Triển khai 22.000 'mắt điện tử' để giám sát WC 2022, Qatar có thể phát hiện chính xác từng cổ động viên gây rối

23/11/2022 16:20 GMT+7 | World Cup 2022

World Cup 2022 đang được tổ chức tại tám sân vận động ở Qatar, từ ngày 20/11 đến ngày 18/12.

Và theo ước tính của giới truyền thông, các trận đấu bóng đá này dự kiến sẽ mang lại 1,5 triệu khách du lịch cho quốc gia nhỏ bé ở Trung Đông này. Nhưng theo thống kê mới nhất từ Liên Hiệp Quốc, dân số nước này chỉ có gần 3 triệu người.

Những con số này khiến nhiều người lo ngại. Nếu quan tâm tới bóng đá, bạn có thể nhớ lại trận chung kết UEFA Champions League diễn ra hồi giữa năm nay, với khung cảnh hỗn loạn của một lượng lớn cổ động viên hai đội Real Madrid và Liverpool ở bên ngoài sân vận động. Hay mới đây nhất là vụ giẫm đạp bi thảm ở Itaewon, Hàn Quốc. Và tất cả điều này còn chưa tính đến tác động của các nhóm hooligan bóng đá và cả yếu tố khủng bố.

Vậy trong một tháng này, làm thế nào để nước chủ nhà Qatar có thể đảm bảo an toàn cho 1,5 triệu du khách này?

Triển khai 22.000 'mắt điện tử' để giám sát WC 2022, Qatar có thể phát hiện chính xác từng cổ động viên gây rối - Ảnh 1.

Qatar đã chuẩn bị sẵn sàng từ lâu để giám sát và quản lý các đám đông cổ động viên.

Đừng quá lo lắng, bởi chúng ta đã có công nghệ giúp hỗ trợ vấn đề này.

Theo tờ Al Jazeera, Qatar đã thành lập một trung tâm công nghệ ở thủ đô Doha để giám sát người hâm mộ trong sân vận động và quản lý hệ thống giao thông trong thời gian trước và sau trận đấu.

Là quốc gia Trung Đông đầu tiên đăng cai tổ chức World Cup, Qatar đang nỗ lực hết sức để biến sự kiện thể thao này thành một thành công rực rỡ. Và sẽ không thể không kể đến sự góp sức của các hệ thống AI, thứ công nghệ sẽ giúp các nhà quản lý của Qatar tìm ra chính xác các cổ động viên “phiền phức”.

Theo báo cáo của AFP, các camera có khả năng nhận dạng khuôn mặt và cả việc giám sát bằng máy bay không người lái sẽ được sử dụng để giữ an toàn cho đám đông trong thời gian diễn ra World Cup.

Cụ thể, ban tổ chức Qatar đã triển khai hơn 22.000 camera để theo dõi hoạt động của người hâm mộ trên khắp 8 sân vận động của World Cup và trên đường phố Doha.

Báo cáo cho biết hơn 100 kỹ thuật viên sẽ làm việc suốt ngày đêm tại trung tâm chỉ huy và kiểm soát ở Aspire Zone Foundation. Nơi này còn được gọi là Thành phố thể thao Doha, là một khu phức hợp thể thao rộng 250 ha nằm ở quận Baaya của thủ đô Doha, Qatar. Các chuyên gia từ an ninh mạng đến đội chống khủng bố và đội quản lý giao thông sẽ đóng quân tại trung tâm, cùng với các quan chức của Qatar và FIFA.

Triển khai 22.000 'mắt điện tử' để giám sát WC 2022, Qatar có thể phát hiện chính xác từng cổ động viên gây rối - Ảnh 2.

Trung tâm giám sát ở thủ đô Doha, Qatar.

Qua một số hình ảnh được hé lộ, người ta có thể thấy các hàng dài kỹ thuật viên an ninh đang ngồi phía sau màn hình trong một căn phòng trông giống như trung tâm điều khiển sứ mệnh vũ trụ của NASA. Nhiệm vụ của họ là giám sát chặt chẽ các màn hình kết nối với camera an ninh và các thiết bị tích hợp trải khắp tám sân vận động diễn ra World Cup.

"Sự an toàn và bảo mật của người hâm mộ là điều tối quan trọng. Chúng tôi muốn đảm bảo rằng toàn bộ giải đấu diễn ra an toàn", Niyas Abdulrahiman, giám đốc công nghệ của nơi này cho biết.

Còn tại sân vận động Lusail, nơi sẽ diễn ra 10 trận đấu bao gồm cả trận chung kết, công nghệ nhận dạng khuôn mặt sẽ cho phép các nhân viên an ninh phóng to bất kỳ chỗ ngồi nào trong số 80.000 chỗ ngồi trên sân. Thậm chí, các hệ thống AI còn hỗ trợ phán đoán chính xác cảm xúc của khán giả thông qua nét mặt, để "ngăn chặn hành vi xấu có thể xảy ra của người hâm mộ từ trong trứng nước”.

Chưa nói tới việc quản lý và chống khủng bố, chỉ với công nghệ AI này, họ có thể tìm thấy một đứa trẻ bị lạc trong biển người, thậm chí xác định được cả những ai đang lén lút hút thuốc.

Nói riêng về việc hút thuốc thì thực hiện hành vi này ở nơi công cộng là điều “vượt quá giới hạn” so với các tiêu chuẩn đạo đức cơ bản ở Qatar. Do đó, ngoài nhân viên được chứng nhận của FIFA và ban tổ chức địa phương, bất kỳ ai khác hút thuốc trong sân vận động sẽ bị phạt rất nặng.

Triển khai 22.000 'mắt điện tử' để giám sát WC 2022, Qatar có thể phát hiện chính xác từng cổ động viên gây rối - Ảnh 3.

"Những gì bạn thấy ở đây là tương lai của các sân vận động", ông Niyas Abdulrahiman chia sẻ.

Tuy nhiên, thông tin về đơn vị phát triển công nghệ nhận dạng khuôn mặt được sử dụng ở Qatar không được tiết lộ. Tại World Cup 2018 diễn ra ở Nga, hệ thống nhận dạng khuôn mặt của các công ty công nghệ Nga đã giúp chính quyền địa phương bắt giữ hơn 40 nghi phạm. Còn tại World Cup 2014 trước đó ở Brazil, bộ phận an ninh tại sân vận động sử dụng hệ thống nhận dạng khuôn mặt do công ty Nhật Bản NEC cung cấp.

Sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, trung tâm điều khiển ở Doha có thể cho phép ban tổ chức điều khiển từ xa cả 8 sân vận động, cùng một lúc.

Từ màn hình, người điều hành có thể điều chỉnh nhiệt độ trong sân vận động theo ý muốn, khóa và mở khóa các cổng soát vé, kiểm tra lưu lượng người tới sân và nhận thông báo về số lượng chính xác người có mặt trong sân vận động bất cứ lúc nào.

Tất cả những điều này là để tránh khỏi rơi vào các tình huống khó xử gây ra bởi đám đông. Hồi tháng 5, các sự kiện nổ ra bên ngoài sân vận động Stade de France ở Paris đã gây hỗn loạn tới mức cảnh sát thậm chí đã sử dụng hơi cay để trấn áp và giải tán đám đông.

Vào tháng 10 vừa qua, tại Indonesia, cảnh sát đã bắn hơi cay vào một sân vận động bóng đá để ngăn chặn những người hâm mộ tràn xuống sân. Dẫu vậy, hơn 130 người đã thiệt mạng trong vụ việc đó.

Triển khai 22.000 'mắt điện tử' để giám sát WC 2022, Qatar có thể phát hiện chính xác từng cổ động viên gây rối - Ảnh 4.

Hệ thống giám sát của Qatar có thể tìm ra một đứa trẻ lạc giữa biển người

Để hạn chế tình trạng trên, đội ngũ kỹ thuật tại Trung tâm Qatar cho biết việc tổng hợp dữ liệu cho phép họ có thể nhận được những dự đoán chính xác về đám đông.

Bởi vì họ biết chính xác số lượng người có thể sẽ vào sân dựa trên doanh số bán vé, nên ban tổ chức cũng có thể dự đoán lượng người xem sẽ tăng đột biến và lưu lượng dòng người vào bất kỳ thời điểm nào. Với sự trợ giúp của trí tuệ nhân tạo, trung tâm công nghệ có thể đếm số người trong một không gian và đặt ngưỡng cảnh báo khi con số tăng đột biến.

Khi có hơn 100 người trong một khu vực diện tích cụ thể, các kỹ thuật viên có thể nhận cảnh báo, kiểm tra hoạt động của các cổng vào, đóng mở và điều tiết hướng di chuyển để đảm bảo dòng người ra vào sân vận động luôn diễn ra một cách suôn sẻ.

Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu tại Đại học Qatar được cho là đã phát triển một hệ thống giám sát bằng máy bay không người lái có thể ước tính số lượng người trên đường phố. Dữ liệu và cảnh quay sẽ được truyền trực tiếp đến trung tâm điều khiển tại Aspire để hỗ trợ việc giám sát an ninh tại các cổng, hệ thống giao thông như xe lửa, tàu điện ngầm, xe buýt. Thậm chí cả các vấn đề liên quan tới bảo trì và an toàn kỹ thuật, như các biển báo và biển chỉ dẫn, tại sân vận động cũng như trên đường phố cũng được kiểm soát chặt chẽ.

Ngoài ra, tất cả các sân vận động đều có máy lạnh. Nếu có sự thay đổi nhiệt độ tại địa điểm, các cảm biến trong trung tâm chỉ huy cũng có thể thu thập dữ liệu để điều chỉnh kịp thời.

Triển khai 22.000 'mắt điện tử' để giám sát WC 2022, Qatar có thể phát hiện chính xác từng cổ động viên gây rối - Ảnh 5.

Cả 8 sân vận động diễn ra WC 2022 có thể được quản lý cùng một lúc.

Các nhà tổ chức nói rằng đây là lần đầu tiên khái niệm “sân vận động được kết nối” được sử dụng trong một kỳ World Cup.

“Chỉ với một cú nhấp chuột, bạn có thể chuyển từ sân vận động này sang sân vận động khác. Chúng tôi có mọi thứ được tích hợp thông qua nền tảng tập trung của mình, từ quản lý cơ sở, an ninh, sức khỏe và an toàn”, Giám đốc trung tâm Hamad Ahmed al-Mohannadi chia sẻ.

"Những gì bạn thấy ở đây là một tiêu chuẩn mới, một xu hướng mới trong việc vận hành các địa điểm thi đấu”, ông Niyas Abdulrahiman chia sẻ. “Đó là đóng góp của người Qatar chúng tôi cho thế giới thể thao."

Vị giám đốc này cũng không e ngại trước các mối đe dọa an ninh mạng. Ông cho biết các hệ thống được thiết kế để chống lại các lỗ hổng.

“Rõ ràng, tất cả những điều này phụ thuộc vào việc hệ thống an ninh mạng có thể chống lại mọi mối đe dọa từ bên ngoài hoặc bên trong. Chúng tôi đang đảm bảo rằng các hệ thống được an toàn. Và chúng tôi đang thực hiện nó như một thói quen để đảm bảo rằng trong thời gian diễn ra FIFA World Cup, bất kỳ sự cố an ninh mạng lớn nào sẽ không xảy ra”, ông chia sẻ.

Kể từ khi giành quyền đăng cai World Cup năm 2010, Qatar đã chi hơn 300 tỷ USD để xây dựng cơ sở hạ tầng mới, bao gồm 7 địa điểm tổ chức giải đấu, các trung tâm hỗ trợ truyền thông. Đây cũng là "World Cup điều hòa" đầu tiên trong lịch sử, nơi mà mọi sân vận động đều được trang bị hệ thống máy lạnh hiện đại.

Tuy nhiên, không phải ai cũng hào hứng và tin tưởng vào công nghệ. Nhiều người cũng bắt đầu lo lắng về các công nghệ nhận dạng, bởi từ lâu, tốc độ và độ chính xác của chúng đã gây nhiều dư luận. Trong trận chung kết Champions League 2017 diễn ra tại Cardiff, Anh, công nghệ nhận dạng khuôn mặt đã đánh dấu nhầm hơn 2.000 người thành "tội phạm tiềm năng".

Cũng có nhiều người khác tỏ ra lo lắng về vấn đề quyền riêng tư, thông qua các bình luận trên mạng xã hội.

"Tôi không thích bị theo dõi - đó là lý do tại sao tôi không đến xem trực tiếp World Cup!"

"Những người trốn vợ hay bạn gái để dẫn bồ nhí đi xem thi đấu hãy lo lắng dần đi là vừa."

Tham khảo Aljzeera, Telegraph, Thefederal

Bảo Nam

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link