01/04/2022 22:48 GMT+7 | Tin tức 24h
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 1/4, chuyên gia dịch tễ học Wu Zunyou khẳng định Trung Quốc cần tuân thủ việc thực thi chính sách "không COVID" (zero-COVID) một cách linh hoạt.
Theo ông Wu Zunyou, biến thể BA.2 của Omicron có khả năng lây lan nhanh chóng sẽ lây nhiễm cho nhiều người trong thời gian ngắn và vẫn có thể gây ra những nguy cơ nghiêm trọng. Do đó, chuyên gia này vẫn cho rằng cần tuân thủ cách tiếp cận "không COVID".
Cùng ngày, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã lên kế hoạch tăng tần suất xét nghiệm axit nucleic cho học sinh và nhân viên trường học, đồng thời yêu cầu lãnh đạo nhà trường tiến hành việc này hằng tuần.
Theo bộ trên, cần thực thi nghiêm việc quản lý dịch bệnh trong khuôn viên trường học nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Bộ Giáo dục Trung Quốc cũng khuyến nghị các trường tuân thủ nghiêm chiến lược "không COVID" linh hoạt, đồng thời tăng cường các kế hoạch khẩn cấp phòng, chống dịch để đảm bảo công tác giáo dục và giảng dạy diễn ra suôn sẻ.
Trung Quốc đang đối phó với làn sóng lây nhiễm dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất kể từ nước này đã kiểm soát được làn sóng dịch đầu tiên hồi năm 2020. Hơn 20 khu vực đã báo cáo số ca mắc mới COVID-19 tăng cao trong vài tuần qua.
Trước tình hình trên, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Xi Jinping) đã hối thúc nước này thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả hơn và giảm thiểu tác động của dịch đối với sự phát triển kinh tế, trong khi vẫn kiên trì chính sách "không COVID" linh hoạt.
Thành phố Thượng Hải với 25 triệu dân, lớn nhất ở Trung Quốc, đã trở thành điểm nóng dịch bệnh trong đợt bùng phát dịch lần này, với số ca mắc mới liên tục tăng cao từ đầu tháng 3. Chính quyền thành phố vẫn tìm cách phòng dịch mà không phải phong tỏa toàn bộ thành phố. Giới chức nhấn mạnh cần phải duy trì hoạt động của thành phố cảng cũng như đảm bảo chức năng trung tâm tài chính không bị gián đoạn.
Ngọc Hà/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất