Trong những ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp an dưỡng tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, vẫn như lệ thường, hàng năm, vào dịp sinh nhật Đại tướng, 25/8, những người cộng sự và giúp việc của Đại tướng vẫn họp mặt tại ngôi nhà 30 Hoàng Diệu.
Tôi có vinh dự được chứng kiến và ghi lại một số cuộc gặp mặt xúc động, đầy tự hào ấy, trong đó có cuộc gặp mặt mừng Đại tướng tròn 100 tuổi (25/8/2011). Sắp tới kỷ niệm 105 năm ngày sinh Đại tướng, những câu chuyện về Người vẫn vẹn nguyên cảm xúc. Xin được phép chia sẻ cùng bạn đọc Thể thao & Văn hóa:
“Mỗi khi có dịp về thăm quê - làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp như khỏe ra. Ông về nghĩa trang Mai Thủy thắp hương mộ cha, xong ông đi lần lượt thắp hương từng phần mộ liệt sĩ, rồi ông lên chùa An Xá dâng hương, trồng cây đa trước chùa; thăm hỏi các cụ bô lão trong làng, gặp gỡ trò chuyện với các cháu thiếu nhi, nói chuyện với nhân dân trong xã… sau mỗi lần như thế Đại tướng như khỏe mạnh hơn và tinh thần phấn chấn hơn rất nhiều” -
Đại tá Trịnh Nguyên Huân rưng rưng nhớ về những lần cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm quê. Những hình ảnh về vị Đại tướng huyền thoại của Việt Nam, oai hùng trên chiến trận song cũng rất bình dị, yêu thương, gần gũi trong cuộc sống hàng ngày lần lượt hiện về trong buổi gặp mặt mừng thọ Đại tướng tròn trăm tuổi. Cuộc gặp mặt đầy xúc động giữa những người cộng sự và người giúp việc của Đại tướng Võ Nguyễn Giáp suốt nhiều năm qua diễn ra ngày 23/8/2010 tại nhà riêng của Đại tướng ở 30 Hoàng Diệu, Hà Nội.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm Mường Thanh ngày 19/4/2004. Ảnh Nguyễn Đình Toán
Do Đại tướng đi an dưỡng nên chỉ có đại diện gia đình là bà Đặng Bích Hà, phu nhân của Đại tướng cùng con gái. Trong cả buổi gặp mặt, mọi người thường gọi đại tướng Võ Nguyên Giáp bằng cái tên trìu mến “Anh Văn”. Mỗi câu chuyện, ai nấy đều rưng rưng và tự hào vì mình được là người sống cùng, tham gia vào những khoảnh khắc lịch sử của cuộc đời vị Đại tướng huyền thoại tròn 100 tuổi vào ngày 25/8/2010.
“Không bao giờ coi trận chiến như một trận đánh cờ” Nhà sử học, Đại tá Trần Trọng Trung, tác giả cuốn Võ Nguyên Giáp - Danh tướng thời đại Hồ Chí Minh cho rằng, Đại tướng đã gắn bó cả cuộc đời của mình với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Cuộc kháng chiến bảo vệ nền độc lập được ghi nhận bởi 2 chiến thắng quyết định: Điện Biên Phủ (1954) và giải phóng miền Nam (1975) với tư cách là vị Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam. Để có được chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy địa cầu cách đây 56 năm, Bộ Thống soái của ta và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thay đổi cách đánh vào đúng thời điểm “nổ súng”. Đánh giá đúng khả năng còn hạn chế của các đại đoàn bộ binh chủ lực, bước vào đợt 1 chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, Bộ Thống soái của ta đề ra kế hoạch tác chiến theo phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh”, với ý định tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm trong vòng 2 ngày 3 đêm. Tuy nhiên, trước ngày nổ súng, Đại tướng đã kịp nhận thấy địch không ngừng củng cố công sự ngày càng vững chắc, chúng không còn ở vào thế phòng ngự dã chiến như lúc đầu, trong khi việc kéo pháo của ta đang gặp khó khăn vì pháo nặng, đường dốc, không kịp thời gian như kế hoạch dự kiến. Vì thế, dù các đơn vị bộ binh đã triển khai đội hình trên vị trí xuất phát tiến công, Tổng tư lệnh vẫn quyết định thay đổi cách đánh với phương châm “đánh chắc, tiến chắc”. Theo cách đánh này, quân ta sẽ diệt từng vị trí của địch theo lối “bóc vỏ”, từng bước thu hẹp địa phận và không phận của địch, dồn quân địch vào tình thế ngày càng khốn quẫn vì binh lực bị tiêu hao hàng ngày, nguồn tăng viện tiếp tế duy nhất bằng đường không dần dần bị hạn chế rồi bị triệt hẳn. Trải qua gần 50 ngày chuẩn bị theo phương án tác chiến mới, chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu ngày 13 tháng 3 năm 1954 và kết thúc thắng lợi trọn vẹn sau 56 ngày đêm chiến đấu vô cùng ác liệt. Nói về quyết định lịch sử này, đại tá Trịnh Nguyên Huân, người trợ lý có gần 35 năm gắn bó với Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: Đại tướng không bao giờ coi một trận chiến đấu như một trận đánh cờ. Và chiến sĩ không phải là những con tốt trên bàn cờ. Đại tướng luôn cân nhắc để làm sao giành được thắng lợi cao nhất mà tổn thất về sinh mạng thấp nhất. Cũng chính vì trách nhiệm của mình với vận mệnh của đất nước và sinh mệnh của chiến sĩ, Đại tướng đã thức trắng đêm suy nghĩ để đi đến quyết định chuyển từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc thắng chắc” mà Đại tướng gọi là “một quyết định khó khăn nhất” trong cuộc đời cầm quân của mình. Ông Phạm Khắc Lãm nói về “quyết định khó khăn nhất” của Tướng Giáp: “Một vị tướng hô tiến công khi xông lên không quan trọng bằng một vị tướng hô rút quân khi thấy quân có thể tổn thất lớn. Đó là lòng thương người”. “Trong sự nghiệp lẫy lừng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đánh bại tới 10 tướng khác của thế giới. Trong đó có 7 đại tướng của Pháp và 3 tướng của Mỹ”. Vị Đại tá đầu bạc Trần Trọng Trung nói về chiến công của vị tướng lỗi lạc với niềm say mê và ánh mắt xúc động khôn tả.
Người anh em nghĩa tình
Qua lời kể của những người từng “vào sinh ra tử” với Đại tướng, hình ảnh Đại tướng luôn gần gũi, sống tình cảm, đầy lòng trắc ẩn với đồng chí, anh em, mọi người.
Đại tá Nguyễn Huy Văn, bí danh Kim Sơn (80 tuổi) công tác tại cơ quan phục vụ sở chỉ huy các chiến dịch của Đại tướng kể: “Trong chuyến công tác Thái Nguyên năm 1989, khi cuộc họp tỉnh ủy bắt đầu bỗng dưới hội trường có một chị đứng dậy hỏi: “Anh Văn có nhớ tôi không?” Hàng trăm con mắt đổ dồn về người phụ nữ ấy và đoán chắc Đại tướng khó mà nhớ nổi vì hàng chục năm rồi Đại tướng mới trở lại vùng đất này. Nhưng tất cả đều rất đỗi ngạc nhiên vì sau khi nhìn lại khuôn mặt người phụ nữ ấy, Đại tướng đã thốt lên: “Là chị Hán, vợ của đồng chí trung tướng Bằng Giang!”. Cả hội trường lặng phắc".
Toàn cảnh buổi gặp gỡ
Đại tá Trần Trọng Trung kể trong niềm xúc động vô bờ: “Một trong những sự kiện tôi không bao giờ có thể quên được trong cuộc đời được làm việc với Đại tướng là năm 1948, biết tôi sắp lấy vợ, gia đình lại quá khó khăn, Đại tướng đã báo với đồng chí Lê Trọng Nghĩa, Chánh Văn phòng Bộ Tổng Tư lệnh lúc bấy giờ chi cho tôi 200 đồng để sắm một bộ quần áo mới cho chú rể và mua sắm một số thứ cho lễ cưới. Đại tướng cũng tự mình sang Tuyên Quang có lời với tỉnh ủy tổ chức đám cưới cho chúng tôi. Điều đó đã nói lên tất cả tình cảm của Đại tướng dành cho chúng tôi”. Thiếu tá Trần Văn Thìn, người làm công tác phục vụ cho Đại tướng suốt 20 năm (từ tháng 5/1966 đến 1986) kể, khi mới vào ông xưng hô “Đại tướng” thì Đại tướng nói, trong gia đình, không cần phải kiểu cách, cứ xưng anh em cho thân mật. Nếp sống của Đại tướng cũng được thiếu tá Trần Văn Thìn ghi nhận như một thói quen. Ông kể rành mạch, sau khi đi làm về, Đại tướng thường tập thể dục (bóng bàn, cầu lông) rất chăm chỉ rồi mới tắm rửa, ăn cơm. Đại tướng cũng luôn dành thời gian để đọc sách, báo hàng ngày và nghe báo cáo từ trợ lý bất kể sức khỏe yếu đi nhiều so với trước. Làm việc quên lo cho mình Vấn đề chăm sóc sức khỏe cho Đại tướng cũng là một việc quan trọng mà những người đồng đội cấp dưới của ông luôn trăn trở. Đại tá Phạm Văn Ngà (83 tuổi), người chăm sóc sức khỏe cho Đại tướng tới 30 năm (từ năm 1965 đến 1995) khẳng định, Đại tướng có sức làm việc phi thường, nhiều khi ông làm việc quên ăn, quên ngủ, quên lo cho mình. Với vai trò là bác sĩ, nhiều lần đại tá Phạm Văn Ngà khuyên ngăn Đại tướng giữ sức khỏe song Đại tướng vẫn luôn làm việc quá sức.
Đại tá Ngà kể, trong một chuyến đi công tác sang châu Phi (năm 1989) Đại tướng vẫn miệt mài làm việc trên máy bay dù bác sĩ đã nhiều lần khuyên ngăn trực tiếp và nhờ những người cùng đoàn nói giúp. Hậu quả là vừa đến Etiopia thì Đại tướng bị ngất. Nhưng ngay sau khi hồi sức, tỉnh dậy, Đại tướng quyết định làm việc ngay chứ không chờ nghỉ ngơi tĩnh dưỡng.
Trong suốt buổi gặp, bà Đặng Bích Hà, phu nhân Đại tướng nói ít, bà ngồi chăm chú lắng nghe những lời kể của đồng chí, đồng đội về những sự kiện lớn lao đã qua trong cuộc đời của Đại tướng. Xen giữa những câu chuyện kể ấy, bà lắng nghe những lời chúc sức khỏe và động viên của mọi người. Bà xúc động: “Gặp lại các anh ngày hôm nay, tôi như thấy lại các thời đại”. Rồi bà kể: “Có lần chồng tôi nói Mỹ vẫn không hiểu vì sao Việt Nam có thể thắng được! Nhưng họ không biết rằng, chiến thắng không chỉ phụ thuộc vào một con người nào mà là của toàn dân”.
Chuyên đề: Vĩnh biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Bài và ảnh: Nguyễn Gia