Trụ sở TAND tối cao được công nhận di tích: Di sản pháp đình!

19/12/2019 07:36 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Vài ngày trước, tại Hà Nội, trụ sở Tòa án Nhân dân Tối cao vừa chính thức được Bộ VH,TT&DL trao bằng công nhận là Di tích Kiến trúc – nghệ thuật cấp Quốc gia.

Trao Bằng xếp hạng di tích Kiến trúc - Nghệ thuật cấp Quốc gia cho Trụ sở Tòa án nhân dân tối cao

Trao Bằng xếp hạng di tích Kiến trúc - Nghệ thuật cấp Quốc gia cho Trụ sở Tòa án nhân dân tối cao

Lễ trao và đón nhận Bằng xếp hạng di tích Kiến trúc - Nghệ thuật cấp Quốc gia cho di tích trụ sở Tòa án nhân dân tối cao đã được trang trọng tổ chức vào sáng qua 17.12 tại Trụ sở Tòa án Nhân dân tối cao (48 Lý Thường Kiệt, Hà Nội).

Đây là trường hợp hiếm hoi, chúng ta trao danh hiệu Di tích cho một công trình kiến trúc vẫn còn đang hoạt động theo đúng công năng được thiết lập. Đặc biệt, công trình ấy lại là nơi làm việc của cơ quan xét xử cao nhất tại Việt Nam, đồng thời là nơi diễn ra các hoạt động chỉ đạo công tác trong toàn hệ thống tư pháp.

Nhưng, nếu nhìn vào lịch sử và phong cách kiến trúc của tòa nhà đã hơn 110 tuổi này, người ta sẽ hiểu vì sao nó được tôn vinh là di sản.

Các tư liệu để lại cho thấy, công trình được kiến trúc sư Pháp Auguste Henri Vildieu thiết kế năm 1905. Đó là thời điểm 3 năm sau khi Hà Nội được chọn làm thủ phủ liên bang Đông Dương, và người Pháp đang xây dựng hàng loạt trụ sở cơ quan công quyền để vừa là nơi làm việc, vừa là biểu trưng cho quyền lực của nước Pháp tại đây.

Chú thích ảnh
Trụ sở Tòa án Nhân dân Tối cao. Ảnh: Internet

Hoàn thành năm 1911, công trình này (thường được gọi là Pháp đình Hà Nội) đặt tại khu đất vuông bao bởi các trục phố chính, trong đó có 2 đại lộ (nay là các phố Lý Thường Kiệt và Hai Bà Trưng). Cấu trúc của tòa nhà là kiểu đối xứng qua trục trung tâm với 5 tầng, trong đó tầng hầm chỉ đơn thuần mang chức năng cách ẩm, các tầng 1,2 gồm một hệ thống đầy đủ sảnh trung tâm, phòng xử án, phòng nghị án, phòng làm việc… trong khi 2 tầng trên cùng chủ yếu bố trí các kho lưu trữ và tạo không gian thông gió xuống dưới.

Đặc biệt, hình khối mang dáng dấp chữ H, hệ thống cầu thang ngoài, cầu thang trong, các hàng cột và bộ mái nhô cao đã khiến công trình mang đậm dấu ấn của phong cách Tân cổ điển: không rườm rà, tập trung và sự đơn giản, logic, nhưng vẫn rất hấp dẫn và tinh tế. Và, theo đánh giá của nhiều chuyên gia kiến trúc, Pháp đình Hà Nội cùng với dinh Toàn quyền và dinh Thống sứ (nay là Phủ Chủ tịch và Nhà khách Chính phủ) có thể coi là bộ ba công trình tiêu biểu nhất cho kiến trúc công sở Pháp tại Hà Nội trong giai đoạn này.

Thậm chí, vào năm 1997, trong một công trình khảo cứu về di sản kiến trúc Hà Nội, kiến trúc sư nổi tiếng Fujimori Terunobu (Nhật Bản) đã không tiếc lời khen ngợi và gọi đây là “tác phẩm đẹp nhất trong kiến trúc nhà công cộng thời kỳ đầu”.

***

Tuy nhiên, câu chuyện của Trụ sở Tòa án Nhân dân Tối cao không chỉ là tin vui về một di sản kiến trúc được công nhận. Xa hơn, đó còn là một hướng đi đang được mở ra đối với các di sản đô thị tại Hà Nội – khi mà thời gian tới, theo thông tin từ những người trong cuộc, một phần của tòa nhà này có thể được sử dụng để làm bảo tàng.

Như chia sẻ của PGS Nguyễn Văn Huy, một chuyên gia về bảo tàng, mô hình này rất phổ biến ở nhiều thành phố trên thế giới. Không cần quá lớn và cầu kỳ, “bảo tàng pháp đình” về bản chất có thể chỉ là một phòng trưng bày, để ngành tư pháp giới thiệu về kiến trúc, công năng tòa nhà – cũng như lịch sử và những câu chuyện của ngành kể từ khi hình thành. Và bên cạnh việc tôn vinh bộ mặt và truyền thống của ngành, những bảo tàng ấy hoàn toàn có thể “hướng ngoại”, để trở thành một điểm đến văn hóa – lịch sử thu hút người xem.

Thực tế, tại TP.HCM, Tòa án nhân dân thành phố (được công nhận là di tích Quốc gia năm 2012) cũng đang theo đuổi một kế hoạch tương tự, sau khi trùng tu xong cách đây vài tháng. Còn tại Hà Nội, sẽ là hoàn hảo, nếu trong tương lại, một “bảo tàng pháp đình” như vậy xuất hiện trên trục phố Lý Thường Kiệt – Hai Bà Trưng, nơi có thể gắn liền với phố sách 19-12 và di tích nhà tù Hỏa Lò để tạo nên một quần thể về văn hóa - lịch sử.

Anh Bảo

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link