Trò Xuân Phả (Bài 2): Muốn thiêng phải trả về nghè

21/09/2009 20:56 GMT+7 | Phóng sự

(TT&VH Cuối tuần) - Năm điệu múa trong trò Xuân Phả - một đỉnh cao của nghệ thuật múa cung đình và dân gian Việt - gợi liên tưởng tới điệu Cheoyongmu (Múa mặt nạ) của người Hàn Quốc hay một “lễ hội hóa trang” của người phương Tây. Thế nhưng do thiếu “không gian thiêng” để trình diễn, nên trò Xuân Phả vẫn chưa thể hiện đầy đủ được sức cuốn hút của nó. Đây là một minh chứng cho việc cần phải bảo tồn “không gian sống” của các giá trị văn hóa phi vật thể.

Muốn thiêng phải “trả lại nghè”

Trò múa Xuân Phả (tổ chức vào các ngày 10 và 11/2 âm lịch hàng năm), trước đây, theo như nghệ nhân Bùi Văn Hùng cho biết, hội trò thường diễn ra tại nghè (thực ra là đình thờ thành hoàng làng - PV) Xuân Phả, Thọ Xuân, Thanh Hóa.

Các bô lão từng được chứng kiến rất nhiều hội Xuân Phả xưa kia cũng kể rằng: “điệu múa tên làng Xuân Phả” được nhà vua và toàn thể dân làng dâng lên báo ơn vị thành hoàng làng Đại Hải Long Vương. Chính hội Xuân Phả tổ chức là ngày 10/2 Âm lịch. Trước đó vào chiều mùng chín, phần tế lễ đã được tiến hành. Phần hội bắt đầu vào sáng mùng mười với năm trò diễn là Hoa Lan, Chiêm Thành, Lục Hồn Nhung, Ai Lao và Ngô Quốc.



Xưa kia, lễ hội Xuân Phả huy động sự tham gia của dân chúng trong năm thôn, mỗi thôn đảm trách một trò. Dân mỗi thôn tự chuẩn bị cờ hiệu, cờ lệnh, trống chiêng, kiệu rước, lễ vật,... và tập luyện vũ điệu riêng của mình. Đến ngày tổ chức lễ hội, các thôn rước lễ vật ra nghè. Đoàn rước có các vũ công trong trang phục “ngoại quốc”, cờ, kiệu, người hộ giá, trống chiêng vang động khắp làng. Vào sân nghè, các đoàn dâng lễ lên bàn thờ thành hoàng và trình diễn “hầu thánh” vũ điệu của thôn mình. Qua đó tỏ lòng tạ ơn vị thần bảo mệnh (Đại Hải Long Vương) vì đã có công phù trợ cho dân an, vật thịnh, mùa màng tươi tốt.

Hơn nửa thế kỷ trước, nghè đã không còn nữa. Vì không có không gian thiêng nên từ khi được nhen nhóm trở lại (1990), hội Xuân Phả chỉ còn lưu truyền được những ca khúc trong số các khúc đoạn của diễn xướng. Thậm chí, phải lấy một số ca khúc của hội làng làm chính, và chỉ có thể biểu diễn trên sân khấu của nhà văn hóa xã hoặc tại sân chùa Tạu (Hội Long tự) nằm cách nghè cũ về phía Bắc khoảng 150m.

      Nghệ nhân còn thì trò quý còn. Nhưng muốn thiêng thì nhất định phải trả trò Xuân Phả về nghè. Tất nhiên rồi, nhưng nghè thiêng là nghè như thế nào? Nghè bằng bê tông, cốt thép, sơn xanh, bôi đỏ... như những ngôi đình, chùa gần đây báo chí đã kịch liệt phản đối? Không! Làm như thế là phá thiêng, thể hiện sự bất cập trong nhận thức, đối xử một cách “nhố nhăng nhất” đối với trầm tích văn hóa lịch sử. Làm như vậy, thà đừng làm còn hơn...

Nghệ nhân Bùi Văn Hùng

Nhiều nhà chuyên môn khi nhìn vào thực trạng trên đã tỏ ra lo ngại, rằng rồi đây trò Xuân Phả sẽ lại tàn do không gian diễn xướng cũng như trang phục, đạo cụ không đủ, không đúng với nguyên cổ, mỗi lần tổ chức hội tiêu tốn hàng vài chục triệu đồng mà vẫn không thể hiện được thần khí, hội Xuân Phả đang có dấu hiệu lụi dần. Tất cả sự cố gắng của các nghệ nhân làng Xuân Phả sẽ không bao giờ tạo ra được không khí đặc trưng của lễ hội làng vì không được đối diện, “phụng sự” cũng như không tin là có linh vị thần chủ của làng ngự trên ban thờ, cần phải trả trò Xuân Phả về “đúng chỗ của nó” (nghè làng) thì mới có tính thiêng được.


Hôm chúng tôi về làng Xuân Phả, ông Hùng có dẫn chúng tôi ra khu đất nghè cũ. Khu đất này hiện có hơn 20 hộ xây nhà ở nhưng tất cả cũng đã ký cam kết với UBND xã để di dời đến nơi ở mới, trả lại hơn 1.000m2 đất cho công trình nghè làng Xuân Phả mà UBND xã Xuân Trường đã thông qua trong buổi họp HĐND cuối tháng 11/2008 (Đề án xây dựng nghè làng Xuân Phả cũng đã được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt).

Thế nhưng, cho đến nay, chính quyền địa phương xã Xuân Trường vẫn chưa tìm đâu ra kinh phí đền bù cho dân để họ di dời chỗ ở, nhường lại đất xưa cho việc xây dựng nghè làng. Chủ tịch xã Xuân Trường cho biết: “Công trình nghè Xuân Phả dự kiến ngốn khoảng 500 triệu đồng hoặc hơn, đó là chưa kể tiền đền bù cho các hộ dân. Hiện chúng tôi vẫn chưa nhận được bất cứ sự hỗ trợ nào về tài chính từ bất kỳ cơ quan nào!”.

      Một dân tộc có hàng ngàn năm lịch sử thì quá khứ không bao giờ mất đi, mà ẩn hiện dưới rất nhiều hình thức văn hóa. Một ngôi chùa, ngôi đình, một điệu dân ca, hay một điệu múa... nếu chỉ nhìn thoáng qua thì bất quá chúng ta chỉ cảm nhận chúng như một thắng cảnh, một trò chơi thưởng ngoạn, nhưng nếu xem xét kỹ, chúng chứa đựng nhiều ký ức cổ xưa, nhiều ký hiệu mà ngay cả những người trình diễn nó cũng không biết rõ hết ý nghĩa. Có lẽ sự tích và nội dung của năm điệu múa Xuân Phả đó lại không quan trọng bằng hồn cốt của dân tộc và của một thời lắng đọng qua những hành vi tối cổ, tới mức người ta có cảm giác, người Xuân Phả và những điệu múa của họ chứa đựng những thông tin quá khứ bí ẩn nhất của người Việt. 

Nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng
Thừa nghệ nhân, thiếu kinh phí


Do không có thực địa là nghè, nên muốn duy trì lễ hội hàng năm, múa Xuân Phả phụ thuộc rất nhiều vào những người tổ chức và về kinh phí chứ không phải thiếu nghệ nhân.

Nghệ nhân Bùi Văn Hùng cho biết: “Kinh phí cho mỗi lần tổ chức hội Xuân Phả khoảng trên dưới 50 triệu. Trò Xuân Phả chỉ có thể đạt chuẩn và hoành tráng khi đội múa phải đủ 80 người (chưa kể dự bị). Vì ngân sách xã có hạn và chỉ chi cho trò Xuân Phả khi tham gia những sự kiện lớn của đất nước như Chào Thiên niên kỷ mới (năm 2000), Festival Huế 2004, 100 năm Sầm Sơn huyền thoại, Lễ hội Lam Kinh... Phần kinh phí để tổ chức hội hàng năm vào 10/2 (Âm lịch) chúng tôi vẫn phải “xã hội hóa” - kêu gọi nhân dân đóng góp.

HỘI THẢO

ĐỂ DI SẢN SỐNG TRONG ĐỜI SỐNG ĐƯƠNG ĐẠI

Sau một năm thực hiện loạt bài viết đi tìm lại các vốn quý trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể, đăng tải trên báo TT&VH Cuối tuần và Vietnam News Sunday, ngày 22/9 tới đây, một Hội thảo sẽ được tổ chức, khép lại một năm dự án truyền thông Báo động từ vốn di sản của báo TT&VH với sự hỗ trợ của công ty Ford Việt Nam.

Bên cạnh việc báo cáo kết quả thu được, một vấn đề lớn nảy sinh từ thực tế các di sản trong quá trình thực hiện bài viết sẽ được đưa ra bàn luận tại hội thảo: Di sản chỉ có thể “bảo tàng” trong đời sống đương đại hay có thể “sống”, có thể “phát triển”? Nếu có thể “sống” nó sẽ “sống” bằng cách nào? Việc đưa các yếu tố đương đại vào các di sản phi vật thể (như lễ hội Lảnh Giang đã làm) nên được nhìn nhận như thế nào? v.v...

Hội thảo có sự tham gia của các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, các nhà văn hóa, nhà báo và những người quan tâm tới các di sản văn hóa truyền thống Việt Nam. Trong chương trình có kết hợp trình diễn một trong những di sản văn hóa độc đáo: rối Đầu gỗ (Nam Định).

Hội thảo ĐỂ DI SẢN SỐNG TRONG ĐỜI SỐNG ĐƯƠNG ĐẠI được tổ chức vào sáng ngày 22/9/2009 tại Hội quán Tri thức, 52 Hai Bà Trưng Hà Nội.

TT&VH

Huy Thông

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link