Bắt đầu cuộc chia chác "vàng đen" của Libya

02/09/2011 11:02 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Khi cuộc nội chiến ở Libya vừa có dấu hiệu lắng xuống thì một cuộc chiến khác lại manh nha xuất hiện, nhưng lần này trên một mặt trận khác và nhắm tới một đối tượng khác: các mỏ dầu trữ lượng lớn với chất lượng thuộc loại hàng đầu thế giới của quốc gia châu Phi này.

Trước khi hoạt động chống đối chính phủ nổ ra hồi tháng 2 năm nay, Libya đã xuất khẩu 1,3 triệu thùng dầu mỗi ngày. Dù chỉ chiếm 2% tổng lượng cung dầu của thế giới, chất lượng của dầu ngọt nhẹ Libya được đánh giá rất cao bởi nó chỉ cần xử lý rất ít là cho ra thành phẩm. Có thể nói không ngoa rằng dầu của Libya là thứ mà mọi nhà máy lọc dầu trên thế giới đều thèm khát.

Kẻ cười...

Chính vì thế các nước phương Tây, đặc biệt là những quốc gia thuộc Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã tham gia chiến dịch không kích nhằm vào Libya, đều tích cực vận động để các công ty của họ ở vị trí ưu tiên hàng đầu được quyền mua trở lại dầu của quốc gia châu Phi, khi chiến sự kết thúc.

Hồi cuối tháng 8 vừa qua, Ngoại trưởng Italia Franco Frattini tuyên bố trên kênh truyền hình quốc gia rằng công ty dầu khí ENI của nước này "sẽ có vị trí số 1 trong tương lai" ở Libya. Tới ngày 29/8, ENI tuyên bố họ đã ký hợp đồng riêng với Hội đồng Chuyển quyền Quốc gia (NTC), cơ quan lãnh đạo các lực lượng chống đối ở Libya, để tái khởi động việc sản xuất dầu và xây dựng một đường ống dẫn dầu chạy thẳng từ đây tới Italia.

Các tay súng chống đối canh gác bên ngoài một nhà máy lọc dầu ở Al Brega, Libya.

Trước chiến tranh, các nhà máy của ENI ở Libya cho ra đời 196.000 thùng dầu/ngày. Với việc ENI đã đưa các đội kỹ thuật viên trở lại Libya, có thể thấy họ sẽ là công ty đầu tiên khôi phục hoạt động sản xuất dầu.

Trong khi đó hôm 1/9, tờ Liberation của Pháp nói rằng nước này đã ký được hợp đồng dầu lửa rất lớn với chính quyền mới của Libya. Theo đó, hợp đồng cho phép Pháp được khai thác tới 1/3 trữ lượng dầu dự trữ của Libya, vốn đứng thứ 9 thế giới với 41,5 tỉ thùng. Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe sau đó có nói rằng ông không biết về một hợp đồng như vậy có tồn tại, nhưng khẳng định sẽ là điều "logic" khi một nước như Pháp vốn tích cực giúp đỡ NTC lên nắm quyền, giờ sẽ được tham gia vào quá trình tái thiết.

Không chịu là kẻ ngoài cuộc, Cơ quan Thương mại và Đầu tư của Anh cũng nói rằng họ sẽ cử một phái đoàn tới Libya để xúc tiến làm ăn trong thời gian sớm nhất. "Các công ty dầu của Anh là những người chơi lớn ở Libya và tôi tin họ sẽ nóng lòng mong được trở lại" - một quan chức giấu tên thuộc cơ quan này nói.

Các công ty Mỹ như Marathon, Hess và ConocoPhillips cũng rục rịch có những động thái thảo luận ban đầu với đại diện chính quyền mới ở Libya về điều kiện xây dựng cơ sở khai thác dầu tại những nơi họ quan tâm.

Người khóc

Trung Quốc, vốn đang tìm kiếm các hợp đồng dầu lửa mới ở khắp châu Phi và vùng Trung Đông, cũng được dự báo sẽ có thể là một người chơi tích cực trong vài tháng tới tại Libya. Trước chiến tranh, Trung Quốc có khoảng 75 công ty hoạt động ở Libya, với sự tham gia của 36.000 lao động tại 50 dự án khác nhau.

Bắc Kinh rõ ràng vẫn rất quan tâm tới các thùng dầu của Libya và đã tranh thủ thiết lập mối quan hệ mật thiết với ông Mustafa Abdel Jalil, chủ tịch NTC, để có thể được hưởng lợi khi quân chống đối chiến thắng. Đầu tuần này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Ma Zhaoxu cũng nói rằng Bắc Kinh "tôn trọng sự lựa chọn của nhân dân Libya" và sẵn sàng tham gia quá trình tái thiết ở đây.

Nhưng giới phân tích nói rằng những quan điểm chính trị trước chiến tranh của Trung Quốc và một số nước khác, sẽ khiến họ phải chịu thiệt trong cuộc chia phần dầu lửa ở Libya. “Chúng tôi không có vấn đề gì với các nước phương Tây như Anh, Pháp, Italia" - Abdeljalil Mayouf, phát ngôn viên của công ty dầu lửa AGOCO do quân chống đối kiểm soát nói với Reuters - “Nhưng chúng tôi có một số vấn đề về mặt chính trị với Nga, Trung Quốc và Brazil".

Nguyên nhân do Bắc Kinh và Moskva không ủng hộ sự can thiệp của NATO vào Libya và họ kêu gọi việc thương thuyết để giải tán lực lượng chống đối chính phủ trong hoà bình. Hậu quả của việc này là các công ty dầu lớn của Nga như Gazprom và Tatneft có nguy cơ bị mất các dự án trị giá hàng tỉ đô la.

“Chúng tôi đã mất Libya hoàn toàn rồi” - Aram Shegunts, tổng giám đốc Hội đồng Kinh doanh Nga - Libya thất vọng nói với Reuters - "Các công ty của chúng tôi sẽ mất mọi thứ ở đó vì NATO sẽ ngăn cản không cho họ làm ăn ở Libya".

Trong nỗ lực xoay chuyển tình hình, hôm 1/9 Nga đã công nhận NTC là chính phủ mới của Libya. Ông Mikhail Margelov, đặc sứ của Nga ở châu Phi cũng khẳng định rằng Nga không có ý định trở thành kẻ thua cuộc trong việc giành các hợp đồng kinh tế béo bở dưới thời kỳ mới. “Chúng tôi có ý định bảo vệ quyền lợi kinh tế và các lợi ích khác ở Libya" - ông tuyên bố.

Các công ty dầu lửa phương Tây sẽ là những người hưởng lợi lớn nhất
trong cuộc chia chiếc bánh dầu lửa của Libya

Cuộc cạnh tranh khốc liệt

Được biết khi còn nắm quyền, ông Muammar Gaddafi là một đối tác "nhiều vấn đề" với các công ty dầu lửa nước ngoài, do thường xuyên tăng phí và thuế, bên cạnh các yêu cầu khác. Một chính phủ mới với quan hệ thân thiết với NATO sẽ khiến các công ty phương Tây dễ thở hơn. Các nhà phân tích cũng nói rằng nếu được tự do hoạt động, các công ty phương Tây có thể tìm thấy nhiều dầu ở Libya hơn so với thời ông Gaddafi còn nắm quyền.

Tuy nhiên họ chỉ ra rằng trong nhóm những nước phương Tây được hưởng lợi từ chính phủ mới ở Libya, cuộc cạnh tranh để giành quyền khai thác dầu lửa cũng sẽ rất khốc liệt. ENI, tập đoàn BP (Anh), Total (Pháp), Repsol YPF (Tây Ban Nha) và OMV (Áo), đều là những nhà sản xuất dầu lớn tại Libya trước khi giao tranh nổ ra và chắc chắn các chính phủ của họ sẽ tích cực vận động cho "gà nhà".

Nhưng muốn việc khai thác dầu diễn ra hiệu quả, quân chống đối trước tiên phải kiểm soát tình hình của đất nước. “Nếu anh không có môi trường an ninh ổn định, ai dám đưa công nhân trở lại đất nước anh làm việc" - Helima Croft, một nhà phân tích ở công ty Barclays Capital đánh giá.

Hiện chưa rõ NTC, vốn là một tổ chức hỗn tạp với nhiều lực lượng, phe phái khác nhau, có thể làm việc cùng nhau để thành lập một chính phủ chung, đưa ra một đường lối kinh tế chung hay không

Ngoài ra người ta cũng không rõ hoạt động sản xuất dầu có sớm khôi phục được hay không vì giao tranh lớn đã từng diễn ra tại nhiều trung tâm dầu lửa quan trọng như Brega và Ras Lanouf. Một số nhà phân tích lạc quan tin rằng việc sản xuất sẽ sớm khôi phục trong vòng vài tuần. Song sẽ phải mất ít nhất 3 năm để công suất khai thác trở lại thời kỳ trước xung đột, tức khoảng 1,6 triệu thùng/ngày.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link