PGS. Trịnh Hòa Bình nói về vụ người đẹp bán dâm: Kệch cỡm và nực cười!

06/06/2012 10:37 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - “Nhiều người bức xúc rằng bỏ ngần ấy tiền để “vui vẻ” trong lúc còn nhiều đồng bào đói khổ là tội ác. Rồi họ lại than thở: Đạo đức xã hội đang nằm ở đâu? Riêng tôi, cảm giác đầu tiên khi đọc thông tin này là chán nản và nực cười” – PGS-TS Trịnh Hòa Bình, GĐ Trung tâm Điều tra Dư luận Xã hội (Viện Khoa học & Xã hội VN) chia sẻ.

PGS. Trịnh Hòa Bình

1.
Không thể chỉ gói gọn câu chuyện bằng lời than về sự xuống cấp của đạo đức. Cũng không thể chỉ đơn giản kết luận vụ “hoa hậu bán dâm” là do quản lý xã hội quá tồi – mặc dù chúng ta quả thật chưa hoàn thiện trong mặt này. Với tôi, đó là chuyện về sự hỗn loạn của các chuẩn giá trị bây giờ.

Từ khi báo giới bắt đầu đưa tin về câu chuyện này, chúng tôi vẫn nói đùa với nhau: Trong hàng loạt vấn đề của hội nhập, riêng ở lĩnh vực nhạy cảm này thì chúng ta còn nhanh hơn thiên hạ rất nhiều. Thực tế, không thể loại trừ vĩnh viễn mại dâm ra khỏi cuộc sống của loài người, vì giới nghiên cứu đã chỉ ra, nó là “bạn đồng hành” của chế độ hôn nhân một vợ một chồng đang phổ biến ở hầu hết các nước. Chỉ có một điều khác, chúng ta đang có quan niệm và cách hành xử ngược hẳn với họ.

Chẳng hạn, nếu tìm kiếm trên mạng internet, các bạn sẽ thấy khá nhiều câu chuyện về những phụ nữ trên thế giới đã từng là gái bán hoa, từng đóng phim cấp ba, từng chấp nhận cuộc đời bị vấy bẩn vì lý do nào đó. Nhưng khi có điều kiện, họ vẫn cố gắng vượt qua cái lằn ranh ấy để tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn cho mình, thậm chí là nỗ lực đoạn tuyệt hẳn với quá khứ để gia nhập vào giới showbiz như trường hợp diễn viên Thư Kỳ (Trung Quốc).

Còn những gì vừa xảy ra lại theo hướng ngược lại hoàn toàn: Những người đẹp cố gắng tham gia những cuộc thi, tìm kiếm chút danh hiệu, xuất hiện trên truyền thông... như một phương tiện để đổi đời. Rồi tới lúc “có đai có đẳng” và được thừa nhận rồi, họ mới chọn cho mình con đường bán thân- với giá trị tất nhiên là cao hơn gấp “n” lần. Nghĩa là, có thể cay nghiệt, nhưng phải thừa nhận, rõ ràng đẳng cấp của một phần lớn giới showbiz Việt vẫn tệ hơn khá nhiều so với thiên hạ.

Hoặc ngay cả chuyện “cung – cầu” cũng vậy. Có những nước phương Tây chấp nhận mại dâm như một nghề, nhưng họ cũng phân biệt rõ ràng. Thích giữ hình ảnh, thích có vị trí trong xã hội thì tốt nhất đừng để ai biết mình vào đó. Còn thực tế, tận mắt tôi chứng kiến nhiều đại gia hào hứng coi việc từng dùng tiền “bắn rụng” người đẹp X, Y, Z nào đó là thành tích để nâng tầm mình lên. Nghĩa là, họ không phân biệt được sự khác nhau giữa chuyện sinh hoạt đời thường với những chuyện bị coi là thấp hèn nhơ bẩn.

Rõ ràng, điều xảy ra ở đây là sự lộn xộn trong quan niệm về các chuẩn giá trị của mỗi nhóm cá nhân. Nhóm “người đẹp bán dâm” coi việc gặt hái về kinh tế là giá trị cao nhất. Một bộ phận giới showbiz sẵn sàng làm mọi thứ để ai cũng nhận ra mình giữa đám đông là giá trị cao nhất – chứ không cần biết dư luận nhận ra theo cách nào.


Mỹ Xuân lúc đăng quang Người đẹp Sóc Trăng 2009.

Tôi tự hỏi, nếu sắp tới, báo chí lại phát hiện ra một số “người đẹp bán dâm” từng làm từ thiện thì dư luận sẽ phản ứng thế nào? Rồi tiếp đó là câu hỏi: Người đi “hái hoa” và những số tiền khổng lồ ấy có phải là người lao động lương thiện và chính đáng không? Đáng buồn, có những kẻ không xa lạ và tiếp thu rất nhanh những cái bị coi là xấu của thiên hạ, thậm chí lại thực hành nó một cách kệch cỡm và quê mùa hơn. Còn những cách bảo vệ, hạn chế, giữ gìn khuôn khổ của họ thì lại không học được.

2. Tôi cũng có nghe một số ý kiến quá khích đề nghị sổ toẹt luôn chuyện thi người đẹp. Làm vậy càng cho thấy chúng ta bất lực với vấn đề này. Chúng ta cũng đã đề ra khá nhiều quy chế quản lý về vấn đề này, nhưng đáng buồn là hình như những cuộc thi như vậy mang lại khá nhiều mối lợi cho người tổ chức nên vẫn diễn ra khá đều đặn.

Câu chuyện vừa xảy ra giống như một đòn đau với một số người, mà trên lý thuyết thì phải được coi là tinh hoa của nghệ thuật và cái đẹp. Bởi thế, tôi tin rằng giới chức năng sẽ rất chú ý và quan tâm tới câu chuyện này. Chúng ta hãy cùng chờ xem những cách ứng xử, răn đe nào được đưa ra?

Chỉ có một hy vọng, nếu chúng ta định xử lý mạnh tay với câu chuyện này, thì hãy làm cho công bằng và triệt để. Đơn cử như vấn đề báo chí từng nêu ra về việc công khai danh tính những khách mua dâm. Có thể đó là một biện pháp mạnh, nhưng chúng ta cứ làm nếu cần, và coi đó là một giải pháp tình thế trong lúc này. Nhưng, nếu làm vậy, hãy để xã hội tin rằng biện pháp đó sẽ áp dụng với toàn bộ những khách mua dâm bị phát hiện chứ không có ngoại lệ nào…

Sơn Tùng (lược ghi)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link