Trung thu đeo mặt nạ

15/09/2016 06:50 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Trung Thu đã đến, Hà Nội mùa đẹp nhất năm càng khiến người ta háo hức ra đường tận hưởng hương gió heo may. Thu Hà Nội vẫn thế, vẫn cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ, vẫn náo nức chờ mùa hoa sữa, mùa cốm xanh về... như ca từ Trịnh Công Sơn.

Nhưng Trung thu nay cũng nhiều cái khác lắm. Xuống phố cổ, những Đồng Xuân, Hàng Đào, Hàng Mã, Hàng Ngang... thấy thiếu thốn chơi vơi lắm những mặt nạ giấy bồi, những trống quân, đèn ông sao, đèn kéo quân truyền thống.

Nhiều lần đi chơi Trung thu trên phố, gặp những thanh niên dùng đèn chiếu laser, súng bắn nước, giống lễ hội bên Thái Lan. Và đặc biệt, trên phố đầy những mặt nạ ma quỷ vấy máu, kinh dị hay những bộ đồ hoá trang "thần chết" vốn được sử dụng trong dịp Halloween, lại được các bạn trẻ lựa chọn thành trang phục cho lễ hội Trung thu phố cổ Hà Nội.


Những chiếc mặt nạ đủ kiểu dáng và màu sắc hấp dẫn người mua.

Trung thu là rước đèn múa lân chứ có hóa trang như thế đâu. Nhưng thực tế nó vậy: thời buổi hội nhập, chơi Trung thu nhiều người đeo mặt nạ.

Nhưng cái thay đổi nhiều nhất có lẽ là những hộp bánh Trung thu... có bánh đi kèm. Người ta đã nói nhiều, rất nhiều về những hộp bánh, đúng hơn là hộp quà có đựng bánh giá nhiều triệu này. Những hộp bánh hàng chục triệu đồng không bao giờ xuất hiện trên mâm cỗ dưới sân trăng của những đứa trẻ.

Mỗi cái hộp với cái tên rất cung đình như Vương Kim, Kim cương, Đế vương, Tuế nguyệt... thường có nhiều “chính phẩm” là rượu, là ấm, ly dát vàng... và “phụ kiện” đi kèm là mấy chiếc bánh nhỏ xíu, xinh xinh nằm gọn trong lòng bàn tay. Hay có những hộp bánh kèm theo biểu tượng, linh vật mạ vàng 24k có ý nghĩa phong thủy và được giới thiệu phù hợp trưng bày tại bàn làm việc. Dù, trẻ con thì hẳn chưa cần bàn làm việc riêng.

Người Hà Nội, nhất là người giàu sang vốn tinh tế, thú ăn chơi ngày lễ tết lại càng cầu kì. Cứ nhìn thú uống trà tàu, thưởng rượu thạch lan hương, chơi mặc lan của người Hà Nội trong "Vang bóng một thời" của cụ Nguyễn Tuân thì đủ biết.

Ngay tận bây giờ, những người Hà Nội hoài cổ vẫn “kiên định” đến bảo thủ cho thú ẩm thực mà họ cho là phong vị của mảnh đất này. Như Nguyễn Việt Hà đã viết về những gã "Con giai phố cổ": “Bọn họ thong thả ăn, tinh tế mặc, chầm chậm sống. Có bọn họ, Hà Nội hôm nay mới có nổi dăm bảy hàng phở ngon, vài ba quán cà phê thị dân sâu lắng…”.

Nhìn mấy cái bánh nhỏ xíu ấy, nếu gặp người phàm ăn, hoặc nhu cầu ẩm thực thông thường thôi, thì bỏ tọt vào miếng là hết. Chứ đừng nói cắt miếng, chia phần, hẳn nếu ăn thì rón rén lắm. Nhưng đừng liên tưởng nó đến sự sành điệu của người kinh kỳ.

Tôi chắc chắn nó chẳng phải do tinh tế, sành điệu gì vì chẳng ai đi uống rượu ngoại ăn kèm bánh bao giờ. Người ta chỉ ăn bánh Trung thu nhấp nước chè để tăng thêm hương vị bánh và thưởng thức không khí của ngày Tết thôi.

Vì thế, bao năm rồi, người ta có thói quen nhìn những vật phẩm đắt tiền ấy bằng những ánh mắt nghi ngại. Cách nhìn ấy có phần mang tính cực đoan, bởi hẳn cũng có nhiều người muốn tặng đối tác, tri ân khách VIP trong cuộc giao thương... Nhưng ngoài cái lẽ “phú quý sinh lễ nghĩa” ấy cũng không thể phủ nhận rằng có những hộp bánh chỉ phục vụ cho một cuộc “đi đêm”. Cuộc đi đêm ấy càng vắng ánh trăng thanh thiên bạch nhật càng tốt.

Đối tượng chính của ngày Tết Trung thu là trẻ em, vì thế mọi vật phẩm mua sắm trong ngày lễ này đều phải phục vụ nhu cầu của trẻ em.

Trẻ em thì không biết uống rượu nên hẳn không cần bánh Trung thu kèm với rượu. Hẳn khi người lớn đến tặng các bé những hộp bánh ấy, họ phải đeo những chiếc mặt nạ dày lắm. Như thế họ mới có thể biến những chiếc bánh trung thu ngọt ngào, bình dị như ký ức những mùa trăng con trẻ, trở thành phương tiện đổi chác của mình.

Vì thế, không kể trên phố, Trung thu bây giờ người ta đeo nhiều mặt nạ như lễ hội Halloween vậy.

Nguyễn Gia
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link