Trương Nghệ Mưu: Ba lần đề cử Oscar, ba lần... hụt! (kỳ 2)

11/11/2011 07:00 GMT+7 | Phim

(TT&VH Cuối tuần) - Trên thế giới, không mấy ai và cũng không dễ gì lập được “hattrick” 3 lần được đề cử Oscar Phim nước ngoài xuất sắc - trong đó có 2 lần liên tiếp - của hai đạo diễn Lý An và Trương Nghệ Mưu (TNM). Thành ngữ Trung Quốc có câu “Quá tam ba bận”, điều này chỉ đúng với Lý An khi ông một lần đoạt giải với Ngọa hổ tàng long, năm 2001. Ba lần đến với Oscar của Lý An đều rất êm ái nhẹ nhàng như chính những bộ phim và con người của ông. Còn TNM thì ngược lại, rất gập ghềnh trắc trở và đượm màu sắc bi kịch như chính những bộ phim mà ông được đề cử.

CÚC ĐẬU (1990)

TNM là người mang vinh dự quốc tế đầu tiên về cho điện ảnh Trung Quốc, khi đoạt giải Gấu vàng 1988 tại LHP Berlin với bộ phim đầu tay, Cao lương đỏ. Nhưng đối với TNM, ông cho rằng mình chỉ ăn may theo kiểu “điếc không sợ súng”. Ông chỉ mong thành công bất ngờ của Cao lương đỏ sẽ bắc cầu cho bộ phim kế tiếp của mình được sản xuất bằng vốn nước ngoài. Như vậy mới có trang thiết bị, dàn dựng và âm thanh tốt hơn.

Ở Trung Quốc lúc ấy, Nhà nước không còn sẵn lòng bao cấp cho những bộ phim “nghệ thuật” nghiêm túc nhưng cũng không phản đối việc các nhà làm phim có thể cố gắng quyên góp tiền ở bên ngoài để đồng sản xuất, hoặc sản xuất hoàn toàn bằng vốn nước ngoài. TNM may mắn được giới thiệu với ông Yasuyoshi Tokuma - một nhà đầu tư người Nhật rất hâm mộ đạo diễn của bộ phim Cao lương đỏ. TNM kể câu chuyện về cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Fu Xi Fu Xi của nhà văn trẻ Lưu Hằng, và Tokuma đồng ý đầu tư. Công ty của Tokuma không quan tâm lắm về việc bộ phim sẽ đoạt giải thưởng hay kiếm nhiều tiền. Họ chỉ muốn TNM làm một bộ phim hay.

Cảnh trong phim Cúc Đậu

Cuốn tiểu thuyết của Lưu Hằng có bối cảnh kéo dài từ thập niên 1920 - 1970. Nhưng TNM cho rằng chủ đề của Cúc Đậu (tên ban đầu là Tiếng rên) rất nhạy cảm, nếu kéo dài sang xã hội đương đại ở Trung Quốc, e rằng sẽ khó qua ải kiểm duyệt. Nên ông quyết định lấy bối cảnh cho bộ phim hoàn toàn ở thập niên 1920.

Ngày 6/4/1989 tại Bắc Kinh xảy ra sự kiện thảm sát ở Thiên An Môn làm rúng động thế giới, dẫn đến tình hình chính trị giữa Trung Quốc với bên ngoài hết sức căng thẳng. Lúc ấy, đoàn phim Cúc Đậu đang quay ở miền quê và biết về sự kiện qua TV. Họ đã phải dừng lại và giải tán ê-kíp làm phim. Hai ba tháng sau, chờ cho sự kiện lắng xuống, đoàn phim mới tổ chức lại ê-kíp.

Tuy nhiên, khó khăn về kiểm duyệt đã bắt đầu nảy sinh những ý kiến không tốt về Cúc Đậu và chính quyền Trung Quốc bắt đầu lo ngại. Có nhiều hạn chế hơn về tự do sáng tạo và kinh phí bị cắt giảm khoảng 1/3, vì cả hai phía Trung - Nhật đều cho rằng làm một bộ phim kinh phí cao trong thời điểm căng thẳng như thế là rất liều lĩnh. Tuy nhiên, may mắn là hợp đồng đã được ký kết trước sự kiện ngày 6/4/1989, và Trung Quốc muốn quảng bá một chính sách kinh tế tự do, nên họ không dừng dự án lại và bộ phim vẫn tiếp tục thực hiện.

Cúc Đậu được khen ngợi là sáng tạo và hoàn chỉnh hơn hẳn Cao lương đỏ. Nhưng về nội dung thì bị chỉ trích kịch liệt vì đã khắc họa một cách tàn nhẫn những hủ tục và đời sống xã hội ở Trung Quốc. Tuy được xem là bộ phim cực kỳ tinh tế của TNM trong việc mô tả tình dục, nhưng đối với những nhà kiểm duyệt, đó lại là một cú sốc. Cúc Đậu chính thức bị cấm chiếu tại Trung Quốc, điều này khiến TNM vô cùng đau đớn!

Thậm chí, Trung Quốc còn không muốn gửi Cúc Đậu đến tranh tài ở bất cứ LHP quốc tế nào, một phần do mối quan hệ giữa Trung Quốc và các nước phương Tây đang xấu đi sau sự kiện Thiên An Môn. Nhưng người Nhật lại nghĩ khác. Họ là người bỏ tiền, là chủ bộ phim, và nhất định phải đưa bằng được Cúc Đậu ra thi thố bên ngoài.

Năm 1990, Cúc Đậu được trao giải thưởng Luis Bunuel Đặc biệt tại LHP Cannes, và liên tiếp đoạt giải cao nhất tại 3 LHP quốc tế: Valladolid (Tây Ban Nha), Na Uy, và Chicago. Tuy nhiên năm đó, sự kiện đặc biệt chấn động là Cúc Đậu đã được đề cử Oscar Phim nước ngoài xuất sắc nhất - lần đầu tiên sau 40 năm Trung Quốc mở cửa với thế giới bên ngoài. Trước đó Trung Quốc quả quyết Hollywood không có quyền đề cử giải Oscar cho Cúc Đậu, nếu không được sự chấp thuận của nước này. Nhưng phản đối này bị phớt lờ do lúc ấy quy định của Ban tổ chức Oscar, nhà đầu tư sản xuất mới có quyền định đoạt. Tất nhiên TNM và Củng Lợi không được phép đến Mỹ tham dự.

Sự kiện Cúc Đậu bị cấm chiếu ở Trung Quốc, nhưng lại rất thành công ở nước ngoài đã mở đầu cho những bước thăng trầm trong sự nghiệp của TNM. Liên tiếp những bộ phim sau này của ông cũng đều bị cấm chiếu ở Trung Quốc (hiện những lệnh cấm này đã được gỡ bỏ). Và Cúc Đậu cũng là một trong những bộ phim cuối cùng trên thế giới sử dụng kỹ thuật màu cổ điển Technicolor, từ lâu đã không còn được thấy trong các bộ phim Hollywood tráng lệ, kể từ sau thời hoàng kim của phim nhạc kịch thập niên 1950 - 1960.

ĐÈN LỒNG ĐỎ TREO CAO CAO (1991)

Năm 1990, khi đưa Cúc Đậu đến LHP Cannes, TNM gặp đạo diễn Đài Loan nổi tiếng Hầu Hiếu Hiền, và hai người bàn bạc sẽ làm việc chung với nhau trong dự án phim mới. Công ty Niên Đại (Đài Loan) đã đồng ý bỏ ra 1 triệu USD và mời Hầu Hiếu Hiền làm sản xuất. Điều may mắn nhất là TNM được giao toàn quyền trong bộ phim này. Sẽ không có bất cứ ai được can thiệp vào công việc sáng tạo nghệ thuật của ông. TNM chọn tiểu thuyết Thê thiếp đầy đàn của nhà văn trẻ 29 tuổi Tô Đồng để đưa lên màn ảnh. Bộ phim được đặt tên là Raise The Red Lantern (Đèn lồng đỏ treo cao cao).

Cảnh trong phim Đèn lồng đỏ treo cao cao

Tình dục và quyền lực, giành giật và kìm nén, là hai chủ đề đan xen vào nhau trong Red Lantern. Bối cảnh quanh quẩn ở trong tòa đại viện của một lão gia giàu có vào những năm 1920. Bộ phim kể câu chuyện về thói ăn miếng trả miếng của các bà vợ sống trong cảnh cá chậu chim lồng. Họ giở đủ mọi thủ đoạn để giành ưu tiên lọt vào tầm chiếu cố của lão gia.

Đến thời điểm đó, Red Lantern là bộ phim tráng lệ nhất, sáng tạo nhất của TNM, đặc biệt là ông đưa vào chi tiết Đèn lồng đỏ - không hề có trong nguyên tác - và xử lý nó như một nhân vật quan trọng nhất, là linh hồn của bộ phim. Cả phim hầu như chỉ sử dụng một cỡ toàn cảnh (rộng và hẹp). Không có động tác máy, khung hình lúc nào cũng tĩnh lặng và đối xứng, tạo cảm giác ngột ngạt tù túng. Tỉ mỉ trong từng khung hình, tạo tính cách nhân vật, thủ pháp dựng phim, kết cấu tình tiết, thiết kế cảnh trí, trang phục… tất cả đều mang phong cách đặc trưng của TNM.

Phim rất ít lời thoại, ít nhạc, nhưng âm thanh lại được khai thác tối đa. Nối tiếp hiệu quả từ Cúc Đậu, TNM tiếp tục sử dụng công nghệ biên tập âm thanh gây sửng sốt do một hãng hậu kỳ của Nhật đảm trách. TNM còn tạo thú vị và hấp dẫn qua những nghi thức lạ lẫm do chính ông nghĩ ra: Rửa chân bằng nước ấm, rồi massage chân bằng 2 cái búa lục lạc nhỏ trước khi động phòng. Nghi thức treo đèn, thắp đèn, thổi đèn, bọc kín đèn… là những hình ảnh và âm thanh mà người xem sẽ không thể nào quên.

Red Lantern ra mắt tháng 9/1991 tại LHP Venice, và TNM đoạt giải Sư tử Bạc đạo diễn xuất sắc nhất. Nhưng ở Trung Quốc ngay lập tức nổi lên cơn bão gièm pha, chỉ trích bộ phim với những lời lẽ nặng nề. Họ quy kết bộ phim với chính trị, bị ngầm hiểu là bản cáo trạng vạch trần khía cạnh đen tối của văn hóa Trung Quốc. Cơn bão chỉ trích cho rằng, TNM chỉ giỏi lấy tiền đầu tư của ngoại quốc để làm những bộ phim có bố cục tinh vi cho khán giả quốc tế xem. Tiết lộ về một nước Trung Quốc kỳ lạ, khêu gợi và lắm hủ tục mà người nước ngoài muốn nhìn thấy, hơn là một Trung Quốc mà chính người Trung Quốc có thể nhận ra. Thậm chí đã có lời phát biểu cá nhân mang tính mạt sát của một nhà phê bình đặc biệt khắt khe, “TNM kiếm sống bằng cách tuột quần mẹ mình xuống để người nước ngoài có thể nhìn rõ mông của bà ấy!”.

Lần thứ hai liên tiếp, TNM đau đớn khi thấy đứa con của mình bị cấm ra mắt ngay tại quê hương. Điều trớ trêu là Red Lantern cũng bị cấm chiếu ở Đài Loan, mặc dù tiền đầu tư xuất phát từ đây, với lý do câu chuyện, đạo diễn và diễn viên hoàn toàn của đại lục! Các nhà đầu tư đã tiên liệu trước điều này nên đã nhanh tay bán bản quyền trình chiếu quốc tế, và bản quyền băng video tại Bắc Mỹ và châu Âu.

Trương Nghệ Mưu và Củng Lợi đến Los Angeles tham dự giải Oscar 1992

Năm 1991, Red Lantern chính thức mang về cho TNM đề cử Oscar Phim nước ngoài thứ hai liên tiếp. Trung Quốc tiếp tục phản đối khi bộ phim được đề cử với “quốc tịch” Hong Kong. Nhưng một lần nữa phản ứng ấy không thắng nổi quy chế chọn phim nước ngoài của Ban tổ chức Oscar. Ngày 27/3/1992, TNM và Củng Lợi trở thành những người làm điện ảnh đầu tiên ở Trung Quốc đại lục, bước chân lên thảm đỏ danh giá Oscar. Năm đó, Red Lantern là một ứng cử viên sáng giá, nhưng có lẽ bộ phim không thoát khỏi cái bóng ma đè nặng của sự kiện Thiên An Môn hai năm về trước.

Red Lantern thành công lớn về lợi nhuận. Cả thế giới đều thích phim này, chỉ riêng ở Mỹ, bộ phim đã đạt doanh thu 2,6 triệu USD - con số rất ấn tượng ở đầu thập niên 1990 dành cho một bộ phim nước ngoài. Điều quan trọng nhất bộ phim là tác nhân chính lôi kéo được khách nước ngoài trở lại du lịch Trung Quốc, sau một thời gian “băng giá” bởi sự kiện Thiên An Môn. TNM rất hạnh phúc vì bộ phim của mình đã xóa được rào cản ngôn ngữ, không hề bị hạn chế bởi bối cảnh văn hóa và lịch sử, bởi màu da và dân tộc.

Sau Red Lantern, TNM và Củng Lợi trở thành hai người Trung Quốc nổi tiếng nhất, là sứ giả văn hóa ở đẳng cấp quốc tế. Đó là một trong những lý do chính để Red Lantern được xóa bỏ lệnh cấm tại Trung Quốc vào giữa năm 1992 (ít lâu sau là Cúc Đậu), để rồi từ đó Red Lantern đoạt được vô số những giải thưởng quốc tế khác.

ANH HÙNG (2002)

TNM đã từng phát biểu: “Bất cứ đạo diễn Trung Quốc nào cũng đều ao ước được làm một phim võ hiệp trong đời”. Ông cũng không phải là một ngoại lệ. Từ khi bước chân vào điện ảnh cho đến khi lừng danh quốc tế, TNM luôn ấp ủ trong lòng ước mơ đó.

Ông gần như tìm đọc bằng hết các tác phẩm trong kho tàng truyện võ hiệp đồ sộ của Trung Quốc, nhưng không có câu chuyện nào làm cho ông hài lòng. Từ trước đến giờ, TNM chỉ toàn làm phim dựa theo một tác phẩm văn học hoặc trên kịch bản của người khác. Lần này, TNM quyết định sẽ tự hư cấu một câu chuyện kiếm hiệp của chính mình lấy tựa là Anh hùng, và viết kịch bản chung với hai nhà biên kịch khác.

Poster phim Anh hùng

TNM hư cấu một câu chuyện về các thích khách thời Chiến quốc, với mục tiêu là ám sát Tần Vương. Điều khác lạ ở đây là TNM có một cái nhìn khác sử sách, ông bày tỏ thiện cảm về nỗi ưu tư của Tần vương trong việc nhất thống giang sơn, lúc ấy đang bị Liệt quốc chia năm xẻ bảy, đẩy nhân dân vào cảnh sinh linh đồ thán.

Anh hùng là dự án nhiều tham vọng nhất của TNM, mang tầm vóc siêu phẩm sử thi, quy tụ tất cả các anh hào sáng giá của điện ảnh Hoa ngữ: Lý Liên Kiệt, Lương Triều Vỹ, Trương Mạn Ngọc, Chương Tử Di, Chân Tử Đan. 30 triệu USD là kinh phí đầu tư lớn nhất cho một bộ phim Hoa ngữ vào thời điểm đó.

Khi Anh hùng đang chuẩn bị bấm máy thì năm 2001, bộ phim võ hiệp Ngọa hổ tàng long của đạo diễn Lý An khuấy đảo phòng vé thế giới, và đặc biệt hốt bạc tại thị trường Mỹ. Chỉ trong một thời gian ngắn, Ngọa hổ tàng long đã trở thành bộ phim nước ngoài ăn khách nhất mọi thời đại tại thị trường Mỹ, được đề cử 10 giải Oscar (đoạt 4 giải) và vô số những giải thưởng quốc tế khác.

Thành công của Ngọa hổ tàng long càng thúc đẩy niềm tin của các nhà đầu tư, nhưng lại làm cho TNM… trăn trở. Nếu thất bại thì bị đem ra so sánh, còn thành công sẽ bị tiếng ăn theo Lý An. Điều này đặt TNM trước một sức ép cực lớn và ông nung nấu quyết chí phải làm một điều gì đó khác biệt.

Anh hùng thành công lớn nhất về doanh thu nội địa (chỉ đứng sau Titanic) lẫn toàn cầu (155 triệu USD) của một bộ phim đại lục (chỉ riêng ở thị trường Mỹ, bộ phim đã mang về 53,5 triệu USD). Điều này mang lại sự phấn khích cho điện ảnh Trung Quốc với quyết tâm vận động hành lang để Anh hùng được đề cử Oscar. Thậm chí, trước đó, hãng Miramax định dời thời điểm phát hành Anh hùng ở thị trường Mỹ sau vài năm, vì sợ ảnh hưởng của Ngọa hổ tàng long còn quá lớn. Nhưng trước sức ép của cơ quan thẩm quyền điện ảnh của Trung Quốc, hãng Miramax buộc phải phát hành giới hạn bộ phim trong một tuần để đủ điều kiện tham gia đề cử.

Cuối cùng Anh hùng cũng lọt vào danh sách Top 5, tuy nhiên ai cũng biết chắc Viện Hàn lâm sẽ không bao giờ bỏ phiếu cho thể loại phim võ hiệp thắng giải Oscar 2 năm liên tiếp. Và kết cuộc đúng là như vậy. Nếu để lùi lại vài năm như Miramax đã làm, biết đâu cơ may của TNM sẽ khác?

Đối với TNM, ông đã có đầy đủ mọi vinh quang. Đối với Oscar, ông đã 3 lần tiến gần đến. Nhưng để cầm được tượng vàng trong tay sao mà gian nan thế!

Đón xem kỳ tới: 1993 - Năm thăng hoa của điện ảnh châu Á và… Việt Nam!

Bá Vũ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link