Bức tranh lịch sử hoành tráng bị cháy và 'tái sinh'

04/02/2015 10:01 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - LTS: Theo thống kê của Thể thao & Văn hóa, Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đã nhận hơn 200 quà tặng, trong đó có nhiều “kỷ lục”. 5 năm qua, có món quà trở thành nổi tiếng, được nhắc đến nhiều như Con đường gốm sứ, có món quà may mắn được vào Bảo tàng Hà Nội như bức tranh thêu Ước nguyện ngàn năm, thì cũng có những thứ bị lãng quên, bị cháy, hay lâm vào cảnh “phủ bạt buộc thừng”…

Hà Nội, chiến lũy và hoa, bức tranh sơn dầu liền khổ lớn nhất Việt Nam có chiều dài 9,6m, rộng 2,25m, được họa sĩ trẻ Nguyễn Doãn Sơn hoàn thành sau 3 năm miệt mài lao động nghệ thuật. Hà Nội, chiến lũy và hoa tái hiện một cách chắt lọc nhất những hình ảnh về Hà Nội năm 1946 - những ngày tháng tự hào của người Hà Nội trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Nguyễn Doãn Sơn đã gửi gắm nhiều tâm huyết để thực hiện bức tranh kỷ lục với mong muốn được trưng bày trong dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long để tri ân những người đã dũng cảm ngã xuống vì Thủ đô yêu dấu...

Tranh cháy đúng ngày 19/12

Sau hai lần trưng bày tại triển lãm Dấu ấn Hà Nội và tại Nhà Thái học (Văn Miếu), Nguyễn Doãn Sơn đem bức tranh kỷ lục này về xưởng của mình tại Bát Tràng (Hà Nội). Anh dành hẳn 1 phòng trên tầng 2 để treo bức tranh này.


Họa sĩ Nguyễn Doãn Sơn và tác phẩm “kỷ lục”

Theo lời kể của Nguyễn Doãn Sơn, vào ngày 17/12/2010, VTV liên hệ với anh để quay hình bức tranh. Ngày 18/12/2010, một đoạn phim ngắn về bức tranh được hoàn thành. Ngày 19/12/2010, Doãn Sơn tổ chức một lớp học vẽ tại địa điểm treo tranh. 5h chiều, tất cả rời xưởng vẽ, anh giao cho một học trò trông coi xưởng.

Khi đang đi trên đường về nhà, bạn của Nguyễn Doãn Sơn đã gọi điện hốt hoảng: “Sơn ơi em đang ở đâu, nhà em cháy to lắm”. Quá bất ngờ, anh liền quay ngay về xưởng. Vừa đi, anh vừa gọi điện cho cứu hỏa. Đến nơi, lính cứu hỏa đã phun nước lênh láng tầng 2 và cả bức tranh của anh cháy hoàn toàn. Nguyên nhân cháy có thể do chập điện.

Nguyễn Doãn Sơn giải thích thêm, tranh sơn dầu là lanh kết tinh, cho đến một điểm nhiệt nhất định, toàn bộ mặt tranh sẽ bùng cháy và cháy hết. Điều kỳ lạ, mà đến giờ Doãn Sơn vẫn băn khoăn là 19/12/1946, vào khoảng 6h tối, Hồ Chủ tịch đã kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Còn tranh của Sơn cũng cháy đúng vào ngày đó, giờ đó năm 2010. Kỳ lạ nữa là, những bộ rèm và đèn chiếu kèm theo cũng cháy bằng hết trong khi nhưng đồ đạc trong gia đình không bị cháy nhiều.

“Khi bức tranh của tôi cháy đi tôi mới thấy nó sống và thực sự trở thành tác phẩm sống. Rất nhiều bạn bè, người quen biết đã gọi điện hỏi thăm là điều an ủi lớn. Với tôi, bức tranh đã được tái sinh sang cõi khác” - họa sĩ rưng rưng trong tiếc nuối, dù đã 5 năm trôi qua...


Toàn cảnh tác phẩm Hà Nội, chiến lũy và hoa trưng bày tại Văn Miếu

Tiếc là… đứt gánh giữa đường

Cách đây 7-8 năm, lý do Doãn Sơn vẽ bức tranh này vì được nghe họa sĩ Nguyễn Đỗ Bảo khuyên các họa sĩ trẻ nên đóng góp những bức tranh lịch sử cho 1.000 năm Thăng Long. Cùng thời gian đó, Hoàng thành Thăng Long phát lộ, phơi bày những cổ vật, những đồng tiền cổ có niên hiệu của các nhà vua, những kỷ vật của Thủ đô ngàn năm tuổi.

Khi đọc một số cuốn sách như Lũy hoa của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, anh càng quyết tâm hơn. Nguyễn Doãn Sơn chọn khổ lớn không vì mục đích lập kỷ lục mà “chỉ nghĩ làm để xứng đáng với sự kiện 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội”.

“Khi khởi sự vẽ bức tranh này, kinh tế của hai vợ chồng mới cưới còn rất khó khăn. Nhưng được sự giúp đỡ của các bạn học phổ thông, bạn học đại học, dự án vẽ bức tranh lớn chưa từng có này không bị đổ bể. Bạn Vũ Hữu Mạnh cho mượn nhà xưởng. Các bạn Vũ, Bảo, Hà, Thu, Huyền, Quang... quyên góp kinh phí. Rất nhiều bạn bè, thầy giáo, đồng nghiệp khác luôn đến tụ họp, góp ý, cổ vũ... Đó không những là kỷ niệm khó phai mà cũng rất nhân văn mà cuộc đời tôi có vinh hạnh đón nhận” - Sơn kể.

Với Nguyễn Doãn Sơn, làm nghệ thuật thì phải chấp nhận. “Giá như tranh được bảo quản tốt, hoặc để trưng bày tạm ở đâu đó, sẽ đến lúc một cơ quan nào đó mua tranh và công sức của tôi sẽ được đền đáp. Hơn nữa, tôi bán được tranh sẽ là động lực để anh em họa sĩ theo đuổi đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng. Tiếc là công việc của tôi thế là… đứt gánh giữa đường!” - anh trầm ngâm - “Tranh cháy rồi, tôi đã rất đau đớn. Tôi tự hỏi mình, liệu còn đủ đắm say, còn đủ nhiệt huyết để vẽ một bức lớn hơn, đẹp hơn ngay tại nơi bức tranh ấy cháy hay không?”.

Hà Nội, chiến lũy và hoa gồm 5 trích đoạn bao gồm: Trận chiến trên phố, Em bé giao liên, Bên trong chiến lũy, Chiến lũy và hoa, Mẹ. Bức tranh gây cảm giác cho người xem bằng cả chiều sâu lẫn sự hùng vĩ với 296 nhân vật, hình tượng và biểu tượng...

Bức tranh này đã vinh dự được nhận Tặng thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội của báo Thể thao & Văn hóa năm 2008.

Hoa Chanh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link