Kịch phỏng theo 'vụ án Nguyễn Thanh Chấn' hút khách

16/08/2014 08:11 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Sân khấu phải luôn ra mắt các vở mới, ấy là chuyện bình thường, thế nhưng hơn 10 ngày qua, Kịch Sài Gòn chỉ sáng đèn với một vở Tử hình (KB: Đăng Minh, ĐD: NSND Trần Ngọc Giàu), mỗi tuần 9 suất, thì cũng hơi lạ…

Theo nghệ sĩ Mạnh Tràng (người điều hành Kịch Sài Gòn) thì vở Tử hình được chắt lọc từ vụ án ở tù 10 năm đầy oan trái của ông Nguyễn Thanh Chấn (con một liệt sĩ ở tỉnh Bắc Giang), mà báo chí và dư luận đã đề cập rầm rộ. “Bên cạnh đó, chúng tôi còn cài cắm thêm nhiều vụ án oan sai khác, để nói lên rằng cuộc sống không chỉ có màu hồng, nên luôn cần sự đấu tranh. Ông Chấn sau khi ra tù còn được gửi đơn tố cáo hành vì đánh đập, ép cung, đòi bồi thường nhân phẩm, ông Phú của vở Tử hình ra tù trong tình trạng bị câm, vợ bị què, gia đình tan nát, nên cả nhà phải đi bán vé số”.

Oan sai còn nghiệt ngã hơn tử hình

Từ cái chết không rõ ràng của cô chủ quán trẻ và chiếc dép để lại hiện trường của anh Phú (Mạnh Tràng thủ vai), một mức án tử hình đã dễ dàng được đưa ra. Sau nhiều lần kháng cáo, trong đó có cả việc viện dẫn đến yếu tố nhân thân (cha mẹ đều là liệt sĩ), Phú mới được hưởng án nhẹ hơn: tù chung thân. Uất ức vì oan sai nên Phú đã cắn lưỡi đến mức bị câm, rồi mấy lần tử tự bất thành. Thông điệp lớn nhất của vở này là: Oan sai còn cay đắng, nghiệt ngã hơn án tử hình.


Một lớp diễn trong Tử hình. Ảnh: TL

Tất nhiên nếu chỉ dừng lại ở khía cạnh hình sự đơn thuần thì chẳng có gì để xem, vì các vụ án kiểu này đã xuất hiện nhan nhản trên báo chí. Bằng tiết tấu nhanh mạnh, bất ngờ, kết hợp với yếu tố ma quái nhuần nhuyễn, Tử hình đã đảm bảo được sự dày dặn, lôi cuốn. Đạo diễn Trần Ngọc Giàu đã cho thấy bản lĩnh nghề nghiệp khi kết hợp đúng liều lượng các yếu tố vốn khó gần nhau: điều tra hình sự với chất ma quái; kịch phê phán xã hội với tính hài hước.

Câu hỏi đọng lại khi khán giả rời rạp: Sau 10 năm ở tù oan, liệu một gia đình tật nguyền như ông Phú sẽ tái hòa nhập với cuộc sống thế nào? Án oan sai đã được giải, danh dự của một gia đình liệt sĩ đã được phục hồi, nhưng liệu tuổi già và xã hội có quay lưng hoặc chống lại họ?

Xác lập kỷ lục sáng đèn

Một tuần với 9 suất diễn, dù không cố gắng thi thố, nhưng Tử hình đang vượt khả năng bán vé của Dạ cổ hoài lang (KB: Thanh Hoàng, ĐD: Công Ninh) - vở kịch ăn khách ra mắt cách đây đúng 20 năm tại Kịch 5B, TP.HCM. Xét về khả năng sáng đèn và bán vé, thì Dư luận quần chúng, Dạ cổ hoài lang, Người vợ ma… là những cột mốc khó vượt qua của kịch nói Việt Nam từ 1975 đến nay.

Nói không cố gắng thi thố, vì Kịch Sài Gòn là sân khấu kịch duy nhất ở Việt Nam sáng đèn 7 ngày trong tuần, có vô số tuần phải diễn đến 9 hoặc 10 suất. Điều này vẫn được minh chứng trong 3 năm qua, khi sân khấu này chuyển từ vị trí cũ, được cho là lý tưởng hơn (ở Pasteur, quận 1) về 130 Cao Thắng, quận 3.

Một điều cũng cần lưu ý nữa, Kịch Sài Gòn có nhiều nghệ sĩ từng trải, giỏi nghề, nhưng hiện thiếu hẳn ngôi sao. Mạnh Tràng, Hữu Nghĩa, Tấn Hoàng, Việt Hà… chưa phải là sức hút, vậy mà vẫn bán vé được, kể cũng lạ. Cho nên, xin chưa bàn đến xu hướng dựng vở và “gu” của khán giả, việc một sân khấu tư nhân duy trì được phong độ như Kịch Sài Gòn là đáng chú ý, vì Việt Nam chưa có nơi nào làm được.

Kịch mục hiện khá phong phú, ngoài vở mới là Tử Hình, họ còn luân phiên sáng đèn Biệt thự cuối đường số 13, Cái chết bí ẩn, Kinh hoàng ma nữ, Ma da, Lò heo quay, Hồn ơi, Cứu em, Oan hồn, Áo cho người chết, Hồn ma báo oán…

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link