Dị bản Thánh Gióng: Lý Thái Tổ cũng từng 'đưa Gióng về Hồ Tây'

17/03/2015 17:20 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Thethaovanhoa.vn giới thiệu các dị bản truyện Thánh Gióng dựa theo cuốn Người anh hùng làng Dóng do GS Cao Huy Đỉnh (nhà nghiên cứu được giải thưởng Hồ Chí Minh, chuyên gia về Thánh Gióng) trình bày theo cách gọi của ông là “Ông Dóng”.

Theo quan điểm học thuật riêng, GS Cao Huy Đỉnh (1927-1975) dùng chữ “D” thay cho chữ “Gi” trong mọi tên gọi như Ông Dóng, làng Dóng, hội Dóng. Trong bài báo này, Thethaovanhoa.vn sử dụng chữ “Gióng” như cách dùng lâu nay để giữ sự thống nhất.

Cuốn Người anh hùng làng Dóng in lần đầu vào năm 1969, là một trong những công trình giúp GS Cao Huy Đỉnh được trao giải thưởng Hồ Chí Minh năm 1996. Ở đây, chúng tôi dẫn công trình này từ bản in trong cuốn Cao Huy Đỉnh tuyển tập và tác phẩm do Từ Thị Cung và Ngô Văn Doanh biên soạn (NXB Lao động, 2004).


Cuốn Cao Huy Đỉnh tuyển tập và tác phẩm, trong đó có toàn văn công trình nghiên cứu Người anh hùng làng Dóng. Ảnh: Mi Ly

Chủ đề đánh giặc, giữ nước là chủ đề căn bản trong văn học Việt Nam, bao gồm cả văn học dân gian. Thánh Gióng, một trong những truyền thuyết xa xưa nhất của dân tộc, thể hiện chủ đề này rất rõ ràng. Vì vậy, sưu tầm và công bố các dị bản truyện, GS Cao Huy Đỉnh muốn chứng minh truyện Thánh Gióng đã được sáng tạo ra và phát triển cùng với sự lớn mạnh của ý thức dân tộc. Hơn thế, còn vì đây là tác phẩm truyền miệng, trước đó chưa được sưu tầm và ghi chép thành văn đầy đủ, chính xác và triệt để. Ông đã tìm kiếm cốt truyện Thánh Gióng ở các tài liệu thành văn như Việt điện u linh, Lĩnh Nam chính quái... và tài liệu truyền miệng ở các làng xã còn vết tích văn hóa liên quan đến Thánh Gióng và văn học dân gian cổ.

“Tài liệu thành văn thường bị hạn chế bởi tư tưởng phong kiến tôn giáo, bởi xu hướng Hán hóa và xu hướng lịch sử hóa hay hiện đại hóa những yếu tố cổ. Tài liệu truyền miệng ít bị ảnh hưởng của hai xu hướng đầu nhưng lại thiên về xu hướng thứ ba. Cả ba xu hướng này gây nhiều khó khăn cho việc xác định nguồn gốc xa xưa của từng mô típ và của truyện, nhưng lại đáng chú ý khi chúng ta quan tâm đến tính chất của từng dị bản và lịch sử biến đổi của tác phẩm dân gian” – GS Đỉnh viết. Qua đoạn này, ông gián tiếp khẳng định việc tác phẩm dân gian biến đổi qua các thời đại dẫn đến tồn tại nhiều dị bản là điều bình thường. Cụ thể, ở đây là trường hợp Thánh Gióng.

Sau đây là một số dị bản:

- Trong văn học viết: Sự tích Sóc Thiên VươngXung Thiên Đại Vương trong Việt điện u linh; Truyện Đổng Thiên Vương trong Lĩnh Nam chích quái; Truyện Thánh Gióng trong Thiên Nam ngữ lục; Truyện Thánh Gióng trong Đại Nam quốc sử diễn ca; Những câu đối và những bài thơ ca ngợi Gióng

- Trong các thần tích và truyền thuyết địa phương, bao gồm: truyện cổ các làng ở vùng Trung châu (đồng bằng sông Hồng), Thánh Gióng làng Chiềng, Thạch tướng quân thời Hùng Vương thứ 16, Đức thánh Ông thời Đinh, Linh Lang thời Lý, Lân Hổ thời Trần

- Trong thơ ca dân gian: các bài vè phường Ải Lao trước Cách mạng tháng Tám, các bài hát giao duyên theo hát ví, quan họ và trống quân ở hội Gióng

Thể thao & Văn hóa tóm tắt một số dị bản có liên quan đến kết cục của Thánh Gióng sau khi đánh thắng giặc trở về.

1. Truyện cổ đồng bằng sông Hồng có đoạn về Hồ Tây

Riêng ở vùng Trung châu (đồng bằng sông Hồng) đã có rất nhiều dị bản vì đây chính là địa danh nơi Thánh Gióng sinh ra trong truyền thuyết, có đền Gióng và mở hội Gióng hằng năm. Theo đó, các truyện cổ kể về Thánh Gióng rất cụ thể và chi tiết, gắn với các địa danh cổ như làng Gióng Mốt, làng Bình Tân, núi Dạm, làng Bưởi Nồi, đỉnh núi Sóc… Các truyện có chung cốt truyện: Gióng là con của Ông Đổng khổng lồ, do bà mẹ dẫm phải dấu chân ông Đổng trong vườn cà mà thụ thai, sau này lớn lên đi đánh giặc.

Đặc biệt, trong một truyện cổ do người già vùng này truyền lại, có kể rất rõ về chi tiết “Gióng tắm ở Hồ Tây”, như sau (đã đổi từ “Dóng” sang “Gióng”):

Gióng lại vượt sông Hồng, cả người lẫn ngựa đến thẳng làng Cáo (Xuân Tảo) bên bờ hồ Tây. Ở đấy Gióng phanh áo ngồi nghỉ, giở cơm nắm ra ăn, rồi xuống hồ tắm mát. Đoạn, nhắm thẳng phía Sóc Sơn mà ruổi ngựa, bỏ lại một đoạn roi sắt ở đấy. Qua Đông Đồ (xã Nam Hồng, Đông Anh), Gióng còn nghỉ lại một lần nữa để thu xếp đồ đạc...

Đến chân núi Sóc Sơn, Gióng ghìm cương, ngựa hí và giẫm chân xoay bốn phía. Bây giờ ở đây là làng Mã có những ao chuôm dày chi chít là vì vậy. Gióng nhìn đất nước lần cuối, rồi phóng thẳng lên đỉnh cao, cởi áo sắt vắt lên cành cây trầm, trong nháy mắt cả người lẫn ngựa vụt biến lên mây".


Trong truyện cổ vùng Trung châu, những dị bản lâu đời nhất của truyện Gióng, đã có chi tiết Gióng ở Hồ Tây

2. Dị bản thời Lý đưa Gióng về Hồ Tây

Qua nghiên cứu hai tập truyện cổ về thần linh Việt Nam là Việt điện u linh (thế kỷ 14) và Lĩnh Nam chích quái (được cho là vào thời Trần), GS Cao Huy Đỉnh đặt ra giả thiết: Tiền thân của Thánh Gióng là truyện người anh hùng núi Sóc ở Sóc Sơn. Đến thời tiền Lê thì được phong là Sóc Thiên Vương, đến thời Lý thì trở thành phúc thần hồ Tây và đồng hóa với thổ thần làng Phù Đổng. Sóc Sơn thuộc Vĩnh Phúc còn Phù Đổng thuộc Gia Lâm ngày nay.

Trong Sự tích Sóc Thiên Vương của Việt điện u linh có ghi: “Đến nhà Lý muốn cho tiện việc cầu đảo, mới dời đền về bên Tây Hồ thờ làm phúc thần, có chép vào tự điển”.

Tổng hợp từ Việt điện u linh và Lĩnh Nam chích quái, Cao Huy Đỉnh viết: “Lý Thái Tổ phong cho thổ thần làng Phù Đổng là Xung Thiên Thần Vương, vì thần này đã báo điềm lành vua cho mình. Cũng Lý Thái Tổ đã phong cho người anh hùng trẻ nhỏ có công đánh giặc Ân là Xung Thiên Thần Vương, lập miếu thờ ở làng Phù Đổng, cạnh chùa Kiến Sơ”.

Rồi tổng kết: “Từ nay ông Gióng ra đi đánh giặc từ làng Phù Đổng rồi cũng trở về Sóc Sơn như trước, nhưng lại phải ghé qua Hồ Tây “ăn cơm nắm, cởi áo tắm mát và bỏ quên một đoạn roi sắt ở đó”. Những chi tiết này không thể có sớm hơn nhà Lý”.


Hội Gióng như ngày nay cũng được cho là có từ thời Lý Thái Tổ

3. Thơ Kể chuyện buổi đầu dựng nước của Cao Huy Đỉnh

Tác phẩm này do Lại Nguyên Ân sưu tầm, được giới thiệu là nói về “Chú bé làng Dóng. Truyền thuyết dân gian vùng Trung châu. Cao Huy Đỉnh viết lại với sự cộng tác của Nguyễn Đức Long”. Trong đó, có đoạn về Thánh Dóng sau khi thắng trận:

“Người thợ rào làng Mòi thì thầm:

- Trên đường về, Gióng ghé thăm tôi. Gióng ngắm lò rèn, nghe thụt bễ hồi lâu;

Tôi cố níu Gióng ở lại đây mà không được...

Giếng làng Bưởi Nồi thổ lộ niềm vui:

- Giữa đất giữa trời, một trưa nắng cháy, uống nước lòng tôi.

Tôi mong Gióng uống nhiều nước mát;

...

Sóng nước đầm kia lại rì rầm:

- Về đến đây, Gióng cởi ngay đồ xuống tắm,

Rồi lên bờ mở gói cà, mo cơm nắm ra ăn.

Ăn xong, Gióng lên ngựa nhằm hướng đồi Sóc mà đi, bỏ quên ở đây đoạn roi sắt.

...

Ao chuôm làng Ngựa thổ lộ niềm vui:

- Đến đây, Gióng ghìm cương cho ngựa giẫm chân quay bốn phía, đưa mắt nhìn non sông lần cuối rồi nhằm đỉnh Sóc mà phi lên.”


Do sáng tạo lại từ những truyện cổ tự mình nghiên cứu nên GS Đỉnh chủ động đưa tình tiết “Gióng tắm và ăn cơm” vào tác phẩm, nhưng không để Gióng “chết trong rừng” như trong tưởng tượng của nhà thơ Nguyễn Đình Thi.

4. Dị bản có chi tiết “đứt đầu”

Truyền thuyết ở làng Sơn Dương (huyện Lâm Thao, Phú Thọ cũ) không hẳn là về Thánh Gióng nhưng có yếu tố tương đồng về “em bé khổng lồ đánh giặc”, cũng được Cao Huy Đỉnh đưa vào nhóm truyện này. Truyện như sau:

“Xưa có một vị thần do bà mẹ giẫm phải dấu chân khổng lồ bằng đá rồi thụ thai mà đẻ ra. Thần lớn lên như thổi và được nhà vua cho đi đánh giặc. Chém xong tướng giặc, định quay trở về thì bị vướng dây của quân giặc tung ra, nên thần ngã từ trên ngựa xuống. Giặc chém thần đứt đầu. Nhưng thần ôm đầu chạy về đến đầu làng thì gặp một bà hàng nước. Thần hỏi: “Mất đầu còn sống được không?”. Bà hàng nước trả lời: “Mất đầu thì chết”. Thế là thần hóa ngay tại đó.”

Mi Ly

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link