Xăng – dầu đã tăng giá, than – điện sẽ tăng

15/01/2010 10:48 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Từ 18h ngày 14/1, giá xăng đã được điều chỉnh tăng thêm 450 đồng/ lít, các mặt hàng dầu cũng tăng thêm 300 đồng/ lít. Đây là đợt tăng giá xăng dầu đầu tiên của năm 2010, trong khi đó phương án tăng giá than và điện cũng đã được chuẩn bị trình Chính phủ.

Xăng tăng thêm 450 đồng/lít

Theo Tổng công ty xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), với phương án điều chỉnh lần này giá các mặt hàng xăng, dầu trong nước sẽ có mức giá mới: xăng A92 tăng lên 16.400 đồng/lít thay cho mức giá cũ là 15.950 đồng/lít; dầu diesel 0,05S từ 14.600 đồng/lít lên 14.900 đồng/lít; dầu hỏa từ 15.200 đồng/lít lến 15.500 đồng/lít; dầu mazut 3S 13.200 đồng/kg lên mức 13.500 đồng/kg.

Với mức điều chỉnh lần này thì mặt hàng dầu mazut đã có 2 lần điều chỉnh tăng giá chỉ trong vòng 10 ngày, lần thứ nhất là ngày 4/1 với mức điều chỉnh tăng thêm 400 đồng/kg và lần này tăng thêm 300 đồng/kg. Còn mặt hàng xăng là đợt tăng đầu tiên trong năm 2010.

Lý giải cho việc tăng giá, ông Vương Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc Petrolimex cho biết, việc tăng giá là thực hiện theo Nghị định 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và cũng là bám sát diễn biến giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới.

Trong suốt 30 ngày qua, giá xăng dầu thành phẩm nhập khẩu luôn đứng ở ngưỡng rất cao, trung bình 85 USD/thùng xăng, dầu hỏa là 86,7 USD/thùng và dầu mazut là 489,3 USD/tấn.

Với giá này, ông Dũng khẳng định, mỗi lít xăng doanh nghiệp lỗ trên 1.000 đồng, sau khi trừ đi các khoản phí, thuế... Còn mỗi lít dầu, nhà nhập khẩu lỗ khoảng 800 đồng. Nếu tính trung bình trong vòng 30 ngày, cả mặt hàng xăng và dầu, doanh nghiệp hầu như không còn lãi.

Hồi đầu tuần, các doanh nghiệp đã đồng loạt trình Liên bộ Tài chính - Công Thương phương án điều chỉnh. Tuy nhiên, cơ quan quản lý chưa chấp nhận với lý do không đảm bảo điều kiện 30 ngày lưu thông, kể từ ngày Nghị định 84 về quản lý kinh doanh xăng dầu có hiệu lực (15/12). Theo nghị định số 84, các doanh nghiệp được quyền điều chỉnh giá xăng căn cứ vào biến động của thế giới. Nghĩa là trong vòng một tháng, nếu giá nhập khẩu biến động mạnh, doanh nghiệp có thể điều chỉnh giá bán tăng tới 3 lần. Trong đó, đối với trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trong mức 7% so với giá bán lẻ hiện hành thì doanh nghiệp được quyền tăng giá bán lẻ tương ứng.

Trong quý I/2010 sẽ trình phương án tăng giá than, điện

Cũng trong ngày 14/1, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, hiện Bộ Công Thương đang hoàn tất các phương án điều chỉnh giá nhiên liệu, trong đó có giá than và giá điện để trình Thủ tướng Chính phủ. Bởi vì than và điện đều là 2 mặt hàng chiến lược có liên quan đến không chỉ quyền lợi của tất cả người dân mà còn ảnh hưởng lớn đến sản xuất của hầu hết các doanh nghiệp, nên việc điều chỉnh giá nhất thiết phải tuân thủ theo 3 nguyên tắc: Theo chỉ đạo của Chính phủ về việc từng bước đưa giá than, điện theo thị trường; điều chỉnh nhưng không được gây xáo trộn và ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của nhân nhân; việc điều chỉnh giá bán than và điện phải dựa trên những tính toán hết sức cụ thể về chi phí giá thành, chi phí sản xuất và lợi nhuận hợp lý.

Theo Quyết định 21 của Thủ tướng Chính phủ, giá điện sẽ dần dần được chuyển sang cơ chế thị trường. Còn việc thực hiện cụ thể phải tính toán hết sức thận trọng bởi bản thân giá điện không chỉ liên quan đến chi phí của ngành điện mà còn liên quan rất nhiều đến giá của các nguyên liệu đầu vào như than, khí, chi phí xây dựng, vận hành. Chính vì vậy, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tính toán các phương án điều chỉnh cụ thể, thận trọng và cụ thể để đảm bảo hạn chế thấp nhất những tác động bất lợi.

Về đề xuất tăng giá bán than lên 40% đối với sản xuất điện, Bộ trưởng Hoàng cho rằng: Việc thực hiện giá than theo cơ chế thị trường cho các hộ tiêu thụ lớn như phân bón, xi măng, giấy, vật liệu xây dựng trong thời gian qua đã từng bước linh hoạt, dần dần, vì vậy không gây xáo trộn lớn. Riêng với ngành điện, việc duy trì giá than bán cho điện tương đối thấp trong một thời gian dài nên nếu điều chỉnh ngay việc tăng giá than với mức tương đối lớn như đề xuất sẽ gây sự xáo trộn lớn, làm ảnh hưởng đến chi phí sản xuất của ngành điện (theo tính toán của Cục Điều tiết Điện lực là 17%), các ngành sản xuất khác và toàn bộ đời sống kinh tế quốc dân. Vì vậy, theo Bộ trưởng, việc điều chỉnh giá than cho ngành điện cần phải tính toán hết sức cẩn trọng theo 3 nguyên tắc nêu trên.

Theo Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Phạm Lê Thanh, hiện hệ số đàn hồi năng lượng của Việt Nam là 2,42 lần, cao hơn rất nhiều các nước trong khu vực cho thấy việc sử dụng điện chưa tiết kiệm và hiệu quả.

Còn Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) Trần Xuân Hoà cho biết: Nếu giá than bán cho ngành điện tiếp tục dưới giá thành như hiện nay, trong khi giá than thế giới tiếp tục tăng lên 30% thì ngành than khó lòng có đủ năng lực để đầu tư tăng sản lượng, đáp ứng nhu cầu 80-100 triệu tấn than sau năm 2025 cho nền kinh tế như chỉ đạo của Chính phủ. Ông Hoà cũng cho rằng: Cũng bởi giá than quá rẻ nên các doanh nghiệp hiện vẫn sử dụng các công nghệ lạc hậu nên định mức tiêu hao than cho ngành xi măng, ngành điện và nhiều ngành sản xuất khác vẫn ở mức cao so với thế giới.

H. Thu

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link