12/10/2011 14:46 GMT+7 | Âm nhạc
(TT&VH) -Ôi một người con gái, album gồm những ca khúc phổ thơ “thi sĩ điên” Bùi Giáng của Quang Hào chính thức ra mắt khán giả yêu nhạc ngày 12/10 cùng một mini show tại Hà Nội. Đây là dự án âm nhạc mà Quang Hào rất kỳ vọng, một dự án mà anh đã chờ đợi, tìm kiếm từ rất nhiều năm nay, bây giờ mới thành hiện thực.
Để thực hiện dự án này, Quang Hào đã gác lại một dự án khá đặc biệt với nhạc sĩ Nguyễn Cường, album về Huế đậm chất trữ tình mà anh sắp hoàn thành...
Là chính mình, khi gặp ca khúc phổ thơ Bùi Giáng
* Quang Hào đã dồn rất nhiều tâm sức, trí lực của mình vào album Ôi một người con gái này và hy vọng nó sẽ trở thành một dấu ấn trong sự nghiệp âm nhạc, liệu những hy vọng ấy có bị “vượt tầm”?
- Có những thời điểm tôi bị bế tắc, ngỡ mình đi nhầm đường, lạc lối. Tôi bị rối, bị khó chịu trong sự luẩn quẩn của mình. Album về Huế của tôi cũng đã gần xong, chỉ còn một ít công đoạn nữa là phát hành. Nhưng, thời điểm đó tôi vẫn thấy rối chưa tìm được điều mình thực sự mong chờ.
Rồi bỗng dưng cơ duyên đến, tôi bất chợt nghe anh nhạc sĩ Trần Quế Sơn nghêu nghao hát những giai điệu phổ thơ Bùi Giáng “Mình ơi, tôi gọi là nhà. Nhà ơi tôi gọi mình là nhà tôi”, “Con kiến bé có bao giờ lận đận/Lúc đi về trong cổ lục chiêm bao”... Tôi bỗng thấy đó đúng là mình, thực sự là mình và tôi lập tức bàn với anh Trần Quế Sơn về dự án này, xác định đó là dự án lớn. Thế rồi tôi mê luôn thơ Bùi Giáng và bị ám ảnh từng vần thơ của ông.
Ca sĩ Quang Hào bên tượng Bùi Giáng
* Và như Quang Hào nói thì Hào đã dồn hết tất cả tài chính của mình vào album này?
- Tôi không gọi đây là album vì như thế thì... thường quá, mà đây là một dự án cuộc đời của Quang Hào cho nên dồn tiền là chuyện đã đành, tôi dồn hết tâm sức của mình vào đó. Đây cũng là lần đầu tiên tôi làm mini show ra mắt album. Trước đây, khi làm album nhạc Huế tôi cũng đã đầu tư khá nhiều tiền rồi, nhưng sẵn sàng gác lại để chuyển sang dự án này. Nhạc sĩ Nguyễn Cường cũng thông cảm để tôi dừng dự án lại. Có nhiều người nói rằng đây là dự án “khủng” của tôi, nhưng tôi nghĩ không phải khủng về tiền mà là khủng vì lần đầu tiên văn học xuất hiện đậm đặc như thế trong một album nhạc.
* Vẫn muốn hỏi lại Quang Hào một câu: hát ca khúc phổ thơ Bùi Giáng Hào có hiểu sâu sắc thơ của cụ không?
- Nói chung để cảm được thơ của cụ là cả một vấn đề. Nhưng tôi thấy giữa cụ Bùi Giáng, tôi và anh Trần Quế Sơn có một điểm chung như lương duyên là cùng người Quảng Nam, nên ca từ khi hát lên rất gần gũi, quá hợp với chất của tôi. Tôi và nhạc sĩ Trần Quế Sơn đã lang thang khắp nẻo đường Sài thành tìm những nơi bước chân “thi sĩ điên” Bùi Giáng từng đến. Gặp gỡ, trò chuyện với bạn của thi sĩ, hay những người yêu thơ Bùi Giáng ngây ngất đến mức tự đúc tượng đồng nhà thơ... Tất cả, để tôi cảm hơn những ý tứ sâu xa trong thơ ông. Thậm chí, tôi đã để tập thơ Mưa nguồn của ông làm thơ gối đầu giường. Lúc đầu, tôi cũng không cảm nhận được nhiều, nhưng càng tìm hiểu thì càng thấm, càng mở ra nhiều tầng ý nghĩa... Cũng may là trước đây chưa đọc thơ cụ nên gặp bài hát thì thích liền và tìm hiểu ngược trở lại, chứ đọc rồi thì chắc tôi không dám... liều để hát đâu. Trong quá trình làm album tôi thực sự mất ăn, mất ngủ vì vừa hát vừa đi tìm hiểu những từ ngữ, ý nghĩa những bài thơ của cụ để làm sao hát đúng được tinh thần.
Ê-kíp thực hiện là những người yêu Bùi Giáng
* Vậy theo Quang Hào, tinh thần thơ Bùi Giáng mà anh hiểu là gì?
- Đó là sự hồn nhiên và bao dung với cuộc đời. Chính vì vậy khi thu âm, tôi cũng phải giải tỏa hết mọi phiền muộn để hát. Có lẽ sự hồn nhiên, vui tươi của thơ cụ đã lây lan sang tôi, tôi giờ cũng thấy yêu đời, lạc quan lắm. Cũng chính vì vấn đề cần phải hiểu thơ thì mới làm nhạc được nên tôi cũng kỹ tính vô cùng trong việc chọn người phối khí. Nếu chọn người không biết Bùi Giáng thì chắc là sẽ không ra được cái tinh thần thơ cụ. Cuối cùng tôi chọn nhạc sĩ Nhật Trung, cãi vã nhau, bất đồng đủ thứ, cuối cùng mới ra được những điều mình mong muốn. Tôi cầu kỳ, thiết kế album cũng cần người hiểu thơ cụ, chọn mãi thế nào mà như cụ dẫn dắt, tôi tới gặp NTK Công Trí và nhiếp ảnh gia Tang Tang, hóa ra họ đều là người miền Trung và yêu thơ Bùi Giáng. Thật sự tôi quá bất ngờ và thấy mình có duyên để làm nên sản phẩm này.
* Bùi Giáng vẫn được gọi là “thi sĩ điên”, thơ của ông nhiều khi có những từ đặc biệt, những vần trúc trắc... không phải ai cũng hiểu, bản thân Quang Hào cũng nói ở trên là nhiều khi rất khó hiểu. Quang Hào không ngại hát những điều khó hiểu sẽ khó làm người nghe nhập tâm?
- Tôi tin là những bài hát trong album này rất đơn giản và dễ cảm thụ. Những ai thích bài hát ca từ đẹp, sâu sắc sẽ yêu thích các bài hát trong album. Ví như câu hát: “Xin chào nhau giữa con đường/Mùa Xuân phía trước miên trường phía sau” là câu thơ hay, dễ hiểu chỉ hơi khó ở từ miên trường, Hào cũng phải hỏi câu này. Khi được “dịch” ra là “giấc ngủ dài” thì lại càng thấy câu hát có ý nghĩa sâu sắc, hay quá. Có lẽ tôi bị nghiện thơ Bùi Giáng rồi, mỗi câu thơ đọc ra, hát lên đều thấy nó đẹp lắm, ý nghĩa lắm. Tôi chờ đợi từng giây phút về những phản hồi từ phía khán giả với dự án đặc biệt này của mình.
Kim Cang (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất