Ebola có thể nhầm các triệu chứng này với bệnh sốt rét, sốt viêm màng não, bệnh thương hàn hoặc bệnh dịch hạch. MSF cho biết một số  bệnh nhân có thể bị phát ban, đỏ mắt, nấc, đau ngực, khó thở và khó nuốt.

Từ các triệu chứng ban đầu này, bệnh nhân sẽ tiếp tục bộc lộ các triệu chứng khác như nôn mửa, đi ngoài, suy thận, gan và đôi khi là xuất huyết ngoài da và xuất huyết nội tạng. Người ta chỉ có thể phát hiện virus Ebola thông qua xét nghiệm trong phòng nghiên cứu.

Sử dụng phương thức nào để đánh bại Ebola?

Hiện chưa có một phương thức điều trị cụ thể để chống Ebola. MSF nói rằng các bệnh nhân thường được cách ly và được nhân viên y tế chăm sóc sức khỏe. Hoạt động chăm sóc gồm tiếp nước cho bệnh nhân, tiếp khí ôxy, kiểm tra huyết áp và điều  trị cho họ nếu xuất hiện biến chứng do nhiễm virus.

MSF thông báo đã dập được đợt bùng dịch Ebola ở Uganda vào năm 2012, nhờ lập khu vực kiểm soát xung quanh trung tâm điều trị. Một đợt bùng dịch được xem là kết thúc nếu không có ca nhiễm mới sau 42 ngày – gấp đôi thời gian ủ bệnh tối đa là 21 ngày.

Đã có thuốc nào để chống Ebola?

2 nhân viên y tế Mỹ điều trị bệnh nhân Ebola không may bị nhiễm bệnh hiện đang được cho dùng một loại thuốc thử nghiệm có tên ZMapp và nó dường như đã cứu mạng họ. Thuốc này do một công ty ở San Diego (Mỹ)chế tạo, chưa từng được thử trên con người. Tuy nhiên nó đã có phản ứn tích cực trên loài khỉ.

Trong tình huống bùng dịch, sẽ không có nhiều thuốc để cho các bệnh nhân sử dụng. Nhà sản xuất ZMapp nói rằng họ chỉ còn vài liều dự trữ. Ngoài ra thuốc thử nghiệm cũng không được sản xuất hàng loạt nên khó khăn càng lớn.

Ngoài ZMapp, còn có một số loại thuốc thử nghiệm khác là Tekmira. Ngoài ra các nhà khoa học Mỹ cũng đang nghiên cứu vắc-xin chống Ebola. Nhưng cũng giống như ZMapp, thuốc và vắc-xin này không thể sản xuất hàng loạt.


Tuyên truyền phòng chống dịch bệnh ở Sierra Leone

Virus Ebola lây lan như thế nào?

WHO tin rằng những con dơi ăn quả ở châu Phi đã phát tán virus Ebola sang các loài động vật khác, trước khi nó lây sang con người. Con người chỉ nhiễm Ebola thông qua việc tiếp xúc với dịch cơ thể của các con vật bị nhiễm bệnh hoặc dịch cơ thể của người nhiễm bệnh.

Sau khi rời khỏi cơ thể mang bệnh, virus có thể sống vài ngày trong môi trường chất lỏng. Nó sẽ chết nếu tiếp xúc với nước chlorine, nhiệt độ lớn, ánh sáng mặt trời trực tiếp, xà phòng và và thuốc tẩy.

Nhà bệnh dịch học của MSF là Kamiliny Kalahne nói rằng hoạt động bùng dịch thường chỉ diễn ra ở những nơi bệnh viện tổ chức kiểm soát lây nhiễm kém. Bà nói rằng những người mắc bệnh thường là thân nhân của các bệnh nhân, các bác sĩ và luôn biết rõ họ vì sao họ mắc bệnh: do tiếp xúc gần với các bệnh nhân.

Liệu hành khách đi máy bay có thể nhiễm bệnh?

Dù CDC thừa nhận một hành khách mắc Ebola vẫn có thể lên máy bay, cơ hội để người này phát tán dịch bệnh trong hành trình là khá thấp. “Virus không lây lan qua đường không khí” – Tiến sĩ Marty Cetron, một quan chức phụ trách vấn đề dịch bệnh trong di trú của CDC cho biết – “Người ta phải thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với dịch cơ thể và máu bệnh nhân để có khả năng nhiễm bệnh”.

Đã có bao nhiêu trường hợp nhiễm bệnh?

CDC ước tính rằng có hơn 3.000 trường hợp nhiễm Ebola và hơn 2.000 cái chết kể từ năm 1976. Lần bùng dịch gần đây nhất được ghi nhận là vào năm 2012 ở Uganda và Cộng hòa Dân chủ Congo. Trước năm 2014, trận bùng dịch chết chóc nhất xảy ra năm 1976 ở Zaire, với 280 trong số 318 người nhiễm bệnh thiệt mạng. Năm 2000, có 425 trường hợp nhiễm Ebola ở Uganda, làm 224 người chết.

Tường Linh (Theo ABC News)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link