22/07/2008 12:57 GMT+7 | Entry của bạn
(Chưa rõ tác giả) |
Sáng tác: Vũ Đức Sao Biển
Trình bày: Hương Lan
Nguyên tác: Cao Văn Lầu
Từ là từ phu tướng
Bảo kiếm sắc phong lên đàng
Vào ra luống trông tin chàng
Đêm Năm canh mơ màng
Em luống trông tin chàng
Cho gan vàng quặn đau í a
Đường dù xa ong bướm
Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang
(còn) Ðêm luống trông tin bạn
Ngày mỏi mòn như đá vọng phu
Vọng phu vọng luống trông tin chàng
Lòng xin chớ phũ phàng
Chàng hỡi chàng có hay
Đêm thiếp nằm luống những sầu tây
(biết) Bao thuở đó đây sum vầy
Duyên sắc cầm đừng lợt phai (í a)
Thiếp nguyện cho chàng
Nguyện cho chàng đặng chữ bình an
Mau trở lại gia đàng
Cho én nhạn hiệp đôi í a
Cảm hứng của DẠ CỔ HOÀI LANG có lẽ cũng giống như cảm hứng của hàng loạt những bài hát và câu thơ viết về hình tượng chinh phu, nỗi niềm chinh phụ... Nói một cách khác, có lẽ chính từ làn điệu và ca từ của DẠ CỔ HOÀI LANG, chúng ta mới thấy sự nở rộ của những Hòn Vọng Phu (Lê Thương), Tiếng Thu (Lưu Trọng Lư), Đời phiêu lãng (Hàn Mặc Tử)… sau này. Trong buổi đầu của nền tân nhạc Việt Nam, chắc hẳn các nhạc sĩ và các nhà thơ vẫn quen thuộc hơn với ngũ cung của âm nhạc truyền thống, cộng vào đó là không khí lãng mạn của thời đại… Nhưng để bàn về vấn đề này, xin nhường cho các nhà nghiên cứu về soạn giả Cao Văn Lầu và bản đàn DẠ CỔ HOÀI LANG nổi tiếng.
Với tôi, một kẻ đến với âm nhạc như một khách lãng du, để tìm một chút chia sẻ, thì lời ca DẠ CỔ HOÀI LANG của tác giả Vũ Đức Sao Biển và giọng ca của tài nữ Hương Lan thật sự đã đem lại ấn tượng mạnh mẽ. Đến giờ, du khách đến miền sông Hậu, về bến Ninh Kiều chắc chắn không thể không nghe DẠ CỔ HOÀI LANG như một phần hồn của mảnh đất miền Tây, của đờn ca tài tử.
Và có thấu chăng, nỗi niềm chinh phụ, khi ta nghe bản nhạc này lúc phải biệt cố hương?
Từ là từ phu tướng
Bảo kiếm sắc phong lên đàng
Vào ra luống trông tin chàng
Đêm năm canh mơ màng…
Còn nhớ, khi nghe người ca nữ bến Ninh Kiều ca bản này giữa sóng nước Hậu Giang, tôi đã xúc động mạnh thế nào. Bản đàn quyện vào giọng hát dường như làm khách lãng du rợn người, như cảm thấy tiếng trống cầm canh khắc khoải điểm nhịp vào tâm tư. Nỗi niềm cứ róng riết với đêm khuya, với âm ba lan toả giữa cái thanh vắng bến sông. Lạ thay, khi đêm khuya, dù trong phòng kín, nghe lại DẠ CỔ HOÀI LANG,ta vẫn cảm nhận rõ cái không gian sóng nước đặc trưng, đó là cái vời vợi cách xa, khắc khoải bao niềm nhung nhớ:
Đường dù xa ong bướm
Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang
(còn) Ðêm luống trông tin bạn
Ngày mỏi mòn như đá vọng phu
Vọng phu vọng luống trông tin chàng
Lòng xin chớ phũ phàng
Sao lại khắc khoải thế? Sao lại da diết thế? Chỉ biết đàng sau lời dặn dò nhớ nhung là cả một tấm chung tình! Đâu rồi bóng dáng chinh phu thuở trước:
Chàng thì đi cõi xa mưa gió
Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn
(Chinh phụ ngâm)
Nỗi sầu chinh phu vắng bóng trong DẠ CỔ HOÀI LANG, không phải là tâm trạng như Chinh phụ ngâm "lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai", mà chỉ còn lại nỗi niềm chinh phụ. Ta có nghe chăng:
Chàng hỡi chàng có hay
Đêm thiếp nằm luống những sầu tây
(biết) Bao thuở đó đây sum vầy
Duyên sắt cầm đừng lợt phai (í a)
Nghĩa trăm năm, tình thiên thu gói vẹn trong ba chữ duyên sắt cầm khiến lòng ta cảm động. Và có lẽ ngày xưa, ngày nay cũng thế mà thôi, dù đã trọn lòng tin ở nhau thì dường như người phụ nữ vẫn mong manh khắc khoải đến thế. Ôi chao là những chinh phu giang hồ lãng tử, đôi khi ngoài cõi xa mưa gió, tơ tưởng bóng hồng mà quên đi duyên "sắt cầm hảo hiệp", hãy nghe lời chinh phụ như nói thay người ở lại. Mà lạ thay, nỗi lòng người phụ nữ Á Đông, cứ chôn chặt niềm tây mà nhớ nhung vọng tưởng. Thấu chăng cảnh cô phụ phòng khuê lẻ bóng, mà vẫn đinh ninh lời nguyện cầu:
Thiếp nguyện cho chàng
Nguyện cho chàng đặng chữ bình an
Mau trở lại gia đàng
Cho én nhạn hiệp đôi í a
Nhớ mong ơi, cuối cùng cũng vọng lên khao khát hiệp đôi. Không cần phải nhiều lời cạn ý mà vẫn nồng nàn tình vợ chồng khăng khít.
Bao đêm nghe bài ca vọng về mà bồn chồn trong dạ. Cái thuở xa xăm ấy, khi người đi biền biệt làm người ở lại phòng khuê lẻ bóng khắc khoải nhớ thương, người ta dành cho nhau bao lời nồng ý thắm. Bây giờ, có thể liên lạc từng giây từng phút, có internet có cellphone… liệu rằng con người có nhạt phai hơn?
Nhớ nhà…
Trần Hà Nam
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất