07/09/2013 13:39 GMT+7 | Âm nhạc
(Thethaovanhoa.vn) - Đại nhạc hội hoành tráng KCON 2013 đã diễn ra cuối tháng 8 tại Los Angeles (Mỹ), quy tụ những nhóm nhạc thần tượng hàng đầu Hàn Quốc hiện nay. Sự kiện này lại đưa Kpop vào "tầm ngắm" của truyền thông quốc tế.
Nhồi sọ vì giấc mơ ngôi sao ở các trường học Kpop là bài viết trên New York Times, không hướng sự quan tâm đến các thần tượng, mà là hàng nghìn thanh thiếu niên Hàn Quốc, những người có thể là những thần tượng tiếp theo, hoặc không.
"Trường học ngôi sao" tăng chóng mặt
"Tôi muốn trở thành biểu tượng Kpop, như Psy" - đó là mơ ước của nhiều thiếu niên Hàn Quốc đang theo học nghệ thuật. Tất cả đều biết hát, nhảy và diễn, nhưng "như những cỗ máy được chế tạo hoàn hảo".
Nhiều người sẽ hỏi điều đó có gì sai. Nhưng, âm nhạc là nghệ thuật, và người sáng tạo âm nhạc nên là nghệ sĩ, đồng thời là con người. Các nhóm nhạc thần tượng Hàn Quốc hiện nay được huấn luyện bài bản đến cả cách cười, công thức đến cả cách chào hỏi.
Khuôn mẫu thường thấy trên sân khấu Kpop.
Nếu xem các thần tượng Kpop bắt chước nhau làm "aegyo" (những động tác dễ thương theo mẫu) hoặc nhảy sexy cũng theo khuôn mẫu, sẽ thấy: họ không phải máy, chỉ có điều cư xử trước ống kính đôi khi như những cỗ máy.
Theo New York Times, chưa có thống kê đầy đủ số lượng trường học âm nhạc và số học sinh theo học, nhưng những chuyên gia trong ngành giải trí Hàn Quốc đều khẳng định cả hai đều đang tăng chóng mặt. Kể cả những trường từng dạy nhạc cổ điển và ballet cũng phải mở thêm các lớp học nhạc pop để theo kịp xu hướng.
Năm ngoái, khảo sát của Viện Giáo dục Thanh nhạc Hàn Quốc cho thấy nghề "nhân vật giải trí" đang được ưa chuộng nhất ở nước này, cùng với các nghề như giáo viên và bác sĩ.
Kim Chae Young, một nữ sinh 13 tuổi ở Seoul, theo học ngôi trường có tên Def Dance Skool trong 4 năm qua. Một trường thông thường như Def Dance Skool có khoảng 1.000 học viên, vào năm 2006 thì mới có 400. Học phí 135 USD (150.000 won hay 2,8 triệu đồng) cho một tháng học, khoảng từ 8 đến 12 buổi.
Đại nhạc hội KCON 2013 diễn ra trong 2 ngày 24 và 25/8, quy tụ các nghệ sĩ G-Dragon, Missy Elliott, Dynamic Duo; các nhóm nhạc SNSD, 2NE1, 2AM, Nuest, EXO, f(x)...
Áp lực hoàn hảo từ Kpop ra đời thực
Nhưng học thôi chưa đủ, các học viên chỉ thực sự có cơ hội khi được các công ty giải trí lớn trong nước để mắt đến: SM, YG, JYP… Năm qua, lợi nhuận của 3 công ty hàng đầu này là 326 triệu USD (gần 363 tỷ won) - rất "khủng".
Trước đó, năm 2009 con số chỉ là 97 triệu USD (106,6 tỷ won). Khoản thu hơn 200 triệu USD tăng thêm chủ yếu đến từ nước ngoài, hoàn toàn có lý vì Kpop đã trở nên phủ sóng toàn cầu trong khoảng thời gian đó.
Mới đây, mùa thứ 5 của cuộc thi Superstar K được tổ chức ở Hàn Quốc, Mỹ và Canada. Ở cả 3 nước, số người dự thi là 2 triệu.
Woo Ji Won, một học sinh 18 tuổi, đã 3 năm đi thi nhưng chưa được chọn. Cô nói: "Các bạn cùng lớp đang nhồi sọ cho các kỳ thi ở trường, còn tôi thì học nhạc 7 buổi một tuần. Mỗi ngày, tôi về nhà lúc 10h tối và tiếp tục học qua các video Kpop trên YouTube".
Hong Dae Kwang, người được xếp thứ 4 cuộc thi Superstar K năm ngoái, chia sẻ nhận định đó. "Tất cả đều hát, nhảy và diễn tốt, như những cỗ máy được chế tạo hoàn hảo" – anh nói.
Một ý kiến trên trang blog Seoulbeats: "Cuộc sống của học sinh trung học Hàn Quốc góp phần giải thích phong cách của Kpop. Áp lực phải hoàn hảo, dù rõ ràng bất khả, là rất lớn. Nhiều người tự tử vào những thời điểm quan trọng vì không chịu nổi áp lực. Vẻ đẹp chuẩn là phải qua phẫu thuật thẩm mỹ. Không cố gắng hoàn hảo nghĩa là thất bại, với tư cách một người Hàn Quốc".
Và các thần tượng có ngoại hình hoàn hảo vẫn được truyền thông Hàn phong cho làm nữ thần, nam thần, con dâu quốc dân, con rể quốc dân…
Bài 2: Tôi đẹp, tôi thạo tiếng Anh, tôi làm… ca sĩ
Mi Ly
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất