Tranh thủ thời gian vàng để ngăn chặn đẩy lùi dịch bệnh

25/08/2021 21:58 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Bộ Y tế cho biết, từ 18 giờ ngày 24/8 đến 18 giờ ngày 25/8, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 12.096 ca mắc mới, trong đó 3 ca nhập cảnh và 12.093 ca trong nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì kiện toàn Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì kiện toàn Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19

Chiều 25/8, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Lễ công bố Quyết định số 1438/QĐ-TTg, ngày 25/8/2021 về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 (Ban Chỉ đạo).

Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục ghi nhận số ca mắc cao (5.294), thứ hai là Bình Dương (4.129 ca), Đồng Nai (618 ca)…; trong đó có 7.321 ca trong cộng đồng.

Như vậy trong 24 giờ qua, số ca nhiễm ghi nhận trong nước tăng 1.296 ca. Thành phố Hồ Chí Minh tăng 667 ca, Bình Dương tăng 501 ca, Đồng Nai giảm 181 ca, Long An tăng 67 ca, Tiền Giang tăng 226 ca.

Từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 381.363 ca mắc, đứng thứ 66/222 quốc gia và vùng lãnh thổ; tỷ lệ ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 168/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 3.879 ca nhiễm).

Trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 377.245 ca, trong đó 167.147 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Trong ngày 25/8, cả nước có 7.646 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 169.921 ca.

Tính đến ngày 25/8, tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam là 9.349 ca, chiếm 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,1%).

Dịch Covid-19, Tranh thủ thời gian vàng để ngăn chặn kiểm soát dịch bệnh, ngăn chặn kiểm soát dịch bệnh Covid-19, ngăn chặn dịch bệnh Covid-19, kiểm soát dịch bệnh
Các hộ dân sống xung quanh ngõ 328, 330 Nguyễn Trãi đều bị phong tỏa, đảm bảo an toàn phòng chống COVID-19. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

* Kiện toàn Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19

 Chiều 25/8, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Lễ công bố Quyết định số 1438/QĐ-TTg, ngày 25/8/2021 về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.

Theo Quyết định số 1438/QĐ-TTg, Trưởng Ban Chỉ đạo là đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ.

Các Phó trưởng Ban Chỉ đạo gồm các đồng chí: Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ. Ban Chỉ đạo còn có 10 thành viên khác. Bộ Y tế là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo.

Ban Chỉ đạo quốc gia gồm có 8 Tiểu ban: Tiểu ban Y tế; Tiểu ban An ninh trật tự xã hội ; Tiểu ban An sinh xã hội; Tiểu ban Tài chính, hậu cần; Tiểu ban Sản xuất và lưu thông hàng hóa; Tiểu ban Vận động và huy động xã hội; Tiểu ban Dân vận; Tiểu ban Truyền thông.

Thủ tướng lưu ý, các thành viên Ban Chỉ đạo bắt tay ngay vào công việc của mình, trong đó triển khai các nhiệm vụ, giải pháp theo các công điện mới nhất của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống COVID-19. Trong đó, tổ chức thực hiện nghiêm giãn cách xã hội. Khi thực hiện giãn cách xã hội, phải tranh thủ thời gian vàng để ngăn chặn, đẩy lùi, kiểm soát dịch bệnh. Bảo đảm an sinh xã hội tốt cho mọi người dân, bảo đảm người dân không "thiếu ăn, thiếu mặc", mọi người dân được tiếp cận y tế mọi lúc, mọi nơi, một cách nhanh nhất.

Việc xét nghiệm, tiêm vaccine và sử dụng thuốc trị COVID-19 cần tiếp tục đẩy mạnh trên tinh thần đảm bảo khoa học, hợp lý, hiệu quả, trong đó tổ chức xét nghiệm trên diện rộng, ưu tiên cho các đối tượng như người trên 50 tuổi... Bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, an dân; không chỉ đảm bảo vật chất, mà phải chăm lo cả tinh thần cho nhân dân. Theo Thủ tướng, Việt Nam quan tâm, bảo đảm an toàn cho cả công dân nước ngoài tại Việt Nam, không có sự phân biệt người trong nước và nước ngoài.

Dịch Covid-19, Tranh thủ thời gian vàng để ngăn chặn kiểm soát dịch bệnh, ngăn chặn kiểm soát dịch bệnh Covid-19, ngăn chặn dịch bệnh Covid-19, kiểm soát dịch bệnh
Các nhan viên y tế quận Thanh Xuân lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại ngõ 328 Nguyễn Trãi. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Thủ tướng khẳng định, chúng ta tập trung ưu tiên số 1 cho phòng, chống dịch, nhưng không quên các nhiệm vụ khác như bảo đảm chủ quyền an ninh quốc gia; xây dựng Đảng; phát triển sản xuất nếu bảo đảm an toàn...

Trên tinh thần đó, Thủ tướng mong muốn, Ban Chỉ đạo và các thành viên tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, bản chất tốt đẹp của cán bộ, đảng viên, tất cả vì đất nước, vì nhân dân; phối hợp nhịp nhàng, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm; tăng cường giám sát, kiểm tra; thường xuyên đúc kết, sơ kết, đánh giá, bổ sung điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp. Thủ tướng tin tưởng, với tinh thần trách nhiệm của Ban Chỉ đạo, các thành viên Ban Chỉ đạo và nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân, doanh nghiệp, cả nước sẽ sớm kiềm chế được dịch bệnh.

* Đề xuất cơ sở y tế tư nhân thực hiện dịch vụ điều trị bệnh nhân COVID-19

 Nhằm giải quyết kinh phí điều trị bệnh nhân COVID-19 cho các cơ sở y tế đảm bảo nguồn lực tài chính để các cơ sở y tế tư nhân tiếp tục công tác điều trị, giảm áp lực cho hệ thống y tế công lập, cũng như kịp thời cứu chữa bệnh nhân COVID-19, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa đề nghị Bộ Y tế, Bộ Tài chính báo cáo cấp có thẩm quyền chấp thuận cho các cơ sở y tế tư nhân được thực hiện dịch vụ điều trị bệnh nhân COVID-19 theo yêu cầu và được thu giá dịch vụ tương ứng.

Trong trường hợp ngân sách Nhà nước đảm bảo một phần hoặc toàn bộ chi phí điều trị cho bệnh nhân COVID-19, Ủy ban nhân dân Thành phố đề nghị Bộ Y tế, Bộ Tài chính hướng dẫn mức chi trả cho các bệnh viện tư nhân khi thực hiện điều trị bệnh nhân COVID-19.

Dịch Covid-19, Tranh thủ thời gian vàng để ngăn chặn kiểm soát dịch bệnh, ngăn chặn kiểm soát dịch bệnh Covid-19, ngăn chặn dịch bệnh Covid-19, kiểm soát dịch bệnh
Ngõ 330 Nguyễn Trãi bị phong tỏa toàn bộ. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Trong thời gian chờ ý kiến phản hồi của Bộ Y tế, Bộ Tài chính, đại diện Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố sẽ thanh toán cho các cơ sở y tế tư nhân chi phí điều trị bệnh nhân COVID-19 theo mức giá dịch vụ khám chữa bệnh được Bộ Y tế quy định tại Thông tư số 13/2019/TT-BYT, Thông tư số 14/2019/TT-BYT ngày 5/7/2019. Đối với các nội dung chưa được kết cấu trong giá dịch vụ khám chữa bệnh quy định tại các thông tư nói trên, Thành phố sẽ thanh toán chi phí thực tế phát sinh nhưng phải đảm bảo định mức chi và mức giá thanh toán tương đương với mức thực hiện của các cơ sở y tế công lập.

Theo báo cáo của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay, địa bàn Thành phố có 136 bệnh viện đang hoạt động, trong đó có 78 bệnh viện đang điều trị bệnh nhân mắc COVID-19. 11 bệnh viện tư nhân tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19: gồm Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh, Gia An 115, An Sinh, Triều An, Xuyên Á, Nam Sài Gon, Tâm Đức, Vimec Central Park, FV, Hoàn Mỹ Thủ Đức, Hồng Đức III.

* Tăng cường xử lý vi phạm trong tiêm vaccine phòng COVID-19

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, Thanh tra Bộ vừa có Công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Y tế đề nghị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong phòng, chống dịch và tiêm vaccine phòng COVID-19.

Gần đây, một số phương tiện thông tin đại chúng đưa tin, đã có đối tượng lợi dụng tình hình khan hiếm vaccine phòng COVID-19 và sự hiểu biết chưa đầy đủ của một số người dân về các quy định của Nhà nước về tiêm vaccine COVID-19 để thực hiện hành vi vi phạm hình thành đường dây tiêm vaccine dịch vụ thu lợi bất chính (nhờ mối quan hệ cá nhân, đối tượng sắp xếp, cung cấp các suất tiêm vaccine COVID-19 thu tiền của người tiêm).

Bộ Y tế nhận định điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác phòng, chống dịch, nhất là việc thực hiện chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 theo chỉ đạo của Chính phủ và kế hoạch triển khai Chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 của Bộ Y tế.
Thanh tra Bộ Y tế đề nghị các đơn vị tăng cường thanh tra, kiểm tra (nên tập trung chủ yếu vào kiểm tra) các hoạt động phòng, chống dịch, nhất là việc tiêm vaccine phòng COVID-19 trên địa bàn và trong từng đơn vị.

Các Sở Y tế tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về sản xuất, nhập khẩu, cung ứng, giá bán các mặt hàng phục vụ phòng chống dịch như hóa chất, chế phẩm sinh phẩm, trang thiết bị y tế phục vụ xét nghiệm COVID-19; giá dịch vụ xét nghiệm COVID-19 theo các quy định hiện hành.

Cơ quan Thanh tra Bộ lưu ý, trong quá trình thanh tra, kiểm tra cần kết hợp công tác tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định, công bố rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu hình sự, chuyển ngay hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định.

* Giải đáp thắc mắc khi tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 2

Thời điểm này, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và một số địa phương khác đang thực hiện giãn cách xã hội. Đồng thời chiến dịch tiêm chủng đang được tập trung thực hiện tại những tỉnh, thành phố có đông bệnh nhân COVID-19. Một số lo lắng, thắc mắc của người dân xung quanh việc tiêm vaccine mũi 2 đã được ông Nguyễn Trường Nam, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế giải đáp.

Cụ thể, trước lo lắng của nhiều người về việc đã tiêm mũi 1 vaccine phòng COVID-19 và đến lịch tiêm mũi 2 nhưng lại không có mặt tại địa phương, ông Nguyễn Trường Nam cho biết: Trong trường hợp người dân tiêm mũi 1, sau đó di chuyển đến địa phương khác thì chủ động thông báo cơ quan, tổ chức, địa phương mình chuyển đi, đồng thời có văn bản gửi địa phương nơi đến để được hỗ trợ lập danh sách kế hoạch tiêm mũi 2.

Khi đến lịch tiêm mũi 2, địa phương nơi cư trú sẽ thông báo lịch tiêm mũi 2. Cần lưu ý là để tiêm mũi 2 thì người dân thực hiện đăng ký tiêm trên Cổng Thông tin tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 (tại địa chỉ https://tiemchungcovid19.gov.vn) hoặc qua ứng dụng (app) Sổ sức khỏe điện tử để hệ thống tiêm chủng quốc gia ghi nhận thông tin đăng ký tiêm.      

Hiện nay, hầu hết những người đã tiêm mũi 1 vaccine phòng COVID-19 đều nằm trong đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21 của Chính phủ và của Bộ Y tế quy định nên khi đến lịch tiêm mũi 2 sẽ được cơ quan, tổ chức, khu dân cư thông báo lịch tiêm mũi 2.

Sau khi tiêm mũi 1, đa số người dân sẽ nhận được giấy chứng nhận đã tiêm của cơ sở tiêm chủng. Khi đi tiêm mũi 2, người dân cần mang theo giấy chứng nhận đã tiêm mũi 1. Tuy nhiên, do nhiều cơ sở tiêm chưa triển khai tiêm trên Nền tảng tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 nên nhiều trường hợp sau khi tiêm mũi 1 vẫn chưa có chứng nhận tiêm trên hệ thống tiêm chủng (Cổng thông tin tiemchungcovid19.gov.vn hoặc trên app Sổ sức khỏe điện tử).

Với những trường hợp bị thất lạc giấy xác nhận tiêm vaccine phòng COVID-19 lần 1 và không có thông tin chứng nhận tiêm trên cổng thông tin tiêm chủng hay Sổ sức khỏe điện tử, người dân vẫn được tiêm mũi 2 theo lịch vì đã nằm trong danh sách kế hoạch tiêm của cơ quan, tổ chức, đơn vị đã lập danh sách tiêm và gửi cho cơ sở tiêm vaccine phòng COVID-19, ông Nguyễn Trường Nam cho biết./.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link