Đồng lòng phơi bày sự thật!

23/03/2012 08:34 GMT+7


(TT&VH Cuối tuần) - Vài ngày sau khi TT&VH Cuối tuần đăng tải bài viết 40 năm kiệt tácThe Godfather: Hậu trường li kỳ của một siêu phẩm, Ban Biên tập báo nhận được một email có đuôi aol gửi từ nước Mỹ. Kinh ngạc hơn khi tác giả của những dòng thư ấy tự giới thiệu mình là… Francis Ford Coppola, cha đẻ của Bố già!

Thư viết (dịch sang tiếng Việt):

Gửi các bạn Việt Nam quý mến

Tôi thực sự cảm động và bất ngờ khi đúng vào dịp sinh nhật tứ tuần của Bố già nhận được món quà tuyệt vời từ đất nước Việt Nam xa xôi, chính là bài viết của các bạn. Nói thật nhé, tôi chẳng lạ gì nữa, đã và sẽ có vô số bài báo viết về Bố già trong dịp này. Cũng như bất cứ sự kiện hay nhân vật nổi tiếng nào, còn sống hay đặc biệt đã qua đời, thì ngày sinh hay ngày chết của họ đều là mồi ngon cho giới truyền thông có biệt tài cứ mỗi năm lại phát hiện ra thêm “những điều chưa biết” về sự kiện hay nhân vật mà ai cũng biết ấy. Bố già của tôi cũng chả thoát.

Không chờ đợi, vậy mà tôi bất ngờ khi đọc bài báo của các bạn. Nó làm tôi sống lại thời gian 40 năm huy hoàng trước đây, và không những thế, nó còn giúp tôi chia sẻ được phần nào bao điều ấm ức về cái nghề làm phim khốn kiếp ở Hollywood. Với những người mon men tới Hollywood ở cái Universal Studio, thì Hollywood tha hồ vẽ vời: nào là nơi sản xuất các giấc mơ, nào là nơi các đạo diễn làm vua… Nhưng thực sự, đúng như những gì tác giả bài báo tiết lộ (mà mới chỉ là tiết lộ một phần sự thật thôi nhé), với tôi, mỗi bộ phim đúng là nằm mơ, nhưng mà là mơ thấy… ác mộng. Chúng tôi, tức ê-kíp làm phim, cãi nhau suốt ngày, từ khi viết kịch bản đến lúc casting vai diễn, cãi nhau trên phim trường, cho tới sát ngày công chiếu còn cãi nhau xem liệu khán giả có tới rạp không nhất định Bố già phần II không chịu đổi tên? Tức là bất đồng quan điểm đấy. Là mất đoàn kết. Phim càng to, tức là càng nhiều người liên quan, bất đồng càng lớn, mất đoàn kết càng nghiêm trọng. Bởi vậy làm phim ở Hollywood vô cùng mệt mỏi.

Thế nên tôi vô cùng kinh ngạc và ngưỡng mộ khi biết (cũng nhờ báo chí Việt Nam) ở đất nước các bạn có một ê-kíp làm phim đồng lòng cao độ, đoàn kết tuyệt đối đến cả một chi tiết nhỏ trong một cảnh rất ngắn của phim như thổ lộ của ngài đạo diễn đáng kính. Tôi tò mò muốn biết, cái chi tiết đắt giá trong phim ấy là loại chi tiết gì mà lấy được sự đồng lòng của cả một đám đông mà mỗi người là một chủ thể sáng tạo như vậy? Và suy nghĩ mãi, tôi cũng không tài nào hiểu được vì sao đoàn làm phim đồng lòng như vậy để đưa cảnh đó lên màn ảnh, mà báo chí và người dân các bạn lại rùng rùng phản đối?

Các bạn có thể giúp ông già 72 tuổi này giải tỏa được những nỗi băn khoăn cuối đời này không?

Thân ái,

“Bố già”.

Một ngày sau khi chuyển lá thư của Coppola cho đạo diễn bộ phim có ê-kíp đồng lòng cao độ nói trên, chúng tôi nhận được thư trả lời, như sau (bằng tiếng Việt):

Ngài Francis Ford Coppola,

Đoàn làm phim chúng tôi đồng lòng cảm kích trước sự quan tâm của ngài đối với bộ phim của chúng tôi. Cũng chả lạ, bây giờ cả nước đang quan tâm tới bộ phim của chúng tôi, dù mới chiếu tới tập thứ 3 thôi. Trước đó thì chả ai buồn để ý, vì ngài biết đấy, phim truyền hình giờ vàng của chúng tôi bây giờ nhan nhản như tiệm vàng hồi chưa xảy ra liên tục các vụ cướp đến mức nhiều khán giả gọi kháy là “phim giờ vàng rỉ”, giờ lại phải cạnh tranh với đủ kiểu thi thố trên truyền hình vừa tài năng vừa tài ném đá, nên nhan sắc trung bình không có gì đột biến thì khó được để mắt lắm. Thế mà chỉ cần chúng tôi cân nhắc rất kỹ, đồng lòng đưa “cảnh ấy” lên màn hình, chỉ một đoạn ngắn thôi, thì cả nước nhảy vào quan tâm, báo chí đưa tin bài tấp nập không cần phí PR, băng đĩa lậu, mạng xã hội tím đen đua nhau cắt dán đưa lên câu khách. Kể ra chút để ngài thấy được giá trị của việc đồng lòng của chúng tôi.

Ngài tò mò không biết cái chi tiết đắt giá trong phim ấy là loại chi tiết gì mà lấy được sự đồng lòng của cả đoàn làm phim ư? Dễ ợt, đúng bài bản luôn: phơi bày sự thật. Chúng tôi chỉ đồng lòng phơi bày sự thật thôi, có làm gì đâu? Mà sự thật này cũng thường thôi. Tụi trẻ ăn chơi xa xỉ, đứa con gái đổ rượu vào ngực mình để đứa con trai thè lưỡi ra và liếm từ vùng ngực lên tận cổ đứa con gái. Đấy, ngài thấy, như thế có gì ghê gớm đâu, nó chỉ phản ánh thực tế cuộc sống nhiều cạm bẫy của giới trẻ hiện nay, qua đó rung hồi chuông báo động tới các bậc phụ huynh thôi mà. Sắp tới, để cảnh báo các vụ tai nạn tàu hỏa đâm xe liên tiếp trong thời gian qua, chúng tôi đồng lòng làm bộ phim hành động với những cảnh quay nát bét trên đường ray. Để cảnh báo những tiệm vàng hớ hênh, chúng tôi đồng lòng sẽ đưa những chi tiết đắt giá trong vụ Lê Văn Luyện lên màn ảnh. Chúng ta không thể quay lưng với sự thật. Chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật, phải không thưa ngài Coppola?

Cũng giống như ngài, chúng tôi đồng lòng không tài nào hiểu được vì sao chúng tôi đồng lòng như vậy để đưa cảnh đó lên màn ảnh, mà báo chí và người dân lại rùng rùng phản đối, bảo chúng tôi là làm phim gợi dục? Chúng tôi phơi bày sự thật, ai thấy gợi là tự họ gợi lên chứ đâu phải tụi tôi. Mà bây giờ thiên hạ họ nhạy cảm chuyện “dục” lắm thưa ngài. Cô hoa hậu đẹp thế chụp hình với bộ áo dài mong mỏng tí mà họ đã quy kết là “dâm hóa áo dài”. Bộ phim bài tập của sinh viên có những cảnh nóng thì bị họ dán nhãn “phim tự sướng”.

Họ lại bảo tại phim chúng tôi là phim truyền hình, chiếu cho mọi đối tượng, trong đó có cả trẻ em thì phải kiểm soát. Nhưng chúng tôi đồng lòng nghĩ rằng, nếu không cho trẻ em tận mắt thấy sự thật này thì các em sẽ càng dễ rơi vào cạm bẫy. Ngài cứ theo dõi báo chí Việt Nam mà xem, dạo này tin trẻ em, trẻ vị thành niên bị hành hạ, hiếp dâm có vẻ ngày càng nhiều. Thế mà họ lại bảo chúng tôi vẽ đường cho hươu chạy. Đúng đấy, phải vẽ cho chúng đường chạy để chúng thoát chứ, chẳng lẽ để chúng mắc bẫy hay sao?

Ngài nói làm phim ở Hollywood vô cùng mệt mỏi vì không có sự đồng lòng. Ở Việt Nam chúng tôi, cả ê-kíp làm phim đồng lòng, mà cũng mệt mỏi chả kém gì ngài đâu, ngài Coppola ạ. Chúng tôi còn chịu sự bất công nữa chứ. Các ngài cãi nhau lúc làm phim, nhưng khi phim chiếu thì khán giả lại đồng lòng tấm tắc khen phim ngài đến cả 40 năm sau. Còn chúng tôi, như ngài thấy đấy, đồng lòng cân nhắc thật kỹ với từng cảnh nhỏ trên phim, vậy mà khán giả lại phản đối rầm rầm, đòi cắt phim, dán nhãn chúng tôi. Làm phim ở Việt Nam khó lắm, không dễ dàng như Hollywood đâu. Bởi vậy mà cả năm chúng tôi chỉ chọn được trên dưới 10 phim dự thi Cánh diều, giải thưởng danh giá chả thua gì Oscar của các ngài. Đấy là chúng tôi đồng lòng, chứ nếu không, chắc chả có phim nào để chấm…

Tạm biệt ngài,

Đoàn làm phim đồng lòng.

Chuyên gia GPRS

(Người chuyên viết chuyện đùa như thật của làng showbiz)

>> Đọc tất cả các bài của GPRS, người viết chuyện đùa như thật về showbiz


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link