50 bệnh viện sẽ tăng giá viện phí với người chưa có thẻ bảo hiểm y tế

01/06/2017 12:56 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Tổng chi phí chi trả của người chưa có bảo hiểm y tế sẽ tăng khoảng 10% so với giá dịch vụ khám chữa bệnh hiện đang áp dụng cho người không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế khi các bệnh viện tăng giá viện phí từ ngày 1/6, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế cho biết.

Tổng chi phí chi trả của người chưa có bảo hiểm y tế sẽ tăng khoảng 10%

Ông Nguyễn Nam Liên cho biết, theo ước tính, so với giá dịch vụ khám chữa bệnh hiện đang áp dụng cho người không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế khi tăng từ ngày 1/6 có tính thêm chi phí tiền lương (bao gồm cả phụ cấp đặc thù theo Quyết định 73/QĐ-TTg), sau khi tăng giá dịch vụ y tế, tổng chi phí khi khám chữa bệnh với người tự chi trả ước tăng trung bình khoảng 10%.

Thông tư 02/2017/TT-BYT của Bộ Y tế quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2017. Tuy nhiên, không phải từ ngày 1/6/2017, tất cả các bệnh viện trên toàn quốc thực hiện mức giá tối đa này. Bộ Y tế sẽ quy định mức giá và thời điểm thực hiện cụ thể tại các bệnh viện thuộc Bộ Y tế, bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1 thuộc các bộ, ngành quản lý. UBND cấp tỉnh trình HĐND cấp tỉnh quy định mức giá và thời điểm thực hiện đối với các bệnh viện thuộc địa phương quản lý và các bệnh viện do các bộ, ngành khác quản lý từ hạng 2 trở xuống.

Chú thích ảnh
Đăng ký khám chữa bệnh cho người không có thẻ BHYT tại Thanh Hóa. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN

Thời điểm thực hiện tại mỗi đơn vị, địa phương sẽ khác nhau tùy thuộc vào quyết định của cấp có thẩm quyền. Tuy nhiên, Thông tư 02 cũng quy định đến hết năm 2017 phải thực hiện mức giá này trên cả nước. Trước mắt, từ ngày 1/6, khoảng 50 bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1 thuộc Bộ Y tế và thuộc các bộ, ngành sẽ điều chỉnh tăng.

Theo Bộ Y tế, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo lộ trình từng bước, thận trọng, không thực hiện điều chỉnh đồng loạt mà có phân chia tiến độ, điều chỉnh giữa các đơn vị, địa phương cho phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế và thu nhập của người dân, góp phần thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Như vậy theo lộ trình, 30 tỉnh sẽ thực hiện vào tháng 8/2017, 15 tỉnh thực hiện vào tháng 10/2017 và 18 tỉnh thực hiện vào tháng 12/2017. Thành phố Hà Nội sẽ triển khai thực hiện Thông tư 02 trong tháng 8/2017. Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thực hiện vào tháng 10/2017.

Tham gia bảo hiểm y tế để không bị nghèo hóa khi ốm đau

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện nay, 81,7% dân số với gần 76 triệu người đã có thẻ bảo hiểm y tế. Như vậy, khoảng 18% dân số chưa tham gia bảo hiểm y tế sẽ chịu tác động của việc điều chỉnh giá viện phí này.

Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Ngọc Hiền cho biết, từ tháng 3/2016, Bệnh viện đã áp dụng mức viện phí này với người bệnh có bảo hiểm y tế và trong hơn 1 năm qua, tổng chi mà bảo hiểm y tế chi trả cho bệnh viện tăng khoảng 10%.

“Mức tăng này chủ yếu là ở giá dịch vụ kỹ thuật, còn lại 60-65% chi phí y tế là tiền thuốc và vật tư y tế vẫn giữ ổn định. Điều này chứng tỏ mức tăng giá dịch vụ kỹ thuật khá cao và khi áp dụng với người bệnh chưa có bảo hiểm, nhiều người sẽ khó khăn”, ông Hiền cho biết.

Cũng theo ông Hiền, người chưa có bảo hiểm y tế chiếm khoảng 20% người điều trị nội trú, nhiều người trong số này bệnh nặng, chi phí lớn, có người không có khả năng chi trả. Theo lộ trình, Bệnh viện Bạch Mai sẽ áp dụng viện phí mới sau ngày 1/6, những người bệnh này sẽ càng khó khăn hơn.

 Luật Bảo hiểm y tế: Bảo đảm quyền lợi của người bệnh

Luật Bảo hiểm y tế: Bảo đảm quyền lợi của người bệnh

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (gọi tắt là Luật Bảo hiểm y tế) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2015 với rất nhiều quy định mới nhằm tiến tới thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân.

Theo các chuyên gia, Thông tư 02 không làm ảnh hưởng đến người có thẻ bảo hiểm y tế, người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội vì các đối tượng này đã được nhà nước mua thẻ bảo hiểm y tế và được Bảo hiểm xã hội thanh toán chi phí khám chữa bệnh theo quy định. Nhà nước đã thực hiện một số giải pháp như: nâng mức hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho người cận nghèo; nâng mức hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho người làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình từ 30% lên 50 - 70%. Khi thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ, Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ, ngành báo cáo Thủ tướng chỉ đạo các tỉnh sử dụng ngân sách y tế của địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để hỗ trợ thêm cho người cận nghèo...

Tuy nhiên, đối với các đối tượng chưa có thẻ bảo hiểm y tế, ông Nguyễn Nam Liên cho rằng, giải pháp chính để giảm thiểu số người có thể nghèo hóa hoặc rơi vào tình huống chi trả chi phí y tế ở mức thảm họa là tham gia bảo hiểm y tế.

Thời gian vừa qua, việc thực hiện đối với người chưa có thẻ bảo hiểm y tế chậm hơn, nhằm giúp họ có thêm một khoảng thời gian cân nhắc thấy được tính nhân văn, lợi ích của bảo hiểm y tế. Vì vậy, việc ban hành Thông tư 02 cũng nhằm mục tiêu để mọi người dân thấy được cần phải tham gia bảo hiểm y tế để đề phòng không may ốm đau sẽ được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả, hạn chế chi trả từ tiền túi khi đi khám chữa bệnh.

P.V

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link