(TT&VH) - 1. Ở một số quốc gia, các hình phạt truyền thống và theo các quy tắc tôn giáo có thể trừng phạt người phạm tội bằng cách chôn bán thân rồi ném đá cho tới chết. Đó là một sự trừng phạt bị một số quốc gia và một số người cho rằng là man rợ, không thể hiện tính văn minh.
Đôi khi để thoát khỏi sự trừng phạt này, có người đã phải trốn chạy tới một quốc gia khác, hoặc tìm một cách nào đó để không phải đương đầu.
Cũng có thể hiểu được tâm lý ấy và sự lên tiếng phản đối từ thế giới bên ngoài. Nó khiến người ta đặt ra câu hỏi: có phải đó là cách đối xử giữa con người với con người, trong khi sự tiến bộ của loài người có hàng trăm cách trừng phạt khác nhau mà ít nhiều còn thể hiện tính nhân đạo và văn minh?
2. Sân Lạch Tray chiều qua là nơi tổ chức một trận bóng đá, mà ở góc độ nào đó, nó là sự kiện mang tính giải trí và cũng là nơi để người ta thể hiện sự văn minh của xã hội và khả năng ứng xử.
Ở đấy, các cầu thủ là những người trình diễn và cống hiến, chứ không phải là kẻ thù của ai. Nhất là khi các cầu thủ tôn trọng khán giả một cách tối đa, chơi bóng và nỗ lực thể hiện, thì họ càng phải là người được tôn trọng.
Cầu thủ TP.HCM (trái) hoảng sợ trước màn ném vật lạ như mưa của các CĐV Hải Phòng.
Song, ít nhất 2 lần, những người có mặt trên sân Lạch Tray chiều qua (và có lẽ cả những người theo dõi trận đấu được tường thuật trực tiếp qua VCTV3) được chứng kiến tình cảnh cầu thủ của TPHCM lúc bị đau, nằm sát đường biên dọc bên phía khán đài B bị rất nhiều các CĐV Hải Phòng thi nhau ném đủ các thứ có thể ném vào người.
Đầu hiệp hai, tiền vệ trẻ Đặng Ngọc Tùng nằm sân sau một pha va chạm, lập tức nhận cả một cơn mưa các vật thể lạ được ném xuống từ khán đài. Thật khó miêu tả tình cảnh ấy, rất khó đặt tên, nhưng rõ ràng nó không phải là cách đối xử của những con người bình thường với con người.
Nửa cuối hiệp hai, trung vệ trẻ Kim Long cũng rơi vào tình trạng đó, vẫn là dọc đường biên bên phía khán đài B, nhưng ở nửa sân bên kia. Long nằm sõng xoài trong khi hàng chục, hàng trăm người đứng dậy nhao nhao ném đồ vật về phía Long. Trung vệ này cũng không làm gì đi ngược lại với những tiêu chí của thể thao cao thượng và tuyệt đối không “phạm thượng” với các “thượng đế” trên sân Lạch Tray.
Không hiểu những người ngồi trên khán đài B sân Lạch Tray nghĩ gì khi họ hành xử với đồng loại và đồng bào của họ, những người không hề xúc phạm họ, một cách tồi tệ và kém văn minh như thế. Hẳn những người cũng ngồi trên sân Lạch Tray, nơi 4 phía khán đài và cả bên cạnh những người ném đồ vật vô tội vạ, cũng cảm thấy xấu hổ.
Trong bóng đá, ở khắp nơi trên thế giới, đôi khi người ta vẫn chứng kiến cảnh ném đồ vật từ khán đài xuống sân. Nhưng ở một mức độ nào đó (dù vẫn là phạm luật) khi người ta ném xuống đường piste, không nhằm vào ai và càng không phải cố để ném cho trúng 1 người đang nằm vật ra sân, cũng có thể chấp nhận và tha thứ được.
Đằng này, như ở Lạch Tray chiều qua thì quả là dã man và không hề tiêu biểu cho một xã hội văn minh!
Phạm Tấn