Kể lại chuyện "cổ tích" về Alfred Nobel

10/10/2012 10:15 GMT+7 | Trong nước


(TT&VH) - Mỗi năm vào tháng 10, người dân trên khắp thế giới, đặc biệt là các nhà khoa học, bác sĩ, nhà văn, nhà hoạt động, đều hướng sự chú ý của họ tới Stockholm và Oslo, bởi trong tháng này, các Ủy ban trao giải Nobel sẽ công bố tên người đoạt giải thưởng danh giá trong các lĩnh vực Y học, Vật lý, Hóa học, Hòa bình, Văn chương và Kinh tế. Và theo đó, di sản của người sáng lập ra giải thưởng là Alfred Nobel tiếp tục sống mãi sau hơn 1 thế kỷ.

Giải Nobel được đặt tên theo nhà phát minh nổi tiếng người Thụy Điển Alfred Bernhard Nobel. Đây đã được xem là giải thưởng danh giá nhất trên hành tinh kể từ khi nó được trao lần đầu vào năm 1901.

Nằm trong nhóm giàu nhất châu Âu nhờ bán vũ khí

Dù Nobel dành phần lớn thời gian trong đời ông sống ngoài Thụy Điển, người dân nước này vẫn rất tự hào về thành tựu của ông. "Chúng tôi tự hào về các phát minh và di sản của Nobel. Ông đã phát minh thuốc nổ, nhưng lại quyên tặng tiền bạc của mình cho hòa bình thế giới bằng cách trao tặng giải Nobel" - cố giáo sư Thomas Ohlson, một học giả nổi tiếng thuộc Khoa nghiên cứu Hòa bình và Xung đột tại Đại học Uppsala của Thụy Điển từng nhận xét với tờ Jakarta Post.

Alfred Nobel

Nobel sinh ngày 21/10/1833 trong một gia đình trí thức ở Stockholm. Tuy nhiên, ông đã sống và làm việc ở Nga, Pháp, Italia, Đức và Phần Lan. Ông nói tiếng Thụy Điển, Nga, Pháp, Đức, Italia, tiếng Anh và tiếng Đức hết sức nhuần nhuyễn.

Nobel là người có một không hai. Một mặt ông là nhà khoa học vĩ đại, chỉ tập trung hoạt động nghiên cứu vào nitroglycerin, còn được biết tới với biệt danh dầu nổ Thụy Điển và từ nó đã tạo ra thuốc nổ. Mặt khác, ông đã thể hiện việc mình là một nhà kinh doanh tài giỏi. Anh em nhà Nobel, gồm Nobel và các anh trai Robert, Ludwig, đã thành lập công ty dầu lửa Branobel tại thủ đô Baku của Azerbaiajn, nơi là trung tâm của ngành công nghiệp dầu khí và đã sản xuất 50% sản lượng dầu của thế giới khi đó. Cùng nhau, họ đã thu lợi khổng lồ từ dầu lửa.

Trong cuộc đời, Nobel đã tạo ra và bán 350 bản quyền phát minh khác nhau. Cho tới khi qua đời, ông đã thành lập tới 90 nhà máy sản xuất vũ khí, chất nổ, dù luôn thể hiện quan điểm yêu chuộng hòa bình. Việc kinh doanh dầu lửa, vũ khí, phát minh đã khiến ông trở thành một trong những người giàu nhất châu Âu.

Hiến tặng gần hết gia sản để bảo vệ hòa bình

Phần lớn công việc của Nobel liên quan tới vũ khí, nhưng ít ai biết ông còn là một nhà thơ, một tác giả hay viết sách và đặc biệt là ông đấu tranh thường xuyên cho hòa bình. Năm 1864, trong lúc thử nghiệm chất nitroglycerin ở Stockholm, một vụ nổ đã xảy ra khiến em trai của Nobel là Emil và vài người khác mất mạng. Nobel không có mặt ở hiện trường nên may mắn sống sót.

Một trang di chúc của Alfred Nobel, với nội dung nói về việc hiến tặng phần lớn gia sản cho việc lập giải Nobel

Nhưng một tờ báo Pháp tưởng ông đã mất mạng  nên đã "hân hoan" đưa tin về vụ tai nạn. Tờ báo giật tít "Le marchand de la mort est mort" (tạm dịch Lái buôn tử thần đã chết) và còn thông tin chi tiết rằng "Tiến sĩ Alfred Nobel, người trở nên giàu có bằng cách tìm ra cách giết người nhanh hơn trước kia, vừa mới thiệt mạng".

Nobel đã rất tức giận và buồn sau khi đọc bài báo. Nhưng rồi ông không muốn thế giới nhớ tới mình như một kẻ tồi tệ và xấu xa sau khi qua đời. Vậy là ông quyết định thành lập Quỹ Nobel để tôn vinh những người kiến tạo hòa bình và các khoa học gia đã cho ra đời những phát minh thúc đẩy sự phát triển của nhân loại. Ngày 27/11/1895, tại CLB Thụy Điển - Na Uy ở Paris, Nobel đã ký vào di chúc và chúc thư cuối cùng của ông, trong đó bỏ ra một phần di sản để thành lập giải Nobel. Giải này sẽ được trao thường xuyên mà không quan tâm tới quốc tịch của người đoạt giải là ai. Sau các khoản thuế và việc để lại một số tiền nhất định cho vài cá nhân, di chúc của Nobel đã dùng tới 94% gia sản của ông, tức 31.225.000 kronor Thụy Điển, để lập 5 giải Nobel. Theo thời giá năm 2012, con số này tương đương 472 triệu USD.

Một số người nói cựu thư ký riêng của Nobel là bà Bertavan Suttner đã gây ảnh hưởng lớn tới ông, khiến ông có hành động đặc biệt như vậy. Bà Suttner đã bỏ việc và trở thành nhà hoạt động vì hòa bình nổi tiếng. Nobel vẫn duy trì tình cảm bạn bè thân thiết với Suttner và họ đã trao đổi rất nhiều thư từ với nhau, nội dung phần lớn nói về hòa bình thế giới.

Nobel qua đời vào ngày 10/10/1896 ở Italia. Các thành viên trong gia đình ông đã bất ngờ với việc ông hiến tặng gia sản để trao giải và ban đầu họ phản đối ý tưởng này. Vì thế, phải mất tới 5 năm để những người được ủy thác thực thi di chúc của Nobel thành lập Quỹ Nobel và trao giải đầu tiên vào năm 1901. Kể từ đó tới nay, giải Nobel đã được trao đều đặn trong hơn 1 thế kỷ, góp phần khiến người ta nhớ tới Nobel như một hiệp sĩ bảo vệ hòa bình, chứ không phải tay "lái buôn tử thần" như ngày nào.

Ủy ban Nobel tôn vinh vật lý lượng tử

Khoa học gia người Pháp Serge Haroche và nhà khoa học Mỹ David Wineland đã đoạt giải Nobel Vật lý 2012 vì phát minh và phát triển các phương thức quan sát các hạt lượng tử siêu nhỏ mà không phá hủy chúng.

Viện Hàn lâm khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã quyết định chọn 2 nhà khoa học trên vì họ đã tìm ra "các phương thức thử nghiệm chấn động, giúp đảm bảo việc đo đạc và tác động tới các hệ thống lượng tử riêng biệt". Haroche và Wineland, đều đã 68 tuổi, đang làm việc trong lĩnh vực quang lượng tử, vốn xử lý các quan hệ tương tác giữa ánh sáng và vật chất.

Nghiên cứu của hai nhà khoa học được đánh giá là đặt nền móng để người ta xây dựng các mẫu máy tính siêu nhanh dựa trên vật lý lượng tử. Ngoài ra, nghiên cứu còn mở đường cho việc chế tạo các loại đồng hồ siêu chính xác, vốn có thể trở thành nền tảng tương lai cho tiêu chuẩn mới về thời gian.

Tường Linh (Theo Jakarta Post)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link