30/05/2017 21:23 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) – Nghệ sĩ Xuân Bắc chia sẻ, anh thấy rất vui và tự hào khi hai bộ phim Việt là “Người phán xử” và “Sống chung với mẹ chồng” thu hút lượng người xem đông đảo đến vậy. Anh cũng đưa ra một vài suy nghĩ của mình về lý do khiến hai bộ phim “hot”…
Bộ phim “Sống chung với mẹ chồng” và “Người phán xử” hiện đang được rất nhiều khán giả quan tâm theo dõi. Diễn biến của hai bộ phim này vô cùng hấp dẫn và khiến khản giả tò mò, đón đợi từng tập đồng thời, nhiều tình huống phim cũng khiến khán giả tranh luận gay gắt. Dù không phải hai bộ phim hay tới mức hoàn hảo nhưng cũng phải thừa nhận rằng, lâu lắm mới có hai bộ phim Việt có sức hút đến như vậy.
Trong cuộc trò chuyện với phóng viên báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN), nghệ sĩ Xuân Bắc dành nhiều lời khen cho hai bộ phim “Sống chung với mẹ chồng” và “Người phán xử”. Anh cũng đưa ra một vài suy nghĩ của mình về lý do khiến bộ phim “hot”, và nguyên nhân vì sao có sự tranh luận các tình huống diễn ra trong phim.
* Xin chào nghệ sĩ Xuân Bắc. Lâu rồi mới có hai bộ phim Việt là “Người phán xử” và “Sống chung với mẹ chồng” được nhiều khán giả quan tâm, đón đợi và tranh luận. Anh có theo dõi hai bộ phim này không và anh nhận định ra sao khi phim Việt lại bất ngờ có sức hút như vậy?
- Xin chào các độc giả của báo Thể thao & Văn hóa. Tôi biết phim “Sống chung với mẹ chồng” và “Người phán xử” đang được nhiều khán giả quan tâm theo dõi. Tôi không xem hết các tập nhưng quả nhiên những tập tôi xem đều rất hấp dẫn. Tôi cho rằng đây là tín hiệu cực kỳ vui và đáng tự hào, vì phim Việt Nam được đông đảo công chúng trông chờ đến vậy.
* Theo anh thì vì sao hai bộ phim “Người phán xử” và “Sống chung với mẹ chồng” lại “hot”?
- Vì sao phim hot? Tôi dám khẳng định không phải phim tự nhiên hot đâu. Đây là kết quả của một quá trình tìm tòi, thử nghiệm, dám lăn xả, và là một góc nhìn rất hiện đại và đúng xu hướng của nhà sản xuất, cụ thể hơn là Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC).
Tôi thấy hai bộ phim đều thu hút bởi nội dung hấp dẫn và tài diễn xuất của các diễn viên. Tôi thấy phục những đồng nghiệp của mình, họ không phải diễn viên mới mà đều là những gương mặt quen thuộc và tài năng.
Tôi loại trừ những người xem để tỏ ra nguy hiểm theo kiểu, người ta khen nhiều quá thì mình phải đứng ra chê cho nó có cái khác, giống như con bọ dừa thò ra giữa đám lá mong người khác nhìn mình là quả chín, mà kỳ thực mình vẫn là con bọ.
* Nhiều khán giả cho rằng các tình huống phim thiếu thực tế, chẳng hạn phim “Sống chung với mẹ chồng”, mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu đã được đẩy lên kịch tính hơn đến mức phi lý. Anh có đồng tình với ý kiến này?
- Thực ra, chuyện mẹ chồng với nàng dâu được quan tâm muôn thuở từ xưa tới nay. Mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu dường như ai cũng biết nhưng ai cũng mắc phải, vì nó thuộc yếu tố tâm lý của con người. Nhiều người bảo tình huống phim phi lý, đúng, nhưng tôi xin hỏi ai dám khẳng định rằng không có thực?
Tất nhiên, việc khán giả xem, phân tích tâm lý nhân vật và suy diễn rằng những mâu thuẫn đó xa rời thực tế, không có thật… là quyền của khán giả. Khán giả có quyền nhận thức và bày tỏ quan điểm về vấn đề họ xem, cũng như họ có quyền nhận thức lựa chọn cái họ xem, thời gian xem…
Với những người trong nghề như tôi thì cho rằng, điều quan trọng nhất của một tác phẩm là sự thu hút, tính thuyết phục và vượt lên cao hơn nữa đó là những giá trị thẩm mỹ, đạo đức, nhân văn mà tác phẩm đem lại hoặc thông qua tác phẩm người xem cảm nhận được.
Tôi muốn nói chung về vấn đề cảm nhận tác phẩm nghệ thuật nói chung, đặc biệt là phim truyền hình và điện ảnh. Tôi chắc chắn người tranh cãi tình huống phim có thật hay không là họ chưa xem các tác phẩm điện ảnh nổi tiếng thế giới như: Spider Men (Người nhện), Star Wars (Chiến tranh giữa các vì sao), John Carter (Người hùng sao hỏa), Transformers, Cướp biển vùng Caribbe, Mũi tên xanh… Nhất là phim Walking Dead (Xác sống), tác giả đã tưởng tượng ra thế giới tồn tại cái loại vi rút mà khi con người bị cắn, bị nhiễm bệnh biến thành xác sống không não mà vẫn hoạt động và còn rất nguy hiểm.
Tất cả những câu chuyện phim tôi nói trên hoàn toàn là giả tưởng không thể có trong cuộc sống thực nhưng các bộ phim này lại rất cuốn hút người xem. Vấn đề là phim hấp dẫn và ẩn sau đó là những bài học để những người vẩn đục thì được thanh lọc tâm hồn, người nào còn chưa tốt thì được cảnh tỉnh và trở lên tốt hơn.
* Không chỉ tranh cãi về các tình huống phim, cũng có nhiều khán giả chê những người làm phim Việt mắc nhiều lỗi khi sản xuất phim nữa. Anh nghĩ sao về điều này?
- Hôm trước tôi đọc ở đâu đó có người nói nhà làm phim “Người phán xử” mắc lỗi sơ đẳng, về chuyện làm lộ tình tiết ở tập sau lên tập trước. Thực ra đó là thủ pháp của người ta, chứ việc cắt dựng để cảnh nào đằng trước, cảnh nào chiếu sau thì quá đơn giản, họ chẳng duyệt phim 40 lần trước khi công chiếu phim rồi. (Cười)
Ở khía cạnh nào đó thì tôi thừa nhận đây đúng là thất bại của nhà làm phim (Cười lớn)…
Bởi điều mà nhà làm phim đảo vị trí là vì muốn là làm tăng thêm sự hấp dẫn, nhưng một vài khán giả cho rằng như thế là… bị lộ bí mật. Tôi thấy họ thật là nguy hiểm. Và tôi cũng đồ rằng người đưa ra nhận xét ấy, chưa từng làm bộ phim nào hoặc ít ra là chưa từng kể một câu chuyện nào có sức hấp dẫn. Và thưa “cụ”, người quyết định chính là người mang phim ra chiếu cơ.
Bất kỳ tác phẩm nào khi sáng tác thì đều mang tâm tư, tình cảm mong muốn của tác giả và ê kíp sáng tạo muốn gửi gắm vào. Ví dụ như một tác phẩm khỏa thân nghệ thuật với mục đích tôn vinh vẻ đẹp của tạo hóa sức sống mãnh liệt của người thiếu nữ - đẹp nhưng vẫn có thể dung tục ở ánh mắt của người nhìn, ta không thể nào cấm đoán họ.
Có nhiều ý kiến tranh luận tất nhiên là do cảm nhận, trình độ thẩm thấu tác phẩm của mỗi người. Với tôi, hai bộ phim đó đáng xem, đánh dấu những bước phát triển và định hướng đúng đắn của đài truyền hình Việt Nam. Là đồng nghiệp, tôi thấy rất vui và chúc mừng những anh em trong nghề vì phim thu hút lượng người xem đông đảo như vậy.
Đặc biệt là tôi thấy cảm phục diễn xuất của một số nghệ sĩ “đàn anh, đàn chị” trong nghề như: NSND Hoàng Dũng, NSND Lan Hương, NSƯT Trung Anh…
* Trước sự thành công của các đồng nghiệp, anh có sốt ruột và muốn trở lại với các vai diễn phim truyền hình gây bão như trước đây?
- Tôi cực kỳ sốt ruột ý chứ. Nhưng không phải sốt ruột cho tôi mà vì tôi nghĩ sao có ít phim hay cho chúng tôi làm thế?
Về phần mình thì một ngày của tôi chỉ có 24h, bạn thấy và khán giả cũng thấy, suốt 20 năm qua tôi luôn luôn làm việc không nghỉ. Tôi diễn hài, diễn kịch, diễn cho thiếu nhi, đi học, hoạt động xã hội, làm đại sứ cho an toàn giao thông, phẫu thuật nụ cười, quỹ bảo trợ trẻ em VN… giờ mà khán giả muốn thấy tôi đóng phim hay, làm tác giả kịch bản, muốn tôi đá bóng giỏi nữa thì… chắc tôi chết sớm mất! (Cười)
* Cảm ơn anh về những chia sẻ!
Tiểu Phong
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất