Một ngày sau chuỗi sự kiện tại Lào, giải trình với Học viện Âm nhạc quốc gia VN, Cục Nghệ thuật biểu diễn về việc bỏ về nước trong chương trình giao lưu Việt - Lào, ca sĩ Trọng Tấn dành cho Tuổi Trẻ một cuộc nói chuyện.
Ca sĩ Trọng Tấn - Ảnh: T.T.D.
Giọng ca nhạc đỏ hàng đầu chia sẻ:
- Tôi chỉ mong công chúng hiểu, thông cảm và tha thứ. Hành động của tôi dù có lý do gì thì hoàn toàn không phải là quay lưng với lợi ích đất nước.
Ngay từ đầu tôi cũng xác định đó là nhiệm vụ chính trị của bộ, nghĩa là tôi ý thức rất cao việc đó dù rằng mình không phải là người nằm trong danh sách chính thức ngay từ đầu. Việc này tôi đi thay thầy Quang Thọ vì thầy bị tai nạn gãy tay. Nếu bình thường tôi có thể từ chối để nhà trường thu xếp người khác, nhưng với trách nhiệm và bằng cả sự trân trọng đối với thầy thì tôi quyết định đi thay.
Giám đốc và phó giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia cũng gọi điện nói: Em cố gắng giúp trường cũng như thầy Thọ biểu diễn tối 17-7 thôi. Đó là lời đề nghị chính thức của lãnh đạo học viện. Sau đó học viện gửi công văn lên bộ, hai bên hiểu công văn đến đâu thì tôi không biết nhưng tôi biết quyết định cử đi ngày 16 đến ngày 18-7 thì về. Tôi cũng phải chủ động đổi vé để về ngày 18-7.
Tôi có khó khăn riêng là đã nhận lo toàn bộ chương trình ngày 19-7 của Công an tỉnh Ninh Bình kỷ niệm ngành công an nhân dân. Mà làm việc với Công an Ninh Bình thì đã từ trước đó hàng tháng rồi. Dĩ nhiên đó là việc của cá nhân thôi, nghệ sĩ ngoài việc nhà nước thì cũng có những công việc bên ngoài mới có thể sống được bằng nghề. Để tham gia chuyến lưu diễn ở Lào, tôi cũng đã phải xin hủy show của nhạc sĩ Phú Quang tối 16-7. Tối 17-7, tôi có lịch biểu diễn tại Vĩnh Phúc và cũng phải thu xếp nhờ ca sĩ Việt Hoàn đi thay.
Hôm diễn chính thức tối 17-7 diễn ra rất thành công và tôi nghĩ mình đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Lúc đó tôi cũng chuẩn bị tinh thần để về Việt Nam thì sáng 18-7, bộ có cử một số người trong đoàn công tác làm việc. Thư ký bộ trưởng chuyển lời bộ trưởng đề nghị hai ca sĩ Trọng Tấn và Anh Thơ ở lại vào tối 18-7 biểu diễn trong tiệc chiêu đãi của Đại sứ quán Việt Nam tại Lào. Việc này quá gấp gáp. Sự việc phát sinh thêm khiến tôi rất khó xử. Nếu như trong nước thì rất dễ sắp xếp vì có nhiều chuyến bay. Đầu tiên tôi đưa ra phương án hay là tôi với Anh Thơ diễn từ 18g đến 19g30 rồi sẽ bay về Việt Nam trong chuyến bay cuối lúc 20g05. Tuy nhiên, những người gặp tôi cũng không dám quyết vì sợ nhỡ bộ trưởng đề nghị biểu diễn vào lúc ăn tiệc thì không kịp ra máy bay.
Tôi nghĩ đã hoàn thành nhiệm vụ chính rồi, và cũng nói với họ là: Thôi thông cảm cho bọn em, việc ở Ninh Bình cũng rất quan trọng. Tôi gọi về cho Công an tỉnh Ninh Bình thương lượng và họ cũng rất gay gắt, khó khăn. Tuy nhiên, tôi cũng không có một bằng chứng nào để chứng minh những đối thoại trao đổi đó. Trong hợp đồng ghi rõ nếu có khó khăn gì thì hai bên sẽ gặp nhau thương lượng trước một tuần. Lúc đó tôi lại chỉ có thời gian từ 9g sáng đến 13g chiều, thời gian quá gấp gáp. Anh Tân - thư ký của bộ trưởng - cũng đã nói chuyện với Công an Ninh Bình và họ cũng chưa thông cảm. Bộ cũng đã nhờ bí thư tỉnh Ninh Bình tác động vào. Sau đó, tôi có gọi lại cho Công an Ninh Bình thì họ nói là bí thư không can thiệp việc này. Cuối cùng thời gian quá ngắn và tôi đã quyết định về.
Thật sự về mặt chính trị lúc đó tôi cũng chưa ý thức được hết. Tôi đã đưa ra một quyết định vội vã. Công điện đã nâng tầm việc này lên thành tôi đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích quốc gia. Mình phải gánh lợi ích quốc gia cho toàn bộ chuyện đó thì quá lớn. Trong giải trình, tôi cũng mong bộ xem xét công và tội để giảm nhẹ kỷ luật. Đây cũng là kinh nghiệm xương máu trong nghề diễn của tôi.
Ninh Bình không thúc giục hai nghệ sĩ về hát
Trao đổi với Tuổi Trẻ sáng qua 21-7, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Trần Hữu Bình cho biết: “Tôi theo dõi vụ việc qua báo chí và thật lòng rất buồn cho cả hai nghệ sĩ và cả tên tuổi của Ninh Bình - vô tình bị làm bên thứ ba cho một câu chuyện không hay.
Tôi cũng biết là do có thêm một đêm diễn ở Vientiane, Bộ VH-TT&DL đã chuyển lời nhờ Tỉnh ủy can thiệp với Công an tỉnh, không buộc hai nghệ sĩ phải về hát ngày 19-7 theo hợp đồng đã ký. Giám đốc Công an tỉnh cũng đã vui vẻ chấp nhận thay đổi ca sĩ theo bố trí của Học viện Âm nhạc quốc gia VN, dù không kịp thay đổi tên trên giấy mời vì quá gấp. Chính vì thế, sự việc như báo chí đã nêu khiến tôi rất ngạc nhiên. Ninh Bình không hề thúc ép nghệ sĩ phải về hát, và không ai có thể trách các nghệ sĩ nếu họ ở lại. Rõ ràng, dù là biểu diễn ngoài chương trình chính thức nhưng “phương diện quốc gia” phải được đặt cao hơn tất cả.
Theo tôi, một nghệ sĩ được đánh giá rất cao cả về tài năng và đạo đức như Trọng Tấn chắc đã có một yếu tố tâm lý bất ngờ hay một hiểu lầm nào đó mới hành xử như vậy, chứ bình thường trong tất cả những sự kiện khác mà tôi từng tổ chức và chứng kiến (trước khi về Ninh Bình, ông Bình là giám đốc Sở Du lịch Hà Nội), anh ấy rất chừng mực và điềm đạm, ý thức rất rõ vai trò và danh dự của mình. Thậm chí, nhiều lần xong sự kiện chính (với thù lao không hề cao), đến khi vào tiệc, được gợi ý hát dù với thù lao rất cao, Trọng Tấn cũng không bao giờ hát.
Vì thế, tôi mong sự việc vừa rồi chỉ dừng ở mức độ sự cố, hai nghệ sĩ đã nhận ra sai lầm của mình và đã phải trả giá bằng sự thất vọng của người hâm mộ, thế là quá đủ. Có lẽ không nên dùng đến biện pháp hành chính làm gì”. |
Theo Tuổi trẻ