Hoàng Sa - Trường Sa vào truyện tranh

26/09/2013 09:31 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Hôm qua 25/9, công ty Phan Thị đã có buổi họp báo ra mắt tập đầu tiên về bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt Hoàng Sa - Trường Sa: Khẳng định chủ quyền (NXB ĐH Sư phạm TP.HCM). Đây là bộ truyện tranh được thực hiện trong kế hoạch quảng bá về biển đảo của đơn vị này.

Dự kiến các tập tiếp theo sẽ phát hành cách nhau 3 tháng 1 tập. Tập hai của bộ truyện tranh này mang tên Lãnh thổ An Nam đang trong giai đoạn hoàn tất để kịp phát hành vào tháng 12/2013.

Lồng kiến thức lịch sử vào truyện tranh

Bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt của công ty Phan Thị khá nổi tiếng trong nhiều năm nay với các nét vẽ ngộ nghĩnh và câu chuyện lôi cuốn người đọc. Đây là lần đầu tiên Phan Thị đưa các nhân vật “thần đồng” hướng đến chủ đề về biển đảo Hoàng Sa - Trường Sa.

Trong tập một Khẳng định chủ quyền của bộ truyện này, câu chuyện được xây dựng xoay quanh bốn nhân vật nhỏ tuổi: Tý, Sửu, Dần, Mẹo cùng với nàng công chúa trong vương triều Nguyễn khám phá về Hoàng Sa - Trường Sa. Ngoài các trò tinh nghịch của các bạn nhỏ, tập truyện đã lồng vào khá nhiều kiến thức về những nhân vật, sự kiện, hình ảnh… nhằm khẳng định Hoàng Sa - Trường sa là của Việt Nam được xác lập từ thời các chúa Nguyễn.

Tập 1 của bộ truyện tranh

Ví dụ ở trang 30, các bạn nhỏ sau khi vào “Quốc sử quán” triều Nguyễn đùa nghịch đã tìm thấy tấm bản đồ vẽ “Bãi cát vàng” tức Hoàng Sa và thốt lên ngạc nhiên: “Nhìn đi! Trong Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư do Đỗ Bá Công Đạo soạn năm 1686 có phần vẽ và chú thích tỉ mỉ về “Bãi cát vàng” nè! Hay quá”.

Hoặc kiến thức về lá cờ “Long tinh kỳ” đầu tiên của Việt Nam tại Hoàng Sa: “Một sự kiện nổi bật và có ý nghĩa quan trọng nhất trong tiến trình khẳng định chủ quyền của quốc gia trên hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa có liên quan đến Long tinh kỳ, đã xảy ra vào năm 1816, là việc vua Gia Long đích thân làm lễ thượng cờ và cắm mốc chủ quyền trên Hoàng sa, sau một loạt hoạt động như vãng thám, đo đạc thủy trình và vẽ bản đồ Hoàng Sa”.

Có thể nói, chỉ hơn 100 trang sách, nhưng kiến thức về lịch sử Hoàng Sa - Trường Sa có khối lượng khá lớn.

Tài liệu chuẩn xác cho truyện tranh

“Những gì gây ấn tượng khi còn thơ sẽ khắc ghi trong tâm khảm và trở thành những dấu son không phai mờ theo năm tháng”

Thông tin từ Phan Thị cho biết, ngoài tập 1 vừa phát hành, tập 2 (Lãnh thổ An Nam đang hoàn tất, dự kiến phát hành tháng 12/2013), thì hai tập 3 và 4 còn đang được xây dựng câu chuyện. Việc tìm kiếm tài liệu để làm bộ truyện tranh này được thực hiện rất công phu, để đảm bảo sự chuẩn xác về những cứ liệu lịch sử. Các tài liệu được dùng phục vụ từng chủ đề của mỗi tập truyện, ví dụ: Chiến thuyền nhà Nguyễn, Hùng binh biển đảo, Trương Long Văn Hầu…

Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã, người đọc và thẩm định tập 1 bộ truyện, cho biết: “Tôi khẳng định những tài liệu được đưa vào tập 1 Thần đồng đất Việt Hoàng Sa - Trường Sa: Khẳng định chủ quyền là hoàn toàn chuẩn xác. Điều này thể hiện sự nghiêm túc của những người làm bộ truyện với hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa”.

Tiến sĩ Nguyễn Nhã đánh giá: “Những gì gây ấn tượng khi còn thơ sẽ khắc ghi trong tâm khảm và trở thành những dấu son không phai mờ theo năm tháng. Hình ảnh nàng công chúa trong tập truyện tranh Thần đồng đất Việt tìm hiểu về lịch sử đội dân binh Hoàng Sa kiêm quản đội Bắc Hải đi làm kinh tế biển và phối hợp cùng thủy quân nhà Nguyễn đo đạc thủy trình, dựng bia chủ quyền trên Vạn Lý Trường Sa cũng sẽ tạo dấu ấn một cách mạnh mẽ cho tuổi trẻ hôm nay về chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như ước nguyện phát triển kinh tế biển, xây dựng Việt Nam trở thành cường quốc biển một ngày không xa”.

Thanh Kiều
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link