11/01/2017 15:00 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Nhiều hạng mục như: cổng Đại trung, giếng Thiên Quang, nhà Đình bia, tường bao...trong di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám vừa được quét vôi “làm mới”, mất đi vẻ rêu phong vốn có, khiến dư luận băn khoăn.
* Màu vôi phù hợp với di tích
Ngay khi biết thông tin về việc tu sửa di tích Văn Miếu, PGS. TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội di sản văn hoá Việt Nam đã đến đây và chia sẻ quan điểm: “Việc quét vôi cho di tích này được làm ở những bức tường ngăn, tường rào mà trước đây có xây gạch và trát vữa. Đây là một biện pháp duy tu bảo dưỡng, bảo quản để cho các bức tường trát vữa ở di tích không bị hỏng là một biện pháp đúng khoa học. Việc dùng vôi ta và màu trắng xám, rất phù hợp với di tích. Hơn nữa lại được làm trước Tết, đã tạo một sắc thái mới cho khu di tích được khởi sắc trong mùa xuân”.
Việc quét được tiến hành ở các bức tường xây trát vữa. Còn tường xây bằng gạch mộc vẫn giữ nguyên
“Ngay khi bước chân vào Văn Miếu tôi cũng thấy ngỡ ngàng vì khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám được khởi sắc theo chiều hướng đúng khoa học. Vì vậy, việc quét vôi cho di tích này là việc làm đáng khích lệ, hoan nghênh. Tôi nghĩ ban quản lý khu di tích này cần xây dựng quy trình duy tu bảo dưỡng thường xuyên theo đúng khoa học và không cần xin ý kiến ai nữa, để không còn những hiểu lầm...” – ông Bài nói.
Chia sẻ quan điểm về “nét cổ kính bị mất đi khi quét vôi”, PGS. TS Đặng Văn Bài nhấn mạnh: “Nếu quan niệm việc quét vôi ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám làm mất đi nét cổ kính của di tích này thì đó là quan điểm sai lầm về mặt khoa học...
Khi chúng tôi quét vôi lại ở Tháp Rùa, dư luận cũng ồn ào như thế. Xin nhấn mạnh thêm, duy tu bảo dưỡng là một nguyên tắc phải được thực hiện. Tôi rất lấy làm tiếc, vì đơn vị thực hiện duy tu bảo dưỡng cẩn thận quá mức.
Nhân dịp này, đáng nhẽ cần trát lại những chỗ bong tróc ở cả cổng chính của Văn Miếu và quét vôi bảo dưỡng hoàn chính giống như các bức tường ngăn thì mới đẹp.
Mỗi một di tích giống một gia đình, vài ba năm lại quét vôi bảo dưỡng một lần để duy trì bảo dưỡng công trình kiến trúc, chứ không phải là vi phạm yếu tố gốc. Về mặt thẩm mỹ, màu vôi mới được quét lại giống với màu của di tích trước đây mà tôi đã thấy”.
Theo PGS. TS. Đặng Văn Bài cổng chính của Văn Miếu cần trát lại những chỗ bong tróc và quét vôi như các bức tường rào thì mới đẹp
Chia sẻ quan điểm với PV báo Thể thao & Văn hóa, TS Lê Thị Minh Lý, Ủy viên BCH Hội di sản Văn hóa Việt Nam nói: “Tôi đã xem các hình ảnh chia sẻ trên báo chí và nghe trả lời của Giám đốc Văn Miếu trên truyền hình. Tôi thấy việc họ thực hiện bảo quản định kỳ/phòng ngừa bằng phương pháp truyền thống là có cơ sở khoa học. Biện pháp bảo quản định kỳ theo cách này đã được Viện Bảo tồn di tích, một cơ quan khoa học thực hiện”
“10 năm về trước, cổng Ô Quan Chưởng được gia cố, trùng tu và bảo quản, để diệt cây dại, nấm mốc ăn càng ngày càng sâu vào di tích, Viện Bảo tồn di tích đã tiến hành một số giải pháp khi đó cũng có một số ý kiến thắc mắc về việc màu sắc di tích bị thay đổi.
Hiện nay thì cổng đó đã được gia cố vững hơn, nguy cơ cây, nấm xâm nhập vào bên trong giảm thiểu và màu sắc trở lại như trước sau đó không lâu. Thực tế cho thấy giải pháp của họ phù hợp với thực trạng của di tích Văn Miếu”, TS Minh Lý cho hay.
Các chuyên gia cho rằng, quét vôi bảo dưỡng Văn Miếu là việc làm khoa học
* “Chúng tôi không tự ý làm”
Đó là khẳng định của ông Lê Xuân Kiêu, GĐ TT hoạt động VH-KH Văn Miếu - Quốc Tử Giám về việc quét vôi bảo tồn di tích. Theo ông Lê Xuân Kiêu, ít nhất 3 năm gần đây hệ thống tường rào xung quanh di tích, tường nhà các khu vực… không được vệ sinh định kỳ nên bong tróc, rêu phủ lớp dày.
Chính vì vậy, Trung tâm Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã mời Trung tâm kỹ thuật công nghệ bảo tồn di tích (thuộc Viện Bảo tồn di tích) vào khảo sát và tư vấn vệ sinh ngay cấu kiện và quét vôi trang trí lại lên những tường bị rêu bao phủ để tránh tình trạng xuống cấp.
Trung tâm đã báo cáo thực trạng lên Sở VH&TT Hà Nội, sau đó Sở tiếp tục xin ý kiến và được sự đồng ý của UBND TP cho chủ trương vệ sinh cấu kiện gỗ có sơn son thiếp bạc, phủ hoàn kim tại Bái đường, hậu cung khu Văn Miếu…
Giám đốc Trung tâm Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám khẳng định kỹ thuật quét vôi truyền thống pha với than bùn là cách mà các di tích ở Hà Nội như đền Ngọc Sơn vẫn thường xuyên làm hàng năm. Kỹ thuật này không sử dụng hóa chất nên chỉ cần qua Tết Nguyên đán Đinh Dậu – 2017, màu xám trắng sẽ trầm thêm xuống và có thể lại mốc rêu trở lại.
“Màu gốc di tích của một số hạng mục với màu hiện nay là giống nhau, chỉ có khác là những chỗ chưa làm lại thì bị nấm mốc còn những chỗ được quét vôi rồi thì sẽ sáng hơn. Với điều kiện khí hậu nhiệt đới của Việt Nam, sau một vài trận mưa, một thời gian sau sẽ lại ngả màu và trở lại như xưa. Đến khi quá bẩn thì chúng tôi lại tiến hành quét vôi lại”- ông Lê Xuân Kiêu chia sẻ.
An Như
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất