World Cup và luân lưu: Đức là số 1

02/07/2010 12:25 GMT+7 | World Cup 2010

(TT&VH) - Kể từ khi các loạt sút luân lưu được sử dụng lần đầu tiên ở một kỳ World Cup trong trận bán kết năm 1982 giữa Tây Đức và Pháp, 56 cầu thủ đã thất bại khi trải qua cuộc trắc nghiệm sống còn trên chấm 11 mét ở sân chơi lớn nhất thế giới.

Những người Pháp thua cuộc trong loạt đá đầu tiên, dù rằng một người Đức, tiền vệ Uli Stielike, là người đầu tiên sút hỏng một quả phạt đền trong loạt luân lưu. Pháp cũng chính là đội thua trận ở loạt đấu súng trong trận CK World Cup 2006 trước Italia.


Baggio đá hỏng penalty ở World Cup 1994
Có vẻ như việc đưa bóng vào lưới thủ môn ở khoảng cách chỉ 11 mét không phải là quá khó khăn, nhưng áp lực khủng khiếp, đôi khi là gánh nặng kỳ vọng của cả một quốc gia, khiến hành trình ngắn ngủi từ vòng tròn giữa sân vào vòng cấm địa giống như cuộc đua marathon với nhiều cầu thủ và khiến quả bóng trở nên nặng như chì. Điều đó khiến cho danh sách những xngười đá hỏng penalty đã bao gồm những cái tên lớn nhất: Diego Maradona, Michel Platini, Roberto Baggio hay Socrates.

Đội có thành tích tồi tệ nhất trong các loạt sút phạt đền hiện giờ là Thụy Sĩ, với tỷ lệ thành công là 0%. Tuy nhiên, cũng phải nói thêm rằng đội bóng Trung Âu mới chỉ một lần tham gia sút phạt đền khi thua trận với tỷ số penalty 0-3 trước Ukraine năm 2006 ở vòng hai World Cup tại Đức. Đội tệ nhất trên thực tế có lẽ là Anh, với chỉ 7/14 lần sút penalty thành công, dẫn đến 3 thất bại và chưa có chiến thắng nào trên chấm phạt đền.

Trận thua đầu tiên của đội bóng áo trắng trong các loạt sút luân lưu là tại vòng bán kết năm 1990, khi đội sau đó vô địch Tây Đức kết thúc giấc mơ của đội bóng do Bobby Robson dẫn dắt. Stuart Pearce và Chris Waddle là những người đá hỏng. Lần bại trận thứ hai là tại Pháp năm 1998 khi David Batty và Paul Ince vào vai tội đồ trước Argentina ở vòng tứ kết. Đó là chiến thắng thứ 3 liên tiếp của đội bóng Nam Mỹ trên chấm 11 mét ở các kỳ World Cup, cho tới khi họ bị đội chủ nhà Đức hạ gục tại vòng tứ kết năm 2006.

Alan Shearer, đeo băng đội trưởng tuyển Anh trong trận đấu tại St Etienne và đã ghi bàn gỡ hòa 2-2 từ chấm phạt đền trong giờ đấu chính thức, nhớ lại: “Tôi nhớ David Batty bước lên và nói sẽ đá thẳng vào giữa khung thành, nhưng chẳng hiểu tại sao anh ấy lại đổi ý và điều đó thật tồi tệ: đổi ý vào giây cuối cùng trước khi tung ra cú sút. Nhưng anh ấy đã thật can đảm, giống như mọi người hôm đó. Tình thế thật khó khăn, chúng tôi đã không thể vượt qua”.

Shearer, ghi 30 bàn trong 63 trận chơi cho tuyển Anh, lại trải qua cay đắng trên chấm phạt đền trước người Đức ở Euro 1996 trên sân nhà, khi anh lại thực hiện thành công quả đá của mình trước khi chứng kiến Gareth Southgate đổ ập xuống trên chấm 11 mét. “Bạn có thể tập luyện, nhưng rất khó chống lại áp lực và bầu không khí trên sân. Bạn có tập đá bao nhiêu quả đi nữa thì khi tập không có ai xem so với khi đứng trước 70.000 CĐV và biết rằng có 20 triệu người nữa đang xem truyền hình ở nhà là hoàn toàn khác hẳn”.

Hat-trick thất bại của tuyển Anh hoàn tất vào World Cup 2006 trên đất Đức sau những cú sút phạt vội vàng và thất bại của Frank Lampard, Steven Gerrard và Jamie Carragher trước khi Cristiano Ronaldo thực hiện thành công cú sút quyết định giúp BĐN đi tiếp vào bán kết. Đó cũng là chiến thắng lớn trên chấm phạt đền thứ hai liên tiếp của BĐN, sau khi David Beckham và Darius Vassell sút hỏng làm đội bóng của HLV Sven Goran Eriksson bị loại ở Euro 2004 cũng ở tứ kết.

Cựu vô địch World Cup Italia là đội có thành tích đá phạt đền trên thực tế kém thứ hai sau Anh trong lịch sử World Cup, nhưng 5 cú sút thành công của họ trong trận gặp Pháp 4 năm trước đã giúp Azzurri kết thúc chuỗi thành tích 3 trận thua liên tiếp trước đó khi gặp Argentina trên sân nhà năm 1990, Brazil năm 1994 và Pháp năm 1998. Một đội bóng lớn khác sút phạt đền kém là Hà Lan, dù họ mới chỉ một lần phải đối mặt với những loạt sút luân lưu vào năm 1998, khi thế hệ vàng bao gồm Dennis Bergkamp, Marc Overmars và Patrick Kluivert bị loại dưới tay Brazil do những cú sút hỏng của Phillip Cocu và Ronald de Boer ở bán kết. Hà lan còn bị Đan Mạch loại ở bán kết Euro 2002, trước Pháp ở Euro 1996 và Italia ở Euro 2000, đều trên chấm 11 mét.

Dẫu vậy, bóng đá Hà Lan lại có một cầu thủ đá phạt đền cực tốt: Ronaldo Koeman. “Năm 1998, chúng tôi rất thất vọng vì bị loại”, Koeman nói, “Chúng tôi đã tiến rất gần đến trận chung kết, nhưng trên chấm phạt đền cần rất nhiều may mắn. Tôi không hiểu tại sao nhưng tôi không gặp vấn đề gì cả. Tôi thường ghi bàn khi đá phạt đền. Năm 2010 này, hy vọng chúng tôi có thể thay đổi”.

Còn đội thành công nhất trong lịch sử trên chấm phạt đền, tất nhiên, là những người Đức. Cả Tây Đức và sau đó là nước Đức thống nhất có thành tích chiến thắng tuyệt đối 4/4 trong các loạt sút luân lưu. Kể từ sau khi Stielike đá hỏng năm 1982, người Đức đã ghi liên tiếp 14 bàn từ chấm phạt đền. Một đội khác cũng xứng đáng được khen ngợi là Hàn Quốc, đội đã đá thành công cả 5 quả của họ trong trận tứ kết gặp TBN năm 2002.

Trần Trọng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link