27/03/2011 16:06 GMT+7 | Đọc - Xem
(TT&VH) - Nhìn ra sai sót của mình và cho tới khi nhắm mắt vẫn băn khoăn tìm cách dịch nghĩa câu cuối trong bài thơ chữ Hán Nam quốc sơn hà - câu chuyện về cố GS Nguyễn Tài Cẩn đã thật sự làm nhiều người xúc động trong cuộc hội thảo về ông mang tên Tưởng nhớ GS Nguyễn Tài Cẩn (diễn ra tại Hà Nội vào hôm qua, 26/3/2011).
1. Câu chuyện về thầy mình và cơ duyên với bài thơ Nam quốc sơn hà (vẫn được coi là của Lý Thường Kiệt) do ông Nguyễn Hùng Vĩ (giảng viên Trường ĐH Quốc gia Hà Nội) kể lại. Theo đó, GS Nguyễn Tài Cẩn chính là người đầu tiên đưa ra những kiến giải mới về nội dung câu thơ cuối trong bài thơ lịch sử này. Bởi bài thơ thất ngôn này có cách ngắt nhịp 4-3 trong 3 câu đầu, trong khi câu thơ cuối chỉ đọc theo kiểu “phá cách” bằng nhịp 3-4 thì mới có nghĩa như chúng ta vẫn hiểu. (Nhữ đẳng hành/khan thủ bại hư - tạm dịch Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời).
Giảng viên Nguyễn Hùng Vĩ kể: Năm 1979, khi tham dự một cuộc hội thảo về bài thơ này, GS Nguyễn Tài Cẩn đưa ra kiến giải đại ý rằng cách đọc như vậy là đúng, bởi việc “phá cách” theo nhịp mới là điều đã từng có trong thơ cổ. Để rồi, trong một bài viết năm 1998, ông lại thẳng thắn cho biết lập luận của chính mình đó có nhiều điểm sai cơ bản. Nghĩa là, theo lời ông Vĩ, câu thơ cuối phải đọc “chuẩn” với nhịp chung 4-3 (Nhữ đẳng hành khan/thủ bại hư) và người dịch cần đi tìm hiểu nghĩa chính xác của câu thơ này.
“Suốt 19 năm kể từ ngày ấy, thầy tôi không thôi băn khoăn về kiến giải của mình, tìm cách gặp gỡ trao đổi, đọc thêm tài liệu, lắng nghe các phản biện của đồng nghiệp, thừa nhận sai sót của mình và đưa ra ý kiến mới mà chúng tôi vừa trích dẫn. Đó là sự trung thực, cầu thị mà không phải nhà khoa học nào cũng có thể làm - ông Vĩ tâm sự - Trao đổi với tôi về ý kiến của thầy, GS Bùi Duy Tân nhận xét: Cái đúng, cái mới nhiều khi khó được chấp nhận bởi thói quen hình thành lâu ngày. Nhiều khi, một kiến giải khoa học hữu lí nhưng vì phương tiện truyền thông ít thuận lợi nên không đến được với nhiều người và không được góp phần nâng cao tri thức cộng đồng, để cho những ý kiến chưa chính xác tồn tại lâu dài, cái sai này nối tiếp cái sai khác”.
2. Cố gắng hoàn thành tâm nguyện của thầy mình, ông Vĩ đã bỏ nhiều thời gian tìm đọc và đối chiếu các cách sử dụng hai chữ Hán “hành khan” trong Nam quốc sơn hà. Tại cuộc tọa đàm, bằng một số phân tích và lập luận, ông Vĩ đưa ra kiến giải: có lý do để hiểu “hành khan” theo một nghĩa tương đương ở tiếng Việt là “xem ra”. Theo cách hiểu này, ghép cùng 3 câu thơ đầu, bài Nam quốc sơn hà có thể được dịch nghĩa: (Sông núi nước Nam, Nam đế quản trị/Hiển nhiên đã định phận tại thiên thư/Cớ sao bọn giặc ngỗ ngược đến xâm phạm/Mà chúng bay, xem ra, lại chịu bại ư?)
Có nghĩa, thay vì tuyên bố “giặc Tống sẽ bị đánh tơi bời”, câu cuối của bài thơ cần được hiểu thành lời động viên, khích lệ của thần linh với quân dân Đại Việt: “thực tế là vậy, giặc Tống lại ngỗ ngược như thế, chẳng lẽ các người cam lòng chịu thất bại hay sao?” - ông Vĩ giải thích - Cách hiểu này rất hợp với bối cảnh của bài thơ, khi những người nghe Nam quốc sơn hà lần đầu từ đền Trương Hống, Trương Hát chính là quân dân Đại Việt. Cũng cần nói thêm, trong ngôn ngữ cổ, nghĩa của từ chúng bay, chúng mày, các ngươi... là cách xưng hô thường tình của bậc trên với kẻ dưới chứ không hề có nghĩa miệt thị gì”.
Rõ ràng, là lời tuyên bố hướng về quân Tống hay lời động viên, khích lệ quân dân Đại Việt chiến đấu, giá trị của bài thơ Nam quốc sơn hà vẫn không hề thay đổi. Và thực tế, dù mới chỉ dừng ở một giải thiết được gợi mở, cách cắt nghĩa mới của cố của GS Nguyễn Tài Cẩn và đồng nghiệp vẫn mang lại sự phong phú hơn trong những huyền thoại về bài thơ lịch sử này.
Người mở lối tiên phong cho Việt ngữ học Có tên gọi giản dị Tưởng nhớ GS Nguyễn Tài Cẩn, cuộc tọa đàm được coi như nén hương thắp muộn sau một tháng kể từ ngày nhà ngôn ngữ học hàng đầu của Việt Nam qua đời. Những gương mặt xuất hiện tại đây đa phần là học trò của ông qua nhiêu thế hệ - và tất nhiên đang là những chuyên gia trong lĩnh vực ngôn ngữ học như GS Nguyễn Minh Thuyết, GS Đinh Văn Đức, các PGS Vũ Đức Nghiệu, Phạm Hùng Việt, Trịnh Bá Phiến, Phạm Văn Tình... Các ý kiến tại cuộc tọa đàm đều nhắc tới cố GS Nguyễn Tài Cẩn (1926 - 2011) trong vai trò người đặt ra nhiều nền móng cơ bản liên quan tới các vấn đề về hình thái, ngữ pháp, cấu trúc... của tiếng Việt. Trong suốt nửa thế kỷ nghiên cứu kể từ 1960 tới nay, GS Nguyễn Tài Cẩn đã âm thầm làm việc và lần lượt công bố hàng loạt cuốn sách: Từ loại danh từ trong tiếng Việt hiện đại (1975), Ngữ pháp tiếng Việt (tiếng - từ ghép - đoản ngữ) (1975), Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán - Việt (1979), Một số vấn đề về chữ Nôm (1985), Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt (Sơ thảo, 1995), Tư liệu Truyện Kiều: Từ bản Duy Minh Thị đến bản Kiều Oánh Mậu (2004)... - trong đó mỗi cuốn sách đều là một công trình nghiên cứu công phu và đặc biệt có giá trị “khai phá” để tiếng Việt phát triển đúng hướng.
Chiêu Minh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất