Cuộc chiến tình báo khốc liệt liên Triều

03/10/2013 07:13 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 24/10/ 1995, một người đàn ông tên Kim Dong Sik đã lên một con đường nằm trên núi ở Buyeo, cách phía Nam Seoul khoảng hơn 100km. Ông là một điệp viên, đã cùng một người nữa lẻn vào Hàn Quốc bằng thuyền trước đó 52 ngày để thực hiện nhiệm vụ.

Công việc của Kim là đưa về nhà một điệp viên đã làm việc tại Hàn Quốc suốt 15 năm qua. Tin nhắn cuối cùng Kim nhận được từ các lãnh đạo cấp cao là điệp viên này đã đợi ông tại một ngôi chùa ở Buyeo và đã giả dạng làm một nhà sư tên Jawoon.

Màn giăng bẫy kịch tính

Nhưng trên chùa chẳng có nhà sư nào cả. “Thay vì thế, có một người đàn ông cao tuổi mặc quần jean bạc màu, cho biết ông đang dưỡng bệnh" - Kim, giờ 51 tuổi, nói trong một cuộc phỏng vấn với tờ New York Times  - “Tôi không hề biết ông ấy là một trong các quan chức phản gián Hàn Quốc đang chờ để giăng bẫy mình. Khi tôi hỏi ông ấy về Jawoon, ông cho biết nhà sư đang chăm nom khu vườn ở dưới chân núi. Tôi biết rằng có gì đó không đúng".

Cựu điệp viên Kim Dong Sik trong cuộc tiếp xúc với New York Times

Kim vội chạy về phía cộng sự và nói rằng họ phải tẩu thoát thật nhanh. Một chiếc xe liền xuất hiện ngay sau họ. Tài xế mặc áo tu hành giảm tốc và hỏi họ có cần đi nhờ không. Khi họ từ chối, tài xế tiến lên phía trước vài mét và đi ra, vờ kiểm tra lốp xe. Nhưng rồi ông ta quay lại, tay lăm lăm súng ngắn và hét to: "Giơ tay lên".

Thời khắc ấy, Kim đã cân nhắc các lựa chọn mình có: nuốt thuốc độc tự sát hoặc chống cự. Ông đã rút súng ngắn và chỉ sau những phát đạn đầu tiên, con đường phía sau đã đầy đặc vụ Hàn Quốc. Hai điệp viên Triều Tiên nổ súng tìm đường thoát và đã lẩn trốn vào ngọn núi nằm phía sau ngôi chùa.

Cuộc săn lùng sau đó đã thay đổi cuộc đời Kim vĩnh viễn.  Ông bị bắt trong chiều hôm đó với một viên đạn vào chân trái. Cộng sự của ông kém may mắn hơn, bị bắn chết 2 ngày sau. Hai cảnh sát Hàn Quốc cũng thiệt mạng trong vụ đọ súng.  “Tôi không vui vì bị bắt, bởi tôi biết gia đình mình sẽ phải chịu khổ đau từ quyết định chọn việc giữ lấy mạng sống" - Kim nói.

Đối đầu như trong phim

Câu chuyện của Kim giờ được kể lại chi tiết trong một cuốn hồi ký mới ra mắt mang tên No One Reported Me (Không ai báo về tôi), giúp cung cấp một cái nhìn hiếm hoi vào cuộc chiến tình báo chết chóc giữa hai miền Triều Tiên đã kéo dài trong nhiều thập kỷ và có thể vẫn tồn tại tới nay.

Kim là con trai của một quan chức cấp tỉnh trong đảng cầm quyền ở Triều Tiên. Ông đã được tuyển mộ vào một trường huấn luyện tình báo Triều Tiên trong năm 1981. Vào cuối những năm 1980, ông được huấn luyện xâm nhập Hàn Quốc tại một cơ sở ngầm đặt ngoài thủ đô Bình Nhưỡng. Ở đó, người ta xây dựng 1 bản sao giống hệt một con phố bình thường của Hàn Quốc. Kim phải học các kỹ năng như mua vé xe buýt và nói chuyện với giọng Hàn Quốc.

Người phụ nữ mà Kim đưa về Triều Tiên tên Lee Sun Sil, không phải điệp viên thông thường. Bà là thành viên Bộ Chính trị trong đảng cầm quyền Triều Tiên, đã tới Hàn Quốc vào năm 1980 và hoạt động suốt 10 năm ở đây. Việc bà trở lại quê hương để về hưu, được tiết lộ về sau này, đã khiến cộng đồng tình báo Hàn Quốc chấn động.

Nhiệm vụ đầu tiên của ông đã thành công. Tháng 5/1990, ông cùng một cộng sự rời cảng Nampo xâm nhập vào đảo Jeju của Hàn Quốc bằng tàu ngầm. Hai điệp viên đã hoạt động ở Hàn Quốc trong 5 tháng tiếp theo. Họ gửi nhiều báo cáo mật về Triều Tiên, sử dụng các máy vô tuyến giấu trên một ngọn núi, do những điệp viên đi trước để lại.

Vào nửa đêm, một phát thanh viên trên Đài phát thanh Bình Nhưỡng thường đọc các hướng dẫn nhiệm vụ cho họ, thông qua các đoạn mã gồm 5 con số. Kim và các sếp của mình sử dụng những đoạn văn bản trong một tiểu thuyết Hàn Quốc nổi tiếng để giải mã.

Tới tháng 10, hai điệp viên trở lại Bình Nhưỡng, mang theo họ một trong hai người chống đối Hàn Quốc mà họ tuyển mộ được làm điệp viên, rượu Whisky, đồng hồ đeo tay và một "kiện hàng" quan trọng: một nữ điệp viên đã hoạt động ở Hàn Quốc suốt 10 năm.

Lần đó, Kim và cộng sự được trao tặng danh hiệu anh hùng. Nhưng 5 năm sau khi Kim trở lại Hàn Quốc, chuyện đã không đi theo kế hoạch.

Lo ngại cho an toàn của gia đình

Năm 1995, Liên Xô sụp đổ và Triều Tiên gặp khó khăn kinh tế lớn, khiến nhiều người chống đối Hàn Quốc từ chối hợp tác với Bình Nhưỡng. Vấn đề lớn nhất là Triều Tiên không biết điệp viên đóng giả nhà sư đã bị bắt không lâu sau khi ông này tới Hàn Quốc vào năm 1980. Trong 15 năm tiếp theo, tình báo Hàn Quốc đóng giả điệp viên này đã liên tục báo tin giả về Triều Tiên, vờ thực hiện mệnh lệnh.

Sau khi Kim sa lưới, ông bị thẩm vấn 4 năm trước khi tham gia lực lượng phản gián Hàn Quốc. Ông giờ là một nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu chiến lược an ninh quốc gia, một tổ chức nghiên cứu thuộc NIS.

Mạng sống của Kim giờ có thể bị đe dọa. Năm 1997, ông đã giúp xác định kẻ giết Lee Han Young, một cộng sự cũ đào tẩu sang Hàn Quốc. Nhưng trong cuộc trò chuyện với New York Times, Kim cho biết ông  tin vào số phận và sống không có vệ sĩ. Mối lo ngại lớn nhất của ông là nếu danh tính thực bị lộ, hai con trai hiện nay của ông có thể bị đe dọa tính mạng, điều ông không bao giờ mong muốn.

Tường Linh (Theo New York Times)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link